• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Con Cuông Phụ nữ Pù Mát thân phận những tộc người “ngủ ngồi” giữa rừng

HMO

Administrator
Staff member
Giữa vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát (huyện miền núi Con Cuông) có một tộc người sinh sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là tộc người Đan Lai cư ngụ ở nơi sơn cùng thuỷ tận, khi mà cách đây vài năm, chỉ có một con đường độc đạo kết nối họ với xã hội bên ngoài, phải mất 3-4 tiếng đồng hồ vượt qua khe suối mới vào tới bản Cò Phạt, bản Búng (thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông). Vào nơi đây, chúng tôi bắt gặp những cặp vợ chồng “trẻ con”, những người phụ nữ Đan Lai quanh năm sống cuộc sống cam chịu với những hủ tục lạc hậu đang đè nặng lên vai họ.

Phụ nữ Đan Lai sống trong vùng lõi
Bắt chồng từ thưở 14
Xã biên giới Môn Sơn cách trung tâm huyện Con Cuông 40km. Đường từ trung tâm xã dẫn vào bản Cò Phạt và bản Búng đang thi công dở dang, chiếc cầu treo Khe Lẻ vừa thi công xong đã bị nghiêng, sập. Tôi phải lên con thuyền độc mộc đuôi én 12CV để ngược thượng nguồn sông Giăng và vượt hơn 20 ghềnh, thác.
Người Đan Lai sinh sống hoàn toàn biệt lập. Từ lâu, họ dựa vào rừng, săn bắn, hái lượm và phát rừng làm rẫy, nên họ tồn tại như sự mặc nhiên của số phận. Bản Cò Phạt ngày đầu hè này, nắng nóng đã bắt đầu thiêu cháy da những con người vốn đã chẳng thể đen hơn.
Ngồi trong căn nhà sàn đơn sơ bên bìa rừng, ông La Văn Yêu (75 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt) giải thích: “Cội nguồn của người Đan Lai sinh sống ở huyện Thanh Chương. Vào khoảng thế kỷ thứ 16, người được giao đọc chiếu chỉ của nhà vua đã “dịch” nhầm lệnh vua, yêu cầu dòng họ Lê là phải nộp 100 cây nứa và chiếc thuyền có mái chèo.

Nhưng người đọc dịch nhầm thành 100 cây nứa bằng vàng thật và một chiếc thuyền liền mái chèo. Những thứ trên không có, sợ bị thảm sát, cả dòng họ Lê gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng - nơi không còn nghe thấy tiếng người - mới dám dừng chân, lập bản. Người Đan Lai chúng ta trước đây ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và bọn quan quân truy đuổi”.


Vườn quốc gia Pù Mát.
Đến nay, nhiều người phụ nữ chưa được ra trung tâm xã hay thị trấn huyện bao giờ. Họ lầm lũi làm việc trong rừng, nơi không điện, không tivi, chưa có sóng di động… Nam, nữ Đan Lai lớn lên là kết hôn với nhau dẫn đến hệ lụy tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trước đây, phụ nữ sinh con ra liền đưa con nhúng vào nước lạnh sông Giăng để “thử” sức mạnh của người con đại ngàn, sống thì lớn lên thích nghi với môi trường thiên nhiên, chết thì đó là theo ý trời.
Tôi vào bản Cò Phạt trùng vào dịp cả bản đang háo hức với đám cưới của chú rể La Văn Nam (18 tuổi) và cô dâu “nhí” Lê Thị Hoa (16 tuổi). Hoa đang học lớp 10 thì rời Trường THPT Mường Quạ về bản để làm cô dâu vì sắp sinh con. Ở cái tuổi 16, nhưng do cuộc sống khó khăn, ăn uống thiếu chất, nhìn Hoa như học sinh cấp 2, thế mà cái bụng bầu đã ưỡn ra. Nhiều người mẹ chưa đầy 20 tuổi đã ôm ba con đến dự đám cưới.
Người dân nơi đây vẫn quan niệm: “Phụ nữ Đan Lai 18 tuổi chưa cưới chồng là ế”. Trai gái có thành vợ thành chồng hay không là do ông bà mối quyết định, nếu ông, bà mối không tán thành dù có yêu nhau đến mấy cũng phải ngậm ngùi chia tay. Cũng như chị Hoa, em La Thị Hiền, La Thị Lợi khi mới đọc thông, viết thạo thì đã nghỉ học cưới chồng ở tuổi 15.
Dù 100% số hộ dân Đan Lai nơi đây là hộ nghèo, đói, nhưng đám cưới tổ chức rất linh đình. Bà Đinh Thị Vịnh (mẹ chú rể Nam) cho biết: “Phong tục vậy chúng tôi không theo không được, chúng tôi mời khách 20 mâm, nhưng tôi phải lo tới hơn 100 lít rượu cho khách uống trong mấy ngày liên tục đó”.
Bầu trời chiều xám xịt giữa rừng già, sau đám cưới, thanh niên, đàn ông uống rượu đến no rồi khật khưỡng đi về. Rồi từ trong những mái nhà tranh nghèo nàn, tiếng người đàn ông chửi vợ văng lên rôm rả. Ngày mai sau khi tỉnh rượu, chồng lại bảo vợ đi đổi rượu về uống và tiếp tục say...
Bà La Thị Phượng - Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Cò Phạt cho biết: “Sau đám cưới em Nam, Hoa thì em Lê Thị Quai mới 13 tuổi, đang học lớp 7 cũng vừa nghỉ học để trong tháng 5 này tổ chức đám cưới với chú rể La Văn Hiền (22 tuổi). Trước đó, đám cưới của La Thị Duyên và La Văn Mày được tổ chức khi Duyên mới 14 tuổi và Mày vừa bước sang tuổi 15”.
Bà Ngân Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn - nói: “Chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con rất nhiều rồi nên vấn đề tảo hôn đã giảm nhiều so với trước đây. Còn hôn nhân cận huyết thì do họ sống tách biệt với bên ngoài nên rất khó, sắp tới phải đẩy mạnh đưa dân ra các khu tái định cư. Chúng tôi sẽ ngăn việc em Quai cưới chồng ở tuổi 13, trước đó chúng tôi cũng đã cử Đoàn thanh niên vào bản phân tích cho bà con Đan Lai hiểu về vấn đề tảo hôn nhưng người dân nghe xong chỉ cười...”.

