• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳnh Lập Một đêm ra biển

HMO

Administrator
Staff member
Mặt trời khuất sau dãy núi phía tây, bãi biển Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) bắt đầu nhộn nhịp. Bà con ngư dân ra tàu chuẩn bị các loại ngư cụ, thức ăn, nước uống cho chuyến ra lộng trong đêm. Vì đang là trung tuần tháng 4 Âm lịch, trăng sáng nên các loại tàu lớn đang về nghỉ, còn tàu nhỏ vẫn ra lộng đánh bắt hải sản bình thường.

Những "người lính già đầu bạc"
Vào nghề làm báo đến nay là năm thứ 8, và cũng chừng ấy năm tôi được phân công địa bàn miền núi, thường xuyên gắn bó với những bản làng heo hút, những đèo dốc cheo leo. Những ngày này biển Đông đang “nổi sóng”, tôi khao khát một chuyến đi biển để được cảm nhận trước không gian bao la, vời vợi và chứng kiến sự kiên cường của bà con ngư dân. Liên lạc với một “lão ngư” ở Quỳnh Lập, tôi nhận được lời mời hết mực chân thành, nỗi khao khát lâu nay được thỏa nguyện.


Tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Lập chuẩn bị vươn khơi

Tôi lên chiếc tàu nhỏ của anh Nguyễn Văn An để ra được ra lộng câu mực, đánh cá. Trên tàu lúc ấy đã có 6 người, ngoài chủ tàu là anh An còn có ông Nguyễn Trọng Phúc, ông Lê Văn Kha, anh Lê Văn Tân và 2 đứa cháu nhỏ khoảng trên 10 tuổi là con, cháu của anh An. Đúng 18h, tàu nhổ neo, nổ máy khởi hành. Chung quanh, những tàu bạn cũng đang bắt đầu lướt sóng.

Từ lạch Cờn nhìn vào dãy núi phía tả ngạn của dòng Mai Giang, làng chài Quỳnh Lập hiện ra trong cảnh tàu thuyền sầm uất, nhà cửa san sát và khang trang. Có lẽ, do nằm ở vị trí “đầu sóng” và “đón gió” nên những ngôi nhà ở đây được xây dựng rất kiên cố, hầu hết đều là nhà cao tầng. Nếu đưa cảnh này lên màn ảnh, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là một đô thị ven biển chứ không phải là một làng chài.

Ngồi trước mũi tàu để hóng mát, “lão ngư” Nguyễn Trọng Phúc thong thả chuyện trò: “Mấy năm nay, nhờ mạnh dạn đầu tư mua sắm tàu thuyền và các loại ngư cụ hiện đại nên sản lượng đánh bắt hải sản tăng rất lớn, nhờ đó người dân Quỳnh Lập đã được đổi đời. Mới thấy, món quà của biển thật dồi dào, bà con chúng tôi ngày càng gắn bó với biển”.

Dáng vẻ phong sương với mái tóc bạc trắng như cước, làn da nâu bóng, cặp mắt sáng, “lão ngư” Nguyễn Trọng Phúc tỏ ra là người dày dặn kinh nghiệm nghề biển, thuộc từng luồng lạch, hướng gió và từng con sóng. Có thể nói, gần như trọn đời ông gắn bó với biển. Chưa đầy 10 tuổi đã biết chèo thuyền thúng, theo cha ra biển đánh cá. Lớn lên, vào quân ngũ, ông được biên chế vào Quân chủng Hải quân. Hơn 10 năm theo nghiệp nhà binh, ông đã đi gần như khắp các vùng biển của đất nước, các đảo như Hòn Mắt, Hòn Mê, Bạch Long Vĩ đều in dấu chân của ông.

Đặc biệt, ngày 2/8/1964, ông Phúc có mặt trên một chiếc tàu tuần tiễu của Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ các tàu phóng ngư lôi trong cuộc chiến đấu với tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ. Trận chiến ấy đã diễn ra gần trọn 50 năm nhưng ký ức “Người lính già đầu bạc” ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn. Ông Phúc vẫn còn nhớ từng vị trí và tọa độ diễn ra, kế hoạch tấn công của ta và cả sự đối phó của địch. Rời quân ngũ, ông Phúc lại trở về với quê hương Quỳnh Lập và lại bám biển để mưu sinh.

