• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đô Lương Làng buôn trâu bò xuyên quốc gia

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Người dân xóm 6 (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương) gần đây giàu lên nhờ nghề buôn bán trâu bò. Nhiều ngôi nhà khang trang, cuộc sống đã đổi thay từng ngày.

Xuất ngoại “săn” trâu bò
“Làng trâu bò”, biệt danh mà mọi người thường nhắc tới khi gọi tới xóm 6 nằm ngay bên cạnh chợ Ú, đây là một trong những chợ trâu bò lớn nhất nhì cả nước. Chợ Ú nhóm họp 6 phiên mỗi tháng vào các ngày 1, 6, 16, 21, 26 âm lịch mỗi phiên chợ có hàng ngàn con trâu bò từ Lào, Campuchia và trên khắp cả nước được đưa về đây.

Mạng lưới buôn trâu bò ở xóm 6 được tổ chức chuyên nghiệp đến mức không những ở trong tỉnh, mà các “vệ tinh” mua bán được đặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Khi nguồn trâu bò trong nước không đáp ứng được, nhiều người lại khăn gói qua Lào, Thái Lan để “săn” hàng.

Cảnh buôn bán nhộn nhịp ở xóm 6- Ảnh: Niềm Phạm.
Xuất ngoại “săn” trâu bò không đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố. Theo ông Nguyễn Hùng Sâm, một tay buôn có trên 20 năm theo nghề thì để có được một mẻ hàng, họ phải lặn lội hàng tuần lễ trong các bản làng vùng cao. Nhiều chuyến hàng phải chuẩn bị lương khô ăn uống ngay trong rừng sâu để mua hàng cho kịp.

Đưa tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán sau khi vừa bán 50 con trâu cho thương lái Trung Quốc, ông Sâm cho biết chuyến hàng này do con trai ông mới mua ở Thái.

“Do hàng Trung Quốc tồn đọng nên tôi mới bán được hơn một nửa, số còn lại sẽ phải chuyển đi các lò mổ ở miền Nam. Nếu bán hết chuyến này cũng chỉ lãi khoảng 50 triệu đồng do phải chuyển vào miền Nam mất nhiều chi phí vận chuyển. Hơn nữa giá không bằng bán cho các thương lái Trung Quốc”, ông Sâm cho biết.

Được xem như là “trùm” trâu bò, bà Trần Thị Liệu không những là một tay “săn” nổi tiếng với lượng trâu bò mua về lên đến cả ngàn con mỗi tháng. Bà còn là đầu mối tập kết trâu bò chuyển cho các thương lái Trung Quốc.

Bà Liệu cho biết: “Các tay buôn khi qua Thái Lan và Lào mua hàng đều thông qua theo đường dây tại đó. Tất cả các chi phí từ ăn ở, đi lại đều do họ lo hết, khi đã mua được hàng, chỉ cần đánh dấu theo tên rồi họ sẽ đưa về tận nơi cho mình. Mỗi con trâu bò khi được đưa về tận nhà mất chi phí 4 triệu đồng”.

Theo bà Liệu thì buôn trâu bò không phải là một việc đơn giản, ngoài việc suốt ngày phải lăn lội sùng lục trâu bò khắp các bản vùng cao thì tay buôn trâu còn cần phải có “tướng” nữa. Có tháng lãi cả trăm triệu đồng nhưng cũng có khi lỗ “chỏng vảnh”, đó là chưa kể trâu bò vận chuyển từ Lào và Thái Lan về với một chặng đường xa như vậy nếu bị chết thì mất vốn như chơi.

Một buổi ra chợ trông coi trâu bò thuê như thế này mỗi em nhỏ cũng được 150.000 đồng- Ảnh: Niềm Phạm.
Bà Liệu kể: “Có những chuyến mang đi cả mấy tỉ bạc, đánh về chục xe trâu mấy trăm con, nhưng do trâu chết, xô đi bù lại vẫn bị lỗ vốn”.

Trâu bò khi mua về sẽ được các tay lái lựa chọn những con to, béo bán cho các tay lái Trung Quốc, còn những con còi, xấu thì đưa ra phiên chợ Ú hoặc chuyển cho các chủ lò mổ. Số còn lại sẽ được “vỗ béo”, “đánh bóng” trong khoảng một tuần rồi chuyển đi các tỉnh phía Nam. Nhiều thương lái Trung Quốc cũng tìm về đây định cư để tiện mua trâu bò chuyển về nước.

Lấy mắt làm cân
Anh Nguyễn Văn Sơn, người có tay nghề mua trâu bò gần 20 năm tiết lộ: “điều quan trọng nhất của một thương lái là phải nhìn thật chuẩn con trâu, bò mình định mua, ước lượng thật chính xác khối lượng, cũng như quan sát thật kỹ dáng vóc bên ngoài rồi mới đưa ra giá cả phù hợp. Trong nghề này thì con mắt đóng vai trò chính, lời hay lỗ là do tầm nhìn của mình”.

Gần hai chục năm trong nghề, anh Sơn cũng phải lăn lộn chừng đó thời gian bôn ba khắp rừng này núi nọ, thậm chí bây giờ anh chẳng nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần xuất ngoại áp tải xe đưa trâu về.

Ông Nguyễn Văn Vinh, xóm phó xóm 6 cho biết, cả xóm có 150 hộ thì có đến 140 hộ hành nghề buôn bán trâu bò. Cả xóm có 6 gia đình là đầu nậu lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, đồng thời là nơi lưu trú của người Trung Quốc để mua trâu bò. Những hộ trung bình thì cũng thu nhập 30-40 triệu đồng/1 tháng.

Sức hút từ nghề lái trâu bò
Cứ tới phiên chợ Ú, hàng chục em nhỏ lại nghỉ học, số theo cha mẹ, số theo bạn bè trở về đây để “hành nghề đòi trâu” kiếm tiền. Mỗi phiên chợ như thế một em có thể kiếm được từ 100.000 – 150.000 đồng, nếu gặp may mắn hoặc có người thuê dắt trâu bò đi xa thì có thể kiếm được cả vài trăm ngàn.

Nghề làm giàu của người dân xóm 6 xã Đại Sơn- Ảnh: Niềm Phạm.
Hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn phải nghỉ học, nhưng Đặng Quang Dũng, đang là học sinh lớp 8 ở xã Trù Sơn lại thích đến chợ hơn là đến trường. Cầm ly nước mía đang uống dở lên Dũng khoe: “Sáng giờ em kiếm được 110 nghìn rồi”.
Khi nhắc tới chuyện học hành thì Dũng vô tư trả lời: “Em học dốt nên không thích đi học mô, nhưng tại cha mẹ em cứ bắt đi nên em mới đi. Mỗi khi đến phiên chợ là em nghỉ học, xuống đây dắt trâu bò kiếm tiền, chỉ cần dắt từ trong chợ ra ngoài xe cho họ cũng được 10 nghìn rồi. Có nhọc tí nhưng mà em thấy vui lại có tiền, muốn mua gì thì mua”.
Theo ông Vinh thì người dân nơi đây có được cuộc sống khấm khá như hôm nay là nhờ vào nghề săn trâu bò. Sức hút từ cái nghề này cũng rất lớn, không những người lớn đi buôn trâu bò mà ngay cả trẻ em cũng thường bỏ học để đi “đòi trâu”

Thậm chí có những trường hợp là giáo viên cấp 3, sinh viên đại học bách khoa cũng bỏ về đi học theo nghề lái trâu bò này.
Theo Soha
 

Ads HMO

Ads HMO

Top