• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm

HMO

Administrator
Staff member
Kỳ I: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến
Theo sử sách, trong thời gian chưa đầy 3 năm sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Hoàn đã dẹp xong cuộc nổi loạn trong nước, đồng thời thực hiện sự nghiệp vĩ đại phá Tống (năm 981), bình Chiêm (năm 982). Trong công cuộc nam tiến đánh Chiêm Thành để bảo vệ và mở mang cương thổ, ông đã cho khơi mở tuyến đường thủy nội địa đầu tiên mà dân gian vẫn quen gọi là kênh nhà Lê. Cho đến nay, sau hơn 1.000 năm tồn tại, nhiều đoạn kênh nhà Lê vẫn còn vô cùng hữu dụng.

Con đường bình Chiêm
Với tầm nhìn chiến lược cả về quân sự và kinh tế, Lê Hoàn đã cho đào kênh từ sông Mã qua núi Đồng Cổ theo trục nam - bắc đến sông Bà Hòa, rồi từ đó khơi dòng vào Nghệ An. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Quý Mùi (năm Thiên Phúc năm thứ 4 - 983, NV), khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to, bèn sai người đào kênh. Khi đào xong kênh, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”.

Sông Mã (đoạn chảy qua Đan Nê - Đồng Cổ) - nơi Lê Hoàn cho khai đào kênh nhà Lê nối Thanh Hóa với Nghệ An - Hà Tĩnh - Ảnh: N.M
Theo TS sử học Hà Mạnh Khoa, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Sử học Việt Nam thì vào thế kỷ 10, đường bộ Thanh Hóa vào nam cũng hiểm trở không kém ra phía bắc. Do kinh đô đóng tại Hoa Lư (Ninh Bình) nên muốn tiến vào nam, thủy quân sẽ đi theo các hệ thống sông Tạc Khẩu, sông Hoạt, sông Báo Văn, sông Lèn, sông Mã rồi dừng lại ở vùng Đan Nê - Đồng Cổ. Đồng Cổ khi ấy là điểm tập kết của quân bộ theo đường Thiên Quan từ kinh đô Hoa Lư vào Thanh Hóa. Từ đây quân lính buộc phải hành quân bằng đường bộ để vào châu Hoan, châu Diễn.
Sau chiến thắng Chiêm Thành trở về kinh đô Hoa Lư, Lê Hoàn nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong chiến tranh. Những con đường thủy hay đường bộ thuận tiện là yếu tố góp phần không nhỏ vào thắng lợi. Nhưng với điều kiện lúc bấy giờ, việc mở mang phát triển đường bộ không dễ dàng, nên Lê Hoàn tận dụng các chi lưu của sông Mã, sông Cầu Chày, sông Chu, sông Hoàng, sông Yên rồi tổ chức khơi đào nối liền và thông suốt từ Đồng Cổ đến sông Bà Hòa (xã Tân Trường, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày nay). Từ sông Bà Hòa đổ ra cửa Bạng, quân lính Lê Hoàn đào mới một đoạn kênh thẳng ở vùng Mai Lâm, dài khoảng 1,5 km, để uốn thẳng dòng sông chảy men theo khe nước lạnh vào đất Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tiếp đó, vào năm Quý Mão (1003), Lê Hoàn đi Hoan Châu (Nghệ An) và ông đã sai đào kênh Đa Cái nối kênh Sắt ở bắc Nghệ An với sông Lam. Như vậy, từ đó đi từ vùng sông Mã (Thanh Hóa) đến vùng sông Lam (Nghệ An) ngoài tuyến đường bộ và đường biển đã hình thành thêm một tuyến đường thủy nội địa an toàn, thuận tiện.



Nhiều nhà sử học đã ghi nhận, công trình đào kênh thời Tiền Lê do Lê Hoàn khởi dựng đã mở đầu cho sự nghiệp phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa dưới thời phong kiến của Việt Nam vào thế kỷ 10 thể hiện sự lớn mạnh của quốc gia độc lập tự chủ trong việc thực hiện chức năng quản lý các công trình công cộng của nhà nước phương Đông. Sau này, các triều đại nhà Lý, Trần vẫn tiếp tục đào lại, đào mới những dòng kênh trên đất Thanh Hóa tạo nên một con đường giao thông thủy nội địa hoàn chỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Dòng kênh nhà Lê đã góp phần bảo vệ vững chắc biên giới phía nam và mở rộng bờ cõi là một mục tiêu của tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam.

