• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳnh Lưu Ngư dân đón dòng "vốn nóng"

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Về huyện Quỳnh Lưu, nơi được xem là "rốn biển" của đất Nghệ An vào đúng những ngày đầu tháng 6 gió phơn tây nam thổi rát, chúng tôi không chỉ được nếm cái nắng cháy lửa đang hoành hành mà còn cảm thấy độ nóng của bộn bề thông tin nơi đây chung quanh dòng tín dụng ưu đãi sắp được rót xuống hỗ trợ bà con ngư dân bám biển.


Một cơ sở đóng tàu gỗ ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu).
Vụ cá thất thu
Chúng tôi có mặt ở Quỳnh Lưu vào chính vụ cá Nam (từ tháng 3 - 9 âm lịch), thời điểm ra khơi quan trọng nhất trong năm. Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, thời gian này, do chịu tác động của gió mùa Tây Bắc, cá sẽ cuốn theo dòng và di chuyển vào gần bờ với số lượng lớn, nên những chuyến ra khơi thường chắc ăn đến 90%. Song năm nay, tình hình cá vụ Nam lại không được suôn sẻ, có vẻ thất thu lớn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dĩnh cho biết: Tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng hiệu quả năm nay bị giảm ít nhất 30%. Không khí tại cảng cá Lạch Quèn - một trong hai cảng cá chính ở Quỳnh Lưu - những ngày này khá trầm lắng. Cảnh người mua kẻ bán cũng yên ắng lạ thường, khác xa thời điểm chen chúc, giành giật nhau từng khay hải sản như vài tháng trước đó. Theo các chủ thuyền chài: "Những năm trước, hiếm có chuyến nào ra khơi mà không có lãi, thậm chí có nhiều chuyến chỉ đi dăm bảy ngày đã kéo được vài chục tấn cá. Nhưng từ đầu vụ cá Nam đến nay, đi chuyến nào lỗ chuyến đó, cứ cái đà này thì nguy to". Tổng chi phí cho một chuyến đi biển dài ngày (10 - 15 ngày) thường dao động từ 60 đến 70 triệu đồng, do đó chí ít phải đánh bắt được khoảng 15 tấn cá thì may ra mới có lãi. Nhưng theo lời các chủ tàu, thời gian này gắng lắm cũng chỉ đạt từ 10 đến 12 tấn (cùng kỳ năm ngoái ước đạt 30 tấn), mà phần lớn lại là các giống cá tạp, giá trị thấp nên tiểu thương càng được thể ép giá, khiến nhiều chủ tàu buộc phải thay đổi phương thức đánh bắt, từ xa bờ chuyển sang gần bờ, vừa tiết kiệm công cán, đồng thời giảm rủi ro. Những tàu công suất lớn cũng phải điều chỉnh, thay vì đi 3, 4 chuyến/tháng như trước đây thì bây giờ chỉ dám vươn khơi cao nhất 2 chuyến/tháng.

Bốn tháng đầu năm, ngư dân toàn huyện Quỳnh Lưu mới đánh bắt được gần 7.000 tấn hải sản, chiếm khoảng 15% chỉ tiêu cả vụ. Một phần do thời tiết năm nay thất thường, mưa rét, nắng nóng đan xen, gây khó khăn trong việc xác định luồng cá. Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư trường khai thác càng bị thu hẹp bởi Quỳnh Lưu có rất nhiều tàu được cấp giấy phép OV khai thác tại những vùng biển chung. Ðó cũng là một nguyên nhân gây nên thất thu cho vụ cá Nam 2014.

Quyết tâm bám biển
Dẫn chúng tôi đến khu vực đóng tàu của một DN trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy Hồ Hoàng Nghiệp cho biết: Huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân cải hoán phương tiện, tích cực đầu tư tàu to máy lớn, mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi đánh bắt. Nhờ đó, đã giúp ngư dân yên tâm bám biển, nâng cao sản lượng và thu nhập, đồng thời góp phần giữ vững an ninh tuyến biển.

