• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TX Hoàng Mai Góp sức vươn ra biển lớn

HMO

Administrator
Staff member
Mỗi lần bước chân xuống bến cảng để ra khơi là ruột gan cháy bỏng. Mẹ ruột nằm viện, vợ chăm mẹ chồng vừa chạy chợ bán cá để lấy tiền nộp viện phí, thuốc thang nên đã quá sức rồi ngã bệnh. Bỏ những chuyến biển để ở nhà lo tiền viện và chăm sóc cả mẹ lẫn vợ. Cứ gian nan, luẩn quẩn như thế cho đến khi được tiếp cận với bảo hiểm y tế…

Điều trị bệnh cho người thuộc diện bảo hiểm y tế hộ gia đình tại TT y tế Hoàng Mai.
Một thời không muốn vươn khơi xa bờ
Cũng như nhiều vùng quê biển khác, dải đất Quỳnh Phương và Quỳnh Lập của thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã gắn chặt với tập quán bao đời nay. Sinh đông con để có nhân lực đi đánh cá, trông chờ tất cả vào biển nên nhiều lúc cũng “năm ăn năm thua”, khi bão gió, rủi ro thì tay trắng. Và một quan niệm “chết người” nữa là không muốn tham bảo hiểm y tế bởi câu cửa miệng: “đến đâu hay đó”! Để rồi “khi đau ốm thì đi khám và chữa ngoài cho tiện, cho nhanh”. Bởi vậy mà một phần nguồn nhân lực của ngư trường tạm ở lại… trên bờ theo những người đau ốm.


Chuyện về gia đình ông Lê Văn Nguyên, khối Ái Quốc, phường Quỳnh Phương, vợ ông chạy chợ, chở đầy cá trên chiếc xe đạp cà tàng từ bến lạch Cờn lên Mai Hùng cách 8 cây số. Một lần trật chân ngã trái và bị xe cá đằn lên, bà bị gãy xương sống lưng. Hai tháng ròng chăm bà ở bệnh viện, nhiều món đồ đạc trong nhà phải bán đi, chạy vạy vay cả tiễn nợ lãi. Nhìn sang giường bệnh bên cạnh, người ta chẳng mất tiền viện phí và điều trị, ông Nguyên cứ há hốc miệng đến kinh ngạc. Ông lại nhớ đến cái lần trên loa phường nói về bảo hiểm y tế, ông bắt đầu gật gù hiểu ra…


Hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Châu ở xã Quỳnh Lập gặp cảnh khá éo le. Mẹ anh bị chứng viêm đa khớp phải nằm viện và không thuộc diện bảo hiểm y tế. Anh Châu bỏ chuyến biển để ở nhà lo tiền thuốc cho mẹ. Trên đường đi vay tiền về, do tránh vũng nước nên anh va quệt với một xe khác và tại nạn xảy ra. Vợ anh bỏ chợ chăm sóc mẹ và chồng, kiệt sức quá chị cũng ngã ốm luôn. Cả nhà nằm viện không có thẻ bảo hiểm y tế, đè nặng thêm lên nỗi khó khăn muôn phần.


Tất cả đã qua và đã trở thành quá khứ, những khó khăn ấy chỉ còn là để nhớ, bởi như lời ông Nguyên: Bà con nay đã “tỉnh” ra rồi, tham gia bảo hiểm y tế, chúng tôi như “gửi” lại người thân để mình yên lòng vươn khơi xa.


Bản thân ông Nguyên, anh Châu đã khuyên nhủ, tuyên truyền rất nhiều hộ dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Chúng tôi nói với mọi người là: “Đừng đợi lúc sức yếu mới tham gia, phải đóng bảo hiểm y tế tự nguyện khi đang khỏe, để mà phòng lúc đau ốm, lúc rủi ro, trái gió trở trời”.


Vươn ra biển lớn
Cái tin Quỳnh Phương vừa hạ thủy một tàu vỏ thép “sáu bảy” (chương trình theo NĐ 67 của Chính phủ) đã cộng hưởng thêm cho 405 chiếc tàu cỡ lớn liên tục được hạ thủy để đánh bắt xa bờ. Hầu hết đàn ông, trai tráng rộn ràng ra khơi xa bám biển dài ngày, chẳng còn bận tâm, níu kéo ở nhà, bỏ biển để chăm lo đau ốm cho người thân như trước. Quả thực, có mặt tại dãy nhà điều trị ở Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai, một điều khá thú vị là tất cả người nhà chăm sóc bệnh nhân đều là nữ giới. Bà Trần Thị Hoán, 59 tuổi đến từ vùng biển thuộc thôn Đồng Minh, xã Quỳnh Lập (Hoàng Mai) cho biết: “Chồng tôi mất đã 16 năm, 3 đứa con đều đi đánh bắt xa bờ hàng tháng mới về. 2 năm trước, con cái nó thúc dục tôi đóng bảo hiểm y tế, lúc đó nghĩ rằng mình đang khỏe nên không cần. May mà nghe con, bây giờ mỗi lần đau ốm lại mở tủ lục tìm tấm thẻ bảo hiểm y tế. Không có bảo hiểm y tế chắc tôi chết rồi”.


Một chuyến đánh bắt xã bờ lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng

Trong lúc đánh bắt ngoài khơi, anh Lê Thanh Hạnh (phường Quỳnh Phương) không may bị tai nạn, bắp chân bị dập nát. “Trên đường về bờ, đau đớn không bằng tôi lo lắng về khoản tiền phẫu thuật ở bệnh viện. Lúc về đến bến thì cũng là lúc vợ tôi báo tin, tình cờ tìm và bắt gặp tấm thẻ bảo hiểm y tế mua từ hồi cuối năm 2015. Biết thế nhưng vẫn chưa hết lo. Khi làm thủ tục xuất viện, tôi mới được tin như “trên trời rơi xuống” là do tôi mua bảo hiểm y tế tự nguyện đã 5 năm nên được miễn toàn bộ tiền phẫu thuật và điều trị”. Vợ chồng anh cười thật tươi và cùng dắt nhau rời khỏi khu điều trị để trở về nhà.


Theo số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội Hoàng Mai, chỉ tính riêng phường Quỳnh Phương, số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện từ tháng 12/ 2015 về trước là 1221 người, thì đến tháng 9 năm 2016 lên đến 3185, nghĩa là tăng thêm 1964 người. Ông Nguyễn Xuân Cường – Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Hoàng Mai cho biết: “Tuyên truyền mạnh nhất là trên loa truyền thanh xã phường tần suất tăng gấp đôi năm trước, đặc biệt là khoảng thời gian giữa tháng âm lịch khi toàn bộ ngư dân nghỉ trăng về bờ. Từ thời điểm Bưu điện tham gia làm đại lý thu bảo hiểm y tế hộ gia đình đã góp thêm một kênh tuyên truyềnhữu hiệu”. Ngoài rahệ thống Cộng tác viên là những cán bộ chi hội phụ nữ khối xóm, khối trưởng ở Quỳnh Phương hoạt động rất tích cực và hiệu quả.


Ông Tô Huy Hùng – Phó chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho rằng: “Khó khăn nằm ở vùng biển và thuận lợi cũng ở đó nếu công tác tuyên truyền tốt. Thị xã có 10 phường xã và 14 cơ sở điều trị bảo hiểm y tế, trong đó có một bệnh viện cấp trung ương trên địa bàn. Bảo hiểm y tế hộ gia đình đang phát triển mạnh ở vùng biển đã góp phần không nhỏ và rất có ý nghĩa vào chính sách vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền”.

Đào Nguyên Thuận

 

Ads HMO

Ads HMO

Top