• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nước mắm Chinsu, Nam Ngư bị tố chứa nhiều hóa chất: Masan nói gì?

HMO

Administrator
Staff member
Sau khi có thông tin cho rằng hai nhãn hiệu nước mắm của mình chứa nhiều hóa chất, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan đã có những phản bác.

Theo thông tin gửi đến báo chí, doanh nghiệp khẳng định đã đầu tư cơ bản về nguyên liệu đối với ngành hàng nước mắm. Hiện công ty sở hữu nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc, với quy mô gần 500 thùng chượp có tổng sức chứa trên 10.000 tấn cá.

Đây là cơ sở cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm nước mắm Chinsu và Nam Ngư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hợp tác thu mua từ các nhà sản xuất nước mắm uy tín tại Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết... Tất cả nguồn nước mắm cốt nguyên liệu đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.


Nước mắm Nam Ngư của Masan đang bị tố chứa hóa chất. Ảnh: NCĐT.
Hãng này cho rằng các sản phẩm nước mắm của mình được chế biến và đóng chai theo quy trình công nghệ khép kín. Doanh nghiệp có hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) hoặc Sở Y tế địa phương theo đúng quy định. Các thành phần của sản phẩm được ghi rõ trên nhãn theo đúng quy định về nhãn hàng hóa.

Doanh nghiệp cũng nhắc lại thông điệp đã được trình bày tại hội thảo ngành trước đó, rằng “Không phải cứ đạm cao thì mới ngon. Không phải cứ đạm cao là tốt. Không phải cứ muối mặn là sạch". Đây cũng là nội dung gây nhiều phản ứng cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, tạo nên cuộc khẩu chiến giữa đại diện của 2 dòng sản phẩm.

Masan đặt vấn đề thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang ở mức báo động, mà nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát. Nhà sản xuất lạm dụng các loại hóa chất không được phép, không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm...

Doanh nghiệp cho rằng việc không tuân thủ và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm là hết sức nghiêm trọng.

"Điều này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của hàng triệu người tiêu dùng. Ngoài ra nó còn tác động xấu đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thế giới", đại diện Masan nêu.

Nhãn hàng cũng nêu rõ đã tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế kể từ năm 2011. Cụ thể, hãng đã công bố chất lượng sản phẩm, trong đó nêu rõ các chỉ tiêu chất lượng và hàm lượng kim loại nặng mà đơn vị tuân thủ đối với sản phẩm nước mắm (thuộc nhóm nước chấm trong).

Đơn vị này cho biết đã gửi công văn kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo và thanh tra toàn diện ngành nước mắm, chú trọng việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là arsen (thạch tín).

Trước đó, báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Theo đó, chai nước mắm thương hiệu Nam Ngư bày bán trên các chợ truyền thống, siêu thị Coop.Mart, TP.HCM, được nhiều người dân tin dùng có đến 17 hóa chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm.

Chị Thoa chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không biết nước mắm được chia làm hai loại truyền thống và công nghiệp và được sản xuất, có giá trị dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau. Tôi vẫn nghĩ nước mắm phải được làm chủ yếu từ cá và muối, có thêm cũng chỉ một vài hóa chất bảo quản mà pháp luật cho phép nên từ trước tới nay đều mua theo cảm nhận, giá thành”.

Chị cũng cho biết: “Chẳng có thông báo, chỉ dẫn nào để chúng tôi biết có sự khác nhau mà lựa chọn. Tôi sẵn sàng bỏ tiền nhiều mua nước mắm thật chứ chẳng dại gì mua hóa chất để ăn chỉ vì giá rẻ”.


Chị Thoa đã chọn mua nước mắm truyền thống sau khi xem thành phần hai loại nước mắm
Báo dẫn lời bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam của Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nhận xét: “Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hòa hoá chất để bán lấy tiền chứ sao gọi là nước mắm?”.

Ngày 10/10/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/10.

Theo Zing
 

Ads HMO

Ads HMO

Top