• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Dù đã 7 lần mang nặng đẻ đau nhưng chị chưa một lần cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc được làm mẹ khi

HMO

Administrator
Staff member
Dù đã 7 lần mang nặng đẻ đau nhưng chị chưa một lần cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc được làm mẹ khi những sinh linh bé nhỏ ấy chào đời... Người đàn bà bất hạnh đó là Nguyễn Thị Tần (SN 1968, trú tại xóm 3, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn).

Bi kịch từ mối tình không hôn thú
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của chị Tần nằm sâu hút trong con đường ngoằn ngoèo đầy sỏi đá, trên một cái dốc cao, cỏ mọc um tùm che kín cả lối vào. Từ khi ngôi nhà mới được xây dựng, cửa nẻo đàng hoàng, chị đã có những đêm tròn giấc, không phải lo lắng về tiếng chó nhà bên sủa hờ, tiếng lắc lư của những người đàn ông say rượu rồi tìm đến chị để “giải rượu” nữa.
Cuộc đời chị là một chuỗi ngày đau khổ. Cách đây hơn 20 năm, chị không thuộc dạng “sắc nước hương trời” nhưng cũng làm trai làng trên xóm dưới ngả nghiêng. Người trẻ thì tấm tắc, còn người già thì chậc lưỡi lo cho cái kiếp “hồng nhan phận mỏng” của chị.
Chị Nguyễn Thị Tần
Đến tuổi dập dìu, chị đã đem yêu thương gửi trao cho anh hàng xóm hiền lành chân chất. Hoàn cảnh gia đình chị thật là éo le, bố mẹ mất khi chị vừa tròn 18 tuổi khiến cho gia đình nhà trai đắn đo chuyện cưới hỏi. Thậm chí họ ra mặt ngăn cấm anh chị đến với nhau. Nhưng anh chị vẫn một mực bảo vệ tình yêu của mình mặc cho bao sóng gió. Chuyện gì đến cũng sẽ đến, vì tình yêu nên hai người đã cho nhau tất cả. Chị có bầu và năm 1989, hai người đón nhận quả ngọt của tình yêu đầu đời. Một bé trai kháu khỉnh lọt lòng trong niềm vui khôn xiết của đôi uyên ương trẻ. Không cau, không trầu, không người bưng lễ, cũng chẳng có đám cưới rình rang nhưng chị đã xem anh như người chồng, người cha, người đàn ông trụ cột của cả đời mình. 6 năm sau, lại một bé gái xinh xắn chào đời. Đủ nếp, đủ tẻ, những tưởng hạnh phúc sẽ viên mãn hơn trong sóng gió. Nhưng kể từ ngày đó, người đàn ông của chị bỗng trở nên lạnh nhạt và dần rời xa tổ ấm của ba mẹ con. Không còn quan tâm chị, cũng chẳng mặn mà chuyện nuôi nấng hai đứa trẻ và trong mắt người làng lúc bấy giờ chị là loại đàn bà “không chồng mà chửa” mặc dù ai cũng biết hai đứa trẻ xinh xắn đó là “chủ nhân” của nó.
Dường như đó là cú sốc quá lớn đối với một người đàn bà còn chưa đầy 30 tuổi. Một mình chật vật nuôi dạy hai đứa con với nỗi đau của một tình yêu tan vỡ, chị sống trầm cảm, khép kín thu mình trong căn nhà nhỏ. Nhiều lúc tự dưng chị bỗng cười sằng sặc và hát vu vơ nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má. Người ta gọi chị là người đàn bà ngớ ngẩn. Và tấm bi kịch của cuộc đời chị cũng bắt đầu từ ngày đó.
Những đứa trẻ sinh ra không biết cha
Từ lúc bố của hai đứa trẻ không còn thương yêu và quan tâm đến ba mẹ con, chị bắt đầu có triệu chứng trầm cảm và ngày càng nặng hơn. Lúc tỉnh thì lặng lẽ làm việc như một cái bóng nhưng khi lên cơn là chị lại hát vang nhà, nhảy nhót múa hát và nói lảm nhảm.
Căn nhà nhỏ lụp xụp của mẹ con chị cũng vì thế mà trở nên cô quạnh hơn vì dần dần mọi người cũng thấy ái ngại với người đàn bà “điên”. Không có đàn ông trong nhà, hai đứa con còn nhỏ, bản thân chị thì không được tỉnh táo nên những đêm tối trời, nhà chị lại có những vị khách “không mời mà đến”.
Những gã đàn ông xấu bụng biết hoàn cảnh của chị nên sau những cuộc bù khú với bạn bè bên bàn nhậu, họ lại tìm đến chị để “giải khuây”, thỏa mãn những dục vọng tầm thường. Hỏi chị tại sao không chống cự thì chị trả lời bâng quơ “họ khỏe lắm!”. Để rồi kết quả của những lần “không chống cự được” đó là 5 đứa trẻ lần lượt chào đời mà chính chị cũng chả nhớ được ai là cha chúng. Sau mỗi lần sinh nở, chị lại “điên” hơn, những gã đàn ông đốn mạt lại tìm đến với chị nhiều hơn.
Căn nhà cũ - nơi 7 đứa con chào đời
