• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Những lời hẹn dang dở ở Truông Bồn…

HMO

Administrator
Staff member
Ngã ba Truông Bồn đã từng là con đường huyết mạch nối liền 2 miền Nam - Bắc, là điểm giữa của mọi cuộc hành trình… Ở đây, những cuộc đời tươi trẻ đã hồn nhiên sống, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt… Ở đây, nhiều câu chuyện tình yêu đã đơm hoa kết trái… nhưng ở đây cũng đã từng chứng kiến những mất mát khôn nguôi, khi 12 thanh niên của Tiểu đội 2 Đại đội thanh niên xung phong (TNXP 317) cùng bị chôn vùi dưới một trận dội bom bất ngờ…

Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến trao quà của Báo Pháp luật Việt Nam cho nữ cựu TNXP Trần Thị Thông.
Người còn lại duy nhất sau khoảnh khắc ác liệt ấy ở Truông Bồn hiện đã ngoài 70 tuổi. Bà vẫn nhớ như in câu chuyện, hình ảnh của từng người một trong đêm định mệnh 30, rạng sáng ngày 31/10/1968…

Quyết giữ mạch máu giao thông
Bà Trần Thị Thông - một người con của quê hương Yên Thành (Nghệ An) là nhân chứng còn lại duy nhất của trận chiến ở Truông Bồn năm ấy. Với bà, dù chiến tranh đã lùi xa, dù ám ảnh Truông Bồn đã ở cách đây gần 50 năm nhưng mỗi lần được nhắc lại những thời khắc ấy, bà vẫn không nguôi thương nhớ… Ngày ấy, với vai trò chị cả, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông của Tiểu đội 2, C317 đã gần gũi, nắm bắt gần hết tâm tư, tình cảm của 11 chị em trong đội và 1 nam thanh niên xung phong.

Bà kể, năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL1A, QL7, đường sắt, đường sông và đường biển đi qua địa bàn Nghệ An đều bị đánh phá và phong tỏa. Khi ấy, tuyến đường chiến lược 15A bỗng trở thành tuyến giao thông huyết mạch chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trên tuyến đường chiến lược này, cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta.

Cũng vì vị trí chiến lược trên con đường Bắc Nam mà Truông Bồn rơi vào tầm ngắm của Mỹ, ngụy. Đoạn đường này đã phải oằn mình chịu đựng những trận rải bom liên tục, khói nghi ngút mù trời khiến những chàng trai, cô gái trong đội ngũ TNXP phải lao động liên tục, quyết không làm đứt mạch giao thông.

Cánh TNXP luôn hồn nhiên. Sau mỗi trận quần quật làm đường, hừng hực khí thế với vai trò là một cọc hoa tiêu, các chiến sĩ của bà Thông thường mệt nhoài. Quăng cuốc xẻng, rửa qua chân tay là lên giường làm một giấc ngon lành. Biết bao ngày đêm đã diễn ra như thế cho tới đêm 30/10/1968 thì có nhiều chuyện bất thường xảy ra.

Bà kể, đêm hôm ấy, sau khi xong công việc, như thường lệ, mọi người vệ sinh qua loa rồi lên giường đi ngủ. Nhưng chuyện lạ đã xuất hiện. Tất cả mọi người đều nằm mà không thể chợp được mắt. Chuyện nhà cửa, yêu đương, chồng con, học hành được mang ra để kể cho nhau nghe. Bà Thông vẫn còn nhớ những câu chuyện lớn nhỏ diễn ra trong đêm hôm ấy.

Trong trí nhớ của bà, câu chuyện các chị em tranh nhau mời mọi người về nhà chơi là ấn tượng nhất. “Con Văn ở Đô Lương dành phần về thăm nhà mình trước vì “nhà em gần nhất” - bà kể. Sau o Văn, các chị em khác đều đã định ngày để đón đồng đội về thăm nhà…

Lời hẹn dang dở…
Nhưng chẳng ai ngờ, lời hẹn ước ấy mãi mãi không ai thực hiện được. Chỉ vài tiếng sau, khi trời mờ sáng, các chị em TNXP nhận được mệnh lệnh phải san đường, lấp hố bom ngay. Nhiều lời thắc mắc chưa kịp đưa ra nhưng bà Thông động viên các chị, các anh “đường còn chưa thông, mọi người chịu khó nhé”. Nói rồi bà đi qua bếp, nhà bếp đã rực lửa, bà vội vào nắm được vài năm cơm lên chia cho chị em cùng ăn lót dạ trước khi ra đường.

Cả đội đã sẵn sàng tay cuốc, tay xẻng ra đường làm nhiệm vụ. Bà Thông với anh Hòa (người yêu o Tâm) đi cùng nhau. Anh Hòa kể với người chị cả của đội những kế hoạch sẽ sớm được thực hiện. Người chị cả còn lo lắng hỏi han kỹ càng về giấy tờ chuẩn bị ra quân… hai chị em đang đi, gần đến nơi trực ban thì thấy báo máy bay ngay trước mặt.

“Ngước lên thì không kịp làm gì nữa, ai đứng đâu đứng nguyên đấy, ai gần hầm thì nhảy trước, tôi hất anh Hòa xuống hầm trước, tôi đi lấy cái súng của mình rồi nhảy sau. Nhảy xuống hầm cũng không biết sẽ sống chết ra răng” - giọng bà Thông nghẹn ngào nhớ lại.

Trận bom hôm đó đã nhấn chìm Truông Bồn trong biển lửa. Không chỉ có vậy, bom đạn kẻ thù còn khiến 11 cô gái và hai chàng trai vĩnh viễn nằm lại ở Truông Bồn với biết bao dự định dang dở... Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông không ngờ đó là khoảnh khắc cuối cùng của bà cùng với các anh, chị em của Tiểu đội 2… Để đến bây giờ, sau gần 50 năm, những ám ảnh Truông Bồn vẫn y nguyên trong ký ức của bà.

Bà bảo, giờ bà vẫn hình dung được những cử chỉ của từng người một, nhớ ánh mắt, tiếng cười của mỗi người… Chỉ tiếc bà chưa bao giờ được gặp các đồng đội trong những giấc mơ để được khóc cười cùng họ và sống lại những quãng đời tươi đẹp, kiên cường khi xưa… Bà không cầm nổi những giọt nước mắt khi tâm sự với chúng tôi ước mơ nhỏ nhoi ấy, mà qua 50 năm rồi bà vẫn chưa được một lần chạm tới…

Theo Nhật Thu (báo Pháp Luật)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top