• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Tình yêu bất tử của giảng viên đại học sinh con từ tinh trùng chồng quá cố

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Xuất phát từ tình yêu, chị Hoàng Thị Kim Dung, 35 tuổi, quê TP Vinh, Nghệ An quyết định sinh con từ tinh trùng người chồng quá cố dẫu bạn bè, người thân ngăn cản.

Tình yêu vượt khoảng cách
Mặc dù khó chấp nhận nhưng người chồng mà chị hết mực yêu thương đã vĩnh viễn rời xa. 6 năm kể từ ngày anh ra đi, khoảng thời gian đó không ngắn, không dài nhưng đã có bao sự thay đổi trong cuộc sống của chị. Duy chỉ có

Chị Dung, người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói nhỏ nhẹ, nụ cười có phần ưu tư. Bao năm qua đi, chị vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi buồn. Chồng chị là anh Hồ Sỹ Ngọc, cũng sinh ra ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Hai người bằng tuổi, học chung trường cấp 3, thời đó chỉ biết nhau chứ chưa nảy sinh tình cảm.

Cả hai đi đỗ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, học cùng khóa nhưng khác lớp, đều thuộc hệ chất lượng cao. Rời quê hương lên thành phố lớn học, tình cờ biết nhau cùng học một trường nên cả hai đều lấy làm vui mừng. Như mọi cô cậu sinh viên khác, họ giao lưu bạn bè, có những buổi trà đá chém gió. Càng tiếp xúc, trò chuyện cả hai thấy hiểu và quý mến nhau nhiều hơn.



Chị Hoàng Thị Kim Dung hạnh phúc bên cậu con trai được sinh ra từ tinh trùng người cha quá cố. Ảnh: Ngọc Thi

Họ chính thức yêu nhau từ năm thứ 3 đại học, cả hai là mối tình đầu của nhau. Hồi đó, tình yêu của đôi bạn trẻ khiến nhiều người ngưỡng mộ trầm trồ. Anh Ngọc là một trong những sinh viên có thành tích tốt trong khoa, không kém gì anh, chị Dung, một người con gái thông minh, thành tích học tập cũng rất khá.

Sau khi tốt nghiệp, nghĩ về tương lai xa hơn, chị Dung quyết định sang Pháp du học, chuyên ngành hàng không, vũ trụ. Không ngăn cản, anh Ngọc động viên người yêu cố gắng học tập để thành công trở về. Họ ấp ủ về gia đình nhỏ sau khi cả hai đã ổn thỏa công việc.

Nhớ về quá khứ, chị Dung kể: “Anh ấy ít nói, tâm lý lắm. Mỗi lần tôi mệt mỏi, áp lực bài vở, anh ấy hay làm những hành động để cười. Tôi không ở nhà, mỗi lần về quê anh không quên ghé qua nhà bố mẹ tôi hỏi thăm rồi kể lại”.

Mối tình 7 năm trong đó có 5 năm xa cách, cuối cùng họ cũng nên nghĩa vợ chồng. Đám cưới của đôi uyên ương được tổ chức tại Nghệ An. Ngày 1/1/2009, bên cạnh những lời chúc phúc của đông đảo bà con, bè bạn còn có những ánh mắt ngưỡng mộ về hạnh phúc đôi trai tài gái sắc sau những năm tháng xa cách.

Cưới nhau được nửa năm, chị Dung lại từ biệt chồng để sang Pháp hoàn thành việc học tập. Lúc đó đang bầu vì vậy chị đề xuất với giáo viên hướng dẫn, cố gắng thu hoàn thành nhanh việc học để kịp về nước sinh nở. Mọi thứ đều thuận lợi, chị hoàn thành việc học đúng tiến độ.


Vào ngày nghỉ, cậu con trai kháu khỉnh vui chơi ở nhà. Ảnh: Ngọc Thi
Họ đang hạnh phúc mặn nồng khi đón chào cô con gái đầu lòng mũm mĩm. Nhiều kế hoạch, dự định tươi đẹp được cả hai vạch ra trong tương lai. Tưởng rằng những tháng ngày xa cách vợ chồng đã qua. Nhưng, người tính không bằng trời tính, tai nạn bất ngờ đã vĩnh viễn cướp đi bố của đứa bé 6 tháng tuổi và một góa phụ chưa trong 30 tuổi xuân.

Sinh con để thỏa tâm nguyện với chồng
Nhớ về khoảng thời gian kinh khủng đó, chị nghẹn ngào: “Ngày anh gặp nạn, tôi sốc quá không khóc nổi. Mọi thứ quá đột ngột, thương chồng, thương thân và thương con”.

