• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Bạn Viết: Mất gốc vì lấy vợ Bắc?

HMO

Administrator
Staff member
Tôi không bao giờ có ý nghĩ phân biệt vùng miền vì theo quan điểm của tôi đó là lối suy nghĩ của những người cực đoan, nông cạn, kém hiểu biết. Những tâm sự của tôi dưới đây xin mọi người hãy xem như một sự sẻ chia, nói thay nỗi niềm sâu thẳm cho những người đàn ông xứ Nghệ lấy vợ Bắc. Thú thực, ban đầu tôi cũng không có ý định viết bài tâm sự này vì có thể khiến nhiều người hiểu lệch lạc những điều mà tôi muốn giãi bày. Tuy nhiên, sau khi suy đi nghĩ lại tôi lại thấy mình nên chia sẻ để hi vọng rằng những người đàn ông cùng hoàn cảnh như tôi vơi bớt nỗi day dứt, khó chịu trong lòng mà không thể tỏ bày cùng ai.

Tôi viết ra những dòng này cũng như một cách minh oan cho chúng tôi - những người đã bị hàng xóm, láng giềng, bạn bè ở quê hương miệt thị vì là đồ mất gốc. Tôi viết ra nỗi lòng mình để mong vợ tôi, con tôi và tất cả những nàng dâu Bắc làm dâu xứ Nghệ thấu hiểu và thông cảm với chúng tôi hơn. Vì thực ra chúng tôi cũng có những điều khó nói, vì không ai muốn phải uốn gãy lưỡi để tập nói ngôn ngữ của một địa phương khác.

Chắc hẳn có người sẽ thấy cách vào đầu câu chuyện của tôi xem ra khá căng thẳng vì "chuyện chẳng có gì to tát chỉ là cái giọng nói thôi mà". Nhưng ai ở trong hoàn cảnh của chúng tôi thì mới thấy rằng việc không nói giọng Nghệ khiến chúng tôi dằn vặt nhiều lắm.

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nhưng tôi cũng chỉ gắn bó với mảnh đất quê hương 20 năm. 20 năm sau của cuộc đời mình, tôi gắn bó với thủ đô Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, yêu và lấy một cô vợ Hà Nội rồi sinh con đẻ cái. Tính đến thời điểm hiện tại đã tròn 20 năm tôi rời xa xứ Nghệ.

20 năm qua đối với tôi - một người đàn ông lập nghiệp xa quê vẫn luôn nặng lòng với nơi chôn rau cắt rốn, vẫn nhớ mãi cái giọng nói trọ trẹ thân thương "mô, tê, răng, rứa"... Dù bận trăm công nghìn việc thì tôi vẫn luôn tranh thủ một năm về thăm quê dăm ba lần. Tôi và những người bạn đồng hương của mình luôn tự hào mình là dân Nghệ nhưng chúng tôi chẳng may mắn khi được gắn bó suốt đời với mảnh đất đã sinh ra mình.

slide.jpg
Ảnh minh họa

Từ khi ra Hà Nội học tập, lập nghiệp và lấy vợ việc đầu tiên của tôi là phải thích nghi với cuộc sống mới. Và điều khó khăn nhất với tôi là phải đổi sang nói giọng Bắc. Không chỉ riêng mình tôi và có lẽ với tất thảy những người con xứ Nghệ lập nghiệp xa quê đều gặp trở ngại lớn vì ngôn ngữ địa phương quá khó nghe.

Với người khác thế nào thì tôi không rõ nhưng với tôi việc phải tập nói giọng Bắc khó khăn chẳng kém gì học tiếng nước ngoài. Với tôi, đó là việc bất đắc dĩ để hòa nhập với bạn bè, gia đình vợ gốc Bắc. Tôi cũng không muốn mình lạc lõng trong gia đình vợ và điều quan trọng là nếu tôi nói giọng địa phương chắc chỉ mình tôi hiểu được vì mỗi lần nói giọng Nghệ là mẹ vợ, vợ và các con cứ mắt chữ A, mồm chữ O tỏ vẻ không hiểu. Tôi có cảm giác như mình là người đến từ hành tinh khác vậy.

Xem thêm các bài tâm sự tại đây
Mỗi lần tôi gặp bạn bè cùng quê hay được về quê là như cá gặp nước. Vì những lúc đó tôi được thỏa thê nói giọng địa phương. Chuyện nghe ra thì kể cũng thật buồn cười nhưng sự thật đúng là như thế. Tôi có cảm giác sung sướng như đang sống ở nước ngoài mà gặp người Việt vậy.

Thế nhưng chuyện sẽ chẳng có gì to tát nếu chúng tôi không bị những người Nghệ ở quê phê phán vì họ coi việc đổi giọng như một biểu hiện của sự chối bỏ quê hương, thậm chí là phản bội, là mất gốc, tóm lại là một “trọng tội”. Còn những người Bắc thì lại dè bỉu, chê bai, khinh bỉ vì chúng tôi là "dân Nghệ mà không dám nói giọng Nghệ", rằng chúng tôi lai căng, tự ti không dám thừa nhận gốc gác nơi mình được sinh ra.

Mỗi lần đưa vợ con về quê ăn Tết tôi đều khổ sở vì vừa phải phiên dịch vừa phải cố chiều lòng những người hàng xóm. Hễ mà nói cái giọng Bắc thì sẽ nhận được những ánh mắt kì thị, xỉa xói, dè bỉu vì không nói giọng địa phương. Không chỉ những người lớn tuổi mà ngay cả đến những người bạn ở quê của tôi có học hẳn hoi cũng tỏ thái độ khó chịu nếu tôi nói giọng Bắc kì khi giao tiếp với họ.

Làm sao để phá bỏ rào cản giao tiếp? Có nên lưu giữ bản sắc vùng miền trong khi nói không? Đó là những câu hỏi khiến tôi vô cùng trăn trở và nghiệm lại thấy việc mình đổi giọng đâu có gì sai mà phải chịu sự lên án kì thị?

Đừng cho rằng người xứ Nghệ nói giọng của vùng khác là mất gốc, vì gốc không chỉ nằm ở đó. Nếu bạn vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ như chịu thương chịu khó, cương trực, thẳng thắn, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau… thì dù nói giọng Bắc hay Nam, bạn vẫn là một người Nghệ đích thực.

HMO
 

Ads HMO

Ads HMO

Top