• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Săn chim sẻ, nghề "hái tiền"

HMO

Administrator
Staff member
Trước đây, người ta bắt chim sẻ chỉ để nuôi chơi hoặc phóng sinh. Thế nhưng giờ đây chim sẻ được xem là một món “khoái khẩu” trên bàn nhậu, thì việc tận diệt chim sẻ được không ít người lựa chọn như một “nghề” hái ra tiền!

Chim sẻ bị đánh bắt ngày càng tinh vi
Những ngày này đi dọc qua các đồng lúa của Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) không khó để bắt gặp những tốp thợ đánh chim sẻ, đa số họ là cánh mày râu, thi thoảng bắt gặp cả trẻ em và phụ nữ. Với phương tiện là chiếc xe máy cùng bộ đồ nghề rất đơn giản, gọn nhẹ, họ rong ruổi hết nơi này đến nơi khác bẫy chim.

“Tháng 5 đến tháng 11 là mùa đánh chim sẻ. Loại chim này tinh nhạy lắm, một chỗ đánh vài ba lần là không “ăn” được, nó dè chừng ngay. Muốn đánh được nhiều thì phải chịu khó đi xa, mỗi người một xe, có khi đèo theo cả vợ hoặc con phụ giúp. Đi năm, sáu chục cây là thường, vô Diễn Châu, Yên Thành, lên Nghĩa Đàn cũng có…”, một người có thâm niên trong nghề chia sẻ.


Dựng sập đánh chim sẻ.
Chỉ cần bỏ ra từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng người ta đã có ngay một bộ đồ nghề đánh chim sẻ. Bao gồm hai đoạn lưới, rộng gần 2m, dài khoảng 10 -15 m, mỗi đoạn được cố định bởi hai đoạn ống nứa, nối với thanh thép hoặc cọc tre đóng cách đó chừng 1m. Thêm một đoạn dây dù nối với hai cánh lưới (để có thể nâng lên hạ xuống một cách dễ dàng theo ý đồ của người thợ săn), một chiếc lồng đựng “chiến lợi phẩm”.

Đánh chim sẻ cũng như đánh én, dù là đánh sập hay bẫy bằng que nhựa đều không thể không có chim mồi. Cánh thợ săn thường chọn 2 - 3 con chim khỏe mạnh để làm mồi nhử. Chúng bị cột chặt một bên chân bằng dây cước, đặt ở khoảng trống giữa hai cánh lưới. Chim mồi chốc chốc lại bị giật dây, hốt hoảng, cố bay lên nhưng không thể. Vì bị giật liên tục nên chim sẻ mồi sẽ nhanh kiệt sức rồi chết. Những con chim khác lại tiếp tục thay thế.


Chực chờ những cánh chim sa lưới.
Hiện nay dù việc săn bắt chim sẻ trên các cánh đồng vẫn còn dùng phương pháp thủ công, nhưng trình độ đánh bắt thì ngày càng trở nên tinh vi. Người ta còn sắm thêm cả một bộ dàn, bao gồm ắc quy và loa phát tiếng kêu ghi sẵn của chim mồi. Để tiết kiệm chi phí có tốp thợ chỉ sử dụng điện thoại ghi lại tiếng kêu của chim rồi bật lên dụ con mồi đến gần và sập. Con chim thơ ngây đang mải mê chao lượn trên bầu trời, chỉ trong giây phút mơ hồ, cả tin sẽ trở thành món mồi trên bàn nhậu.

Chim sẻ bị tận diệt một cách không thương tiếc
Chim sẻ là loài chim ăn theo bầy lại tham ăn, đang say sưa bắt mồi nhưng khi nghe tiếng kêu của đồng loại, chim sẽ lập tức bay đến. Nếu nhìn thấy bạn mình đang nhảy nhót, líu lo trên mặt đất liền sà xuống mà chẳng hề do dự.

“Tùy vào số lượng từng đàn nhiều hay ít, có khi chỉ dụ xuống được vài ba con, đợi một lúc không thêm được con nào là phải nhanh tay kéo sập... Nhưng có khi nó xuống tới năm, bảy con, trên chục con cũng có”, một tay thợ đánh chim ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) chia sẻ.


Bộ dàn bao gồm ắc quy và loa phát tiếng kêu ghi sẵn của chim mồi.
Dưới mẻ lưới hiểm những chú chim nhỏ trông thật đáng thương và tội nghiệp. Có chú chỉ choáng váng một lúc rồi tỉnh lại, nhưng có chú lỡ va vào cọc căng lưới thì thương tích đầy mình. Đầu, mỏ, và đôi cánh bị tứa máu, chúng nằm thoi thóp trong lồng rồi chết một cách tức tưởi. Nếu có dịp quan sát tận mắt một vài cái sập đang hoạt động có thể thấy rằng, khó có con chim nào lai vãng gần đó mà thoát khỏi những tay thợ săn thiện nghệ!

Điều đáng nói là mỗi một ngày đánh chim, một tay thợ cừ khôi có thể bắt được vài trăm con chim sẻ. Còn với những tay nghiệp dư mới chập chững bước vào nghề cũng kiếm được dăm, bảy chục con.

“Hiện nay một con chim sẻ có giá từ 4 - 6 ngàn đồng, được các đầu mối vào tận nhà thu mua, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Thậm chí người ta còn mua cả những con chim bị chết nhưng với giá rẻ hơn một chút”, tay đánh chim ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết.

Cũng theo người này, săn bắt chim sẻ là nghề hái ra tiền, vì nhu cầu lớn nên chẳng khi nào vợ ông phải cất công mang chim ra chợ ngồi bán. Ông còn khoe do làm ăn có uy tín nên được nhiều gia đình gọi điện đặt hàng trước khi nhà có công việc.


Hàng loạt chim sẻ đã vào lồng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, vùng ven biển Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) mọc lên nhiều nhà hàng, quán phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách thập phương. Nên một lượng chim không nhỏ được các mối chuyên thu gom cung ứng cho những địa điểm kể trên, một tay thợ ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) chia sẻ.

Dẫu biết rằng việc săn bắt chim trời mang lại một nguồn thu đáng kể, tuy nhiên chim sẻ là loài chim rất có ích, giúp nhà nông bắt muỗi và các loại sâu bọ, chúng cần được bảo vệ. Có mấy ai đang ngồi chực chờ trên đồng kia, thèm thuồng những cánh chim mảnh mai, yếu ớt sa lưới biết được điều đó?

Hay họ vẫn biết nhưng đành nhắm mắt làm ngơ bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền? Và chim trời lại tiếp tục bị tận diệt một cách không thương tiếc!

Theo Dân Trí
 

Ads HMO

Ads HMO

Top