• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Khắc khoải Khe Thơi

Admin

HoangMaiOnline
Staff member
Cách chân cầu Khe Thơi chừng 200 m là nơi ở của 17 hộ dân với gần 70 nhân khẩu thuộc xóm vạn chài bản Viềng Khử, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông. Cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở ngay những khu vực lân cận.

Đời “du mục” trên sông

Xóm vạn đò ở nơi đây có từ bao giờ, cũng chẳng ai nhớ nổi, chỉ biết nó đã hiện hữu từ rất lâu. Bà con ở Viềng Thử cho biết, cách đây khoảng năm năm, trên khúc sông Lam đoạn dưới chân cầu Khe Thơi này có tới cả trăm gia đình vạn đò trú ngụ. Bây giờ, phần thì một số đã lên bờ lập nghiệp, một số ngược lên phía trên, dưới chân cầu Khe Thơi này chỉ còn khoảng gần chục chiếc thuyền với vài chục nhân khẩu vẫn bám víu vào nhau sống qua ngày.



slide.jpg
Để mưu sinh, họ ngày ngày ra sông thả lưới.

Lúc chúng tôi đến thăm, đang là ngày triều kiệt, nước sông rất cạn, có thuyền đã phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm trễ họ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho tới hết đợt triều. Ông Võ Văn Thanh (57 tuổi), một cư dân xóm chài cám cảnh: “Tôi năm nay bao tuổi thì cũng ngần ấy năm sống cùng sông nước. Trước tôi thì bố mẹ, ông bà cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm, chỉ thương bọn nhỏ cũng sống mà khác xa với chúng bạn trên bờ!”.

Mấy chục con người trú ngụ bên mép sông, nhưng không gian vô cùng tĩnh lặng, thi thoảng chỉ nghe những tiếng rì rầm, bất chợt lao xao trên mặt sông càng làm cho khung cảnh xóm vạn đò thêm đìu hiu, buồn bã... “Những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được cả trăm ngàn chứ không ít”, lão ngư tên Tình tâm sự.


Cuộc sống lênh đênh của kiếp thương hồ.​


Cũng theo lão ngư Tình: “Ở xóm chài này nhà nào lỡ có người qua đời, thì người còn sống lại khổ. Người ta bảo người sống làm khổ người chết, nhưng ở đây chúng tôi chết đi để lại cái khổ cho con, cho cháu. Muốn được chôn ở trên bờ nhưng cũng không có lấy một đồng để mua mấy tấc đất mà mai táng!”. Điều mà cư dân xóm chài phải chấp nhận lâu nay đó là mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, nuôi gia súc, gia cầm... đều diễn ra trên sông. Thậm chí chỉ cần múc nước sông lên và đánh phèn chua cho lắng là có thể sử dụng làm nước ăn, uống. Nguồn điện sinh hoạt đối với người dân nơi đây bấy lâu nay đã là cả một sự may mắn. Vì không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng điện ở dưới nước, nên không có hệ thống lưới điện cung cấp điện cho cư dân xóm nổi này. Họ phải dòng dây lấy điện từ những hộ gia đình trên bờ. Chỉ trên một khúc sông ngắn chảy qua nhưng ở đây có một cuộc sống khác hẳn với cuộc sống nhộn nhịp ở trên bờ. Họ lầm lũi và cần mẫn với cuộc sống mưu sinh.

Ước mơ được lên bờ

Xóm vạn đò chỉ đông vui, nhộn nhịp khi chiều xuống thế này, bởi khi ấy lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày dong thuyền ngược xuôi kiếm sống cũng trở về neo bến để đón lũ nhỏ lên “nhà”, thả mấy con vịt nhốt cả ngày trên thuyền cho xuống bãi sông kiếm ăn, rồi nhóm lửa trên thuyền nấu bữa cơm chiều. Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại trên một con thuyền chuyền tay nhau ly rượu. Tôi bước lên thuyền lân la định hỏi chuyện, nhưng một anh vừa xong cuộc rượu, đang say khướt cứ lè nhè vặn vẹo: “Mấy anh hỏi chuyện tụi tôi thì có giúp gì được không? Tụi tôi không ai biết chữ, đã mấy lần, mấy người xuống đưa ra những cái giấy nói là giúp tụi tôi lên bờ, rồi cấp đất làm nhà, làm ruộng, nhưng mấy chục năm rồi có thấy chi mô. Thôi để tụi tôi yên!”.




