Đang khai thác hải sản ngoài biển khơi, chiếc tàu mang số hiệu NA 93362TS đột nhiên chết máy, trôi dạt ngoài biển, có nguy cơ bị chìm.
Chiếc tàu gặp nạn đang được sửa chữa
Dù thuyền trưởng đã nhanh chóng phát thông tin cứu trợ nhưng nhiều tiếng đồng hồ sau, tàu cứu hộ mới tiếp cận được 18 thuyền viên. Và phải mất 43 tiếng đồng hồ lênh đênh ngoài khơi với tâm trạng hoang mang, các thuyền viên gặp nạn mới được cập cảng trong sự vui mừng vỡ òa của người thân.Tàu cá chết máy ngoài khơi
Dù chiếc tàu đánh cá mang số hiệu NA 93362TS của ngư dân xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã được đội cứu hộ của Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận lai dắt cập bến Lạch Quèn, nhưng sự lo lắng vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của 18 ngư dân khắc khổ.
Với họ, dù nhiều người đã có kinh nghiệm làm nghề lâu năm, tuy nhiên, việc gặp phải sự cố, bị trôi dạt ngoài biển với thời gian dài như vậy là điều hiếm gặp. Sự cố không những gây thiệt hại kinh tế lớn mà còn khiến tâm lý một số nạn nhân hoang mang.
Ngồi nhìn chiếc tàu đánh cá đang neo đậu ngoài cảng, ông Bùi Viết Trinh (SN 1971, ngụ xóm Cộng Hòa, xã Quỳnh Long, thuyền trưởng) buồn bã cho biết: “Bước đầu xác định tàu của chúng tôi bị gãy trục cơ, khả năng sữa chữa được là rất khó nên phải mua đầu máy mới. Hiện nay, giá “bèo” nhất của dòng máy này cũng trên 200 triệu đồng. Chưa kể đến khoản lỗ hơn 100 triệu đồng của tàu tôi do sự cố vừa rồi”.
Ông Trinh kể lại khoảng thời gian lênh đênh ngoài biển
“Khi anh em đang đánh bắt hải sản bỗng nghe lái tàu hốt hoảng thông báo động cơ máy gặp vấn đề. Không lâu sau, mọi người cảm nhận chiếc tàu bắt đầu trôi dạt vô phương hướng. Nguy hiểm hơn, gió có dấu hiệu mạnh lên. Lúc đó khoảng 12h trưa cùng ngày”, ông Trinh kể.
Theo lời các ngư dân, thời điểm ấy tàu của họ đang trên vùng biển giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, cách đất liền chừng 30 hải lý. Liền sau đó, thuyền trưởng đã điện cho một số tàu bạn, nhờ ứng cứu nhưng không được.
“Tàu thì thông báo bị hỏng máy, đang sửa, tàu thì bảo đang đánh cá ở khu vực chúng tôi gặp nạn nên họ không thể đến lai dắt tàu vào đất liền được”, vẻ mặt ông Trinh vẫn còn lo lắng khi nhắc lại sự cố.
Lo sợ tàu mình sẽ trôi dạt xa ra biển, thuyền trưởng liền điện về thông báo cho chủ tàu là anh Bùi Công Danh (SN 1977) hiện đang ở đất liền nhờ ứng cứu. Anh Danh nhớ lại: “Nghe tin các anh em đang gặp nạn ngoài biển, tôi vô cùng lo lắng. Bởi, tàu này được gia đình tôi mua với giá 3,5 tỷ đồng, đưa vào khai thác được 3 năm. Trong những lần ra khơi đó, chưa khi nào tàu gặp sự cố ngay ngoài biển. Sau đó, tôi vội chạy đi nhờ một số tàu quen biết, nhưng họ đều đã xuất cảng nên không biết cầu cứu ai”.
Sự cố nguy hiểm cũng được các thuyền viên lần lượt thông báo về cho người nhà. Bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1975, vợ ông Trinh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc nhận được tin chồng và các anh em gặp nạn ngoài biển. Bà Huệ hàng ngày bán rau ở chợ làng, lúc đó đang bán hàng, bà nhận được điện thoại của người quen nói thuyền của chồng bà đã chết máy, đang trôi dạt ngoài biển.
“Nghe xong, chân tay tôi bủn rủn, toát mồ hôi vì lo lắng. Là người miền biển nên tôi biết tàu gặp nạn ngoài biển khơi vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể đến chuyện không may gặp thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, tàu đánh cá sẽ bị quật chìm bất cứ lúc nào”, bà Huệ nói.
