• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Khám phá nhịp điệu Piềng Văn của người Nong Lanh

HMO

Administrator
Staff member
Về quê mới Piềng Văn tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong người dân bản Nong Lanh vùng tái định cư thủy điện Hủa Na vẫn duy trì một không gian văn hoá, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Thái.

Khắc luống

Gặp chúng tôi trên đường lên xã, dù không quen biết nhưng với bản tính hiền hậu, mến khách, sau vài câu chuyện, Trưởng bản Lô Đình Thi đã niềm nở mời về nhà. Từ nhà trưởng bản phóng tầm mắt có thể bao quát toàn cảnh bản Piềng Văn yên bình với những nếp nhà sàn bảng lảng trên mái khói bếp đang mơ màng nép mình dưới thung núi.

Bên chum rượu cần mời khách, Trưởng bản Thi phấn khởi cho biết: Năm 2011, bản Nong Lanh di dời từ núi cao xuống mường thấp, đổi tên là bản Piềng Văn. Toàn bản hiện có 39 hộ, 146 khẩu. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, có đầy đủ điện, đường, trường, trạm nhưng bản Piềng Văn ta vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Bởi trước khi rời bản, cả bản đã đồng lòng ra một quy ước giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa “ời” (chị) à!

Về nơi ở mới, rút bài học từ những bản tái định cư trước, người bản Piềng Văn tự dựng nhà sàn truyền thống bằng gỗ cách điệu mái ngói đỏ tươi, kiên quyết không đồng ý với phương án ở nhà sàn xây dựng bằng bê tông. Phục dựng, bảo tồn những nét văn hóa đã có bao đời của dân tộc, trong những buổi sinh hoạt, người già kể cho lớp trẻ nghe về tích truyện dựng bản lập mường bằng tiếng Thái. Các nhạc cụ cồng chiêng, pí lăng, khèn bè..., các làn điệu dân ca khắp, lăm, nhuôn... được sưu tầm và được các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ. Trong những dịp lễ hội, các trò chơi dân gian như chọi gụ, bắn nỏ, đi cà kheo... được duy trì tổ chức.

Dù làm gì, ở đâu, trong các dịp lễ, tết hay xuống chợ, làm nương, người phụ nữ Thái bản Piềng Văn vẫn mặc váy Thái truyền thống. Trước khi về nhà chồng các cô gái bản Piềng Văn sẽ sắm sửa cho mình một ít của hồi môn, trong đó không thể thiếu tấm phà, khăn, váy, áo thổ cẩm và đệm gối bông lau.

Cuộc sống tinh thần phong phú, ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, tuy nhiên theo tập quán lâu đời, đến nơi ở mới, trong vòng luẩn quẩn, người dân bản Piềng Văn vẫn kéo nhau vào rừng đốn củi, săn bắt động vật, chặt phá gỗ, đốt nương làm rẫy... Trước tình hình đó, Trưởng bản Thi nhiều đêm trằn trọc, trăn trở phải làm gì để thoát nghèo. Mỗi kỳ sinh hoạt bản, câu chuyện vẫn thường xuyên đề cập là làm sao để bà con nhanh chóng thoát nghèo. Nhưng câu chuyện ấy vẫn thường kéo dài suốt từ kỳ sinh hoạt này sang kỳ sinh hoạt khác, từ năm này sang năm khác. Cuối cùng trưởng bản và các già làng họp bàn bạc đi đến kết luận phải xây dựng quy ước, hương ước để người dân ký cam kết. Hộ nào vi phạm sẽ bị nêu tên và nộp phạt.

Thực hiện nghiêm túc bản cam kết, sau 3 năm di dời, đến nay bản Piềng Văn đã đáp ứng đủ 5 tiêu chí để được công nhận Bản văn hóa. Những tập tục lạc hậu trong việc cưới việc tang không còn, các gia đình trong bản đều thực hiện theo nếp sống mới, không thách cưới cao, không để đám tang quá 24 tiếng. 100% gia đình trong bản có công trình hợp vệ sinh, vệ sinh xung quanh làng bản và thực hiện di dời chuồng trại ra khỏi sàn nhà. Người dân khi ốm đau đều đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ; trẻ em được tiêm phòng đầy đủ...

Với những nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, bản Piềng Văn là một trong những bản tái định cư đầu tiên của Thủy điện Hủa Na được công nhận là bản làng văn hóa. Trong ngày vui lễ hội mừng Xuân, say trong điệu nhảy sạp và rộn rã cồng chiêng, cả bản ai cũng nhắc nhở nhau phải giữ gìn tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế để bộ mặt bản làng ngày càng khang trang, giàu đẹp./.
Theo TCDL
 

Ads HMO

Ads HMO

Top