Đứa con thứ ba chào đời vào năm 1998, lại là một bé trai kháu khỉnh. Ngoài hai đứa con đầu thì đây là đứa trẻ được sống với mẹ lâu nhất. Lúc tròn 2 tuổi thì có người ở Đô Lương lên xin về làm con nuôi. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 13, khi đã nhận thức được tình máu mủ, cháu đã tự động tìm về bên mẹ.
Những đứa con sau này, cứ sinh xong được vài ba tháng là chị lại bán cho người khác vì bản thân không đủ điều kiện để nuôi nấng chúng. Thương nhất là đứa thứ 7, nó được cho đi khi mới lọt lòng được 4 ngày, khi còn chưa kịp bén hơi mẹ.
Nói chị “bán” con thì hơi quá, bởi chả mẹ nào mà bán con được với cái giá rẻ mạt như thế. Cực chẳng đã chị mới nuốt nước mắt nén chặt nỗi đau nhìn người khác ôm từng đứa con mình dứt ruột đẻ ra mang về làm con họ. Mỗi lần có người đến xin con, họ lại để lại cho chị 300.000-400.000đ và một ít đồ gọi là “bồi dưỡng”.
Chị “cho” con đi mà chẳng biết con mình được đưa đi đâu, và mỗi lần ai đó hỏi về bố của những đứa trẻ, chị lại cười sằng sặc và không hề hé nửa lời. Chẳng ai biết chị buồn hay vui nữa… Nhưng ai cũng nói có lẽ chị cười để nước mắt không rơi, chị cười để không ai biết lòng chị đau như cắt. Hai đứa con đầu của chị vì không chịu nổi miệng lưỡi thế gian, không muốn nhìn cảnh mẹ cứ có bầu và cứ sinh em ra chưa được bao lâu mẹ lại mang cho người khác mà chưa một lần nhìn thấy bố của những đứa trẻ nên chúng đã bỏ nhà vào Nam sinh sống.
7 đứa con chị mang nặng đẻ đau giờ đây đều đã có cuộc sống mới, nhưng không đứa nào ở lại bên chị. Hai đứa lớn vào Nam, đứa thứ ba sau khi tìm về với mẹ được một thời gian cũng theo anh chị vào Nam kiếm việc làm. 4 đứa còn lại cũng đã có gia đình mới với bố mẹ mới và niềm vui, hạnh phúc mới.
Người ta vẫn nói với nhau “không gì đau bằng đau đẻ”. Ấy vậy mà cả 7 lần sinh con chị đều sinh thường và tự mình vượt cạn không cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ, sinh xong chị đều tự làm mọi việc. Phải chăng nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn đã khiến chị quên đi nỗi đau về thể xác? Hỏi chị có nhớ con không, có muốn gọi mấy đứa trở về không, chị trả lời với đôi mắt ráo hoảnh: “Sau này chúng nó nhớ sẽ về, bây giờ không có tiền, không nuôi được”. Nghe mà không khỏi xót xa!
Mong ngày đoàn tụ
Kể từ ngày sống một mình, chị Tần làm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống. Cấy thuê, cuốc mướn, chẻ củi… ai thuê gì làm nấy. Mỗi ngày chị cũng kiếm được vài ba chục nghìn, lo đủ bữa rau, bữa cháo.
Căn nhà mới được chính quyền xã cùng với hai người chị mới xây cho, đứng tên cậu con trai đầu.
Căn nhà nhỏ lụp xụp, tăm tối ngày xưa của chị nay đã được thay thế bằng một ngôi nhà mới khang trang hơn. Có điện đóm, cửa nẻo đàng hoàng. Chị đã có những đêm tròn giấc, đã không còn phải giật mình vì tiếng chó sủa hờ, hay tiếng bước chân người loạng choạng giật cửa vào những đêm say xỉn.
Chị Nguyễn Thị Xuân (45 tuổi), hàng xóm của chị Tần cho biết: “Mỗi lần lên cơn, cô ấy lại chửi tục và lảm nhảm nguyền rủa ai đó. Có khi còn hát rồi cười sằng sặc. Nhưng khi tỉnh, lại thấy mắt cô ấy buồn rười rượi, nhìn xa xăm, như đang ngóng con về. Thương lắm!”.
Ông Lê Khắc Thanh, Trưởng Công an xã Lạng Sơn cho biết: “Từ khi sự việc này được người dân phản ánh, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng thanh niên và phụ nữ xã đã tìm ra chỗ ở của cả 7 đứa con và biết chắc cuộc sống của chúng đang rất tốt. Xã cũng đã phối hợp với hai người chị gái làm lại nhà cho chị Tần và làm sổ hộ khẩu đứng tên con trai đầu của chị. Đồng thời để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra, Hội phụ nữ vẫn vận động chị đi tiêm thuốc tránh thai đều đặn hàng tháng”.
Chia tay chị Tần khi hoàng hôn vừa đổ bóng. Tiễn chúng tôi ra khỏi cửa nhưng miệng vẫn không ngớt mời chúng tôi “ngủ lại một đêm, vì ở một mình buồn lắm”. Nhìn bóng người đàn bà bất hạnh khuất dần rồi mất hút, chúng tôi cầu mong chị có được ngày đoàn tụ. Để một lần chị có thể cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc bên những đứa con.
HMO nguồn Công Lý.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top