• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Những cái chết oan uổng vì chữa bệnh dại bằng thuốc nam

HMO

Administrator
Staff member
Bị chó cắn, thay vì đi tiêm phòng, nhiều người dân ở Nghệ An sử dụng các bài thuốc dân gian như thuốc lá, thuốc nam để phòng, chữa bệnh dại. Chỉ đến khi xuất hiện các biểu hiện điển hình của phát bệnh dại các nạn nhân mới được đưa đến cơ sở y tế. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu được tính mạng của bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trong vòng 2 tháng 8-9 vừa qua, khoa tiếp nhận 3 bệnh nhi phát bệnh dại.

“Cả 3 bệnh nhân đều không được tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Thậm chí, có gia đình, sau khi cho cắn người đã làm thịt con chó để ăn. Có gia đình lại đưa nạn nhân đi chữa bệnh dại bằng thuốc nam. Khi được đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn, không thể cứu được nữa.

Khi không còn hi vọng, gia đình xin đưa người bệnh ra viện về nhà chờ chết, các bệnh nhân vẫn khá tỉnh táo, có người còn chào bác sĩ trước khi về. Thấy cái chết trước mắt đó nhưng chúng tôi không thể làm gì được, xót xa lắm”.


Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận có ít nhất 5 người tử vong do phát bệnh dại. Các bệnh nhân đều không tiêm phòng sau khi bị chó cắn hoặc sử dụng thuốc nam để phòng bệnh.
Tháng 8/2016, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Thị Phương Ly (trú xã Công Thành, Yên Thành, Nghệ An) nhập viện với những dấu hiệu điển hình của phát bệnh dại như sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió…

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân bị chó cắn. Sau khi cắn người, con chó cũng đã chết. Gia đình lấy thuốc nam về cho cháu Ly uống. Chỉ khi cháu có biểu hiện phát bệnh dại mới đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng không kịp.

Mới đây, cháu Nguyễn Văn Tuấn (SN 2009, trú xã Tây Thành, Yên Thành) cũng được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khi bị phát bệnh dại. Cách đó khoảng 1 tháng, cháu Tuấn bị chó cắn. Nghe người quen bảo tiêm phòng dại ảnh hưởng đến trí nhớ nên bố cháu đưa con đến thầy lang kiểm tra bằng cách dùng đồng xu cạo lên vết cắn và lấy thuốc nam về uống. Ngày 27/9, cháu Tuấn lên cơn dại điển hình mới được đưa đến bệnh viện. Ngày 28/9, cháu qua đời.

Trước đó, chị Hoàng Thị Hảo (trú xã Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng tử vong vì phát bệnh dại. Do đang nuôi con nhỏ nên sau khi bị chó cắn, chị Hảo không tiêm phòng mà dùng thuốc nam để chữa trị vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con.


Sau khi nhiều trường hợp tử vong vì bênh dại được ghi nhân, tỉ lệ người dân đến các Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện, Phòng tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cao hơn trước.
Vẫn chưa thôi đau xót sau cái chết của vợ là chị Tin và đứa con trai vừa sinh, anh Trương Văn Minh (trú xã Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An) kể: “Vào khoảng tháng 3 vợ tôi bị chó cắn. Khi đó Tin cũng mới mang thai, với lại cũng không xác định được con chó cắn là con nào, trong khi người ta bảo tiêm phòng hại cho thai nhi nên tôi đi lấy thuốc nam của một người ở xã Long Thành (Yên Thành) về cho vợ uống. Họ bảo chỉ uống 1 thang thuốc, giá 100 nghìn là không phải lo gì nữa, kể cả bệnh nhân đã phát bệnh dại, cứ đưa người bệnh đến nhà, sẽ chữa khỏi.

Từ lúc bị chó cắn đến khoảng đầu tháng 6, vợ tôi không có biểu hiện gì cả. Hôm ấy đi đám ma người bà con về thì phát bệnh. Đưa đến bệnh viện, các bác sĩ phải phẫu thuật gấp để cứu con chứ mẹ không cứu được nữa. Thằng bé chào đời ở tuần thai thứ 33 nhưng sức khỏe quá yếu, cũng không ở được với bố…”.

Bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể chữa
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, hàng năm tỉnh này xảy ra khoảng trên 7.000 trường hợp phải điều trị dự phòng bằng vắc xin phòng dại.

Trên thực tế, tại một số địa phương ở Nghệ An vẫn tồn tại nhiều quan niệm trong việc phòng, chữa bệnh dại bằng thuốc lá hay thuốc nam. Khi bị chó, mèo cắn, người dân vẫn tìm đến các thầy lang hoặc các cơ sở chữa bệnh dại được quảng cáo là gia truyền.


Bác sĩ Hoàng Ngọc Đàn – Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An: "Đối với bệnh dại, cách duy nhất là tiêm phòng vắc-xin hoặc huyết thanh phòng dại".
“Một số trường hợp “ăn may”, thầy lang gặp các trường hợp bị chó cắn nhưng con chó đó không ủ bệnh dại nên người bệnh không bị phát bệnh. Từ đó cứ truyền miệng nhau, đi phòng, chữa bệnh dại bằng thuốc nam, thuốc lá. Đây là quan niệm hoang đường, để lại những cái chết oan uổng.

Một khi đã phát bệnh dại thì vô phương cứu chữa, kể cả Tây y. Đối với bệnh dại, cách duy nhất là tiêm phòng vắc-xin hoặc huyết thanh phòng dại”, bác sĩ Hoàng Ngọc Đàn – Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Theo ông Đàn, trước đây, loại vắc-in phòng dại do Việt Nam sản xuất, giá thành rẻ nhưng có phản ứng phụ như mệt mỏi, gây viêm rễ thần kinh, viêm tủy, liệt tủy nhưng tỷ lệ không cao, 1-2/10.000. Hiện tại, với những loại vắc xin nhập khẩu từ Pháp, Ấn Độ (vắc xin vô bào) không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nhưng giá thành cao hơn. Tiêm đủ 5 mũi, giá thành vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng tùy vào Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện hay tuyến tỉnh.

“Quan niệm tiêm vắc xin phòng dại gây mất trí nhớ hay ảnh hưởng đến thai nhi là hoàn toàn không đúng. Đối với vắc xin phòng dại hiện nay, một số trường hợp ghi nhận có biểu hiện dị ứng nhẹ như nổi mề đay, song song với tiêm vắc-xin thì chúng tôi tiêm kháng vitamin phòng dị ứng cho người tiêm phòng”, bác sĩ Hoàng Ngọc Đàn cho biết thêm.


Theo thống kê, tỉ lệ tiêm phòng dại trên tổng đàn chó, mèo của tỉnh Nghệ An chỉ đạt khoảng 22%.
Báo cáo của ngành chức năng, tỷ lệ tiêm phòng dại trên vật nuôi ở Nghệ An ước tính đạt khoảng 22%. Vật nuôi không được tiêm phòng đầy đủ, khi cắn người, thay vì nuôi nhốt để theo dõi chặt chẽ, nhiều trường hợp đánh chết hoặc làm thịt chó, mèo. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì đây là điều cực kỳ nguy hại.

“Khi bị chó mèo cắn, cần phải theo dõi chặt chẽ vật nuôi trong vòng 10 ngày, không được đánh chết hay làm thịt. Nếu bị cắn vào vùng gần thần kinh trung ương như vùng mặt cổ, bộ phận sinh dục, vết cắn sâu hay cắn nhiều chỗ phải tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại (SAR) càng sớm càng tốt trong vòng 2 ngày kể từ khi bị cắn.

Nếu vật nuôi chết hoặc không xác định được vật cắn cần phải tiêm đủ 5 mũi vắc xin phòng dại. Sau 10 ngày kể từ khi bị chó, mèo cắn, nếu vật nuôi vẫn khỏe mạnh thì có thể dừng lại sau mũi 3 của liệu trình vắc xin. Đối với bệnh dại, chỉ có thể phòng, không thể chữa khi đã phát bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo.

Theo Dân Trí
 

Ads HMO

Ads HMO

Top