• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Năm 2014 đã cấp GCN đầu tư cho 73 dự án với 14.000 tỷ đồng vốn đăng ký

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Sáng 7/10, tại Nghệ An, Đoàn đại biểu cấp cao Ban Kinh tế Trung ương do Ông Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực tỉnh ủy Nghệ An về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.


Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với thường trực tỉnh ủy Nghệ An về kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII; 01 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2014; tình hình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đoàn cũng làm việc về tình hình thực hiện Kết luận 56 ngày 21/02/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ tới (2015-2020); đóng góp vào việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII và văn kiện Đại hội XII của Đảng.




Theo báo cáo của Ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2010 – 2015), kinh tế Nghệ An tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 là 7,94%/mục tiêu của nhiệm kỳ là 11-12%; GDP bình quân năm 2013 đạt 24,53 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu của đại hội đề ra là 33-34 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Thu ngân sách năm 2013 đạt 8.294 tỷ đồng (cả ghi thu, ghi chi); 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5.391 tỷ đồng, bằng 84% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung của cả nước (81,3%). Năm 2013 tạo việc làm mới cho 34.900 lao động, 6 tháng 2014 tạo việc làm mới 16.650 lao động. Xuất khẩu lao động của Nghệ An đứng đầu cả nước, 6 tháng đầu năm 2014 đã có trên 6.000 người xuất khẩu lao động.

Các ngành dịch vụ, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá, đa dạng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân 3 năm tăng 18,45%/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện,tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực.

Nghệ An cũng đã đạt một số kết quả khá trên các lĩnh vực, điển hình cho đến thời điểm hiện nay có 23/31 chỉ tiêu đã đạt mục tiêu Đại hội đề ra (trong đó có 6 chỉ tiêu dự kiến vượt mục tiêu). Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, đỗ cao đẳng, đại học, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia tốp đầu cả nước. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có khoảng 21.000 học sinh đậu đại học, trong đó số thí sinh đạt điểm cao xếp thứ 2 cả nước, có 107 học sinh đạt giải Quốc gia, 01 học sinh giỏi quốc tế ...




Bổ sung vào báo cáo, Ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, từ năm 2011 đến nay, đã có 305 dự án/ 53.000 tỷ đồng vốn đăng ký được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tính riêng năm 2014 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 73 dự án/14.000 tỷ đồng vốn đăng ký.

Công tác chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước đã được chú trọng, đã chuyển đổi 167 doanh nghiệp (86 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 26 doanh nghiệp chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên, bán 05 doanh nghiệp, giải thể 06 doanh nghiệp; cho phá sản 02 doanh nghiệp; chuyển 01 doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên; 47 doanh nghiệp chuyển sang các hình thức khác như sáp nhập, hợp nhất, chuyển sang sự nghiệp có thu).

Toàn tỉnh có 555 hợp tác xã (trong đó có 389 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, số còn lại trong các lĩnh vực giao thông vận tải, quỹ tín dụng nhân dân, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, môi trường, điện, xây dựng…với tổng số 265.362 xã viên và 52.162 lao động làm việc thường xuyên, tổng tài sản của HTX tính đến nay khoảng 1.300 tỷ đồng). Tới đây, Nghệ An sẽ triển khai mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp nhà ga và hạ tầng sân bay Vinh, nâng cấp cảng Cửa Lò đảm bảo tàu 3 vạn tấn ra vào thuận lợi.




Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cơ bản còn chậm. Tuy đã có sự tăng trưởng công nghiệp nhưng sản xuất công nghiệp vẫn chưa có sự bứt phá, chất lượng hiệu quả việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, khả năng đóng góp ngân sách hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp. Một số tiềm năng kinh tế của tỉnh chưa được phát huy hiệu quả. Giảm nghèo ở một số xã khó khăn chưa thực sự bền vững; nguy cơ tái nghèo còn cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân nông thôn, miền núi còn khó khăn.




Kết luận buổi làm việc, Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An, đạt được nhiều chỉ tiêu kinh tế đáng trân trọng; Nghệ An cũng là tỉnh triển khai nhanh Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Tây Nghệ An.

Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An trong nhiệm kỳ tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Nghệ An cần có tầm nhìn dài hơn, nên thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đầu tư cần chọn trọng tâm, trọng điểm, cân đối nguồn lực đầu tư; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, ngoại ngữ, tin học để phục vụ cho phát triển công nghiệp, các doanh nghiệp FDI; giải quyết vấn đề an sinh xã hội; cần có tổng kết sơ kết về xuất khẩu lao động, giải quyết bớt lao động nông thôn; quan tâm xây dựng thể chế, gắn xây dựng nông thôn mới với xây dựng đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp.




Để có thể hỗ trợ Nghệ An tốt hơn trong việc xây dựng chính sách, Ông Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Nghệ An và Ban Kinh tế Trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, có giao ban định kỳ để phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung công việc, trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội sắp tới có khó khăn vướng mắc đề nghị Nghệ An làm việc với Ban Kinh tế Trung ương để có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời.

Theo Cafef.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top