Trong vòng 26 năm trị vì, Lê Hoàn là người đặc biệt quan tâm đến vùng đất phía nam. Ông đã tiến hành 6 hoạt động quân sự lớn ở phương nam không chỉ nhằm bảo vệ biên giới, mà còn trực tiếp chuẩn bị cho quá trình nam tiến của người Việt, mở rộng thêm cương giới lãnh thổ của quốc gia về sau. Vì vậy chính hệ thống kênh nhà Lê do Lê Hoàn chỉ đạo khai mở nối với các hệ thống sông có sẵn ở phía nam Thanh Hóa vào tới Nghệ An đã mang lại giá trị vô cùng to lớn cho các đợt nam tiến của nhà nước Đại Cồ Việt cũng như các triều đại sau này.
Khai phá đồng bằng xứ Thanh
Không những đóng vai trò là tuyến giao thông thủy phục vụ quân sự, hành chính, kênh nhà Lê còn có tác dụng vô cùng to lớn về mặt thủy lợi, góp phần khai phá vùng đồng bằng Thanh Hóa. Cũng theo TS Hà Mạnh Khoa thì vào thế kỷ thứ 10, nhờ có hệ thống kênh nhà Lê nên vùng đồng bằng Thanh Hóa đã thu hút nhiều người sống ở vùng trung du, miền núi xuống khai phá trồng lúa nước. Đây là quá trình di dân mang tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế, xã hội thời bấy giờ.
Những vùng đất hoang có sông đào chảy qua đã trở thành những miền đất hứa vẫy gọi cư dân khắp nơi đến dựng làng mở ấp. Mùa hạn dòng kênh có nhiệm vụ cấp nước, mùa mưa lũ trở thành nơi dẫn nước ra biển. Nơi dòng kênh chảy qua, người dân đã tạo nên nhiều cánh đồng màu mỡ với những xóm làng trù phú... Sự phát triển kinh tế - xã hội tạo cho những phong tục truyền thống như thờ cúng tổ tiên, ghi công những người đi đầu trong việc đánh giặc giữ nước, dựng làng. Nhiều ngôi chùa được dựng xây dọc trên những làng, ấp theo tuyến kênh nhà Lê, như chùa Hương Nghiêm ở giáp Bối Lý, chùa Báo Ân, chùa An Hoạch ở Đông Sơn, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở Duy Tinh (Hậu Lộc), chùa Hưng Phúc ở Hương Yên Duyên (Quảng Xương)...
Cuộc sống thanh bình của những làng quê ven kênh nhà Lê đã góp phần sản sinh và phát triển nhiều làng nghề truyền thống với sản phẩm nổi tiếng cả nước, đồng thời tạo dựng nên nhiều dòng họ có thế lực, sản sinh nhiều người tài giỏi cống hiến cho đất nước, như dòng họ Lê Lương ở giáp Bối Lý (H.Thiệu Hóa ngày nay) nổi tiếng suốt từ thời Đinh, Lê đến Lý, Trần với những tên tuổi như bảng nhãn Lê Văn Hưu, Lê Quát, Lê Giốc; hoặc dòng họ Lê Liêm đầy thế lực ở Hà Trung. Chính dòng họ này đã nhận một người họ Hồ làm con nuôi, sau này sinh ra Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly)...

HMO nguồn Thanh Niên.
 

HMO

Administrator
Staff member
Kỳ II: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê

Những cánh đồng nuôi tôm, cảng cá tấp nập bên cửa biển đã mang lại cuộc sống khá phồn thịnh cho cư dân sống dọc kênh nhà Lê chảy qua đất Quỳnh Lưu và một phần đất Diễn Châu hiện nay.

