• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳnh Lưu Người lính sưu tầm để bảo tồn văn hóa

HMO

Administrator
Staff member
Phục viên về quê, ngoài công việc của một người cán bộ văn hóa xã, ông Hồ Xuân Lương, sinh năm 1963, ở xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) còn có niềm đam mê sưu tầm những đồ vật của một thời xưa cũ.


1. Chúng tôi ghé thăm nhà của ông Lương giữa xóm 2, xã Quỳnh Yên. Ấn tượng đầu tiên là một khoảng sân vườn nhỏ với nhiều chum vại bằng sành cùng những chân cột, cối và trục bằng đá được bố trí ngay ngắn, tạo không gian một hồn quê xưa cũ. Trong căn nhà cấp 4 ngả màu rêu phong, chỗ nào cũng được ông Lương bày trí đồ xưa. Mấy ngày nay, ông Lương bận rộn với công việc tôn tạo đền chùa cho xã nên chúng tôi phải chờ mãi mới được gặp ông.


Ông Lương bên một góc sưu tập đồ cũ của mình


Rót chén chè xanh mời khách, khi biết chúng tôi có ý viết về niềm đam mê của mình, ông Lương tỏ vẻ ngượng ngùng. Ông nói những gì mình sưu tập được chưa đáng là bao so với những bộ sưu tập đồ cổ của những thành viên câu lạc bộ đồ cổ xứ Nghệ. Vốn là con trai của một người sành chơi đồ cổ nên từ thuở thiếu thời, Hồ Xuân Lương đã được tiếp xúc với nhiều cổ vật của cha mình. Ông “nhiễm” niềm đam mê của cha lúc nào không hay.


Tiếc là sau này, ông cụ thân sinh của ông đã bán nhiều cổ vật có giá trị, giờ tuy biết nó ở đâu nhưng vì điều kiện kinh tế, ông Lương không thể chuộc về. Qua tìm hiểu, được biết từ năm 90 của thế kỷ trước, ông Lương rời quân ngũ sau hơn 10 năm tham gia nhiệm vụ trong Binh chủng Tăng thiết giáp về địa phương và từ đó gắn bó với công việc ở ban văn hóa xã rồi bắt đầu gìn giữ và sưu tầm những kỷ vật của một thời xưa cũ.


Không có điều kiện lặn lội đến những miền xa xôi, hẻo lánh để săn lùng cổ vật như những người khác, ông Lương thường chọn cho mình cách sưu tầm đồ cũ ngay tại quê nhà. Sở dĩ, ông không gọi bộ sưu tập của mình là đồ cổ mà chỉ là bộ sưu tập đồ cũ vì có những vật dụng chỉ có niên đại cách đây vài chục năm như những đồ vật thời chiến, thời bao cấp…


Việc sưu tầm của ông cũng rất đặc biệt. Ông thường liên hệ với những người buôn đồng nát, hễ thấy có sách cũ hay những đồ đồng, đồ sắt cũ là ông mua hết. Bằng cách làm này, năm 2005 ông đã có được một bộ sách cũ bằng chữ Hán cả viết tay, cả in. Dù không hiểu chữ Hán nhưng ông Lương vẫn lưu giữ cẩn thận bộ sách này trong tủ kính vì sợ mối mọt.


Mãi đến cuối năm 2013, một người đang bảo vệ luận án tiến sĩ chữ Hán biết chuyện đã về xem và cho biết đây là bộ sách gồm có sách luân lý, sách đạo đức Nho gia (sách dạy làm người) và sách bói, sách địa lý. Đặc biệt, ông còn có cuốn địa bạ thời Pháp thuộc (cuốn địa chính của huyện Quỳnh Lưu lúc bấy giờ) gồm cả chữ quốc ngữ, chữ Hán và có phần kiểm duyệt của Công sứ Pháp bằng tiếng Pháp. Bây giờ thông qua cuốn địa bạ này, người ta có thể tìm những tên làng cổ của các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu.


