• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Ngạc nhiên anh khiếm thị điều hành xưởng bún lớn bậc nhất xứ Nghệ

HMO

Administrator
Staff member
Người đàn ông bị mù bẩm sinh đã học cách “nhìn” bằng tay để tự vận hành và sửa chữa những máy móc hiện đại bậc nhất trong nghề làm bún, trở thành ông chủ một cơ sở sản xuất bún mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nghị lực phi thường của anh Dũng “mù” (SN 1975, ngụ xóm 17, xã Nghi Liên, thành phố Vinh) đã khiến nhiều người sáng mắt không khỏi thán phục.
Ông chủ của cơ sở sản xuất bún với biệt tài “nhìn” bằng tay.
Nghe chuyện trò, mày mò cách làm bún
Người dân xã Nghi Liên ai cũng tấm tắc thán phục nghị lực phi thường của anh Dũng “mù”. Bảy tháng tuổi thì bố mẹ chia tay, bố đi lấy vợ, mẹ đi lấy chồng, Dũng được bà nội đưa về chăm sóc. Cuộc sống ngày đó vô cùng khó khăn, người bà phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền mua thức ăn cho cháu.
Những lúc bà đi làm, Dũng lại được đặt trong cũi, lần mò chơi một mình đợi bà về cho ăn. Cứ như vậy hai bà cháu rau cháo nuôi nhau sống qua ngày. Cậu bé mù cố gắng tự mình làm tất cả mọi việc để đỡ đần cho bà bớt khổ, từ nấu nướng giặt giũ, thậm chí khi vô tuyến hay quạt hư hỏng anh cũng tự mày mò sửa được.
Năm 22 tuổi Dũng lấy vợ. Vợ anh là người con gái cùng quê đã quyết định gắn bó với chàng trai mù bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình. Hạnh phúc ngọt ngào đến khi lần lượt hai cô con gái chào đời trong ngôi nhà nhỏ, tuy nhiên, số phận thật trớ trêu khi đứa bé út bị mù bẩm sinh giống bố. Hai vợ chồng bồng bế con đi khắp các bệnh viện chạy chữa nhưng không hiệu quả.
Thu nhập gia đình vốn chỉ trông chờ vào hơn một sào ruộng, nay lại thêm tiền thuốc thang cho con nên kinh tế ngày càng kiệt quệ. Anh Dũng cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, luôn tự trách bản thân tàn tật không thể lo cho vợ con cuộc sống đầy đủ. Nhưng anh không cho phép mình buồn chán tiêu cực, lúc nào anh cũng đau đáu suy nghĩ làm gì ra tiền cho vợ con bớt khổ?.
Lúc đó thấy nhiều người trong làng thường lấy bún từ các cơ sở sản xuất về đi bán lẻ ở các chợ, vợ chồng anh cũng theo họ lấy bún về bán kiếm ít tiền lời. Mặc dù hai vợ chồng siêng năng cần cù đi lại bán buôn quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khốn khó, tiền lời bán bún hàng ngày tính ra chẳng được bao nhiêu.
Hàng tháng trời Dũng gần như không ngủ, cứ nằm xuống lại trằn trọc suy nghĩ để tìm hướng làm kinh tế cải thiện cuộc sống gia đình. Cả nhà mấy miệng ăn, lại thêm hai bố con đều bị mù không thể sống nhờ vào việc bán lẻ bún như trước, Dũng quyết tâm đi học nghề ở một cơ sở làm bún gia truyền trong thành phố.
Lúc đầu thấy anh mù lòa nên chủ cơ sở ái ngại không muốn truyền nghề, cho rằng người bình thường làm đã khó, chưa nói đến một người mù. Tuy nhiên, chính sự nhiệt tình kiên trì và lòng quyết tâm đáng ngạc nhiên của anh đã thuyết phục được chủ cơ sở, cuối cùng họ đã đồng ý.
“Bàn tay chính là “đôi mắt” của tôi”
Sau gần một tháng học nghề, nắm vững các kĩ thuật làm bún, Dũng trở về vay mượn họ hàng được gần 15 triệu mua máy móc và các thiết bị để mở cơ sở sản xuất tại nhà. Ngày đó máy móc còn thô sơ nên chủ yếu bún đều được làm bằng cách thủ công.
Anh cho biết để làm được sợi bún ngon thì những yếu tố như nguồn nước và khâu chọn gạo là quan trọng hàng đầu. Trong lúc đó giếng nước của gia đình lại bị nhiễm phèn, Dũng phải đi khắp làng tìm nguồn nước ngon và sạch, quyết định bỏ tiền thuê nguồn nước ngon nhất tìm được để làm đường ống dẫn về phục vụ sản xuất.
