• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Gây ô nhiễm đất lúa, Công ty bao bì Sabeco Sông Lam không chịu đền bù

HMO

Administrator
Staff member
Năm 2009, Công ty bao bì Sabeco Sông Lam (KCN Bắc Vinh, TP Vinh, Nghệ An) chính thức đi vào hoạt động. Cũng từ đó, 11 ha đất trồng lúa thuộc khu vực Bàu Đông bị ô nhiễm nặng.

Trong khi hàng trăm hộ dân vẫn phải đóng sản lượng dù không thể sản xuất thì Công ty bao bì Sabeco Sông Lam lại chối bỏ trách nhiệm.

Bất lực nhìn gần 11 ha đất lúa bỏ hoang
Bàu Đông là cánh đồng sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân các xóm Trung Mỹ, Mỹ Long, Mỹ Hòa…


Cánh đồng bàu Đông đã bỏ hoang gần 10 năm nay
Theo quan sát của PV, mặc dù đang giữa vụ xuân nhưng cánh đồng phủ một màu xanh của cỏ dại. Thi thoảng lại có một vài ao nuôi nhỏ nhưng nước trong ao đen ngòm; nhiều hộ tận dụng khoanh vùng đất trồng lúa, giữ cỏ để chăn thả trâu bò. Một vài thửa ruộng được người dân trồng lúa nhưng còi cọc, kém phát triển.

Ông Lê Duy Hà, xóm trưởng xóm Mỹ Hòa cho biết, 2 ha đất sản xuất nông nghiệp của xóm trước đây sản xuất 2 vụ lúa, năng suất 2,5-3 tạ/sào (500 m2). Thế nhưng, kể từ khi Công ty bao bì Sabeco Sông Lam đi vào hoạt động, 70 hộ dân của xóm khốn đốn vì ruộng lúa bị ô nhiễm, không thể sản xuất. Dù thế, các khoản thuế, phí vẫn phải nộp cho HTX theo đúng quy định.

“Lúc đầu, Công ty bao bì Sabeco Sông Lam xả thải trực tiếp ra bàu Đông khiến màu nước đục ngầu, lâu ngày thì đen ngòm, người đi làm đồng về chân tay mẩn ngứa. Sau đó, chúng tôi mới được biết, việc sản xuất bao bì có mực in, keo dán và các loại hóa chất tẩy rửa gây ô nhiễm nguồn nước; cây lúa không thể phát triển trên cánh đồng bị ô nhiễm này, chỉ có cỏ dại là mọc um tùm. Từ đó, người dân xóm Mỹ Hòa bỏ ruộng, đi làm thuê. Thế nhưng, đây là đất ruộng được giao theo Nghị định 64 nên hàng năm, người dân phải đóng các khoản phí theo diện tích” – ông Hà cho biết.

Chỉ tay vào cống nước bắt nguồn từ Công ty bao bì Sabeco Sông Lam, ông Hà tiếp lời: “Thời gian gần đây, ô nhiễm đã giảm nhiều nhưng thi thoảng những hôm trở trời, mùi hôi nồng nặc vẫn xộc vào tận nhà dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng việc đền bù thiệt hại vẫn không được thực hiện”.


Cống xả thải của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam ra khu vực bàu Đông
Theo thống kê của UBND xã Hưng Đông, hoạt động xả thải từ nhiều năm nay của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam đã khiến 11 ha đất nông nghiệp bỏ hoang (trong đó có 8 ha đất lúa, 2,5 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản), gây ô nhiễm không khí, nguồn nước. Có gần 200 hộ dân thuộc các HTX Đông Vinh, Hưng Đông 1, xóm Mỹ Hòa buộc phải bỏ ruộng, chuyển sang làm các ngành nghề khác.

Tuy người dân, UBND xã Hưng Đông, UBND TP Vinh và UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần kiến nghị, xử lý nhưng Công ty bao bì Sabeco Sông Lam vẫn không hợp tác, không chịu đền bù thiệt hại cho người dân.