Đã nói đến nghề biển là nói đến sóng gió, nói đến sự thăng trầm, niềm vui sướng cũng nhiều nhưng sự rủi ro và nỗi lo âu cũng không ít. Nhưng dù sao, “lão ngư” Nguyễn Trọng Phúc và những người đàn ông quê biển chưa bao giờ có ý định rời xa biển. Giờ đây, ở độ tuổi 73, cái tuổi không thể thường xuyên bám biển nhưng ông Phúc vẫn không thể nào quên được biển. Vì thế, thi thoảng nhớ biển, ông lại lên tàu...

Cùng với ông Phúc, ông Lê Văn Kha (bố vợ của anh An) cũng là một “lão ngư” nhiều năm bám biển. Ông có vóc dáng cao ráo, dù đã ở tuổi 63 (sinh năm 1951) nhưng đôi cánh tay vẫn còn rắn chắc, đôi chân bước đi còn rất nhanh nhẹn, cũng từng là lính đặc công thuộc Quân chủng Hải quân. Những người con làng biển thường chuyện trò cởi mở, ông Kha cũng vậy- kể say sưa vè những năm tháng chiến đấu của mình.

Một lần vào năm 1971, ông cùng 2 đồng đội vượt sông để cài mìn phá hủy kho vũ khí của đối phương ở Cửa Việt (Quảng Trị). Khi đã đặt mìn vào đúng mục tiêu, không may đúng lúc thủy triều lên mạnh không thể vượt sông trở lại, ông và đồng đội bị địch phát hiện. Sau một hồi chiến đấu, một đồng đội hy sinh, ông Kha và một đồng đội khác bị địch bắt. Các ông bị đưa về sở chỉ huy của địch ở Đông Hà, sau đó chuyển vào Đà Nẵng, rồi vào tận Sài Gòn để thẩm vấn.

Trước đòn roi, tàn bạo của kẻ thù, Lê Văn Kha không chịu hé răng khai báo dù chỉ một lời. Có lúc, chúng gí điện vào thái dương khiến đầu óc quay cuồng, muốn nổ tung nhưng ông vẫn nghiến răng chịu đựng. Biết rằng không thể khai thác được gì, Mỹ - ngụy đã đày ông ra nhà giam Phú Quốc. Tại đây, ông và các tù nhân khác tham gia các cuộc đấu tranh tuyệt thực, đề nghị kẻ địch thực hiện các yêu sách đặt ra như cải thiện chế độ bữa ăn; không được đánh đập, tra tấn dã man; thường xuyên được ra ngoài để thay đổi không khí; có đủ thuốc men lúc ốm đau...

Những đêm khuya nằm trong xà lim nghe tiếng sóng vỗ, người lính Lê Văn Kha bỗng nhớ quê da diết. Nhớ những con sóng vỗ vào bãi biển quê hương, nhớ ngày cùng cha lên thuyền ra khơi đánh cá, nhớ dáng mẹ tảo tần trên bãi cát, nhớ tuổi thơ dầm mình bắt cá, mò tôm... Rồi ông khát khao được sớm thoát khỏi cảnh ngục tù, đất nước sớm yên bình để trở về với quê, với biển, góp sức mình xây dựng làng quê. Tháng 3/1973, sau Hiệp định Pari, ông được trao trả và hơn một năm sau được phục viên để trở về với quê hương.

“Lão ngư” Nguyễn Trọng Phúc và Lê Văn Kha chuẩn bị ngư cụ trước lúc đi biển

Một buổi chiều lộng gió, ông Kha ra bờ biển hóng mát và tự đặt câu hỏi: Biển bao la, nguồn lợi hải sản dồi dào sao mình vẫn nghèo đói? Phải làm gì để khai thác “món quà” của biển quê? Tối hôm đó, ông gọi các con gái, con rể đến nhà bàn bạc cách làm ăn. Theo ông, tất cả các thành viên tìm cách huy động vốn từ họ hàng, anh em và cả vốn ngân hàng góp lại, cùng sắm tàu và ngư cụ để ra khơi. Các con ông đều tán thành ý kiến và thực hiện đúng với hướng đi của ông.

