• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Phí BOT Cai Lậy giống các dự án: Vô lý quá!

HMO

Administrator
Staff member
Việc xây mới, cải tạo một đoạn đường ngắn rồi áp dụng khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm để đưa ra mức thu phí là vô lý.

Không để dân lựa chọn
Liên quan đến trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ GTVT cho biết, khoảng cách giữa trạm này với các trạm thu phí khác đảm bảo 70 km.

Cụ thể, BOT Cai Lậy cách trạm An Sương-An Lạc 80 km, cách trạm Cần Thơ-Phụng Hiệp 79 km nên thẩm quyền quyết thuộc Bộ GTVT.

Hơn nữa mức thu phí hiện nay của trạm BOT Cai Lậy được xác định theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và mức giá hoàn toàn giống các dự án BOT khác trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định không hài lòng với những giải thích trên của Bộ GTVT.

Theo ông Tống, BOT là hình thức thu phí sử dụng những tuyến đường được làm mới hoàn toàn theo hình thức xã hội hóa nguồn vốn. Còn với những đoạn đường cũ người dân vẫn sử dụng bình thường mà không phải trả phí.

“Nguyên tắc là vậy. Còn ở đây Bộ GTVT đã sai từ đầu và tạo ra việc thu phí rất lạm quyền. Đi đường nào người dân cũng phải trả tiền hết.

Bộ GTVT không được đem chuyện sửa, nâng cấp 1 chút xíu đường quốc lộ rồi thu phí. Ngay cả sửa nhiều cũng không được thu. Đường quốc lộ phải để nhà nước làm chứ không thể để tư nhân độc quyền làm rồi thu phí”, ông Tống nhấn mạnh.


Trạm BOT Cai Lậy
Đối với dự án BOT Cai Lậy, vị chuyên gia cho rằng, toàn tuyến có chiều dài 38 km. Tuy nhiên trên thực tế chủ đầu tư chỉ làm mới tuyến đường tránh dài 12 km.

Việc cải tạo một đoạn ngắn rồi áp dụng theo quy định thu phí của Bộ GTVT với khoảng cách tối thiểu giữa các trạm là 70 km, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng hết sức vô lý.

“Chúng ta không nên dựa vào khoảng cách để đưa ra mức thu phí. Nguyên tắc là xây bất cứ một tuyến đường gì đó cũng phải để người dân lựa chọn. Đi mới nếu tiện lợi hơn, ngắn hơn thì đương nhiên phải trả tiền.

Trong trường hợp phí quá cao, người dân không muốn đi thì họ sẽ tiếp tục đi con đường của nhà nước làm sẵn. Nếu con đường đó cần gì sửa chữa thì nhà nước phải bỏ tiền ra để sửa chữa chứ không cho tư nhân làm”, ông Tống khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng mức đầu tư của BOT Cai Lậy quá cao so với thực tế.

Cụ thể dự án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 với chiều dài 12 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hết 300 tỷ đồng. Ngoài ra sau khi xây dựng xong tuyến đường chủ đầu tư còn bỏ ra số tiền 60 tỷ xây trạm thu phí (bằng 23,84% kinh phí xây dựng đường tránh).

“Như vậy là rất lãng phí. Không thể nói chủ đầu tư bỏ ra một số tiền lớn nên phải thu phí với giá cao để hoàn vốn được. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở BOT Cai Lậy mà còn xảy ra ở nhiều nơi. Gần đây nhất là tuyến BOT cầu Bến Thủy ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đặc biệt, mới đây, Bộ GTVT đã quyết định dừng thu phí trạm BOT Tào Xuyên (qua QL 1A đoạn tránh TP Thanh Hóa) sớm hơn dự kiến 20 năm vì nhà đầu tư đã quá lãi”, ông Tống nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, với dự án BOT Cai Lậy hiện nay, nhà nước cần kiểm tra lại xem có đúng là phần tăng cường mặt đường QL 1 nhà đầu tư làm hết 300 tỷ đồng hay không. Nếu thông tin trên là chính xác thì các cơ quan quản lý nhà nước cần lấy tiền ngân sách để trả lại cho nhà đầu tư đồng thời yêu cầu di dời trạm BOT Cai Lậy vào vị trí phù hợp.

BOT thiếu công khai, minh bạch
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhắc đến ý kiến của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT về câu chuyện phí BOT và những gánh nặng mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu trong buổi tọa đàm sáng 23/8.

Ông Hùng khẳng định, bản thân hoàn toàn đồng tình với nhận định của vị Thứ trưởng về việc BOT là chi phí không hợp lý mà cả xã hội chúng ta đang phải chịu đựng. Đặc biệt, chúng ta làm BOT không theo một quy định nào cả.

Theo ông Hùng, vấn đề lớn nhất trong các dự án BOT của Việt Nam được các chuyên gia giao thông cũng như nhiều người nhắc đến đó là thiếu sự công khai, minh bạch.

Việc này không chỉ xuất hiện ở khâu lập dự án mà đến khâu thiết kế, thẩm định, thi công dự án chúng ta cũng chưa công bố rõ ràng thông tin.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhận định, khi triển khai các dự án BOT, chúng ta thường nói phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên khi triển khai dự án đầu tư theo hình thức BOT các cơ quan chức năng lại không công khai, minh bạch.

“Nếu chúng tổ chức đấu thầu sẽ hạn chế bớt được những tiêu cực, dù có thể vẫn có khuất tất. Việc chúng ta giao đất cho người này, người khác lập dự án cũng không nên. Nhà nước nên lập dự án trước rồi cho đấu thầu.

Hơn nữa bản thân các nhà đầu tư hiện nay không bỏ vốn, nếu có thì rất ít. Thậm chí có những người không có năng lực. Họ chủ yếu đi vay vốn từ ngân hàng để triển khai các dự án. Như vậy là bất công và người dân sẽ phải trả phí cao hơn do doanh nghiệp phải trả thêm khoản lãi của ngân hàng”, ông Hùng khẳng định.

Riêng với trạm BOT Cai Lậy, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng không đồng tình với việc đặt trạm tại vị trí tuyến quốc lộ hiện nay.

“Việc này hoàn toàn vô lý. Người dân mất quyền lựa chọn. Tôi đề nghị phải xem xét trách nhiệm của tất cả những người liên đới. Chúng ta đừng nên mượn vấn đề cơ sở hạ tầng phải đi trước để làm tràn lan. Sự chi trả của nền kinh tế và người dân có hạn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Hoàng Hà (baodatviet.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top