Kênh nhà Lê chảy vào Nghệ An qua khe Nước Lạnh, nay là phía bắc thị trấn Hoàng Mai, H.Quỳnh Lưu, giáp Thanh Hóa. Đây là khu vực có nhiều núi đá vôi sừng sững trải dọc theo QL 1A hiện nay. Đoạn kênh này nối từ khe Nước Lạnh với lạch Cờn tại xã Quỳnh Phương. Hiện đoạn kênh này vẫn thông suốt dù trải qua nhiều biến động do quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp. Chỗ rộng nhất của kênh khoảng 12 m, chỗ hẹp từ 7-10 m. Hai bên kênh là những cánh đồng lúa. Ngay điểm tiếp giáp với lạch Cờn là một cống ngăn mặn. Cống này có nhiệm vụ ngăn nước mặn tràn lên kênh để lấy nước ngọt tưới cho hàng chục héc ta lúa của các xã ven kênh.
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh (cuốn Kênh nhà Lê - Lịch sử và huyền thoại - Nhà xuất bản Thời Đại 2010) dẫn Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng kênh nhà Lê qua Nghệ An cũng được đào cùng lúc với kênh nhà Lê ở Thanh Hóa. Đến năm 1003, vua Lê Đại Hành tổ chức cho nạo vét, mở rộng kênh Đa Cái chảy qua phía nam Nghệ An. Hệ thống kênh đào này đã nối thông các con sông tự nhiên tạo thành hệ thống đường thủy thông suốt từ Thanh Hóa cho đến sông Lam ở phía nam Nghệ An, với chiều dài gần 80 km. Tàu thuyền vận tải từ các bến cảng: Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội có thể đi thông ra Thanh Hóa rồi ra kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Một góc cảng Lạch Vạn, H.Diễn Châu - Ảnh: K.H
Từ sông Hoàng Mai đổ ra Cửa Cờn, nhà Lê tiếp tục cho đào một nhánh kênh chạy dọc biển, hướng về phía nam dài chừng 14 km, xuyên qua 7 xã vùng Bãi Ngang thuộc H.Quỳnh Lưu: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy. Vùng Bãi Ngang này hình thành khu dân cư đông đúc từ thế kỷ thứ 10, khi Lê Hoàn cho đào kênh Mai Giang nối ba cửa lạch: Cờn - Quèn - Thơi. Đoạn kênh này đã mang lại cho người dân Bãi Ngang nhiều thuận lợi trong sản xuất, đánh bắt cá và đi lại. Trải qua các đời vua sau đó, với nhiều lần nạo vét, mở rộng kênh, vùng Bãi Ngang ngày càng trở nên đông đúc, trù phú với các nghề ngư, diêm, nông, thương mại đường biển, đường sông. Người dân địa phương gọi đoạn kênh này là sông Mơ. Hiện tại, sông Mơ rộng chừng 10 - 12 m, mực nước phụ thuộc vào thủy triều. Sông Mơ đang là nguồn cung cấp nước cho việc nuôi trồng thủy, hải sản của cư dân các xã vùng Bãi Ngang. Tại các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, những “cánh đồng tôm” bạt ngàn với hàng chục héc ta hồ tôm nhiều năm nay đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Từ cửa Quèn tại xã Tiến Thủy, kênh nhà Lê tiếp tục nối với cửa Thơi ở xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu với chiều dài khoảng 4 km. Đoạn này hiện bị bồi lấp khá nhiều và khi nước thủy triều rút, nhiều đoạn kênh trơ đáy. Ông Bùi Trung Cải, cư dân xã Sơn Hải cho biết đoạn kênh này trước đây nước rất sâu. Người dân Sơn Hải, Quỳnh Tiến thường dùng kênh để vận chuyển muối, gạo. Do lâu ngày không được nạo vét, người dân sống hai bên kênh lấn chiếm nên lòng kênh cạn dần, chỉ khi thủy triều lên cao, thuyền bè mới có thể vào được.
Tấp nập cửa Vạn
Phía nam cửa Thơi là xã Quỳnh Thọ. Từ đây, nhà Lê tiếp tục cho đào đoạn kênh dài 13 km nối với sông Bùng ở cửa Vạn thuộc xã Diễn Bích, H.Diễn Châu. Người dân địa phương gọi đoạn này là kênh Mi. Đoạn kênh này nước lên xuống cũng phụ thuộc thủy triều. Khi triều từ hai cửa sông tràn lên, nước kênh dâng cao. Tại xã Diễn Mỹ, khi triều lên cao, nước mặn tràn lên ngập đồng ruộng, người dân phải đắp đê dọc kênh để ngăn mặn.
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, kênh Mi trong con mắt chiến lược của các vị quan trấn thủ, trị nhậm Hoan Châu, Châu Diễn hết sức quan trọng, vì đây là đường sông khá an toàn để lên lỵ sở của phủ Diễn Châu. Nằm trong vòng cung hạ lưu sông Bùng đổ ra biển, xã Diễn Ngọc bốn bề là sông nước. Từ thời nhà Lý, khi Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An đã cho đặt các quan Sát hải sứ và quân Bình hải ở đây để trông giữ các thuyền buôn ra vào ở cửa Vạn. Đến thời nhà Nguyễn, ở Diễn Châu là đại công trường khai thác đá sò phục vụ cho việc xây dựng, sửa chữa thành Nghệ An. Việc vận chuyển sò này phải dựa vào tuyến đường thủy là kênh nhà Lê, do đó, kênh nhà Lê đoạn từ Diễn Châu vào Vinh trở nên rất tấp nập.
Năm 1425, Lê Lợi đã đánh tan một đội quân của giặc Minh tại cửa biển này khi ông cho quân mai phục ở cửa Vạn để chặn đứng sự chi viện của quân Minh từ phía bắc theo đường biển tràn vào. Khi 300 chiến thuyền của giặc đã vào sâu trong cửa Vạn, Lê Lợi ra hiệu các đạo quân xông ra vây đánh. Bị tấn công bất ngờ, quân Minh thua tơi tả, 300 chiến thuyền chở quân lương, vũ khí cùng nhiều lính tráng bị tiêu diệt.