Ban đầu, góp tiền mua được 1 chiếc tàu, cả nhà cùng ra khơi đánh cá. Sau khi thu hồi vốn lại tiếp tục mua chiếc thứ 2, rồi chiếc thứ 3. Cứ thế, có thời điểm đội tàu của gia đình ông lên tới 6 chiếc, thường xuyên vươn khơi và đem về nguồn thu nhập lớn. Đến nay, các con ông hầu hết đã có tàu riêng, thậm chí có người đã sắm được tàu lớn trị giá hơn 2 tỉ đồng. Đồng thời, các con ông đều có nhà cửa khang trang, cuộc sống giờ đây gần như đã đủ đầy, cái đói nghèo đã đi vào dĩ vãng. Người con trai út là Lê Hội Kết từng tham gia học chuyên ngành thể dục thể thao nhưng cuối cùng vẫn trở về với biển. Kết đã “say” với con tàu và những chuyến ra khơi.

Cách đây vài năm, nhận thấy tuổi đã cao, sức vóc đã giảm và quan trọng hơn là đời sống đã khởi sắc, không còn phải lo chuyện cái ăn hằng ngày nên ông Lê Văn Kha không còn thường xuyên lên tàu ra biển. Tuy vậy, ông vẫn luôn là chỗ dựa, là “vị quân sư” của các con trong công việc, đặc biệt là trong những chuyến vươn khơi. Có lúc lâu ngày không lên tàu, lòng ông lại da diết nhớ những con sóng biển. Những lúc như thế, cũng như ông Phúc, ông Kha lại theo các con ra khơi. Bởi lẽ, biển với ông đã thành máu thịt, là hơi thở, là nguồn sống của cuộc đời. Ông Kha chia sẻ: “Từ khoảng 5 năm nay, đời sống người dân Quỳnh Lập đã thực sự khởi sắc. Điều đó bắt nguồn từ việc thay đổi cung cách làm ăn, đầu tư mua sắm tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản. Qùa của biển dồi dào lắm, biết bám biển sẽ không bao giò phải sống cảnh đói nghèo”.

Thức cùng những người con quê biển
Tàu qua lạch Cờn, gió biển dạt dào thổi. Xa xa, Hòn Mắt, Hòn Mê hiện ra xanh thẫm giữa trời nước mênh mông. Qua cửa biển, đoàn tàu của ngư dân Quỳnh Lập tỏa đi các hướng quen thuộc của mình để làm nghề. Anh Nguyễn Văn An điều khiển con tàu của mình về hướng Đông Bắc, một hồi rất lâu sau dừng lại thả neo, tạm thời tắt máy để chờ trời tối hẳn mới làm nghề. Có lẽ, đây là thời điểm nhàn tản nhất của những người đi biển. Trên con tàu đang dập dềnh vì ngọn sóng, các ngư phủ tranh thủ hút điếu thuốc lào, ngồi ngắm mây trời và chuyện trò rôm rả. Nhưng thời khắc giữa ngày và đêm diễn ra ngắn ngủi, có khi chưa xong câu chuyện thì trời đã tối, các tàu bạn chung quanh đã bật đèn sáng trưng.

Anh An vội đứng lên và khởi động lại máy. Tiếng máy nổ xình xịch nghe chói tai, sóng làm tàu lắc nghiêng khiến bước đi của tôi - người lần đầu “đi nghề” bị chao đảo, cái đầu không tránh khỏi được cảm giác lâng đâng. Lúc này, tôi càng cảm phục hơn tinh thần của các chiến sĩ Cảnh sát biển, cán bộ Kiểm ngư, bà con ngư dân và cả những đồng nghiệp đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981. Ở đó, những người con nước Việt đang từng giờ, từng phút đối mặt với hiểm nguy để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.