Công ty bao bì Sabeco Sông Lam chối bỏ trách nhiệm
Ông Phạm Văn Thanh, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Hưng Đông cho biết, theo thiết kế ban đầu, nước thải từ Công ty bao bì Sabeco Sông Lam sau khi được xử lý sẽ chảy ra sông Kẻ Gai, cách nhà máy gần 1 km, giáp với xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên chứ không phải xả thải ra bàu Đông.

Thế nhưng, thời gian đầu (khoảng 3 năm), hệ thống xả thải chưa hoàn thiện, nước thải được thải trực tiếp ra vùng bàu Đông, sau đó đi theo hai hướng về cống ngầm xã Hưng Đông và xã Nghi Kim. Trong thời gian 3 năm xả thải trực tiếp, cánh đồng bàu đông đã bị ô nhiễm nặng nề không thể sản xuất, muốn cải tạo phải hết sức tốn kém.

Theo tính toán của UBND xã Hưng Đông, vụ xuân năm 2009 mức độ thiệt hại đến năng suất cây lúa là 35%, các vụ tiếp theo đến năm 2015 là 100%; giá thị trường tại thời điểm tính toán năm 2015 là 7.500 đ/kg lúa. Thiệt hại về thủy sản vụ xuân năm 2009 là 35%, vụ hè thu năm 2009 là 100%, các năm tiếp theo là 35% giá thị trường tại thời điểm tính toán năm 2015 là 20.000 đ/kg cá các loại.


Một công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An
Từ năm 2013 đến 2015 HTX Hưng Đông 1 tổ chức nạo vét mương bàu Đông khắc phục ô nhiễm được 32.588 m2 diện tích đất trồng lúa nhưng vẫn bị giảm năng suất 50%.

Được biết, từ năm 2010 lần lượt các đoàn thanh, kiểm tra của UBND TP Vinh, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An… đã kiểm tra vấn đề ô nhiễm do nước thải của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam gây ra và đều kết luận đơn vị này xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sức khỏe của người dân xã Hưng Đông. Sau nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng đã thống nhất yêu cầu Công ty phải bồi thường thiệt hại về sản xuất cũng như phí cải tạo phục hồi lại môi trường cho người dân nơi đây.

Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều năm trôi qua, “thủ phạm” vẫn “bặt vô âm tín”, chối bỏ trách nhiệm khiến người dân và chính quyền hết sức bức xúc.

Lãnh đạo xã Hưng Đông cũng cho biết, việc gây ô nhiễm kéo dài từ nhiều năm, các ban ngành từ xã đến tỉnh đã nhiều lần về làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía Công ty bao bì Sabeco Sông Lam. “Xã hẹn rất nhiều lần. TP, tỉnh đã nhiều lần có giấy mời đích danh lãnh đạo nhưng phía Công ty bao bì Sabeco Sông Lam không đến; mời chung công ty thì họ chỉ cử bộ phận nhân sự đến làm việc. Còn xã lập đoàn thanh kiểm tra thì chỉ được đứng ngoài bờ rào công ty nhìn vào, không được trực tiếp vào kiểm tra nên không biết thực hư việc xả thải thế nào” – vị lãnh đạo này bức xúc.

Trước tình hình xả thải, gây ô nhiễm và từ chối hợp tác của Công ty bao bì Sabeco Sông Lam, có những thời điểm, người dân đã kéo lên công ty để phản đối; chụp ảnh bằng chứng xả thải ô nhiễm của công ty để gửi lên các cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.

Một người dân xã Hưng Đông cho biết: “Dưới nền sản xuất của nhà máy hiện nay, trước đây có mương nước thải dân sinh dài hàng trăm mét. Đến nay, mương xả thải này được lấp hay chưa vẫn còn là điều bí ẩn. Chúng tôi nghi ngờ, ngoài việc có một lượng nước nhất định đảm bảo chất lượng xả ra sông Kẻ Gai thì hiện nay vẫn có một lượng nhất định chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường vì những hôm trời mưa, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc”.

Theo Nông Nghiệp
 

Ads HMO

Ads HMO

Top