• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Nhà trường thu tiền xã hội hóa kiểu “lách luật”

HMO

Administrator
Staff member
Mặc dù nhiều cán bộ quản lý đã bị kỷ luật vì hành vi lạm thu tiền xã hội hóa, tuy nhiên, vẫn còn không ít trường học tại Nghệ An “tạo cớ” để thu tiền xã hội hóa, gây ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh vào đầu năm học.

Trường huy động tiền tỉ… chờ dự án

Trường THPT Hà Huy Tập xin huy động 1 tỷ để "tích lũy phục vụ đầu tư"
Phụ huynh Trường THPT Hà Huy Tập (TP.Vinh) phản ánh, năm học 2016 – 2017, tại cuộc họp đầu năm, phụ huynh được phổ biến kế hoạch xã hội hóa với mức thu lên tới hàng triệu đồng. “Chúng tôi khó khăn, nhưng họ đã nói thế, cũng phải theo, không thì tội con”, chị L.T.T.M (phường Quán Bàu), có con học lớp 11 cho hay. Chị M. cho biết, chị đã nộp tiền “xã hội hóa” 1.000.000 đồng, cộng với các khoản khác, số tiền chị đã nộp lên tới xấp xỉ 4.000.000 đồng, quá lớn so với hoàn cảnh nghề nghiệp không ổn định như chị. Khi nộp tiền, không có hóa đơn.

Thầy Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng THPT Hà Huy Tập - cho biết, các quy trình triển khai xã hội hóa thực hiện theo đúng quy định, trường không áp đặt mức thu đối với phụ huynh. Tuy nhiên, theo kế hoạch, năm học này dự kiến vận động 1 tỉ đồng, trên số lượng 1.500 học sinh từ đó suy ra “mức bình quân tối thiểu” (khoảng hơn 650.000 đồng/học sinh – PV), thầy Lương trao đổi.

Điều đáng nói là số tiền 1 tỉ đồng xã hội hóa nói trên không phải huy động để bổ sung cơ sở vật chất cần thiết đáp ứng nhu cầu dạy học trong năm học này, mà tích lũy để thực hiện dự án xây dựng trong... tương lai.


Sở GDĐT Nghệ An chỉ đồng ý cho vận động xã hội hóa để trả nợ và mua bàn ghế
Trong khi nhiều trường thiếu thốn thì Trường THPT Hà Huy Tập còn dư đến gần 1,3 tỉ đồng từ năm học trước để lại. Trong tờ trình số 09 ngày 10.9.2016 gửi Sở GDĐT Nghệ An xin phê duyệt kế hoạch vận động ủng hộ cơ sở vật chất trường học năm học 2016-2017, Hiệu trưởng THPT Hà Huy Tập xin huy động 1 tỉ đồng để thực hiện các dự án trong lộ trình đến năm 2020, dự kiến cần 16 tỉ đồng.

Tại văn bản số 1915 ngày 23.9.2016, Sở GDĐT Nghệ An đã đồng ý cho phép vận động xã hội hóa để thực hiện: Mua bổ sung bàn ghế hư hỏng; trả nợ dự án xây dựng nhà học ba tầng. Như vậy, Sở GD – ĐT Nghệ An không đồng ý cho Trường THTP Hà Huy Tập vận động xã hội hóa để “chờ” dự án, nhưng trường này vẫn tiến hành thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - trao đổi: “Sở không nắm được trong quỹ xã hội hóa của nhà trường còn bao nhiêu. Còn về nguyên tắc, cái gì Sở không cho phép mà trường vẫn thực hiện là sai. Còn vận động xã hội hóa thì năm nào giải quyết trong năm đó”.

