• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Hưng Nguyên Người cha “Chim cánh cụt” mải miết bay

HMO

Administrator
Staff member
Cụt cả 2 cánh tay đến sát nách nhưng nhờ khổ luyện, ông vẫn học hành, làm việc như bao người bình thường. Từng vinh dự tham gia Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc, “Chim cánh cụt biết bay” xứng đáng là tấm gương vượt lên số phận


Năm 6 tuổi, một tai nạn khủng khiếp đã cướp đi của ông Hoa Xuân Tứ (SN 1950; ngụ xóm 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên) cả 2 cánh tay. Cuộc sống của ông tưởng chừng như đã chấm dứt. Song, bằng nghị lực phi thường, ông vẫn đi học, làm việc như những người bình thường xung quanh mình.


Viết chữ đẹp, bơi lặn giỏi
Trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Lam, ngồi trước mắt chúng tôi là một người đàn ông da sạm nắng, tóc điểm bạc, 2 tay cụt sát vai. Ông là Hoa Xuân Tứ, người nổi tiếng với nghị lực vượt lên trên số phận vào những năm 1960-1970 khi không còn 2 tay nhưng vẫn viết chữ, đi học, làm việc bình thường.


Từ nhiều năm nay, những người biết đến Hoa Xuân Tứ vẫn thường gọi ông với cái tên vừa thân thương vừa mến mộ: “Chim cánh cụt biết bay”. Ông Tứ nhớ lại: “Ngày ấy, những bãi bồi ven dòng sông Lam ở quê tôi bạt ngàn bãi mía. Người ta trồng mía để ép mật, làm đường. Cũng như bao đứa trẻ con khác ở quê, lúc rảnh rang, tôi lại đi xem gia đình mình ép mía. Rồi một tai họa khủng khiếp đã xảy ra khi tôi mới 6 tuổi”.


Dù đã 65 tuổi lại cụt 2 tay nhưng hằng ngày, ông Hoa Xuân Tứ vẫn đi chăn bò, làm ruộng
Trong một lần đi theo anh trai xem ép mía, khi không có ai xung quanh, Hoa Xuân Tứ đã tò mò cầm cây mía cho vào máy ép. Guồng máy quay tít, một bàn tay Tứ bị cuốn vào máy ép theo cây mía. Hoảng loạn, cậu bé đưa tay còn lại kéo tay kia ra thì cả 2 cánh tay đều bị cuốn vào máy.


“Khi người xung quanh phát hiện, họ liền nhào đến cứu nhưng chỉ giữ được tính mạng của tôi, còn 2 cánh tay đã bị nghiền nát. Bị mất một lúc cả 2 tay, tôi phải chịu nỗi đau tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần. Buồn lắm…! Nhất là lúc các bạn cùng trang lứa vui đùa, chạy nhảy, đến lớp học…, mình không tham gia được nên chỉ biết đứng đằng xa nhìn rồi khóc” - ông Tứ thổ lộ.


Thế nhưng, nỗi đau không làm cho “chim cánh cụt” gục ngã. Ngược lại, nó còn hun đúc một nghị lực phi thường nơi cậu bé 6 tuổi. Thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Tứ cũng lân la đến trường. Đứng ngoài cửa sổ lớp học, cậu bé len lén quan sát các bạn học hành.


“Tôi đến lớp lén xem thầy dạy các bạn học chữ. Về nhà, tôi tập dùng 2 chân để kẹp phấn, kẹp bút viết chữ. Hết dùng chân, tôi lại tập dùng má và vai kẹp bút viết chữ. Một thời gian sau, tôi đã viết được chữ thành thạo như những bạn khác” - ông Tứ nhớ lại.


Thấy Hoa Xuân Tứ ham học, các thầy cô trong trường đã nhận cậu bé vào lớp dạy. Không có tay nhưng Tứ tỏ ra rất thông minh khi mấy năm liền cậu đều là học sinh tiên tiến. Không chỉ học giỏi, Tứ còn phụ giúp bố mẹ nhiều việc khác như làm việc nhà, chăn trâu bò. Đặc biệt, Tứ có tài bơi lặn rất giỏi. Dù không tay nhưng cậu bé vẫn một mình bơi qua sông Lam rộng cả cây số.


Với thành tích trong học tập, rèn luyện của mình, Hoa Xuân Tứ được cử tham dự Đại hội “Hai giỏi” toàn tỉnh Nghệ An. Năm 1966, câu chuyện về một cậu bé không có 2 tay nhưng học giỏi, viết chữ đẹp bằng má và vai được cả nước biết đến qua các bài viết của nhà văn Sơn Tùng hay truyện ngắn Hoa Xuân Tứ của nhà văn Quang Huy. “Chim cánh cụt biết bay” còn được nhiều người biết đến qua các câu ca, bài hát.


Năm 1967, Hoa Xuân Tứ là 1 trong 6 thiếu nhi của cả nước được vinh dự tham gia Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. “Năm ấy, tôi được gặp Bác Hồ. Đây là điều mà tôi đã mơ ước từ lâu. Đó là lần duy nhất tôi được gặp Bác, vui lắm! Người ân cần hỏi thăm, cho kẹo từng bạn rồi động viên tất cả phải cố gắng học tập” - ông Tứ tự hào.


