• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Thanh Chương Khu TĐC Bản Vẽ xuống cấp nghiêm trọng, đơn vị thi công đổ lỗi “khách quan”

HMO

Administrator
Staff member
Xã Thanh Sơn (Thanh Chương) được thành lập từ năm 2009 để tái định cư cho người dân chịu ảnh hưởng của công trình thủy điện Bản Vẽ. Ban quản lý dự án thủy điện 2 đã xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng qua một thời gian sử dụng cho thấy rất nhiều công trình kém chất lượng, xuống cấp nghiêm trọng và bị bỏ hoang hóa.

Khu tái định cư “te tua”
Bản Thái Lâm, xã Thanh Sơn, có 125 hộ, 518 dân. NVH bản do BQL dự án thủy điện 2 xây dựng với sức chứa 60 người. Do NVH quá nhỏ nên mỗi khi họp dân, người dân phải ngồi tràn ra phía ngoài thềm.
Ông Lô Dương Tấn, trưởng bản dẫn chúng tôi vào xem NVH cho biết: “Người dân về đây ở từ năm 2006. Qua một vài năm sử dụng, NVH đã xuống cấp trầm trọng, bị dột nhiều chỗ, rui, mè hầu như đã hư hỏng hết, cửa bị nứt, mối mọt, bể nước không sử dụng được. Nguyên nhân do chất lượng xây dựng kém. Chúng tôi đã phản ánh nhiều, BQL dự án thủy điện 2 đã đến dói lại nhà, nhưng nhìn chung chưa khắc phục được”.
Bản Kim Chương có 118 hộ dân nhưng NVH cũng chỉ có 60 chỗ, và hiện đã xuống cấp trầm trọng: nhà bị dột, các cửa sổ, cửa chính hầu hết đã mối mọt, hư hỏng, hai cổng bằng sắt đã bị rỉ sét làm gãy gập, bể nước, nhà vệ sinh hư hỏng. Theo người dân phản ánh hiện tượng xuống cấp NVH đã xẩy ra cách đây nhiều năm. Bên cạnh đó là điểm trường mầm non với 4 phòng học bỏ hoang và cũng nhiều vị trí bị xuống cấp.
Anh Lương Văn Nội có hai con học mầm non phải chở con đi học ngày hai lượt sáng chiều ra điểm trường chính cách 2km. Điểm trường tiểu học của bản chỉ có 8 HS với cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.
Cô Lương Thị Lục, GV phụ trách điểm trường tiểu học chỉ vào cánh cổng sắt bị rỉ sét rơi rụng và khẳng định: “Đây là cổng cũ, được sơn lại, nên chỉ một thời gian ngắn là mục hết”. Điểm trường tiểu học tại đây cũng bị xuống cấp trầm trọng: dột, tường nứt, cửa gỗ bị hư hỏng; bể nước bị nứt, nhà vệ sinh hư hỏng không sử dụng được.
Trước khi người dân đến sinh sống, BQL dự án thủy điện 2 đã xây dựng ở xã Thanh Sơn 16 NVH/16 bản với diện tích xây dựng 60 m2, sức chứa 60 người/nhà; 13 điểm trường mầm non (năm 2012 bổ sung thêm một điểm trường), 8 điểm trường tiểu học.
Qua một thời gian sử dụng, hiện nay hầu hết các công trình nói trên đã xuống cấp, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, nguyên nhân theo ông Vi Văn Thâm, Chánh văn phòng UBND xã Thanh Sơn là do chất lượng xây dựng kém. “Có thể các cổng sắt cũ đã được sơn lại, vì khi bong sơn ra thì bên trong đã rỉ hết; nếu làm sắt mới thì không thể như vậy”, ông Thâm nói.
Các công trình nhà ở tái định cư do BQL dự án thủy điện 2 xây dựng chất lượng cũng rất kém. Theo số liệu tổng hợp đến năm 2013, toàn xã có 506 công trình gồm NVH, trường học, nhà dân do BQL dự án thủy điện 2 xây dựng bị xuống cấp, chủ yếu thuộc về phần gỗ, ngói, trần, và nứt tường, võng mái, hư hỏng hệ thống điện, nhà vệ sinh…, trong đó 3 nhà bị sập mái, 37 nhà dân có nguy cơ sập với tổng kinh phí sửa chữa dự kiến hơn 9,6 tỷ đồng.
