• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xã Hội: Mẹ ơi! Tết này con sẽ về.

HMO

Administrator
Staff member
Đối với công nhân, đặc biệt là những công nhân xa nhà thì việc về quê ăn Tết còn nặng nề hơn cả những tháng ròng lao động gộp lại. Tiền vé đi vé về, tiền quà Tết… đủ mọi cái lo và tất cả đều hiện lên đau đáu trong từng ánh mắt, từng cái thở dài của những người công nhân xa xứ. “Tiền đâu mà về” Những mái thiếc tạm bợ được dựng lên làm nơi trú ngụ của các hộ công nhân tứ xứ đổ về, nằm kề sát những công trình đang thi công thuộc địa phận giáp ranh giữa quận Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương) là nơi chúng tôi đã tìm đến và có cơ hội lắng nghe nỗi niềm trước thềm năm mới của những công nhân nghèo.



Nữ công nhân theo dõi thông tin việc làm qua tờ rơi

“Chúng tôi quê ở tận ngoài Bắc. Con cái đều vào đây làm công nhân cả, tôi lớn tuổi rồi biết ở ngoài quê làm gì nên vào đây đi nấu cơm cho công nhân ăn, cũng kiếm được 2 triệu đồng/tháng, phụ giúp con cái, cho mấy đứa cháu đi học”, đó là lời của cô Kim Thanh, 53 tuổi. Khi được hỏi mấy cái xuân rồi không về, cô Thanh trầm xuống hẳn: “Vào cũng được 2 năm rồi, năm nay không về nữa thì là 2 cái Tết rồi không về quê. Vé từ đây về Hà Nội cũng hơn 2 triệu, còn cả quãng đường về nhà nữa, mà thôi chắc ở đây luôn. Tiền đâu mà về”. Nói đến câu “tiền đâu mà về”, mắt cô Thanh như vô định, có lẽ đâu đó trong những bó rau cô đang rửa, trong nồi cơm cô đang nấu đã hiện về hình ảnh quê hương Hòa Bình gần lắm. Bên ngoài, tiếng công trình vang lên giòn giã, sào phơi quần áo tập thể kéo dài còn nồng mùi mồ hôi.



Công nhân luôn phải bám theo tiến độ công trình

Chúng tôi lại dừng chân tại Khu chế xuất Linh Trung. Những câu chuyện về cái trăn trở mang tên “Tết” cũng nao lòng không kém. “Hồi hai vợ chồng mới lên đây cực dữ lắm, mỗi ngày chỉ kiếm được 85 ngàn. Đi tỉa cây, tưới cây cũng chẳng sướng gì đâu, sình bùn văng lên mặt, mang mấy đôi ủng cao cũng mệt, riết rồi cũng quen. Ăn uống hà tiện lắm, hai vợ chồng mua có một bó rau muống với mấy miếng tàu hũ là xong một ngày, chừa tiền gửi về quê. Hồi đó đi làm còn bị “bọn ác” trộm xe, giờ chiếc xe này là mua trả góp đó. Bây giờ mỗi tháng kiếm cũng được vài triệu, gửi về nuôi hai thằng con trai đi học, đứa lớp 5, đứa lớp 6. Nhớ tụi nó lắm, tại mỗi năm về được hai lần, một về đám giỗ một lần là Tết. Năm nay không về được vì nghỉ Tết cũng thay ca, năm ngoái mình về, người ta ở lại thì năm nay mình phải ở lại làm cho người ta về, chứ về hết bỏ mấy cái cây này ai tưới, chăm sóc. Nhớ mấy đứa con lắm, tụi nhỏ cứ gọi điện hỏi mẹ năm nay có về ăn Tết dưới quê không để tụi nó soạn đồ lên Sài Gòn với mẹ...”, đó là lời tâm sự của một phụ nữ chân chất, người miền Tây.



