• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Công ty sữa TH buộc hàng trăm hộ dân sống với... phân bò!

HMO

Administrator
Staff member
Người dân huyện Nghĩa Đàn sống quanh các trại bò của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH đang chịu cảnh bị ô nhiễm nặng nề vì mùi phân bò, xác bò chết được công ty này mang lên đồi đào hố đổ xuống. Mỗi đợt mưa về, nước giếng của các hộ dân ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cách đây hơn một tháng, phân bò đã chảy theo nước mưa về lấp ruộng bí, hồ cá của một hộ gia đình.

Ao cá bỗng hóa ao phân
Đã hơn một tháng trôi qua, kể từ ngày phân bò của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH (gọi tắt là Công ty sữa TH) trôi xuống lấp tràn dày đặc hồ cá, chị Đàm Thị Hòa (trú xóm Trung Sơn, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã ba lần gửi đơn lên Công ty sữa TH yêu cầu khắc phục, đền bù nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Chị Hòa kể: “Chiều 26-5-2013, phân bò của Công ty sữa TH đã trôi từ đỉnh đồi chảy xuống một lớp dày 50cm lấp sáu sào ruộng trồng bí của nhà tôi. Sau đó, tôi có trình báo sự việc lên chính quyền địa phương. Mấy hôm sau, trời tiếp tục đổ mưa nên số phân trên ruộng bí đã trôi hết xuống hồ cá. Phân nằm một lớp dày đặc trên mặt hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Khoảng ba tấn cá nuôi trong hồ đã đến kỳ thu hoạch chết sạch, nằm nổi trắng bụng”. Vài ngày sau, những hộ dân sống xung quanh hồ cá nhà chị Hòa bị “tra tấn” bởi mùi thối lan tỏa khắp một vùng. Người dân mỗi lần qua hồ đều phải đeo khẩu trang, hoặc bịt mũi vì trên mặt hồ lúc này ruồi nhặng, dòi bọ xuất hiện từng lớp dày đặc.
Nguồn nước bị ô nhiễm nên ông Lê Văn Cường phải mua máy về lọc nước để tắm
Sau khi sự việc xảy ra, chị Hòa tiếp tục báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương và Công ty sữa TH. Vài ngày sau, người của Công ty sữa TH có đến xem xét, hứa sẽ đưa máy móc đến cải tạo lại hồ cá và đền bù số cá bị chết. Nhưng từ đó đến nay, Công ty sữa TH không thực hiện lời hứa. Chị Hòa bức xúc: “Tôi đã ba lần gửi đơn lên chính quyền và Công ty sữa TH yêu cầu khắc phục, nhưng họ đều phớt lờ”.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, xóm trưởng xóm Trung Sơn: “Hiện nay, đa số các giếng nước trong xóm bị ô nhiễm nguồn nước nặng. Người dân ở đây chỉ dùng nước giếng để tắm, giặt, còn nước ăn thì phải đi xin ở nơi khác về dùng”. Dẫn chúng tôi về nhà, ông Lê Văn Cường (trú xóm Trung Sơn) chỉ vào chiếc máy lọc nước được lắp cạnh giếng nói: “Giếng nhà tôi trước đây trong vắt, mỗi buổi trưa đi làm về tôi có thể múc nước dưới giếng lên uống không sao. Nhưng vài năm lại đây nước bắt đầu chuyển màu, trên mặt nước còn nổi váng. Từ đó, gia đình tôi phải mua can về để xin nước tích trữ nấu ăn. Để có nước tắm giặt, tôi phải mua cái máy lọc này với giá 3,5 triệu đồng về lọc nước trong giếng để sử dụng, nếu không khi tắm sẽ bị viêm da”.
Nghẹt thở vì ô nhiễm môi trường