Những ngày mới lập nghiệp vợ chồng ông chủ cơ sở bún gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải chở nhau ra các chợ trong và ngoài thành phố để bán chào hàng. Có khi bún làm ra không bán hết, tiền vốn bị thâm hụt không đủ tiếp tục sản xuất, máy móc đình trệ mấy ngày liền. Dũng không nản, bàn với vợ cố vay mượn thêm để mua gạo làm tiếp. Dần dần nhờ chịu khó đạp xe từ sáng đến khuya bán hàng ở nhiều chợ khác nhau nên số lượng bún bán ra đã nhiều và đều hơn.
Sau một thời gian làm bún thủ công, Dũng nhận thấy những sợi bún làm bằng tay không ngon bằng bún làm bằng máy móc, lại tốn thời gian và công sức gấp nhiều lần, giá cả không rẻ hơn mà thị trường lại không ưa chuộng.
Do đó anh bàn với vợ vay mượn thêm tiền sắm các loại máy hiện đại nhằm cải thiện “công nghệ”. Vợ chồng mạnh dạn vay ngân hàng, thậm chí vay cả bên ngoài với lãi suất cao để đầu tư làm ăn, lúc đầu vay được 50 triệu mua một máy liên hoàn, sau đó vay tiền mua tiếp máy xay bột và máy vắt bột khô trị giá 26 triệu đồng.
Tuy nhiên khi đưa vào sản xuất lại gặp phải một khó khăn chưa lường đến là nguồn điện đang dùng quá yếu không thể vận hành được các máy móc trên. Toàn bộ mẻ bún đầu tiên bị hỏng do điện quá yếu, thiệt hại mất 10 triệu đồng. Nợ chồng thêm nợ, hai vợ chồng vô cùng tuyệt vọng, nhưng với nghị lực phi thường anh Dũng quyết tâm vay nặng lãi tiếp 33 triệu đồng để bắc dòng điện 3 pha phục vụ sản xuất.
Từ khi có nguồn điện mạnh, cơ sở sản xuất bún của anh bắt đầu cho ra lò những mẻ hàng đẹp, được khách hàng ưa chuộng do chất lượng tốt và đảm bảo vệ sinh. Anh tự hào cho biết hiện nay loại máy sản xuất bún liên hoàn cơ sở anh đang dùng là lớn nhất trên toàn tỉnh Nghệ An. Khi được hỏi làm thế nào anh có thể vận hành các máy móc và sửa chữa thiết bị khi đôi mắt không nhìn thấy, anh Dũng cười hiền nói: “Ông trời lấy của tôi đôi mắt thì lại bù đắp cho tôi có một khả năng cảm nhận mọi vật bằng tay rất tốt, bàn tay chính là đôi mắt của tôi”.
Người sáng mắt thua tay nghề người… mù
Sau khi đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, để có đầu ra ổn định hai vợ chồng lại lặp lại hành trình chở bún đi chào hàng khắp các khu chợ lớn và các nhà hàng ở Tp Vinh. Nhờ thực hiện đúng quy trình kĩ thuật và có sự chăm chút đặc biệt từ nguồn nước đến chọn gạo, sợi bún của gia đình anh Dũng vừa trắng trong, vừa dai, lại đảm bảo an toàn thực phẩm nên khách hàng đặt mua ngày càng nhiều.
Hiện nay cơ sở của anh chị sản xuất bình quân mỗi ngày 5 tạ bún, thu nhập một tháng hơn 10 triệu đồng. Không những thế anh Dũng còn tận dụng các phế phẩm trong quá trình làm bún để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, trung bình hàng năm đàn lợn thịt xuất chuồng gần 50 con, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Không những nhanh chóng trả hết nợ, gia đình anh đã vươn lên thành hộ khá giả trong vùng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Ông chủ cơ sở sản xuất bún tâm sự về quá trình lập nghiệp: “Đối với một người bình thường khi làm kinh tế gặp khó khăn một, thì đối với những người tật nguyền như tôi khó khăn gấp vạn lần. Nhưng cũng vì biết bản thân không được như người bình thường nên chúng tôi lại phải nỗ lực hết mình để có thể tự lập làm mọi công việc.
Tôi tin rằng những người biết vươn lên sớm muộn sẽ có thành công, do đó tôi luôn kiên trì dù đã gặp thất bại rất nhiều lần, có những lúc vay nợ hàng trăm triệu với lãi suất cao mà việc làm ăn lại đình trệ, nghĩ lại vẫn thấy may mắn vì mình đã đủ sức vượt qua”.

ĐA nguồn PLVN.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top