Ngày anh vĩnh viễn ra đi, nhiều người khuyên chị nên đi bước nữa vì tuổi đời còn quá trẻ. Biết mọi người thương mình nhưng đáp lại tấm chân tình đó chị chỉ im lặng. Hằn sâu trong tâm khảm chị nghĩ, nếu thực sự có người đàn ông yêu thương mình nhưng chưa chắc đã vẹn tâm vẹn ý với con gái.

Ngày còn sống, hai anh chị có ý định sẽ sinh thêm con. Để thỏa tâm nguyện, thể hiện tình yêu với chồng, chị Dung đã quyết định nhờ tới các bác sỹ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn phẫu thuật và lấy 14 mẫu tinh trùng từ thi thể anh Ngọc đem đi lưu trữ theo phương pháp khoa học.

Thời gian học ở nước ngoài, chị đọc về mnột câu chuyện về việc lưu giữ tinh trùng của người chết. Ban đầu, chị nghĩ trong nước chưa có công nghệ này. Qua tìm hiểu thì chị biết, nước ngoài bảo quản được như nào thì chất lượng ở Việt Nam cũng tương tự.

Khi con gái đã lớn, công việc chăm bẵm nhẹ hơn, chị quyết định thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người chồng. May mắn mỉm cười, chị thành công ngay lần đầu tiến hành. Do công việc bận rộn, chị không được nghỉ ngơi như lời khuyên bác sỹ mà vẫn làm việc với tốc độ bình thường. Rất may, mọi việc không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Không ai ngờ rằng, chị không mang thai một mà là thai đôi. Bản thân chị lúc này có chút lo lắng bởi tương lai chị sẽ phải một mình nuôi nấng 3 đứa con nên người. Nhưng niềm vui nhiều hơn lo, chị động viên mình “con là lộc trời cho”.

Hạnh phúc vỡ òa khi chị đón chào hai đứa bé trai kháu khỉnh. “Anh đã ra đi, bản thân tôi luôn nghĩ phải có con trai để nối dõi. Tôi có đề cập và nhờ sự can thiệp cả bác sỹ. Ngay cả họ tôi cũng lấy họ cha”, chị Dung cho biết.

Ngày chị quyết định giữ tinh trùng chồng để sinh thêm con, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ của chị đều ái ngại. Họ cho rằng đó là sự liều lĩnh, lo chị sẽ khổ. Bạn bè thì cho rằng, một đứa trẻ mất cha đã quá đủ, có thêm những đứa trẻ chịu cảnh đó thì đau buồn hơn. Bỏ qua tất cả, chị vẫn bảo vệ quyết định của mình.


Ba đứa con thơ, động lực giúp chị Dung quên đi vất vả của cuộc sống. Ảnh: Facebook nhân vật.
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ khu đô thị mới Pháp Vân, (Hoàng Mai, Hà Nội), tiếng cười nói của hai bé trai là câu trả lời thích đáng nhất. Hai bé đã gần 3 tuổi, khỏe mạnh, thông minh. Những ngày đầu, công việc chăm sóc vất vả, bố mẹ hai bên thay chị chăm sóc, giờ các bé đã lớn, tự xúc ăn được. Ban ngày hai bé đều ở nhà trẻ.

Chị bảo, hai con đều rất giống bố nhiều điểm, cả tính cách và ngoại hình. Bé đầu thì giống bố ở điểm không chơi với người lạ lúc đầu, khi làm quen thì thân thiết và quấn. Còn bé thứ hai giống bố ở điểm thể hiện tình cảm với mẹ, cứ hễ chị đi làm về là mặt hớn hở, chạy ra ôm.

Hiện, chị là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, công việc đi sớm về khuya vì bận với công trình nghiên cứu. Nhưng, chị bảo, nhìn thấy các con mỗi ngày trưởng một lớn là động lực để bản thân cố gắng.

Bao năm trôi qua, tình yêu của chị với người chồng quá cố vẫn nguyên vẹn. Hằng năm, vào các ngày lễ tình nhân, ngày cưới, sinh nhật chồng chị đều có những hình thức kỷ niệm, tưởng nhớ. Đơn giản chỉ là mua loại hoa cả hai đứa thích về cắm, mua những món ăn cả hai người thường ăn mỗi khi hẹn hò… Nhiều khi cuộc sống mệt mỏi, chỉ cần nghĩ về anh, nghĩ về khoảng thời gian có nhau là liều thuốc tinh thần để chị vượt qua những khó khăn.

Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội
 

Ads HMO

Ads HMO

Top