• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳnh Lưu 20 năm đi bốc mộ thuê của cựu thanh niên xung phong

HMO

Administrator
Staff member
Từng là thanh niên xung phong mở đường rồi đi xe đạp thồ chở gạo phục vụ quân đội nhưng những năm tháng cuối đời, ông Lê Minh Thu, sinh năm 1938 ở xóm 1, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) lại phải hành nghề bốc mộ thuê và không một tấc đất cắm dùi.

Theo người làng chỉ đường, chúng tôi men theo lối đi nhỏ leo lên chân núi “thảm” đầy bùn nhão nhoẹt và nước và khó khăn lắm chúng tôi mới lên tới được nhà ông Thu nằm bên triền núi tại xóm 1 xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Nói là nhà vậy thôi nhưng thực ra chỗ ông chui ra chui vào, nghỉ ngơi sớm tối chỉ là một căn chòi rộng chừng 10m2 lợp tôn xi măng. Gia sản của ông đáng giá nhất cũng chỉ có hai chiếc giường ọp ẹp cùng một chiếc ti vi của người con gái út cho. Nhà của ông được xây dựng trên nền đất của xã chứ ông nào còn một tấc đất cắm dùi.

Nhìn bộ dạng người đàn ông đã ở tuổi “gần đất xa trời” với thân hình nhăn nheo, chỉ còn một mắt chúng tôi không thể ngờ, người đàn ông này đã có một quá khứ đầy vinh quang với những tháng năm tuổi trẻ phá đá, mở đường, san lấp hố bom cho từng đoàn xe từ Bắc vào Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Rót chén rượu gạo thơm nồng mời khách, ông khề khà nói: “Uống đi chú, rượu lộc người ta cho đó, vợ tui ở nhà hắn nỏ cho uống mô!”

Rồi ông bùi ngùi kể lại câu chuyện truân chuyên, trắc trở của đời mình. Thời trai trẻ, ông là thanh niên xung phong đắp đường từ Cầu Hào, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh vào đến cầu Hiền Lương. Nơi ông đóng quân là đơn vị C4, Vĩnh Linh (Quảng Trị) và phục vụ ở đó từ năm 1965 đến cuối năm 1971 ông trở về quê. Khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được cấp trên thưởng cho 6 tháng gạo. Về quê, ông cưới một người con gái cùng xóm. Tiếp đó, ông đi xe đạp thồ gạo phục vụ tiền tuyến từ Hoàng Mai vào đến Quảng Bình. Nhiều đêm phải đi liên tục theo đường rừng để tránh máy bay ném bom. “Hàng hóa mà đoàn xe thồ chúng tôi chở là gạo thóc, đường, mì tôm và có lúc cả đạn. Ngày nớ rứa mà xa nhanh thật, mới đó mà đã mấy chục năm rồi”, ông bùi ngùi nhớ lại quá khứ hào hùng của mình. Nhưng nói đến đây, giọng ông chùng xuống. Khi đang hăm hở với công việc thì một ngày giữa tháng 10-1972 ông nhận được tin dữ từ quê nhà, ấy là nhà ông bị bỏ bom và cháy hết giấy tờ và người em trai thứ tư của ông cũng qua đời trong trận bom khủng khiếp ấy. Cũng vì thế, một thời gian sau bố mẹ ông lâm bệnh rồi cũng qua đời. Không còn tâm trí để tiếp tục công việc, ông xin nghỉ để về quê. Không còn nhà để ở, hoàn cảnh khó khăn ông đành giao mọi việc trong nhà cho vợ rồi đi làm phu vàng ở tận Cao Bằng. Lúc ông ra đi, vợ chồng ông mới có được một người con trai 3 tuổi.

11 năm trời làm phu vàng
Nơi đầu tiên ông Thu đặt chân đến là một mỏ vàng ở Na Rì, thuộc tỉnh Bắc Kạn. Đó là một vùng đất hoang vu, biệt lập với thế giới bên ngoài và xung quanh bốn bề chỉ là rừng thẳm. Thời gian, điều kiện không cho phép, có khi mấy năm trời ông mới có dịp về thăm nhà. Dù vậy, đồng tiền ông kiếm được nào có đáng là bao. “Nếu mà chỉ làm để nuôi mình thì răng cũng được nhưng còn vợ con nữa thì không đủ. Cả năm, cả tháng làm quần quật, vất vả cũng chỉ mong ngày 3 bữa thôi chứ bị người ta bóc lột ghê gớm”, ông tâm sự.
Đời phu vàng cực khổ, hiểm nguy rình rập nhưng vì miếng cơm, manh áo ông chấp nhận phó mặc mạng sống cho sự may rủi. Ông nhớ lại: “Nghề phu vàng cơ cực lắm, chẳng may sập hầm chết thì bị người ta tấp đất tại chỗ, chẳng có quan tài gì mô. May mà tui chỉ làm thợ máy hút nước ca đêm”.