Cửa Vạn được xem là một trong 8 thắng cảnh của đất Diễn Châu do thiên nhiên tự kiến tạo. Hiện đây là một cảng cá tấp nập, nơi tàu thuyền ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kim vào neo đậu, trú tránh gió bão. Mỗi ngày có khoảng 500 tàu thuyền lớn nhỏ ra vào cảng. Cách đó không xa là bãi biển Diễn Thành đã được Nghệ An quy hoạch thành khu du lịch biển với hệ thống khách sạn, nhà hàng khá đẹp. Biển và hệ thống kênh rạch ở đây đang tạo thành mô hình phát triển kinh tế đa dạng, mang lại cuộc sống phồn thịnh cho người dân vùng đất này.
HMO nguồn Thanh Niên.
 

HMO

Administrator
Staff member
Kỳ III: 800 năm đào kênh Sắt

Theo sử sách, kênh Sắt nằm trong hệ thống kênh nhà Lê được khởi đào năm 1003, do Lê Hoàn trực tiếp vào tận nơi chỉ huy, nối từ sông Bùng thuộc H.Diễn Châu đến sông Cấm thuộc H.Nghi Lộc với chiều dài 19 km.

Đây cũng là con kênh gặp rất nhiều gian nan khi đào do có một đoạn đi qua mỏ sắt ở núi Sắt chứa nhiều đá quặng rắn. Sách Đồng Khánh địa dư chí lược Nghệ An tỉnh, trang 33 chép về đoạn kênh này như sau: “Một dòng kênh nhỏ, từ thôn Thổ Hậu qua xã Phú Hậu, tổng Quan Trung, xã Nho Lâm, tổng Cao Xá, ngoằn ngoèo chảy đến kênh Sắt bến đò sông Cấm rồi hợp dòng đổ xuống cửa biển, dài 9 dặm, rộng 7 trượng, triều lên sâu 5 thước, triều xuống sâu 3 thước”.