Chị La Thị Lợi tảo hôn năm 14 tuổi, nay cuộc sống gia đình đang thuộc diện đói nghèo.
Và tập tục cưới lại… lần hai, thờ đầu lợn
Phần lớn phụ nữ Đan Lai tảo hôn nên sau khi cưới đợt một chừng một đến ba năm sau, các cặp cô dâu chú rể mới đủ tuổi để ra chính quyền đăng ký kết hôn và làm lễ cưới lại lần hai. Tập tục cưới lại của người Đan Lai cũng rất tốn kém. Sau khi ông mối, bà mối đồng ý, thì nhà trai nộp cho nhà gái khoảng 3 triệu đồng và một vòng bạc và đôi vòng đồng cùng 4 con gà sống. Lễ ăn hỏi, nhà trai đưa đến cho nhà gái một bộ đồ (quần áo).

Nếu nhà gái ưng thuận thì trong 3 ngày kể từ ngày nhận lễ sẽ không trả lại lễ. Nếu không ưng phải trả trong thời hạn không quá 3 ngày đó. Sau 3 ngày, hai bên ra mắt dâu, rể (ra mắt chú rể trước). Sau 3 năm kể từ lần cưới đầu tiên, cô dâu chú rể phải tổ chức cưới lại lần hai.

Nếu gia đình cô dâu không đồng ý hoặc không có điều kiện để cưới lại thì thời gian sau đó, khi con dâu xảy ra rủi ro gì thì lúc chết phải theo “ma” nhà ngoại chứ không được nhập vào tổ tiên nhà trai. Người con gái chỉ chính thức là con dâu của nhà trai khi tổ chức cưới lại.

Bà Vịnh và bà Phượng cho biết thêm: “Phong tục người Đan Lai ở đây là vậy, không cưới lần hai là không xong. Nhà nào có điều kiện thì làm to như đám cưới đầu. Khi em lập gia đình trước anh chị thì phải gọi thầy cúng về “kêu vía”, muốn người anh, người chị chưa lập gia đình đừng giận khi em kết hôn trước. Kêu vía cho một người thì phải làm thêm một mâm cơm. Nhà có hai đến ba, bốn người anh chị chưa lập gia đình mà em lại lập gia đình trước thì phải kêu vía hai, ba, bốn lần”.

Chị La Thị Lý đang tự cắt tóc cho con trai.
Theo mọi người dân nơi đây cho biết, trong lễ cưới lần hai phải có đầu lợn. Khi mọi người xẻo hết thịt trên đầu lợn ăn thì người phụ nữ Đan Lai mang bộ xương đầu lợn đặt lên bàn thờ để thờ… đầu lợn. Trong quá trình thờ đầu lợn này, dù có mất vệ sinh, mọi người không được cất chiếc đầu lợn đi mà phải để cho chuột hay gió cuốn, tha đầu lợn bay đi. Khi đó người phụ nữ Đan Lai nếu có chết thì “ma” mới được về nhà chồng.