Cậu bé ở xóm nổi này sau giờ học lại về phụ cha mẹ thả lưới mưu sinh.


Hình như nhiều người dân ở xóm vạn đò này không bao giờ nghĩ họ sẽ lên bờ để định cư nữa, nên chẳng ngại ngùng gì cứ nói toạc ra: “Mấy năm trước, còn gỗ, còn luồng, vài ngày đi chở thuê về đồng bằng cũng kiếm được tý chút lo gạo muối cho vợ con, chứ bây giờ rừng hết, chỉ trông vào mấy tay lưới, mấy bó củi tạp, ngày kiếm đôi ba chục nghìn, vợ con bữa no bữa đói qua ngày...”. Cứ vậy, năm này qua năm khác, khát khao lên bờ của xóm vạn chài lại tiếp tục dang dở. Thậm chí nhiều người còn không muốn xa sông nước bởi dường như nó đã gắn với cái nghiệp của họ. Với những người lênh đênh sông nước như họ thì bến nào cũng là nhà, làm được bao nhiêu, ăn uống hết bấy nhiêu, chẳng lo nghĩ gì nhiều. Với họ, xóm chài dưới chân cầu Khe Thơi này đã trở thành quê hương.


Thấy chúng tôi hỏi chuyện, ông xóm trưởng Võ Văn Vinh tay cầm chiếc điếu cày, vừa rót ly nước mời khách vừa chậm rãi cầm chiếc đóm châm lửa vừa kể, xóm vạn chài giờ “đổi thay lắm”, trẻ con nhà ai cũng được đi học, trong xóm đã có người học đại học, cao đẳng. Nhiều năm nay, không có hộ dân nào sinh con thứ 3. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, một số hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đã được cấp lợn để tăng gia. Người dân xóm vạn chài hôm nay không chỉ biết đánh bắt cá, mà đã có nhiều đổi mới về kinh tế, như chăn nuôi gia súc và gia cầm. Nhưng nói thật bà con xóm vạn đò này ai cũng ao ước được lên bờ ổn định cuộc sống lắm. Người lớn thì không nói làm gì, nhưng còn lũ trẻ? Sống trên đò, mùa nắng thì còn lên bờ đi học được, chứ mùa mưa lũ, chúng theo cha mẹ dạt vào khe núi, cồn bãi nào đó tránh mưa gió thì làm sao đến trường? Mấy năm trước có một số hộ đã lên bờ định cư, một số bỏ đi nơi khác sinh sống, còn lại mười mấy hộ này vẫn chưa nghe chính quyền huyện, xã có hướng giải quyết, giúp bà con chuyển đổi cuộc sống thế nào. Mấy năm trước, xã cũng vận động bà con lên bờ, nhưng không có quỹ đất để cấp cho bà con, vả lại có đất làm nhà thì cũng không có đất cho bà con canh tác làm ruộng làm rẫy, vậy là bà con vẫn mãi phải chịu cảnh sống lênh đênh sông nước.


Chiều muộn khi mặt trời đã xế bóng chúng tôi bước lên bờ, mấy đứa nhỏ áo trắng khăn quàng đỏ rời trường học ở trung tâm xã. Tôi hỏi: “Nhà các cháu ở bên kia sông hả...?”. Mấy đứa nhỏ nhìn tôi ngơ ngác, cười hồn nhiên: “Đâu có, nhà tụi con ở đó...”, rồi chúng chỉ về phía mấy con thuyền đang im lìm cắm sào bên bến sông. Từ trên cồn bãi, cách mép sông cả trăm mét, nhìn xuống khúc sông đã thấy những làn khói bay ra từ những con thuyền lan tỏa trên mặt sông buồn yên ả. Phía xa xa vẫn còn bóng dáng những ngư dân bắt cá lo bữa cơm cuối ngày. Họ vẫn chưa biết rồi mai này mình sẽ đi về đâu. Mọi người ở đây vẫn phải vật lộn với từng con sóng cho bữa cơm của gia đình mình. Cũng như nhiều cư dân xóm vạn đò khác, họ đang nuôi những ước mơ được lên bờ, nhưng có lẽ đó chỉ là mơ ước…
Bùi Hữu Cường.
 
Last edited by a moderator:

Ads HMO

Ads HMO

Top