Chưa một ngày ngơi nghỉ
Sau lần được gặp Bác Hồ, Hoa Xuân Tứ về quê rồi tiếp tục học đến lớp 10. Năm 1970, khi vừa tròn 20 tuổi, trong những lần theo gia đình ra thăm một người bà con ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Hoa Xuân Tứ đã phải lòng một cô gái hơn mình 6 tuổi. Đó là nữ thanh niên xung kích Lê Thị Sự (SN 1944).


Một đám cưới đơn sơ, đầm ấm đã được tổ chức sau đó trong niềm vui của gia đình hai bên và làng xóm. Bà Lê Thị Sự nhớ lại: “Lúc tôi nói sẽ đến với ông ấy, nhiều người trong gia đình đã hết lời ngăn cản. Ai cùng bảo lấy một người không còn 2 tay thì cả đời sẽ khổ. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm lấy ông ấy. Bởi lẽ, tôi tin vào tình yêu của mình, tin vào nghị lực của Hoa Xuân Tứ”.


“Chim cánh cụt” chăm sóc người con gái tật nguyền
Hoa Xuân Tứ không làm phụ lòng người phụ nữ đã đặt trọn niềm tin vào ông để gửi gắm cả cuộc đời bà. Một năm sau khi cưới nhau, ông mua một đám đất trong làng rồi dựng căn nhà nhỏ. Qua thời gian, vợ chồng ông đã có với nhau 5 người con. Hiện 4 người con của họ đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. “Ông ấy rất thương vợ con. Dù không có tay nhưng mọi việc như chăn bò, làm ruộng, đào đất, chăm sóc con…, ông đều làm được cả” - bà Sự cho biết.


Cuộc sống lại một lần nữa thử thách nghị lực của ông Hoa Xuân Tứ khi người con gái thứ 3 của vợ chồng ông là chị Hoa Thị Sen (SN 1978) bị bại liệt phải nằm một chỗ. “Năm 4 tuổi, trong lúc chơi đùa, Sen đã bị bạn ném đá trúng vào đầu nên mới ra nông nỗi như vậy” - ông Tứ buồn bã.


Hằng ngày, vợ chồng ông Tứ nén nỗi đau, lặng lẽ làm lụng nuôi con. Trong căn nhà nhỏ, nhìn cảnh người cha già, không tay dùng miệng ngậm thìa bón cơm cho con gái ăn, chúng tôi không cầm được lòng. Với ông Tứ, đây là công việc hằng ngày mà ông đã làm thường xuyên trong suốt 33 năm qua.


Kể từ ngày cậu bé Hoa Xuân Tứ gặp nạn cụt 2 cánh tay đến nay đã gần 60 năm trôi qua. Cậu bé hồn nhiên, đáng yêu ngày nào giờ đã lên chức ông nội, ông ngoại. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn chưa một ngày được ngơi nghỉ.


Hằng ngày, trên cánh đồng ven sông Lam, người ta vẫn bắt gặp một lão nông khỏe mạnh, dù mất cả 2 tay nhưng vẫn hì hục chăn bò, đào đất, tần tảo làm việc nuôi người con tật nguyền. “Gia đình hiện có 7 sào đất ruộng và màu, vợ chồng tôi cùng nhau trồng trọt. Ngoài làm ruộng, chăn bò, tôi còn phụ vợ chăm con, làm các việc khác trong gia đình. Mình còn sức thì còn làm việc để nuôi con, nuôi bản thân mình” - ông Tứ tâm sự.


Chiều muộn ở Hưng Nhân, chia tay “Chim cánh cụt biết bay”, chúng tôi chợt nhớ lại những câu ca trong bài hát về cậu thiếu niên Hoa Xuân Tứ ngày nào: “Hoa Xuân Tứ, người bạn hiền ta yêu biết mấy. Cụt 2 tay mà anh vẫn mê say. Như con chim không cánh mà vẫn biết bay...”.



Mòn mỏi chờ chế độ thương binh
Tháng 5-1968, trong lúc tham gia đào hầm cất xăng dầu tại bãi Dộp ở xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, bà Lê Thị Sự - khi đó chưa lập gia đình với ông Hoa Xuân Tứ - đã bị thương nặng do trúng bom từ máy bay Mỹ. Vết thương ấy đã để lại nhiều di chứng trên cơ thể bà Sự cho đến nay. Từ năm 1997, bà Sự đã làm đơn, nộp hồ sơ đề nghị công nhận thương binh nhưng không được các ban, ngành chức năng giải quyết.


Đến tháng 8-2011, Cục Chính trị - Tổng cục Hậu cần đã có văn bản gửi các ngành chức năng tỉnh Nghệ An xác nhận bà Sự là thanh niên xung kích, bị thương khi giúp đơn vị cất xăng dầu tại bãi Dộp. Cục Chính trị đề nghị các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An xem xét lập hồ sơ giải quyết chế độ thương tật cho bà Sự theo chính sách của nhà nước. Văn bản rõ ràng là vậy nhưng không hiểu sao mãi đến nay, các chế độ của bà Sự vẫn chưa được giải quyết.

Theo NLĐ
 

Ads HMO

Ads HMO

Top