Bất cập thứ hai là nhiều công trình bị bỏ hoang. Hiện chỉ có 3 điểm trường mầm non được sử dụng, bỏ hoang 11 điểm trường; 1/8 điểm trường tiểu học bỏ hoang; NVH bản Hạnh Tiến cũng bỏ hoang vì xây dựng trên đồi cao, bất tiện nên dân không sử dụng. Ở bản Hạnh Tiến cả 3 công trình NVH-điểm trường mầm non và tiểu học đều bỏ hoang.
Đời sống người dân Thanh Sơn còn vô cùng khó khăn, đa số hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 87%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 chỉ 7,5 triệu đồng, chưa bằng 1/3 mức bình quân của tỉnh (24 triệu đồng). Đất sản xuất thiếu, nhiều bản người dân chưa có đất phải trở về Tương Dương sản xuất, thanh niên đa số không có việc làm, tệ nạn ma túy hoành hành.
Trong khi đó, các công trình văn hóa - giáo dục - nhà ở được xây dựng có chất lượng kém, nhiều công trình bị bỏ hoang hết sức lãng phí.
Ban quản lý dự án đổ lỗi “khách quan”
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi gặp ông Thái Duy Tuyên, BQL dự án Thủy điện II. Ông Tuyên thông tin: Dự án tái định cư thủy điện Bản Vẽ có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn của EVN, gồm 916 nhà ở, và các công trình trường học, nhà văn hóa; Khởi công từ bàn giao từ 2006, qua 8 năm sử dụng, lại do thời tiết mưa gió bất thường nên hư hỏng.
Ông Tuyên phủ nhận nguyên nhân do thi công chất lượng kém. Còn phần gỗ mối mọt là do “đất Thanh Chương mối nhiều” nên làm hư hỏng.
Việc bố trí trường học là do kế hoạch đã được Sở-Phòng GD- huyện nhất trí kí vào, nên đơn vị theo đó thi công. Còn diện tích NVH nhỏ là do làm theo thiết kế của Bộ Công nghiệp phê duyệt với diện tích 60m2/nhà.
Ông Tuyên cho biết: Đơn vị thi công và giám sát dự án khu tái định cư đều thuộc Ban Thủy điện II. Chúng tôi trao đổi liệu có hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi hay không?” thì ông Tuyên phủ nhận.
Trong khi từ người dân cho đến cán bộ xã Thanh Sơn đều khẳng định chất lượng công trình kém, thì đại diện đơn vị thi công-giám sát “chối bay chối biến” và liên tục đổ lỗi “khách quan”. Còn hạu quả của các công trình xuống cấp nghiêm trọng tại khu tái định cư này thì người dân phải gánh chịu.
Một số hình ảnh về hiện tượng xuống cấp, hoang hóa của các công trình văn hóa-giáo dục tại xã Thanh Sơn:


Cô Lương Thị Lục, GV phụ trách điểm trường tiểu học khẳng định: “Đây là cổng cũ, được sơn lại…”

NVH bản Thái Lâm mái ngói rơi rụng


Điểm trường tiểu học bản Hạnh Tiến bỏ hoang

Một cánh cửa điểm trường mầm non bản Hạnh Tiến bị mối mọt, đơn vị thi công bảo do “mối nhiều”

Nhà văn hóa bỏ hoang, xuống cấp do xây dựng trên đồi cao

Cửa gỗ mục nát

Công trình hư hỏng là do “thời tiết” và “mối mọt”?
Theo Tầm Nhìn.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top