Nhiều đêm tôi có ý định chạy trốn, nhưng chưa kịp thực hiện đã thấy chủ “bưởng” dẫn về một người bỏ trốn bị bắt được và chôn xuống hố nên đành im ắng chờ thời cơ. Sau này, để khống chế các phu vàng, bọn chủ “bưởng” còn bắt các phu hút thuốc phiện, ma túy mà như chúng nói là “để khỏe mà làm việc”.

Ấy vậy mà ông vẫn bám trụ tận 11 năm trời tại các bãi vàng ở khắp Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái. Trong thời gian ấy, vợ chồng ông có thêm 2 cô con gái. Chồng đi phu vàng xa, vợ ông ở nhà phải đi ở đợ nhà người. Nhờ có sức khỏe, làm việc tích cực, có hiệu quả ông được cai mỏ vàng phục và thưởng cho 500 nghìn đồng. Khi đó là một số tiền không nhỏ. Làm được 3 năm, ông về đưa vợ và con ra để vợ chồng, con cái được gần nhau. Thêm nữa, có vợ bên cạnh có thể lấy được tiền lương hàng tháng, ông nghỉ vậy. Nhưng vì phu vàng, chết chóc, bệnh tật thì không thể kể hết được nên chỉ sau 3 tháng, ông phải cho vợ con về quê còn ông thì vẫn tiếp tục những ngày lao khổ.

Cũng đành… bốc mộ mưu sinh
Rời mỏ vàng về quê, không có ruộng vườn, không còn tấc đất cắm dùi, vợ chồng ông đành dựng túp lều nơi triền đồi cuối xóm để ở. Vợ ông ngày ngày đi mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán kiếm con cá, mớ rau. Trong một lần tình cờ, có gia đình chuẩn bị sang mộ cho người thân mà không tìm được người nên ông nhận làm. Và từ đó đến nay, ông làm nghề khâm liệm người chết, bốc mộ thuê để mưu sinh. “Có ai muốn làm việc ni mô chú ơi, nhưng cực chẳng đã cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà tui phải làm, mà một phần có lẽ cũng vì có duyên với cái nghề không ai dám làm này nên không dứt ra được”, ông Thu bộc bạch bằng chất giọng đặc sệt xứ Nghệ.

Bằng giọng chầm chậm, ông kể: “Tui làm nghề bốc mộ thuê ni đã hơn hai chục năm rồi. Xa gần họ cũng nhờ tui, từ miển biển lên miền núi ai kêu tui cũng làm. Nếu nhớ không nhầm thì cũng cả trăm ngôi mộ được ông bốc và sang tiểu”. Nhưng ông cũng tâm sự thêm: “Làm cho người ta thì được chứ anh em máu mủ ruột rà là tui nỏ dám mô”.

“Người ta chẳng ai dám làm cái nghề này vì sợ âm khí, dễ sinh bệnh tật sao ông lại có thể làm?” Nghe tôi hỏi vậy, ông Thu khề khà đáp: “Làm nghề ni bệnh ra đó nhưng may mà tui có mẹo vặt và tuyệt đối đừng nên uống rượu trước lúc làm”. Nói rồi ông tiết lộ bí quyết ấy là sau mỗi lần đi làm công việc chẳng giống ai về, để tránh hơi hám ông uống vài chén rượu và đốt bỏ bộ quần áo trong lúc bốc mộ. Ông khoe: “Từ khi nhỏ giờ tui chưa hề ốm vặt, cũng không bao giờ đau lưng. Mỗi lần đi khám sức khỏe theo sổ BHYT hộ nghèo, sức khỏe tui vẫn là hạng A1, không hề có dấu hiệu bệnh tật gì”.

Ở tuổi của ông bao người đã tay yếu, mắt mờ nhưng dù chỉ còn một mắt, ông Thu vẫn tinh tường, sức khỏe tốt để đi bốc mộ thuê. Trời cho vợ chồng ông 3 đứa con nhưng cuộc sống nghèo túng khiến cả 3 đều thất học. Lớn lên, con trai ông lấy vợ ở Thanh Hóa rồi ở rể, 2 cô con gái lấy chồng tận miền nam thành ra giờ chỉ còn mỗi hai vợ chồng già sớm tối có nhau.

Khi tôi tìm về gặp ông, do vợ vào Nam chăm cháu ngoại mới sinh nên chỉ còn mình ông thui thủi trong căn nhà bên triền đồi cách biệt với làng xóm. Bây giờ ông Thu chỉ có một mong muốn: “Nguyện vọng của tui là xin Nhà nước cho tui chế độ thanh niên xung phong”.

Theo ANTĐ.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top