• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Sức mạnh làn điệu ví, giặm lan tỏa

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Trong những năm gần đây, phong trào hát dân ca ví, giặm trong sinh hoạt văn hóa của người dân ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, đặc biệt là sự ra đời của hàng chục câu lạc bộ dân ca trên khắp các địa bàn.


Say câu hò, điệu ví
Ông Nguyễn Cảnh Thụy- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh cho biết: “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là lối hát không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền... Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm cửa quyền, Giặm Đức Sơn… Dân ca ví, giặm không chỉ chiếm vị trí quan trong trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng”.


Đêm giao lưu chào mừng dân ca ví, giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể” được tổ chức tại TP.Vinh, Nghệ An. Trần Hải
Cũng theo ông Thụy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi ở 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hiện nay, trên địa bàn 2 tỉnh có gần 100 câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm cùng 803 nghệ nhân, nghệ sĩ. Riêng tại Hà Tĩnh hiện có 50 CLB dân ca ví, giặm.


Bà Nguyễn Thị Giang (82 tuổi)- thành viên trong CLB Dân ca ví, giặm xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết: “Từ khi sinh ra và lớn lên tôi đã được nghe những câu ví, giặm từ lời ru của bà, của mẹ và cũng không rõ những câu ca điệu ví này có từ bao giờ nhưng nó đã ăn sâu vào máu của chúng tôi. Mỗi câu hò, điệu ví mộc mạc gần gũi cất lên trong cuộc sống hàng ngày và gắn chặt với sinh hoạt của người dân nông thôn”.


Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Thạch Châu huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh)- ông Nguyễn Đình Kế cho hay: “Đối với người dân Thạch Châu, các hoạt động văn hóa của làng xã như đám cưới, đám hỏi, lễ mừng thọ cho đến những hội diễn văn nghệ không thể thiếu các tiết mục hát dân ca ví, giặm. Mỗi người dân từ già tới trẻ đều thuộc một đôi câu trong các làn điệu ví, giặm. Nhờ đó mà năm 2008, từ nền tảng là đội văn nghệ quần chúng của xã, chúng tôi đã thành lập CLB Dân ca ví, giặm Thạch Châu. Lúc đầu chỉ vọn vẹn 5-7 thành viên thì nay số lượng người tham gia trong CLB lên đến 30 người. Các thành viên trong CLB đều là nông dân, hàng ngày miệt mài công việc đồng áng nhưng ban đêm các thành viên tụ họp nhau lại tập luyện”.


Hiện nay hát dân ca ví, giặm còn được lan tỏa vào tận các trường học. Cô giáo Sử Thị Thanh Hoa-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thạch Châu, huyện Lộc Hà cho biết: Hơn 3 năm nay trường đã đưa dân ca ví, giặm vào dạy hát cho 393 học sinh toàn trường và tổ chức hội thi bằng dân ca. Không chỉ vậy, qua các hội nghị, hội diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, chúng tôi đưa các tiết mục dân ca vào biểu diễn, thu hút được đông đảo học sinh tham gia.

Tiếp lửa niềm đam mê
Ông Nguyễn Thiện: "Sau khi ví, giặm được vinh danh, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát triển hệ thống các CLB hát dân ca cơ sở, tiến tới năm 2015 có 30-40% xã có CLB dân ca. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, vinh danh và bảo vệ nghệ nhân”. - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh
Theo đánh giá của nhà văn Phan Trung Hiếu-Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, sự hồi sinh mạnh mẽ của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống hiện nay là nhờ các diễn viên, nghệ nhân đều thể hiện được khả năng hát thuần thục, cách trình diễn linh hoạt. Đặc biệt là số tiết mục tự biên, tự diễn khá nhiều, phản ánh được không gian và môi trường diễn xướng mang sắc thái của địa phương và cả sự biến đổi để phù hợp với nhịp sống mới.


Chúng tôi tìm gặp bà Đặng Thị Nguyệt (65 tuổi)- Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Thành Sen, TP.Hà Tĩnh, một người luôn cháy bỏng đam mê với những điệu hò, câu ví. Chính bà là người “truyền lửa” đam mê ca hát cho lớp trẻ. Mặc dù CLB Dân ca ví, giặm Thành Sen vừa thành lập vào tháng 8.2014 nhưng bà Nguyệt đã có hơn 30 năm gắn bó với phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sáng tác và biểu diễn dân ca ví, giặm.


Ngoài việc sưu tầm các làn điệu dân ca lời cổ, bà Nguyệt còn chú trọng cải biên sáng tác lời bài hát mới trên 30 bài. Bà tâm sự: “Để lôi cuốn được lớp trẻ biết và hát dân ca ví, giặm, trước hết phải có lời bài hát mới gắn với cuộc sống hiện tại, không xa rời vấn đề thời sự của đất nước”. Trong tập danh sách các bài hát, tổ khúc dân ca ví, giặm bà Nguyệt sáng tác đang tập cho CLB có rất nhiều bài viết về biển đảo. “Giữ gìn hải đảo biên cương, ngày đêm anh bám biển quê hương em đợi chờ... Tấm lòng em xin gửi vào câu hát, anh yên tâm canh giữ biển trời, dù vất vả khó khăn không bao giờ lùi bước, giành tự do độc lập nơi biển đảo chủ quyền...” - điệu khuyên trong trích đoạn “Sắt son lời hò hẹn” viết về người vợ đảm đang ở quê nhà tiễn và động viên chồng ra đi bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc thật thiêng liêng và sâu lắng.


Theo ông Nguyễn Cảnh Thụy, trong những năm qua ở Hà Tĩnh nhiều CLB dân ca ví, giặm được thành lập và cuốn hút được nhiều tầng lớp tham gia là nhờ tổ chức thành công Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ nhất và thứ hai trong 2 năm 2012 và 2013.

Theo Dân Việt
 

Ads HMO

Ads HMO

Top