Kênh Sắt đoạn qua xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc, sát với quốc lộ 1A - Ảnh: K.H
Hiện làng Thổ Hậu thuộc xã Diễn Quảng. Điểm nối từ sông Bùng là điểm giáp ranh 3 xã Diễn Quảng, Diễn Hạnh và Diễn Phúc, H.Diễn Châu hiện nay. Từ điểm tiếp giáp này, kênh chảy ngoằn ngoèo về hướng nam để nối với sông Cấm. Đoạn từ sông Bùng xuyên qua cầu Đậu nối qua quốc lộ 7, người dân bản địa gọi là kênh Đậu, lòng kênh khá rộng. Dọc hai bên kênh là những ruộng lúa trổ bông nhờ nước tưới được lấy từ lòng kênh.
Qua xã Diễn Cát, kênh nhà Lê tiếp tục xuyên qua các xã Diễn Thọ, Diễn Lộc, mang nguồn nước tưới cho những cánh đồng ở đây. Đoạn này, nhiều năm trước, kênh ngày một cạn dần do bị bồi lấp. Từ năm 2012, chính quyền đã bắt đầu cho nạo vét, khơi thông dòng chảy, lòng kênh sau khi được nạo vét rộng khoảng 5 - 6 m, sâu hơn 1 m. Ngoài cung cấp nước tưới, kênh nhà Lê còn có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho các xã vùng đồng bằng này. Kênh nhà Lê ở đây có đoạn chảy qua phía tây đền Cuông, nơi thờ Thục An Dương Vương, tướng Cao Lỗ và công chúa Mỵ Châu với các truyền thuyết nổi tiếng xưa nay.
"Chuyên gia" Nguyễn Trường Tộ
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, kênh Sắt là tên gọi đoạn kênh nhà Lê chảy qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An, H.Diễn Châu và xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc hiện nay. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ đoạn này được khởi đào từ năm 1003 do Lê Hoàn trực tiếp vào tận nơi chỉ đạo. Tuy nhiên, khi đào đến Truông Sắt thì gặp khó vì đây vùng núi non, có mỏ sắt với nhiều đá quặng rắn trong lòng đất.
Nhiều triều đại sau đó cũng bỏ công cố sức để đào thông đoạn này nhằm hoàn thiện hệ thống kênh nhà Lê nhưng không thực hiện được. Do chỉ đào được một khối lượng đất đá ít nên lòng kênh rất hẹp, nước cạn khiến tàu bè khi đến đoạn này đều bị mắc kẹt, không thể qua lại. Theo ông Tỉnh, đến đầu triều Nguyễn, đoạn kênh này vẫn chưa thể khơi thông. Một bài vè xuất hiện dưới triều Tự Đức có tên Đi phu đào kênh Sắt cho thấy triều đình đã phải huy động dân chúng ở Nghệ An, Hà Tĩnh đi phu để đào kênh rất cực khổ. Phải đến khi Hoàng Tá Viêm, đỗ cử nhân, nhậm chức Tổng đốc ở Nghệ An thì đoạn kênh này mới được khai thông.
Theo sử sách ghi lại, Tổng đốc Viêm lúc đó đã viết thư mời Nguyễn Trường Tộ, người có nhiều kiến thức khoa học, đã từng học môn địa chất ở Pháp để nhờ giúp đỡ. Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ đang bị bệnh, nằm điều trị ở nhà thờ Xã Đoài cách đó khoảng chục cây số, nhận được thư, ông đã nhờ người cáng ông đến nơi để thị sát. Sau khi được Nguyễn Trường Tộ cắm mốc, chỉ cách đào để tránh những nơi có đá, quặng rắn, khoảng một tháng thì đoạn kênh này được khơi thông.
Tọa độ lửa
Kênh Sắt, đặc biệt đoạn tiếp giáp với sông Cấm trong chiến tranh chống Mỹ là tọa độ lửa vô cùng ác liệt do máy bay Mỹ suốt đêm ngày dội bom để phá cây cầu Cấm nối quốc lộ 1A nhằm cắt đứt con đường huyết mạch từ bắc vào nam.
Tại xóm Tây Sơn, xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc, năm 1996, ngành giao thông vận tải đã cho xây dựng một đài tưởng niệm kênh nhà Lê nằm sát bên dòng kênh để ghi công những chiến sĩ đã hy sinh trên dòng kênh này trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Cụ Nguyễn Văn Thành (91 tuổi), cư dân của xóm Tây Sơn nguyên là Xã đội trưởng xã Nghi Yên trong những năm chống Mỹ, kể rằng thời chiến tranh, đoạn kênh này mỗi ngày có hàng chục tàu, thuyền vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào để chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời đó ở cửa sông Cấm đổ ra biển chưa có cống ngăn mặn nên thủy triều thông vào kênh và khi triều lên thì nước kênh rất sâu, tàu thuyền qua lại dễ dàng. Do kênh nhà Lê nối với sông Cấm ở ngay cầu Cấm (nối QL1A), nơi máy bay Mỹ ngày đêm tập trung dội bom, nên khi tàu thuyền chở lương thực, vũ khí chi viện qua đây đều rất khó khăn và nhiều tàu, thuyền đã bị trúng bom, tổn thất về người cũng nhiều.
Cụ Thành cho biết trước đây kênh nhà Lê đoạn này lắm tôm, nhiều cá, là nguồn cung cấp thực phẩm cho cư dân cả vùng. Bây giờ, mực nước kênh cạn hơn, chỉ còn trên dưới một mét, tôm cá vẫn còn nhưng không bằng xưa.