Trẻ nhỏ cũng ra phụ cha, mẹ trong giờ làm việc

Chị Nguyễn Thị Linh (24 tuổi, quê Thái Bình) hiện là công nhân cho một xưởng may mặc tư nhân ở Bình Dương cho biết: “Không dám mơ tới vé về Tết, tiền toàn xài vừa đủ, chắc năm nay ở lại, ăn Tết ở đây. Tăng ca thì có thêm tiền nhưng cũng không dư gì cho việc mua vé về quê cho cả gia đình, rồi còn đủ thứ tiền quà Tết phải lo. Do công nhân thì nhiều nên việc cũng ít lại, tăng ca cũng không được thêm bao nhiêu. Thưởng Tết thì chưa nghe nói gì, chỉ mong có thưởng là được rồi”.


Bên ngoài khu chế xuất, một số chị em công nhân tranh thủ tìm việc làm thêm trên các tờ rơi với hy vọng kiếm thêm thu nhập. Khi được hỏi, các chị em đều tươi cười: “Tết mà, ráng kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó”.


Những trái non chín sớm


Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, rất nhiều em đã phải sớm ra đời, trở thành công nhân và tự bươn chải nuôi thân cũng như gánh nặng mối lo về Tết.



Công nhân nghỉ ngơi giữa giờ làm việc trước cổng KCX Linh Trung

Em Nguyễn Bá Công (quê xứ Nghệ) đã vào Sài Gòn làm công nhân từ năm 16 tuổi, sau nhiều thăng trầm qua những lần thay đổi công ty nay Công đang là công nhân cho một công ty tư nhân chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em ở quận 8. Gia đình làm nông nghèo khó, chạy ăn từng ngày đã thúc giục Công phải tìm đường kiếm tiền giúp đỡ gia đình dù chỉ mới học xong lớp 9. Cùng vào với Công là người anh Hai đang học năm cuối trường ĐH KHXH&NV. Công một mình gánh vác việc nuôi anh đi học, những lần nhớ quê nhưng không thể về, hai anh em chỉ biết nhìn nhau. Mỗi lần Tết đến, anh em lại chạy đôn chạy đáo để có tiền mua vé về quê. Với khoản lương 4 triệu một tháng, Công dùng chi tiêu cho mình, còn lại để dành cho anh đi học thì còn đâu dư ra để mua vé về Tết. Thoáng thấy nét nhọc nhằn đã lấn lướt nét mặt 19 tuổi của Công.


Tương tự như Công, trường hợp của em Nguyễn Thị Tuyết (quê Xứ Nghệ là công nhân may mặc của Công ty Bonchen (Bình Tân) cũng rất xúc động. Kết thúc việc học năm lớp 9, Tuyết vào Sài Gòn với ước muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình, với tiền lương khoảng 4 triệu đồng/tháng cũng chỉ vỏn vẹn cho em sinh hoạt còn lại gửi về quê. Thân gái một mình, hành trình bắt xe đò về Nghệ An trong dịp Tết chưa biết khó khăn đến mức nào, chỉ biết số tiền để mua vé còn chưa đầy túi.


Thời gian đến Tết Nguyên đán đã có thể đếm ngược, nỗi lo của công nhân lại càng gần. Tuy nhiên, các kế hoạch chăm lo mùa Tết Giáp Ngọ này cho công nhân cũng được các cấp chính quyền thành phố và xã hội quan tâm và đã được triển khai cụ thể với các hình thức như tiền thưởng Tết bình quân một tháng lương cơ bản, hỗ trợ chi phí vé xe về quê cho công nhân hoàn cảnh khó khăn, dịch vụ cho thuê xe đưa đón công nhân những ngày cận Tết... Hy vọng những công nhân được về quê sẽ đón một cái Tết đoàn viên, những công nhân phải ở lại Sài Gòn dù thế nào cũng đón một cái Tết nghĩa tình vì họ luôn là những thành viên được xã hội quan tâm, không chỉ trong những ngày lễ, Tết.

Theo Congan.com.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top