• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Con Cuông Chàng thanh niên Chôm Lôm ngày ấy bây giờ

HMO

Administrator
Staff member
Cách đây 8 năm, khi dòng nước dữ ở bến đò Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện miền núi Con Cuông) đang nhấn chìm con đò chở hàng chục em học sinh qua sông Lam, chàng thanh niên dũng cảm Lộc Vĩnh Thêu đã liều mình bất chấp hiểm nguy, lao ra giữa dòng nước dữ cứu người.
Người dân bản Chôm Lôm gọi anh Thêu là “anh hùng Chôm Lôm”. Nay anh Thêu đã là Phó Bí thư Đoàn xã Lạng Khê, năng động, nhiệt huyết, khát khao cống hiến cho quê hương.

Dũng cảm giành lại 5 học sinh từ tay hà bá
Trở lại bến Chôm Lôm, dòng sông Lam vẫn đục ngầu cuộn chạy nhưng quang cảnh xung quanh đã khác đi nhiều.

Cây hoa gạo cổ thụ bên bến Chôm Lôm soi mình xuống khúc sông hung dữ. Sau vụ chìm đò thương tâm (ngày 7-10-2006) làm 19 học sinh thiệt mạng (5 em chưa tìm thấy thi thể), bến đò Chôm Lôm bị “đóng cửa”. Thay vào đó là chiếc cầu treo bắc qua sông, nối con đường bê tông từ quốc lộ 7A chạy thẳng vào bản Chôm Lôm. Đến nay, năm học sinh được anh Thêu cứu sống đã lập gia đình, có em vừa tốt nghiệp cử nhân.


Bến Chôm Lôm bây giờ và chiếc cầu treo bắc qua sông Lam dẫn vào bản Chôm Lôm. Ảnh: Đắc Lam

Anh Thêu (32 tuổi) là con thứ hai trong gia đình có ba chị em ở bản Chôm Lôm. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh đành gác ước mơ lên đại học, ở nhà phụ giúp cha mẹ. Đến năm 20 tuổi, ước mơ đi học vẫn âm ỉ cháy, anh năn nỉ cha mẹ bán mấy con lợn nuôi làm lộ phí. Một mình anh bắt xe vào Đà Nẵng đi thi và đậu ngành Giáo dục thể chất của khoa Bơi lội, Trường CĐ Thể dục Thể thao Đà Nẵng.

Mùa thu năm 2006, cơn bão số 6 tàn phá ngôi trường nên anh Thêu được tạm nghỉ về thăm quê. Cũng trong thời gian này, anh chứng kiến nỗi mất mát lớn của cả bản làng khi tai nạn chìm đò xảy ra.

Sáng hôm đó, khi nghe tiếng kêu thất thanh, chạy ra sông, Thêu thấy những bàn tay và mái đầu trẻ chới với dưới dòng nước đục ngầu, cuộn xiết. Không ngần ngại, anh lao mình xuống dòng sông sâu, cứu được 5 em học sinh. Cho đến giờ, anh Thêu vẫn không nguôi tiếc nuối: “Lúc đó, nước dâng cao lại chảy quá xiết, giá như tôi có thể cứu được nhiều người hơn, thì nỗi đau ngày xưa có thể vơi đi một ít”.

Kí ức buồn là động lực để anh phấn đấu học tập để trở thành thầy giáo. Tháng 7-2007, anh tốt nghiệp, từ chối lời mời ở lại Đà Nẵng làm việc và háo hức trở về quê làm thầy giáo, nhưng con đường xin làm thầy giáo của anh không suôn sẻ.

Gặp phải nhiều lời từ chối vì “hết chỉ tiêu” từ Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, Phòng GD&ĐT huyện miền núi Tương Dương… Cuối cùng, anh đành chấp nhận ở nhà làm rẫy, phát triển kinh tế gia đình, chờ cơ hội khác.

Chàng Bí thư Đoàn với mô hình điểm vườn-ao-chuồng-rừng
Không nản chí, anh Thêu bám trụ ở quê nhà và bắt tay vào làm vườn-ao-chuồng-rừng (VACR).

Anh nhớ lại: “Lúc đó thấy bản mình và xung quanh giao thông khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp ít, đời sống bà con còn quá khó khăn, dân trí còn thấp, nhiều lạc hậu…Tôi nghĩ phải giúp bà con vực dậy”.

Đêm đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, anh khát khao được đi dạy học đến phát khóc. Anh vay mượn được 40 triệu đồng để tự phát triển kinh tế, xin nhận đất hoang mở rộng thêm sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi heo, xin nhận đất rừng trồng cây keo, cây mét, cây nứa…kết hợp chăn nuôi trâu, bò thả rừng.

Làng bản Chôm Lôm đang có nhiều khởi sắc
Sau nhiều năm cố gắng, bây giờ anh đã xây dựng được nguồn thu ổn định, từ 90 đến 100 triệu đồng năm. Anh còn tạo việc làm cho một số thanh niên trong xã. Nhiều bà con đã học theo mô hình VACR của anh. Anh được địa phương đã tín nhiệm đề bạt Thêu lên vị trí Phó Bí thư Đoàn xã Lạng Khê.

Phương châm của anh Bí thư trẻ không chỉ là “nói phải đi đôi với làm” mà phải làm mẫu trước để thanh niên noi theo. Đặc biệt hai cha con người lái đò năm ấy sau khi chịu án tù, quay về quê cũng đã học theo cách làm kinh tế của anh Thêu và có được cuộc sống ổn định.

Anh luôn đi đầu các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tuyên truyền giáo dục pháp luật, tích cực đề xuất, hiến kế trong các phong trào thanh niên, xây dựng nông thôn mới, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động Đoàn, Hội cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, đặc biệt là cán bộ ở nông thôn, miền núi…

Bản Chôm Lôm vươn lên nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, Đoàn Thanh niên và những thanh niên đầy nhiệt huyết như anh Thêu. Ảnh: Đ.Lam
Năm 2012, anh được trao tặng giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường…

Công tác chiếm gần hết thời gian nhưng anh vẫn sắp xếp để theo học ngành Kinh tế , Trường Đại học Vinh. Cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần, anh lại đón xe đò xuống TP Vinh đi học.

Ông Vi Đình Tuyển, Chủ tịch xã Lạng Khê, cho biết: “Người dân xã Lạng Khê chúng tôi rất tự hào. Anh Thêu là người có tấm lòng dũng cảm cứu người. một cán bộ Đoàn xuất sắc, lao động kinh tế giỏi và rất ham học hỏi. Bản làng Chôm Lôm đang dần khởi sắc, trong đó sự đóng góp của anh Thêu là rất lớn”.

Anh Thêu-người hùng Chôm Lôm ngày ấy, bây giờ là Phó Bí Thư Đoàn xã Lạng Khê đang cập nhật thông tin khoa học, công nghệ để giúp bà con phát triển kinh tế.Ảnh: Đắc Lam
Anh Lộc Vĩnh Thêu được UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Uỷ ban TDTT tặng Bằng khen tặng Bằng khen vì đã có hành động dũng cảm cứu các em học sinh trong vụ đắm đò tại bản Chôm Lôm.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Hiệp hội Thể thao dưới nước tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp Thể thao dưới nước Việt Nam năm 2001 – 2006.

Danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2010”.
Theo PLO
 

Ads HMO

Ads HMO

Top