Tiến Thủy là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với 331 phương tiện, tổng công suất trên 59.000 CV, gần 140 chiếc hoạt động tuyến khơi. Ðặc biệt, nghề đóng tàu rất phát triển ở đây, Tiến Thủy có năm cơ sở đóng tàu (ba lớn, hai nhỏ) với công suất khoảng từ 14 đến 15 tàu từ 240 đến 740 CV/cơ sở/năm.

Tuy nhiên, có đi sâu vào thực tế mới thấy còn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn không nhỏ trong lĩnh vực này. Làm việc với một số cơ sở đóng tàu và ngư dân ở xã Sơn Hải, Tiến Thịnh..., chúng tôi được biết hầu hết các tàu xa bờ của ngư dân hiện nay là vỏ gỗ, tuy rẻ hơn nhưng khó vươn xa trong khi chi phí đóng một con tàu sắt có thể đắt gấp rưỡi thậm chí đắt gấp đôi một con tàu gỗ, ví như: tàu gỗ tầm 400 CV có thể là hai, ba tỷ đồng thì khi đóng tàu sắt có thể lên tới ba, bốn tỷ đồng. Chưa hết, chuyện duy tu bảo dưỡng tàu sắt cũng là cả một vấn đề và theo phân tích của những người trong cuộc thì việc này nan giải và tốn kém hơn tàu gỗ nhiều. Theo lời Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy Hồ Hoàng Nghiệp, toàn bộ mấy chục cơ sở đóng tàu trên địa bàn xã nói riêng và trên toàn huyện Quỳnh Lưu nói chung đang sử dụng công nghệ đóng tàu vỏ gỗ, chưa hề có đơn vị nào có công nghệ đóng tàu vỏ sắt. Nếu bây giờ chuyển sang đóng tàu vỏ sắt thì vừa phải đầu tư lại toàn bộ dây chuyền sản xuất, vừa phải đào tạo thợ chuyển sang sản xuất tàu bè bằng kim loại. Chưa nói thời gian và kinh phí, riêng chuyện giải quyết thế nào với hàng trăm người thợ đóng tàu vỏ gỗ khi áp dụng công nghệ đóng tàu vỏ sắt cũng không đơn giản...

Sử dụng hiệu quả đồng vốn
Với lợi thế về biển từ nhiều năm nay, nghề cá là nghề truyền thống, rất quan trọng của Nghệ An nhưng cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để tạo điều kiện giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Nếu như tại tỉnh Hà Tĩnh, ngư dân đóng một con tàu công suất từ 400 CV trở lên đã được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thì Nghệ An mới chỉ hỗ trợ hơn 50 triệu đồng/tàu. Hiện hình thức đóng tàu mới của ngư dân Quỳnh Lưu vẫn tự lực là chủ yếu. Ðể đóng một con tàu từ một, hai tỷ đến dăm tỷ đồng có khi cả họ hàng anh em phải góp "cổ phần". Không ít trường hợp, cả họ góp chưa đủ thì phải vay "nặng lãi" trên thị trường tín dụng đen, với lãi suất vài chục phần trăm/năm.

Cũng như ngư dân cả nước, người đi biển ở Quỳnh Lưu đang háo hức trước những thông tin về gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngư dân là 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng mới cam kết; Ví như chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với hạn mức vay bằng 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới trong 10 năm; 70% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong bảy năm. Lãi suất vay tối đa 3%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi suất huy động, với thời gian ân hạn một năm.

Nhìn nhận lại kỹ lưỡng, không phải là không có những băn khoăn về gói hỗ trợ này, ví như liệu tiền có về được với ngư dân đúng như cam kết của các ngân hàng thương mại hay không, hay lại như các gói tín dụng bất động sản, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa... dù được khuếch trương rầm rộ, nhưng rồi tiền thật về tận tay người có nhu cầu chẳng được bao nhiêu.

Tuy nhiên, cũng như ngư dân cả nước, người đi biển ở Quỳnh Lưu hiểu rằng dòng vốn quý giá ấy nếu về sớm sẽ tạo ra vận hội lớn cho họ và cho nghề cá của quê hương.

Theo Nhandan.org.vn​
 

Ads HMO

Ads HMO

Top