2. Là cán bộ văn hóa xã, với đồng lương ít ỏi nhưng hễ cứ đi công tác thấy đồ vật nào ưng ý, ông đều thuyết phục mua cho bằng được. Mỗi khi thấy ông mang những thứ đồ cũ về, người ta không khỏi thắc mắc, thậm chí có người bảo ông gàn dở, có vấn đề. Ông mặc kệ. Ban đầu, vợ con ông cũng tỏ vẻ khó chịu, hay phàn nàn vì ông cứ bê nào chum, nào vại, nào cối đá về trưng diện khiến căn nhà đã chật lại càng chật thêm nhưng sau hiểu được việc làm của chồng, của cha mình, họ càng động viên và gìn giữ, bảo quản những đồ vật ấy thận trọng.


Những vật dụng rất gần gũi với dân quê thời bao cấp


Trong nhà ông hiện giờ có nguyên chiếc nhà bằng gỗ dựng nguyên trạng theo ngôi đền thờ đức Khổng Tử trong làng ngày trước. Theo ông Lương kể lại, năm 1960 ngôi đền bị người ta phá bỏ và bố mẹ ông đã mua lại toàn bộ ngói, gỗ, gạch đúc bằng sò huyết về dựng lại nguyên trạng. Từ đó đến nay, ngôi nhà cổ đó được dùng làm nhà thờ họ.


Để tránh người làng “lời ra tiếng vào”, mỗi khi tìm được những đồ vật cũ kỹ lại cồng kềnh như cột đá dưới ao, dưới sông ông không dám đi ban ngày mà đợi lúc trời tối mới đưa xe đi chở về. “Có người hiểu biết về tâm linh, họ nói đưa những thứ đó về nhà sẽ nặng phần âm khiến tui cũng phải phân tâm, suy nghĩ nhưng mừng là chắc mình trân trọng quá khứ nên được thần linh phù hộ. Từ khi ông sưu tầm đồ cũ đến giờ, cả nhà tui chưa gặp phải bất trắc gì. Trái lại, cả 3 đứa con của vợ chồng tui đều chăm ngoan, học đại học”, ông Lương tâm sự.


Trong bộ sưu tập đồ cũ của mình, ông thích nhất là tấm vải dệt bằng tay từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đằng sau tấm vải này là một câu chuyện rất xúc động của một cụ bà trong làng trước đây từng là người đi ở. Ấy là sau khi cụ qua đời (lúc 96 tuổi) thì gia đình ông chủ nhà thời bà đi ở tìm đến chia buồn và tặng lại cho người con trai của cụ bà để làm kỷ vật.


Hiện nay rất ít nơi, kể cả những nơi có truyền thống dệt vải, còn giữ được tấm vải tương tự. Nói rồi, ông Lương vừa mở tủ kính lấy tấm vải màu nâu, thô cứng ra cho khách xem và bộc bạch: “Tấm vải này tuy không có giá trị vật chất nhưng lại có giá trị rất lớn về mặt tinh thần vì đó là kỷ vật của một thời nghèo khó. Nó thể hiện sự lam lũ của người phụ nữ khi phải đi ở kiếm cơm. Khi biết chuyện, tôi đã phải thuyết phục mãi người con trai của cụ mới để lại cho và bảo tôi phải bảo quản cẩn thận”.

3. Mấy chục năm sưu tầm đồ cũ, điều ông Lương tâm đắc nhất là qua những gì mình đã sưu tầm, thế hệ trẻ mỗi khi nhìn lại có thể hiểu thêm về một thời khốn khó của cha ông để tiếp tục vươn lên, sống và cống hiến cho gia đình, xã hội. Xa hơn, người cán bộ văn hóa xã Quỳnh Yên mong muốn những kỷ vật của mình có thể gìn giữ cho muôn đời sau để trân trọng mỗi khi nhìn về quá khứ. “Giờ có nhiều đồ vật người ta muốn mua nhưng mình không thể bán vì nó có những kỷ niệm, ký ức riêng mà khi bán nó đi, ta không bao giờ có thể tìm lại được”, ông Lương khẳng định.

Theo TBNH.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top