• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Khi làng nghề “không giỏi” làm toán

HMO

Administrator
Staff member
Làng nghề Việt phát triển giống như những sắc màu tô điểm cho văn hóa Việt. Làng nghề đa dạng và phong phú. Thế nhưng, trước sự phát triển như vũ bão, bên cạnh những cơ hội, thì làng nghề Việt nói chung còn có cả những bài toán đáng bàn.

Bao đời nay, Làng nghề đã góp phần không nhỏ vào hơi thở của cuộc sống người Việt
Làng nghề từ bao đời nay đã góp phần không nhỏ vào hơi thở của cuộc sống người Việt. Từ nông thôn đến thành thị, nhờ có làng nghề mà người dân có thể vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, ngay cả khi khủng hoảng nhất, khi nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp không được “cấp giấy nhập khẩu”.

Cụ Ngọc ở làng Trát Cầu, làng nghề làm chăn bông truyền thống nói: Những năm tháng khó khăn, người làng phải mang theo đồ nghề đi từ làng này đến làng khác, có khi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An và xa hơn để hành nghề kiếm ăn. Và chính làng nghề đã đem lại cho người dân cuộc sống ổn định.

Xã hội phát triển, ngoài làng nghề truyền thống còn có làng nghề hiện đại. Dạo bước trên những làng nghề, nhất là vào những buổi sáng để thấy được nhịp sống tấp nập, hối hả nhưng tràn trề nhựa sống. Tuy nhiên, làng nghề đã đáp ứng được cho con người cuộc sống chí ít là no đủ nhưng ngược lại, con người lại chưa biết phát triển đúng cách, hợp lý đề phát triển bền vững. Đến nay, nhìn vào sự phát triển sổi thì những bài toán về môi trường, thương hiệu, an toàn lao động và sự tồn vong của làng nghề lại là những vấn đề đáng bàn.

Làng nghề và môi trường
Môi trường là vấn đề tiên quyết trong việc phát triển bền vững của làng nghề hay không. Tuy nhiên, những năm gần đây thì vấn đề ô nhiễm làng nghề lại là vấn đề nóng gây bức xúc.

Liên quan đến vấn đề này có thể kể đến làng Đông Mai, thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là làng nghề nấu chì, phát triển vô tội vạ để rồi đến một ngày mới bàng hoàng nhận ra rằng, nghề nấu chì độc hại ấy ảnh hưởng đến chính con em trong gia đình mình.

Trở về thôn Đông Mai bây giờ, tuy nghề nấu chì đã được chính quyền địa phương dẹp đi, song di chứng để lại cho đến ngày hôm nay. Nhiều đứa trẻ sinh ra, không bị dị tật cơ thể thì bị bệnh về phát triển tâm trí. Không ít người mắc bệnh ung thư rồi ra đi khi tuổi đời mới chỉ ngoài ba mươi - tuổi những ước mơ hoài bão đang còn dang dở. Những cuộc chia ly bất đắc dĩ, những hưởng thụ trên đời bỗng trở nên quá đỗi xa xôi.

Trong ký ức của anh Thành, khi “làng chì” còn hoạt động, mỗi khi lò đốt lên, những cột khói đen ngòm phủ lấp dần bầu trời. Không khí đặc những mùi của chì gây khó thở. Những lần như vậy anh đã phải đóng kín hết các cửa lại và nhốt các con mình trong nhà. Năm 2009, cũng vì việc đốt chì và người dân các thôn bên cạnh đã ý kiến, thậm chí xô xát. Vì vậy mà mâu thuẫn giữa “làng chì” và các thôn bên cạnh ngày càng gay gắt, đến mức căm ghét nhau.


Ngoài thôn Đông Mai, còn có làng Khoai cũng là địa phương có làng nghề tác động xấu tới môi trường.
Phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng. Còn môi trường thì như chiếc bánh phần lan, ngon lành nhưng nhanh hết, phải ăn dè hà tiện. Có làng nghề có thể trông thấy tác hại ngay trước mắt nhưng cũng có những làng nghề mà vài chục năm sau con cháu mới là những người gánh chịu hậu quả. Phát triển kinh tế phải song song với việc bảo về môi trường mới mong bền vững dài lâu. Chân lý ấy ai cũng hiểu, song chẳng mấy người dám vượt qua tính toán vụn vặt để nhìn xa hơn, rộng hơn.

Làng nghề và an toàn lao động
Có lẽ, vấn đề an toàn lao động đã không còn xa lạ. Và nó cũng là một trong số những bài toán đáng bàn. Mặc dù, đây là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nói nhiều nhưng bao nhiêu năm, vấn đề này cải thiện chẳng là bao.

