• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Hà Tĩnh: Mất mùa chưa từng có,

HMO

Administrator
Staff member
Dịch bệnh trên cây lúa khiến Hà Tĩnh mất mùa chưa từng có trong lịch sử. Dân nghi ngờ nguyên nhân từ giống lúa, còn ngành nông nghiệp thì cho rằng do thời tiết và thói quen người dân.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, vụ xuân năm 2017 toàn tỉnh gieo hơn 58.000ha lúa gồm các giống lúa chủ lực Thiên Ưu 8; Bắc Thơm 7; P6; Nhị Ưu…, ngày 13/2 tại một số địa phương xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại lúa.

Diện tích lúa nhiễm bệnh gần 20.000ha, trong đó có 12.000ha lúa Thiên Ưu 8 bị mất trắng hoàn toàn.

Các địa phương chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt dịch bệnh vừa qua phải kể đến huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Can Lộc.

Anh Nguyễn Tiến Thành (SN 1974, thôn Đồng Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) cho hay, nhà có 5 nhân khẩu và 8 sào ruộng. Vụ xuân vừa qua anh gieo toàn bộ lúa Thiên Ưu 8. Quá trình lúa nảy mầm và trổ bông rất xanh tốt, nhưng đến khi thu hoạch thì chỉ toàn hạt lép.

“8 sào ruộng thu hoạch chưa được 1 tạ lúa, hạt lép nhiều nên chỉ được vài yến gạo. Mất mùa thế này thì đói đến nơi rồi”, anh Thành than thở.

Ở xã Thạch Xuân có hàng trăm hộ mất trắng như anh Thành. Đặc biệt, nhiều hộ mất đến hơn 2 mẫu ruộng, như hộ ông Nguyễn Văn Nam.


Ông Bùi Công Tạo, thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân đang dẫn nước vào mảnh ruộng đã mất trắng vụ vừa qua, chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Phó chủ tịch UBND xã Thạch Xuân Nguyễn Văn Quý cho biết, toàn xã gieo 382ha lúa Thiên Ưu 8 thì có đến hơn 333ha bị mất trắng, số còn lại cho năng suất dưới 30%.

“Dân ở đây thuần nông, mỗi năm canh tác 2 vụ, trong đó chủ yếu là vụ xuân lấy lương thực cho cả năm. Nhưng năm nay lúa mất trắng thì sẽ thiếu ăn”, ông Quý nói.

Theo ông Quý, người dân nghi ngờ giống lúa kém là nguyên nhân chính gây mất mùa.

Trong đợt thị sát tại Hà Tĩnh vừa qua, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn nhận xét, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của địa phương và đời sống người dân.

Vấn đề chưa từng có tiền lệ
Tại cuộc họp khẩn với Sở NN&PTNT và các địa phương chịu thiệt hại nặng giữa tháng 5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch hại.

"Việc Hà Tĩnh mất hơn 20 nghìn ha lúa trong bối cảnh thời tiết các tỉnh miền Trung na ná nhau, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An được mùa, là vấn đề lớn, chưa từng có tiền lệ và cần phải xem xét lại", Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh.


Thiệt hại mùa màng của tỉnh Hà Tĩnh ước tính trên 600 tỷ đồng
Theo ông Sơn, vụ lúa chính trong năm thất thu khoảng 110.000 tấn, với giá lúa 6.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân thiệt hại đến hơn 660 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

“Thiệt hại của dân rất nặng, nhiều cánh đồng mất trắng. Đây là câu chuyện tôi đã chỉ đạo rất sớm nhưng cách làm không ổn, thiếu chặt chẽ, bài bản ngay từ đầu. Cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo buông lỏng”, Bí thư tỉnh ủy chỉ trích.

Mất mùa do thời tiết và do dân?
Báo cáo mới nhất gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cho rằng, mất mùa là do thời tiết thất thường, các đợt không khí lạnh muộn hơn so với cùng kỳ năm trước và trùng với giai đoạn lúa trổ đồng tập trung.

Đặc thù vụ xuân 2017 giống Thiên Ưu 8 mẫn cảm mạnh với bệnh đạo ôn cổ bông, thời gian lúa trổ bông nhanh gặp thời tiết bất lợi đã khiến nấm phát sinh gây hại dẫn đến thiệt hại lớn.

Sở NNPT&NT Hà Tĩnh lập luận, công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo đã kịp thời. Tuy nhiên các địa phương thiếu giám sát, thiếu quyết liệt trong công tác phòng bệnh.

"Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến mất mùa vừa qua là do người dân" - Sở NNPT&NT Hà Tĩnh khẳng định.

“Lúa gạo sản xuất trong vụ xuân chủ yếu dùng trong gia đình nên người dân thường không phun thuốc giai đoạn lúa trổ bông. Tập quán canh tác một số vùng còn gieo cấy dày, bón phân không cân đối… đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại”, báo cáo viết.

Theo Lê Minh, Nga Nguyễn (Vietnamnet)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top