• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Yên Thành Vĩnh Hòa, làng bánh chưng hối hả dịp vào tết

HMO

Administrator
Staff member
Người dân không ai nhớ rõ nghề bánh chưng ở Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành xuất hiện vào khoảng thời gian nào nhưng theo lời của các cụ ông cụ bà thì làng nghề đã có khoảng hơn 20 năm trước.
Đến Vĩnh Hòa những ngày này có thể cảm nhận rõ không khí Tết đang đến rất gần. Trong từng hộ gia đình, già trẻ gái trai đều được phân công làm bánh để phục vụ những nồi bánh chưng đáp ứng nhu cầu ngày tết.

Những em bé thì lau lá, người già thì chẻ lạt còn thanh niên thì ngâm nếp, đãi nếp làm nhân gói bánh và đem đi nhập. Nhà nào cũng tất bật gói bánh, từng nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm đậm đà, khiến ai ngang qua đây cũng đều nhớ mãi.

Không thể bước tiếp thêm nữa, chúng tôi ghé vào nhà bà Lê Thị Sâm (47 tuổi), một giáo dân có thâm niên hơn 20 năm làm nghề gói bánh. Lúc này, bà Sâm cũng đang tất bật cho việc gói mớ bánh mới.

Vừa thoăn thoắt với đôi bàn tay khéo léo, bà Sâm cho chúng tôi biết, hầu hết người dân trong xóm đều theo nghề bánh chưng. Tuy nhiên, để nói về lịch sử của làng nghề thì không ai rõ. Chỉ nghe các cụ ông cụ bà đi trước nói rằng nghề này đã có cách đây hơn 20 năm. Các thành viên trong gia đình bà cũng đều theo nghề này.

Bà Lê Thị Sâm đang gói bánh chưng đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Được biết, Vĩnh Hòa là một vùng giáo xứ. Trong thời kì chiến tranh, tại đây lương thực bị cấm chế biến thành các loại bún, bánh. Vì vậy bánh chưng Vĩnh Hòa bị ngưng một thời gian khá lâu, nhưng sau thời kì mở cửa nhân dân cả nước có cơ hội để phát triển kinh tế, bánh chưng Vĩnh Hòa lại tiếp tục duy trì và có cơ hội phát triển cho tới ngày nay.

Bà Sâm cho biết thêm, để tạo dựng được thương hiệu bánh, người dân ở đây đặc biệt coi trọng khâu làm bánh kỳ công và bỏ ra nhiều thời gian. Từ chọn nguyên liệu nếp tới lá đùm bánh và chuẩn bị nhân để gói. Mọi công việc chuẩn bị được tiến hành cùng một lúc.

Về yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu bánh của làng nghề đó chính là loại nếp được dùng và nhân bánh. Nếp được dùng là nếp lúa, phải sáng, mịn và do người dân tự trồng ra, nhân bánh phải cân bằng tỉ lệ giữa đậu xanh, thịt ba chỉ ướp với gia vị để không gây cảm giác ngán cho người ăn tạo nên đặc trưng riêng chỉ có ở làng bánh này.

Những chiếc bánh đều được gói bằng đôi bàn tay thủ công mà không cần dùng khuôn nhưng khi hoàn thành đều đẹp, vuông góc và đều nhau.

Không chỉ ở khâu gói bánh mà khâu nấu bánh cũng rất quan trọng. Bánh sau khi gói xong sẽ được cho vào nồi cỡ lớn ngâm khoảng 30 phút trong nước rồi mới bắc lên lò đun lửa nhỏ để bánh có thể chín đều. Mỗi nồi bánh được đun trong khoảng 8 tiếng thường từ lúc 8h tối tới 4h sáng hôm sau là vớt bánh.

Mỗi người mỗi việc để chuẩn bị nguyên liệu cho việc gói bánh.
Chính vì đặc trưng riêng, chất lượng của bánh được người tiêu dùng hài lòng nên năm 2010 xã Vĩnh Hòa được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.

Ông Lưu Đức Bằng, xóm trưởng xóm Vĩnh Hòa cho biết: “Hiện tại, trong xóm có 300 hộ nhưng hầu như hộ nào cũng làm nghề gói bánh chưng với thu nhập gần 30 triệu đồng/người/năm”.

Nhờ có nghề làm bánh chưng truyền thống, cuộc sống của người dân xã Vĩnh Hòa dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt từ khi được công nhận làng nghề, làng bánh chưng nơi đây đã tạo được thương hiệu nức tiếng gần xa.

Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam Bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong đó, bánh được chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau.

Những ngày này, nhà nào cũng bày bán bánh chưng để phục vụ nhu cầu khách hàng.​
Chị Phan Thị Xuân, ở xóm Vĩnh Hòa cho biết, mỗi ngày, chị gói được khoảng 100 chiếc, gói xong lại thức đêm để đun cho bánh chín đều. Vì nhu cầu ngày tết tăng cao nên để đáp ứng cho người tiêu dùng, 3 đứa con gái của chị cũng phụ giúp chị gói bánh. Trung bình, mỗi cặp bánh chưng nấu xong có trọng lượng khoảng 0,4-0,5 kg, giá bán 1 cặp bánh chưng là 20.000 đồng còn bánh tét 25.000 đồng.

Cũng theo bà Lê Thị Sâm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở làm bánh chưng nhưng bánh chưng Vĩnh Hòa có vị riêng chiếm được rất nhiều khách hàng. Những ngày gần tết không khí gói bánh ở đây rất nhộn nhịp. Mỗi ngày xuất ra cả nghìn chiếc bánh để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều đặc biệt, người dân ở đây quan niệm rằng, gói bánh không chỉ để bán mà bánh còn thờ cúng gia tiên, trời đất, vua bếp nên bánh phải ngon và đặc biệt phải sạch tinh khiết.

Thời gian qua, việc mở rộng làng nghề đã tạo việc làm cho nhiều người dân trong làng, giúp kinh tế Vĩnh Hòa phát triển hơn. Nhiều nhà ngói mọc lên, đường lãng ngõ xóm khang trang sạch sẽ, trẻ em được đến trường nhiều hơn và tỉ lệ đậu đại học cao đẳng ngày càng được tăng cao góp phần phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn. Bánh của làng dần dần đã được mọi người biết đến, có nhà đã nhập bánh tới tận các huyện khác trong tỉnh như Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kì, Vinh...
Theo ĐS & PL
 

Ads HMO

Ads HMO

Top