Về làng Kim Khí nghe những tiếng đột, dập gọi ngày mới ta thấy được cuộc sống lại càng phải cố gắng hơn nhiều, đặc biệt là khi nhìn thấy những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt và lưng trần nhem nhuốc dầu mỡ của những người thợ. Tiếng đột, dập, khoan, cắt, nghe thì có vẻ ồn ào nhưng khi nó trở thành hơi thở của người làng, thì lại giống như những bản nhạc của ngày.

Tuy nhiên, đột, dập, khoan, cắt với người làng nó đã quá đỗi quen thuộc, quen thuộc cả với những người phụ nữ và trẻ nhỏ nhưng xét đến cùng đây là việc nặng nhọc và cần đến sự chuẩn xác và an toàn tuyệt đối. Chỉ nhầm một cái bấm nút thì có thể sẽ mất cả bàn tay, thậm chí cả tính mạng. Song, nó lại là vấn đề bị xem nhẹ.

Trên thực tế, đã có không ít người, từ một thanh niên khỏe mạnh do sơ ý nên đã mất cả bàn tay, bàn chân và trở thành gánh nặng cho gia đình.

Chị Chi chia sẻ, chồng chị cũng là người làm thợ cắt đục trong làng, trước ngày anh chị cưới một tháng, không may anh bị máy cắt một bàn tay. Tai nạn ấy đã khiến đám cưới của chị diễn ra rất khó khăn. Nhiều người khuyên chị bỏ, nhiều người châm chọc. Bố mẹ thì buồn phiền, khóc âm thầm làm chị cũng nản trí, khi phía trước chị là cả đoạn đường chông gai không có nơi lương tựa, mình chị chèo lái.

Làng nghề, thương hiệu và sự tồn vong
Nhịp sống mà làng nghề đem lại không phải nơi nào cũng có. Cuộc sống lúc nào cũng tấp nập, rộn ràng từ sáng sớm tới tối khuya. Là nơi văn hóa làng xã còn hiển hiện mà ở đó, con người bao bọc lấy nhau vượt qua những khó khăn, là nơi những tiếng cười giòn tan xua đi bao mệt mỏi của ngày.

Nghề có thể đảm bảo cho người dân cuộc sống ấm lo. Tuy nhiên, phát triển nghề ra sao để đảm bảo được thương hiệu thì không phải ai cũng nghĩ tới. Khi nhắc tới tương, người ta nghĩ ngay đến Tương Bần, nhắc đến cốm người ta nghĩ ngay đến làng Vòng, tranh thì nhớ tới Đông Hồ… Song, một số làng nghề mải chạy theo lợi nhuận ngắn hạn để rồi làm hao hụt dần thứ tài sản có giá trị lâu dài, cần được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”: thương hiệu.

Dạo quanh làng Trát Cầu - nơi làm chăn ga gối đệm nổi tiếng, ta không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của làng. Nhà cao cửa rộng mọc lên san sát, ôtô ra vào nườm nượp với những con người bê tông hóa. Tuy nhiên đi sâu vào làng, tìm hiểu mà những sản phẩm mà làng nghề này làm ra khiến ta không khỏi những băn khoăn. Những sản phẩm làm ra nhìn thì rất bắt mắt. Song đó lại là những sản phẩm mang “thương hiệu nhái”. Trên những sản phẩm thường lấy những cái tên na ná của các hãng nổi tiếng như Everon, Hanvico, Sông Hồng v.v…

Không riêng gì làng Trát Cầu, làng lụa Vạn Phúc cũng là một ví dụ. Làng đã phát triển và trở thành khu du lịch nổi tiếng. Song, đi vào tận làng lụa, du khách vẫn có thể mua phải hàng Trung Quốc. Đó là vấn đề ai cũng có thể thấy.

Với muôn vàn lý do ở các làng nghề khác nữa mà làng nghề truyền thống cho đến nay chỉ còn là cái tên như một món ăn đặc sản. Có thật nhiều tiền cũng chưa chắc mua nổi. Bởi làm nghề truyền thống đòi hỏi sự kỳ công, tâm huyết và tốn thời gian. Còn cuộc sống hiện đại, yêu cầu phải nhanh, gọn, dễ quay vòng.

Và những điều ấy đã ảnh hưởng không ít đến thương hiệu nghề tồn tại suốt bao nhiêu năm. Có thể, lâu hơn nữa sẽ chỉ còn là cái danh. Bởi những kinh nghiệm, bí quyết theo thời gian cứ thế mai một.

Theo SMO
 

Ads HMO

Ads HMO

Top