Ngày nay, kênh Sắt đoạn qua xã Nghi Yên vẫn còn khá rộng. Riêng đoạn tiếp giáp với xã Diễn Lộc, H.Diễn Châu kênh nhỏ hơn và đã bị cạn, chảy ngoằn ngoèo, tuy nhiên nguồn nước vẫn chảy thông và đang được nạo vét, mở rộng. Ở cửa sông Cấm đổ ra biển ở xã Nghi Quang, H.Nghi Lộc, người ta đã cho xây một cống ngăn mặn nên kênh Sắt hiện chứa nước ngọt từ sông Lam ở Nam Đàn theo kênh đào và kênh nhà Lê chảy về. Năm 1996, khi mở rộng quốc lộ 1A, một đoạn kênh Sắt nằm cạnh quốc lộ này bị lấn mất một phần. Hiện, tuyến đường này tiếp tục được mở rộng nhưng khi qua đoạn kênh này, người ta cho đường chạy vòng lên phía chân núi nằm ở hướng tây để tránh kênh nhà Lê.
Năm 2012, tỉnh Nghệ An cho nạo vét, mở rộng kênh Sắt đoạn qua H.Diễn Châu với chiều dài 9 km, kinh phí 99 tỉ đồng. Đến nay, việc nạo vét đang được thực hiện. Kênh Sắt hiện cung cấp nước tưới cho hơn 1.000 ha lúa và thoát lũ cho 8 xã phía nam Diễn Châu.

HMO nguồn Thanh Niên.
 

HMO

Administrator
Staff member
Kỳ IV: Con đường nam chinh, bắc tuần

Từ sông Lam, kênh nhà Lê tiếp tục xuyên qua đất Hà Tĩnh cho đến tận phía nam H.Kỳ Anh, gần giáp với đèo Ngang với chiều dài khoảng 80 km.

Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, hiện chưa rõ kênh nhà Lê ở Hà Tĩnh có được đào dưới thời vua Lê Đại Hành hay không. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Nhâm Thìn (Hưng Thống) năm thứ 4 (992)... Mùa thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử Án đem ba vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý”. Gia phả họ Ngô có chép việc Ngô Tử Án được vua Lê Đại Hành cử chỉ huy việc đào kênh từ châu Ái cho đến châu Hoan. Vì vậy, ông Tỉnh lập luận, khi vào mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý (Quảng Bình) thì Ngô Tử Án cũng có thể chỉ huy việc đào thông đường sông ở đây.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Quý Mão (Ứng Thiên) năm thứ 10 (1003), vua đi Hoan Châu, vét kênh Đa Cái thẳng đến Tư Củng Trường ở Ám Châu”. Theo ông Tỉnh, nay chưa rõ địa danh Tư Củng Trường và Ám Châu là ở đâu, nhưng có thể nhà vua đã cho đào thông các sông qua Yên Trường và Vĩnh Yên (sông Vịnh), sang phía Hà Tĩnh nên nhân dân Hà Tĩnh vẫn thường gọi những kênh đào từ sông Minh ở Đức Thọ vào đến Kỳ Anh là kênh nhà Lê.