Ngư phủ Lê Văn Tân trên chiếc thuyền thúng “rê” cá vào lưới trong đêm

Mọi người bắt đầu ra mạn tàu ngồi buông câu. Thấy nguồn ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn trên tàu, lũ mực và cá tìm đến vây quanh. Những chiếc lưỡi câu liên tục được buông xuống, “chú” mực nào hấp tấp sẽ “dính” như chơi. Càng về khuya, mực dồn đến càng nhiều, niềm hứng khởi của các ngư phủ càng được dâng cao. Nhìn vào cách “tác nghiệp”, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt chút ít về mặt lứa tuổi giữa những người đàn ông đi biển. Đó là sự chắc chắn, chỉn chu của ông Phúc và ông Kha, gần như lần nào buông câu 2 ông cũng kéo lên được một “chú” mực. Là sự nhanh nhẹn, điêu luyện của anh An và anh Tân. Là sự ngẫu hứng của Tiến và Thắng - hai cậu bé theo người lớn ra biển làm nghề. Nhìn những gương mặt trẻ thơ trong lúc buông câu, giăng lưới, tôi đã đọc được niềm “say” của chúng với mặt biển quê hương. Rất có thể, mai đây Tiến và Thắng sẽ nối nghiệp ông cha, trở thành những ngư phủ dạn dày sương gió, tiếp tục đưa món quà của biển về làm giàu cho gia đình, quê hương.

Đến tầm giữa đêm, khi đã câu được số lượng mực kha khá, mọi người quyết định nghỉ tay và luộc mực để nhắm rượu. Những “chú” mực ngon nhất được lựa vào nồi, rửa sạch và đem luộc. Khi từ gian bếp tỏa ra vị thơm, ấy là lúc mực đã chín. Giữa cảnh trời biển mênh mông, trăng sao chấp chới, gió thổi dạt dào, các ngư phủ ngồi trước mui tàu thưởng thức món mực luộc nhắm rượu, tưởng như trên đời không có gì thú hơn. Vì mực ở đây vừa mới được đưa từ mặt biển lên, chưa qua công đoạn ướp đá lạnh nên còn giữ nguyên được hương vị và màu sắc của biển cả. Tôi đã nhiều lần thưởng thức món mực luộc nhưng thú thật chưa có lần nào thấy mực ngon và ngọt như lần này. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ ngồi câu mực trong cảnh con tàu liên tục lắc lư vi sóng biển, động cơ tàu nổ ầm ầm nhưng các ngư phủ vẫn vui vẻ uống rượu và chuyện trò, chưa thấy gì gọi là dấu hiệu của sự mệt mỏi.


Niểm vui sau chuyến đi biển

Sau vài chục phút nghỉ ngơi, các ngư phủ lại tiếp tục với công việc. Lần này, họ quyết định buông lưới bắt cá. Một tấm lưới dài và rộng được trải ra dưới mặt biển. Anh Lê Văn Tân được giao nhiệm vụ bơi chiếc thuyền thúng ra xa và kéo theo chùm đèn để nhử cá vào lới. Khoảng 10 phút sau, các ngư phủ trên tàu cùng hợp sức kéo tấm lưới lên trước mui tàu. Mẻ lưới được kéo lên với cơ man nào là cá, có rất nhiều loại cá. “Lão ngư” Nguyễn Trọng Phúc tranh thủ lựa những con cá còn nhỏ để trả chúng lại với biển, để chúng được tiếp tục sinh trưởng, sinh sôi. So với câu mực, việc đánh cá vất vả hơn rất nhiều. Từ việc rải lưới, nhử cá, kéo lưới và gỡ lưới đều đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo trong từng động tác, nếu không cá sẽ ra ngoài lưới. Cứ thế, từ nửa đêm tới gần sáng, những ngư phủ cứ miệt mài với hàng chục mẻ lưới.

Trời bắt đầu rạng sáng cũng là mẻ lưới cuối cùng được cất lên. Lúc ấy, chúng tôi mới nhận ra được vẻ mệt mỏi qua cặp mắt trũng sâu, khuôn mặt có phần phờ phạc của những người ngư phủ. Lưới được xếp lại gọn gàng, tàu nhổ neo và tiến về phía lạch Cờn. Lúc này, từ các hướng ngoài biển, các tàu bạn cũng đang lần lượt trở về. Tuy mệt nhưng trong câu chuyện của mình ai cũng bộc lộ rõ niềm vui, vui vì một đêm đi biển thắng lợi, ngày hôm nay họ sẽ thu về mỗi người hơn 300.000 đồng.

Tàu cập bến, những người vợ, người mẹ đã chờ sẵn chồng con từ biển về, phấn khởi đỡ những thùng mực, thùng cá lên bờ. Ít phút sau, số mực và cá ấy đã có xe đến chở đi. Những ngư phủ trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức để chiều tối lại lên tàu ra biển. Cũng như đời ông, đời cha, cuộc đời họ không bao giờ rời xa biển.

Theo Petrotimes.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top