• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Xót thương cụ bà xin từng ngụm sữa nuôi cháu 2 tuần tuổi của đứa con điên

HMO

Administrator
Staff member
Bỏ nhà đi lang thang, đứa con gái duy nhất của bà bị chứng bệnh tâm thần điên dại mang thai rồi sinh đứa con trai. Người mẹ bệnh tật vô thức không có niềm thương yêu với đứa con ruột thịt, vậy là những ngày qua bà phải đi xin từng ngụm sữa, thìa cháo để nuôi sống đứa cháu trai đầy tội nghiệp.

Đó là hoàn cảnh thương tâm của bà Phạm Thị Hoài, SN 1952, trú thôn Hợp Trùa, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh.

Căn nhà cấp 4 của bà Hoài nhỏ bé, ẩm thấp được trát vữa qua loa, nằm đìu hiu ở phía chân cầu, cửa vẫn mở nhưng gọi mãi không thấy ai trả lời. Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ nghe tiếng cười khi khúc khích, khi ra rả. Người phụ nữ đi cùng cho biết, đó là tiếng cười của chị Hà (con bà Hoài) bị chứng bệnh tâm thần. "Từ hôm sinh con được mấy ngày, vì sợ chị gây nguy hiểm cho cháu nên bà Hoài phải khóa kín chị trong góc nhà bếp" - người phụ nữ dẫn đường đượm buồn cho biết.


Trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé của mẹ con bà Hoài vừa được chính quyền xã và bà con lối xóm giúp đỡ xây lên không có gì đáng giá.
Phải gọi tên đến cả chục lần mới thấy bà Hoài lọm khọm bước ra, trên tay bế cháu Phạm Trọng Quý (14 ngày tuổi) đang say sưa ngủ. Mời khách vào nhà, bà bảo chúng tôi thông cảm vì đang dỗ cháu thơ ngủ nên không thể trả lời. Vừa mời khách ngồi, bà vừa nghiêng mình nhìn về phía góc bếp khi nghe tiếng thét của chị Hà rồi nói “Mẹ thằng Quý đấy, chắc nó đang muốn lên để ẵm con, tui cũng thương nó lắm, cũng muốn cho nó ẵm con một tí nhưng vì sức yếu sợ không cản được nó, lỡ may khi đang ẵm cháu nó nổi cơn điên lên thì nguy hiểm lắm các chú à” – bà Hoài rưng rưng nước mắt.

Sợ không cản được con nên bà Hoài đành khóa kín chị Hà trong góc phòng.
Nói rồi bà Hoài gạt nước mắt kể về cuộc đời đầy nghiệt ngã của mình. Năm 20 tuổi bà đi thanh niên xung phong rồi kết duyên với một người đàn ông ở Nam Định. Trở về sau những năm tháng cống hiến cho Tổ quốc, bà và người chồng hăng hái lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hạnh phúc nhân lên khi vợ chồng bà sinh hạ được đứa chị Phạm Thị Hà, SN 1985. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì khi chị Hà được 4 tuổi, người cha bỏ đi biền biệt từ đó không về, cũng không một lần liên lạc.

Vượt qua nỗi buồn trong cuộc sống, bà Hoài một mình bươn chải, gắng gượng nuôi chị Hà ăn học đến nơi đến chốn. Chị Hà cũng không phụ lòng mẹ nên học tập rất khá. Nhưng cuộc đời của mẹ con bà quả là quá oan nghiệt. Năm 2002, lúc đó chị Hà đang học lớp 11 thì bỗng dưng mắc bệnh tâm thần, nói lảm nhảm rồi nổi cơn điên đập đánh mẹ. Có những lần bị chị Hà cầm dao rượt bà Hoài phải lẩn trốn suốt đêm sau hiên nhà, cũng có những lần bà bị con đánh đến ngất xỉu, được hàng xóm phát hiện và thương tình đưa bà vào viện cấp cứu.


Bế đứa cháu ngủ ngon trên tay, bà Hoài không ngừng rơi nước mắt kể về cuộc đời bất hạnh.
Gần 15 năm trôi qua, cuộc sống của bà chưa bao giờ được yên ổn, thì đầu năm 2016, trong những lần nổi cơn điên chị Hà bỏ nhà đi lang thang rồi trót mang thai, nỗi lo, nỗi cơ cực của bà Hoài lại nhân đôi.