Kênh nhà Lê đoạn qua xã Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh - Ảnh: Khánh Hoan
Theo sử liệu, kênh nhà Lê ở Hà Tĩnh bắt đầu từ Trung Lương (nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh), qua các xã Đức Thuận, Đức Thịnh, Bắc Hồng, Nam Hồng rồi vào H.Can Lộc, dân gian gọi là sông Minh. Hiện nay, tại thôn 6, xã Trung Lương, điểm nối từ kênh nhà Lê với sông Lam là một cống ngăn mặn rất lớn được xây dựng xong từ năm 2001, có cả một tổ phụ trách vận hành cống nhằm điều tiết nước để sử dụng tưới tiêu cho các huyện phía bắc Hà Tĩnh. Kênh nhà Lê từ đây đổ vào khá rộng và sâu, hai bên bờ có rất nhiều tàu thuyền đánh cá, vận tải neo đậu. Năm 2006, chính quyền đã cho nạo vét đoạn kênh này để khai thác thủy lợi, tưới tiêu cho hàng vạn héc ta lúa dọc hai bên kênh. Đến thị trấn Nghèn, H.Can Lộc, kênh nhà Lê được gọi là sông Nghèn, đổ ra Cửa Sót với chiều dài 37 km.
Cuốn Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch cho rằng từ thời Tiền Lê đến các triều đại sau đó đã sử dụng sông Nghèn như một tuyến trung chuyển hết sức quan trọng để vận chuyển binh, lương phục vụ cho các cuộc nam chinh, bắc tuần. Do đó, đoạn sông này được các triều đại vua cho nạo vét nhiều lần và quen gọi là kênh nhà Lê. Thời nhà Hồ đã từng cho khơi sâu, nối với các kênh rạch kề cận làm căn cứ tập thủy trận. Vua Thiệu Trị từng sử dụng kênh này để tuần bắc. Con sông này chứa đựng nhiều câu chuyện dân gian về các đời vua khi ngự thuyền qua sông này. Vào tháng 11 năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông từ Thăng Long khởi giá Nam chinh cũng đi thuyền qua đoạn sông này. Khi đoàn thuyền qua khỏi bến đò Nghèn thì đến đoạn sông quanh co, khúc khuỷu rất khó đi. Quan Thái tể Thượng trụ đi hộ giá đã phải huy động quân lính và nhân dân trong vùng đến đào khơi sông, nắn khúc eo này. Sau khi đào xong, nhận thấy đây là vùng đất đẹp, phong thủy tốt nên nhiều dân phu đã chọn để định cư, lập nên làng mới, đặt tên là làng Trụ Thượng. Hiện, tại đây vẫn còn một ngôi đền mang tên Thượng Trụ, là dấu tích của công trình đào, nắn con sông này.
Phục vụ hơn 12.000 ha đất
Kênh nhà Lê từ Trung Lương vào đến Cửa Sót dài khoảng 50 km, hiện đang được nhiều người dân địa phương sử dụng làm tuyến đường vận tải. Khi nước lên, thuyền trọng tải vài chục tấn có thể đi lại dễ dàng. Tại xã Vượng Lộc, năm 1942, người Pháp cho xây một cống ngăn mặn, gọi là cống Đồng Huề. Cống này có chức năng ngăn nước mặn từ sông Nghèn theo thủy triều tràn lên và vẫn còn được sử dụng từ đó cho đến năm 2008, khi công trình thủy lợi ngăn mặn Đò Điệm đi vào hoạt động. Đò Điệm là công trình ngăn mặn, giữ ngọt lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau công trình đập Thảo Long ở Thừa Thiên-Huế) và cũng là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn thứ 2 ở Đông Nam Á hiện nay. Hệ thống đập ngăn mặn này gồm 21 nhịp, chiều dài 266 m, rộng 7 m, có 12 cửa van tự động, 4 cửa van khung, 2 âu thuyền trọng tải 200 tấn.
Ông Trần Duy Chiến, Phó chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, đánh giá kênh nhà Lê có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác thủy lợi và giao thông đường thủy ở phía bắc Hà Tĩnh. Đặc biệt từ khi dự án cống Trung Lương (công trình điều tiết nước ngọt từ sông Lam vào sông Nghèn) hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2001 và dự án ngọt hóa sông Nghèn hoạt động, thau chua rửa mặn thì kênh nhà Lê thực sự góp phần tạo nên kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp vì trước đó gần như hơn 12.000 ha đất ở đây đều bị nhiễm mặn, phải bỏ hoang. Công trình này đã giải cứu diện tích đất này và hiện đang phục vụ tưới tiêu cho 12.500 ha đất nông nghiệp ở ba huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà và khoảng hơn 2.000 ha đất trồng trọt, vườn tược của thị xã Hồng Lĩnh và H.Đức Thọ.
Kênh nhà Lê cùng với nhiều kênh rạch chằng chịt khác đã tạo cho cảnh quan môi trường của vùng đất này trở nên khá đẹp. Dòng kênh cũng mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân sống ven kênh.
HMO nguồn Thanh Niên.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top