Bà liền điện thoại cho chồng, nhưng tất cả các cuộc gọi đều không có người bắt máy. “Lúc đó vì hoảng quá, tôi gọi điện thông báo cho tất cả người thân của anh em trên tàu để tìm cách ứng phó nhưng không được. Gọi cho chồng thì không liên lạc được, trong khi thông tin ngày càng mù mờ khiến tôi đứng ngồi không yên”, người vợ nhớ lại.
Lo lắng cho tính mạng của chồng và đồng nghiệp, bà quyết định dọn hàng sớm, dù về nhà cũng không biết giải quyết thế nào. Bà Huệ cho hay: “Lúc đó chỉ biết cầu trời khấn phật và xin tổ nghề cho tàu cá được bình an. Nếu chiếc tàu chìm xuống, không biết 18 thuyền viên sẽ gặp vấn đề gì”.
43 giờ lênh đênh chờ cứu hộ
Về diễn biến vụ tai nạn, sau nhiều lần cầu cứu không được, các thuyền viên đã thông báo cho Đội cứu hộ. Nhưng do một số vấn đề nên các ngư dân được hướng dẫn liên lạc cho đài Radio Bến Thủy. Sau nhiều lần kết nối, thông tin tàu gặp nạn được báo về Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận.
Sau đó, Đồn Biên phòng đã phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã điều động tàu SAR 411 thường trực tại Xuân Hải (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) khẩn trương đi cứu nạn tàu cá NA 93362TS.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1 bàn giao các thuyền viên gặp nạn cho Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận
“Từ khi máy bị hỏng, chiếc tàu trôi theo hướng vô định, với hướng ngày càng ra xa ngoài biển khơi. Xung quanh khu vực tàu chúng tôi gặp nạn lại không thấy chiếc thuyền đánh cá nào. Do vậy, anh em chỉ biết đứng ngồi chờ đợi trong lo lắng, vô vọng”, ông Trinh nói.
Tâm lý các nạn nhân càng hoảng loạn hơn khi cầu cứu các tàu khác nhưng bất thành. Các thuyền viên đi biển lâu năm, dày dặn kinh nghiệm từ chỗ bình tĩnh, cũng bắt đầu có dấu hiệu lo lắng, nhất là khi hoàng hôn đang dần xuống.
“Lúc đó, bắt buộc tâm lý chúng tôi phải vững vàng, nếu hoảng loạn càng khiến sự việc phức tạp, nguy hiểm hơn. Biết rõ như vậy, nhưng sau thời gian dài trông ngóng vẫn không thấy tàu cứu hộ, mọi người bắt đầu bồn chồn, lo lắng”, một thuyền viên khác trên tàu gặp nạn kể.
Đến khoảng hơn 17h cùng ngày, tàu cứu hộ của lực lượng chức năng mới tiếp cận được với tàu gặp nạn. Thời điểm đó, thuyền đánh cá của ông Trinh đã cách xa vị trí ban đầu bị hỏng máy. Thấy thuyền cứu hộ đến, 18 thuyền viên vỡ òa hạnh phúc. Một vài ngư dân trẻ tuổi đã bật khóc sau thời gian dài mòn mỏi chờ đợi.
Tuy nhiên, việc lai dắt tàu gặp nạn vào đất liền lại gặp một số trục trặc. Nguyên nhân do thủy triều xuống nhanh, tàu không thể cập cảng, 18 thuyền viên tiếp tục lênh đênh ngoài biển. Họ phải trải qua hơn một ngày đêm sống trên chiếc tàu đã chết máy hoàn toàn. Lo lắng lại bắt đầu hiện hữu trong tâm trí các ngư dân khắc khổ. Đến 7h sáng 21/11, 18 thuyền viên mới chính thức cập bến Lạch Quèn, sau 43 tiếng đồng hồ gặp sự cố lênh đênh ngoài khơi.
Bà Huệ vui mừng đón chồng trở về an toàn
Ngay sau đó, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã làm lễ bàn giao tàu cá gặp nạn cùng 18 thuyền viên cho Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Bộ đội Biên phòng Nghệ An). Tại buổi bàn giao, ông Trinh đã thay mặt các thuyền viên cảm ơn sự ứng cứu kịp thời của cơ quan chức năng. Nhờ đó, tất cả 18 thuyền viên về đất liền an toàn, trước khi biển khơi nổi gió động.
Theo PLVN