Ngày 2/1/2017 tại bệnh viện, cháu Phạm Trọng Quý lành lặn, kháu khỉnh chào đời. Sau khi sinh được 2 ngày thì bà Hoài xin bệnh viện đưa con và cháu về nhà vì không còn tiền để ở lại viện. Từ khi chào đời, bé Trọng Quý chưa một lần được mẹ ôm ấp, nâng niu, chưa một lần được nếm dòng sữa ngọt ngào từ người mẹ như bao đứa trẻ khác.


Thiếu hơi ấm và bầu sữa từ người mẹ, bé Quý thỉnh thoảng cứ gào khóc.
“Khi tôi đưa cháu về, bà con lối xóm thương cho hoàn cảnh nhà tôi nên người đến cho cân gạo, người cho hộp sữa. Tôi dùng sữa mọi người cho để pha cho cháu uống nhưng cũng đã hết từ hôm kia rồi. Ngày hôm qua cháu khóc nhiều vì khát sữa, tôi phải bế cháu sang nhà chị hàng xóm có con nhỏ xin cho cháu bú nhờ. Hôm nay họ đưa con đi khám nên tôi phải nấu cháo loãng cho cháu uống. Cháu mới nín đó thôi các chú à, không biết những ngày tới tôi phải xoay xở cho cháu sao đây” – bà Hoài rơi nước mắt cúi xuống nhìn cháu.

Cho cháu bú bình sữa vừa được người hàng xóm cho, nhìn cháu bú ngon lành bà Hoài lại rơi nước mắt, không biết những ngày tới khi cháu đói thì lấy sữa đâu ra.
Trong bàn tay người bà, miệng bé Trọng Quý chúm chím giấc ngủ ngon lành sau những giọt nước cháo loãng mà cháu vừa ăn thay sữa. Lâu lâu bé dụi đầu vào ngực người bà, tay khua đi khua lại tìm sự ấp iu che chở.

Chị Nguyễn Thị Hợp, hàng xóm của bà Hoài cho hay, khi cháu Quý vừa mới sinh, thấy hoàn cảnh gia đình bà Hoài quá khó khăn, nhiều người trong xóm khuyên bà cho ai nhận cháu về nuôi nhưng bà Hoài nhất quyết không chịu. Bà muốn nuôi cháu vậy để cho cháu được ở gần hơi ấm người mẹ.

“Mấy ngày qua rãnh rỗi lúc nào tôi lại qua trông cháu giúp bà Hoài để bà đi các nhà trong xóm để xin sữa cho cháu. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết này ai cũng bận nhiều việc nên không biết bà có xin được nữa không. Đặc biệt là mấy ngày Tết, cháu còn bé quá mà phải chịu cảnh khát sữa như thế thương lắm các chú ơi” – chị Hợp rơm rớm nước mắt.

Câu nói chị Hợp làm bà Hoài thêm lo lắng, bà vội vàng bế bé Quý vào nhẹ nhàng đặt lên giường và quấn thêm chiếc chăn mỏng để ủ ấm thêm cho cháu trong cái rét cắt thịt miền rừng núi. Để cháu nằm yên rồi bà xuống bếp nhóm lửa, đun thêm bát cháo loãng cho cháu Quý.


Lót cho cháu ngủ, nhờ chị hàng xóm trong hộ, bà tranh thủ thời gian xuống bếp để đun kịp nồi cháo loãng cho bữa tối của đứa cháu tội nghiệp.
Trời xế chiều chúng tôi cũng chia tay gia đình bà Hoài để trở về thành phố, mọi thứ như lạnh hơn khi hình ảnh người bà gầy yếu đang từng ngày chạy sữa cho cháu và chăm sóc đứa con điên cứ hiện hữu trước mặt. Không ai có thể lựa chọn cho mình được hoàn cảnh để ra đời, nhưng với con đã không được người mẹ đẻ nâng niu, chăm bẵm lại còn phải lo cảnh thiếu đói, khát sữa như vậy là một thiệt thòi quá lớn đối với con Trọng Quý ơi…

Tình cảnh của bé Quý là quá nghiệt ngã, thiếu thốn đủ bề. Hơn lúc nào hết, những người làm cầu nối nhịp cầu nhân ái của báo Dân trí cầu mong bạn đọc, các chị, các mẹ hãy sẻ chia, dành niềm yêu thương, để bé Quý có thêm hộp sữa, có thêm hơi ấm để bù đắp cho những thiệt thòi mà bé phải sớm gánh chịu, giúp bé vượt qua được mùa đông giá lạnh, giúp bà ngoại của bé bớt đi chút ít khó khăn.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
- Bà: Phạm Thị Hoài (trú thôn Hợp Trùa, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).
- Điện thoại: 01653771911

Theo Dân Trí
 

Ads HMO

Ads HMO

Top