Chị La Thị Ngoan (con gái của trưởng bản Cò Phạt La Văn Linh) năm nay tròn 27 tuổi, nhưng con đầu đã 10 tuổi và con út nheo nhóc 5 tuổi. Chị Ngoan buồn rầu nói: “Học hết lớp 5 chúng tôi không có điều kiện xuống núi ra trung tâm xã học tiếp đành ở lại bản lấy chồng, sinh con thôi. Sau khi cưới lần một chưa trả hết nợ, vợ chồng chúng tôi phải tổ chức lễ cưới lần hai. Từ ngày lấy chồng đến nay, gia đình tôi luôn thiếu ăn”.
Cũng như chị Ngoan, chị La Thị Lý cưới chồng “nhí” năm chưa tròn 14 tuổi, nay đã “vỡ kế hoạch” với ba đứa con “liền tù tì”, còi cọc. Vợ chồng chị Lý chưa có tiền làm nhà mà đang dựng căn lán lợp tranh và che bạt ở tạm qua ngày tháng. Trong căn lán không có gì đáng giá trên 100 ngàn đồng. Cạnh lán chị Lý là vợ chồng trẻ La Văn Bốn và La Thị Lợi cưới nhau khi mới 14 tuổi, nay đã có hai con nhỏ, đang sống trong cảnh “thiếu gạo ăn quanh năm suốt tháng”.

Chị La Thị Xài (26 tuổi) tốt nghiệp THPT, vốn là “hạt giống” quý của dân tộc Đan Lai, nhưng “18 tuổi, em quay trở về bản thì đã ế chồng. Em nhận thức được anh em cùng huyết thống không được lấy nhau, giờ ở bản ai cũng anh, em họ hàng với em cả, em biết yêu và lấy ai bây giờ?”.
Trong số những người phụ nữ tôi gặp và tâm sự thì chị La Thị Xài (26 tuổi) tỏ ra là người khá lanh lẹn và ăn nói lưu loát. Chị Xài vốn là “hạt giống” quý của dân tộc Đan Lai. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở bản, Xài ra trung tâm xã trọ học, học lên THCS và tốt nghiệp THPT năm 18 tuổi. Nhưng rồi Xài không đủ điểm vào đại học, cao đẳng để thực hiện ước mơ làm cô giáo. “18 tuổi, em quay trở về bản thì đã ế chồng. Em nhận thức được anh em cùng huyết thống không được lấy nhau, giờ ở bản ai cũng anh, em họ hàng với em cả, em biết yêu và lấy ai bây giờ” - Xài rưng rưng nói.
Bà La Thị Phượng thở dài rồi nói: “Người Đan Lai trong rừng này còn có nhiều tập tục lạc hậu, nạn rượu chè, bạo hành vợ đang còn nhiều lắm, xót xa lắm. Vừa qua chị N sau nhiều năm bị chồng là “sâu rượu” bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần, chị phải bỏ nhà, bỏ làng ra đi rồi. Nay năm đứa con vợ chồng chị N đang bơ vơ. Bị chồng chửi mắng và đánh, chị La Thị Diên vừa phải bỏ về nhà bố, mẹ đẻ để “bảo đảm an toàn tính mạng”. Con gái tôi là La Thị Huệ (ở bản Búng) đã phải ly hôn chồng vì chồng liên tục say rượu, đánh đập. “Nạn” uống rượu ở bản Cò Phạt chủ yếu là đàn ông chứ ở bản Búng thì cả phụ nữ cũng uống rượu nhiều lắm”. Và bà Phượng đọc vanh vách cho tôi nghe những gia đình đang sống trong cảnh thiếu đói quay quắt giữa rừng.
Bà Vi Thị Đông - Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết: “Phụ nữ Đan Lai trong vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát ít được tiếp xúc nên họ hay ngại ngùng và sự hiểu biết đang còn nhiều hạn chế, chưa hòa nhập được cộng đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đưa các hộ dân ra khu tái định cư”.
Thượng tá Nguyễn Trọng Vinh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: Hiện đồn đang phối hợp cùng UBND huyện Con Cuông vận động tiếp 35 hộ dân tộc Đan Lai sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (ở bản Búng và bản Cò Phạt, xã Môn Sơn) ra khu tái định cư Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông).
Theo Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top