Trường thuộc diện giải tỏa, vẫn xin làm mái tôn 145 triệu

Thuộc diện giải tỏa, Trường THCS Hưng Bình vẫn lập dự án làm mái tôn và quét vôi ve hết 220 triệu đồng.
Năm học 2016-2017, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh) lập tờ trình xin huy động khoảng 350 triệu đồng, để thực hiện: Trả nợ xây nhà và mua sắm cơ sở vật chất 108 triệu đồng; mua sắm, sữa chữa bàn ghế học sinh 32 triệu đồng; quét vôi ve nhà học và bờ rào: 75 triệu đồng; làm mái tôn nối giữa các dãy nhà học che mưa nắng: 145 triệu đồng.

Kế hoạch nói trên đã được ông Thái Khắc Tân - Trưởng Phòng GDĐT TP.Vinh - ký phê duyệt vào ngày 19.9.2016.

Điều đáng nói là Trường THCS Hưng Bình nằm trong vùng quy hoạch thực hiện dự án đường Lý Thường Kiệt kéo dài, sắp sửa giải tỏa. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, dự kiến vào năm học 2017-2018 sẽ di dời trường về cơ sở mới.

PV hỏi, tại sao trường sắp di dời mà vẫn làm mái tôn che mưa, kinh phí lên tới 145 triệu đồng, liệu có lãng phí, cô Hiền cho biết, hạng mục này là cần thiết, nhưng nếu như trường sắp di dời, thì sẽ không thực hiện, mà chuyển sang thực hiện các nội dung khác như mua sắm máy móc cho học sinh học tin học, ngoại ngữ; hoặc sửa chữa các hạng mục khác.

“Ra Tết, chúng tôi sẽ làm việc lại với phường, nếu trong năm 2017 di dời thì sẽ dừng hạng mục mái tôn, còn nếu 2 năm mới di dời thì sẽ thực hiện”, cô Hiền nói. Cô Hiền cho hay, hạng mục quét vôi ve đã thực hiện.

Phóng viên trao đổi kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất phải xây dựng từ đầu năm, xác định cần các hạng mục gì để làm tờ trình chứ tại sao đã xin làm mái tôn thấy không ổn nay lại chuyển sang làm việc khác, cô Hiền lại giải thích việc di dời trường mới chỉ “nghe nói”, chứ chưa có văn bản cụ thể.

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Chủ tịch UBND phường Hưng Bình - cho biết, hiện nay đang xúc tiến để giải phóng mặt bằng xây dựng Trường THCS Hưng Bình. Dự kiến, theo kế hoạch của thành phố, năm 2017-2018 sẽ hoàn thành, chi phí xây dựng khoảng 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách; đến kỳ họp HĐND tới đây sẽ trình thông qua. Về hạng mục mái tôn che mưa giữa các dãy nhà học, ông Đắc nói: “Quan điểm của tôi là xã hội hóa phải phù hợp, cái gì cần thiết thì làm, cái gì không cấp thiết thì thôi. Nhà trường cần xem xét cụ thể, đừng vận động làm tội dân”. Ông Đắc cho biết, sẽ cử cán bộ về trường kiểm tra lại, nếu chưa làm và không cần thiết thì không nên làm.

Nếu tiến độ xây dựng bảo đảm kế hoạch, vào năm học 2017-2018, Trường THCS Hưng Bình di dời về cơ sở mới, thì số tiền quét vôi ve 75 triệu đồng và hạng mục “mái tôn che mưa” 145 triệu đồng sẽ “cuốn theo chiều gió”.

Lạm thu, hiệu trưởng bị cảnh cáo
UBND huyện Hưng Nguyên vừa quyết định cảnh cáo cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Mầm non Hưng Thắng - vì đã có sai phạm trong triển khai thu xã hội hóa đầu năm học 2016-2017 và phát ngôn thiếu chuẩn mực với phụ huynh. Cô Hà cũng bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng. Trước đó, trường đề ra mức thu xã hội với số tiền từ 700.000 đồng/học sinh; thu tiền đồ dùng đồ chơi, học liệu từ 350.000 - 365.000 đồng/học sinh; tiền đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp và thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú tại trường từ 150.000- 195.000 đồng/ học sinh.
Theo LĐO
 

Ads HMO

Ads HMO

Top