Từ đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn), chúng tôi đã bị “tấn công” bởi mùi phân bò, mùi chua do ủ thức ăn cho bò ăn hắt ra từ các trại nuôi bò nằm ven hai bên con đường dẫn vào các xóm Đông Lâm, Tân Lâm, Sơn Liên (xã Nghĩa Lâm). Dọc theo trục đường chính, xóm làng ở đây gần như vắng bóng người. Họ phải “trốn” trong nhà để tránh bụi bặm và cái mùi hôi thối tỏa ra từ những chiếc xe tải chở phân bò lao ầm ầm ngoài đường.
Bà Đặng Thị Thủy (46 tuổi, trú xóm Đông Lâm) bức xúc: “Người dân chúng tôi chịu hết nổi rồi. Hàng ngày ôtô chở phân bò qua lại, phân bò rớt xuống đường khô lại, sau đó xe đè lên nghiền nát biến thành bụi rồi chúng tôi phải hít nó vào phổi. Ngoài ra chúng tôi còn phải ăn nguồn nước do ô nhiễm từ trại nuôi bò của Công ty sữa TH. Ruồi nhặng thì nhiều vô kể, mỗi bận cơm mẹ con tôi phải thay nhau dùng quạt lùa ruồi rất khổ sở”. Rơm rớm nước mắt, bà Thủy lo lắng: “Chồng tôi vừa mới qua đời cách đây một tháng do bị bệnh ung thư phổi. Năm ngoái, em trai ông ấy cũng bị chết vì căn bệnh này. Bây giờ gia đình tôi rất mong mỏi được di chuyển đến khu vực tái định cư để ở, chứ ở đây chúng tôi sẽ chết dần, chết mòn vì bệnh tật mất”.
Tại trại nuôi bò số 1 của Công ty sữa TH, công ty dùng máy múc đất lên thành hàng chục cái hố lớn, nhỏ để cho xe tải chở phân bò đổ trực tiếp xuống. Nhiều hố phân khổng lồ đã khô cứng, ruồi bay đặc kín như ong. Ngoài ra, đây cũng là “nghĩa địa” chôn xác bò chết và bê chết. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, hàng chục chiếc xe tải đồ sộ chen chúc nhau chở phân lên đây đổ. Đang đứng ghi hình thì một chiếc xe có gàu múc đưa bốn con bò bị chết lên đây để đào hố chôn. Một người dân đi chăn dê khu vực này cho biết: “Ngày nào họ cũng chở phân và bò chết lên đây đổ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thắng - Phó chủ tịch xã Nghĩa Sơn - thốt lên: “Trên thế giới này tôi chưa thấy có trại bò sữa nào lại quy hoạch lạ lùng như vậy. Họ chưa xây dựng khu tái định cư để di dời dân thì lại đưa bò về sống chung với dân. Đỉnh đồi Nghĩa Mai là đỉnh cao nhất, họ đưa phân bò lên đó đổ rồi mưa lại trôi xuống khu dân cư. Đỉnh điểm là vừa rồi trôi xuống ao cá nhà chị Hòa làm cho cá chết sạch, ô nhiễm cả vùng. Sau khi trao đổi với chúng tôi, họ đã đồng ý thuê máy, thuê xuồng về để xử lý làm sạch hồ cá, nhưng không hiểu sao sau đó lại dừng”.
Theo ông Thắng, sau đợt mưa vừa qua, UBND xã Nghĩa Sơn đã nhận được 17 đơn thư của các hộ gia đình và 3 đơn thư tập thể phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty sữa TH gây ra. “Trước đây, người dân còn phản ánh về việc một số xe chuyên dụng chở phân bò chạy vào các đồng ruộng ở gần khu dân cư để đổ nữa”.
Sáng 5-6-2013, chúng tôi nhiều lần gọi điện thoại cho lãnh đạo Công ty sữa TH để xin hẹn làm việc, nhưng không ai nhấc máy. Lúc vào cổng trụ sở công ty nhờ bảo vệ Ngô Thế Chủ liên lạc để xin gặp lãnh đạo thì anh ta từ chối: “Các anh phải tự hẹn gặp với lãnh đạo trước thì mới được vào. Đây là quy định của công ty nên nếu tôi làm sai sẽ bị phạt”.

ĐA nguồn CA HCM.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top