• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Dự án thủy điện Khe Bố: 'Bỏ quên' quyền lợi người dân?

HMO

Administrator
Staff member
Cùng một địa phương, nhiều dự án cùng triển khai, người dân bị ảnh hưởng đều được đền bù chế độ hỗ trợ tiền vận chuyển vật liệu xây dựng (Hệ số K) và đất cộng đồng…Tuy nhiên, bên cạnh đó hàng ngàn hộ dân nhường đất Dự án Thủy điện Khe Bố tại huyện Tương Dương lại đang bị “bỏ quên”.

Rất lớn diện tích đất cộng đồng người bị ngập sâu trong nước chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất, nhưng không được đền bù về đất như những dự án khác
“Bỏ quên” hỗ trợ Hệ số K?
Dự án thủy điện Khe Bố được xây dựng trên sông Cả, xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) công suất 100MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 09/2007, do Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam là chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án. Dự án ảnh hưởng đến 7 xã, thị trấn phải di chuyển do bị ngập nước và hàng ngàn hộ dân phải di dời đến nơi ở mới nhường đất cho dự án. Dù đã được được đền bù theo quy định về tài sản đất đai và di chuyển đến nơi ở mới nhưng những ảnh hưởng của dự án vẫn khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Qua trao đổi với người dân địa phương, những hộ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án, phóng viên còn phát hiện ra một số bất cập trong quá trình đền bù mà nhiều người dân thắc mắc.

Theo đó, trong quá trình kiểm đếm và áp giá đền bù đối với hạng mục đền bù đối những hộ phải di dời nhà cửa, vật kiến trúc… Ban đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Tương Dương không áp giá đền bù đối với đất cộng đồng và Hệ số K như Quyết định số 69/2008/QĐ-UBND ngày 17/10/2008 của UBND tỉnh Nghệ An.

Đơn cử như trường hợp gia đình ông Phan Gia Hào (SN 1972, trú tại bản Tân Hợp, xã Tam Thái) nắm được chủ trương nhường đất cho Dự án Thủy điện Khe Bố, gia đình cũng rất ủng hộ. Để sớm bàn giao đất cho dự án, hộ ông Hào phải chuyển đến địa điểm tái định cư (TĐC), do vị trí ngôi nhà cũ sau khi thủy điện tích nước sẽ bị ngập chìm.

Rất tiếc vì ngôi nhà cũ mới xây dựng chưa lâu gồm nhà ở, nhà bếp và nhà vệ sinh…được định giá với số tiền 250 triệu đồng, trong đó ngôi nhà thuộc diện di dời được đền bù 75 triệu đồng. Ngoài số tiền này, gia đình ông còn được hỗ trợ tiền di chuyển 3 triệu đồng, hỗ trợ tiền tự tìm chỗ ở mới 7 triệu đồng. Khi hỏi đến tiền hỗ trợ di dời nhà cửa (Hệ số K), ông Hào không hề hay biết.

Theo quy định, nhà cửa đã xây dựng kiên cố, khi di chuyển sẽ được đền bù, hỗ trợ tiền vận chuyển vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép). Cụ thể, tại Phụ lục 2 của Quyết định số 69/2008/QĐ-UBND ngày 17/10/2008 của UBND tỉnh Nghệ An về đơn giá xây dựng nhà và vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định: “Đơn giá xây dựng mới các loại nhà (trừ nhà sàn) áp dụng đối với các khu vực bằng mức giá (đã quy định) nhân với Hệ số K, trong đó đối với các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông thì tính hệ số K= 1,1”.

Trong khi đó, đối với các dự án cũng triển khai trên địa bàn huyện này vào năm 2005 như cầu bản Côi, nâng cấp mở rộng QL7A đều được áp dụng Hệ số K khi tiến hành đền bù. Theo hồ sơ kiểm kê, áp giá đền bù của dự án này được triển khai năm 2008, đến thời điểm hiện nay Quyết định 69/2008 vẫn còn hiệu lực. Nhưng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời nhà cửa, vật kiến trúc của Dự án Thủy điện Khe Bố thì không được đưa Hệ số K vào để đền bù?


Ngôi nhà của ông Phan Gia Hào bị ảnh hưởng khi nước dâng lên, được đền bù về nhà nhưng không được áp dụng Hệ số K
Đất cộng đồng nơi được đền bù, nơi không
Liên quan đến đền bù tại Dự án Thủy điện Khe Bố, bản Đình Tiến, xã Tam Đình (Tương Dương) người dân phải di dời do bãi bồi ven sông nơi ngày trước là vùng trồng rau, một số là nơi trồng tre, nứa, luồng…bị ngập nước. Điều đáng nói là những hộ bị ảnh hưởng chỉ được đền bù tài sản trên đất là những cây lâu năm và tre nứa, luồng… không được đền bù về đất. Được biết, phần đất này được liệt vào loại đất cộng đồng (trồng tre mét, trồng hoa màu ven sông).

Theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Phần đất này được giao cho các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội CCB… và chỉ giao trên giấy tờ, người dân không hề hay biết, vẫn tổ chức sản xuất bình thường cho đến khi bị ngập nước. Thậm chí, khi tìm hiểu qua các tổ chức này, nhiều tổ chức cũng không biết rằng mình được giao đất.

Người dân đều thắc mắc là dù họ chưa được cấp sổ đỏ, nhưng diện tích đất này họ đã sản xuất hàng chục năm qua, không xảy ra tranh chấp với ai. Do đó, việc căn cứ vào bản đồ thể hiện đây là đất cộng đồng để không đền bù là thiệt thòi cho người dân. Trong khi đó, với Dự án Thủy điện Bản Vẽ, sau khi có ý kiến của huyện Tương Dương, Sở TN&MT Nghệ An đã có Công văn 3101 gửi UBND tỉnh đề xuất phương án giải quyết những tồn tại, vướng mắc xung quanh đền bù, GPMB Thủy điện Bản Vẽ, trong đó đề xuất phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, làng bản, cộng đồng, dân cư đã được giao theo Nghị định 163/CP của Chính phủ.

Theo đó, đất thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất, được giao trước thời điểm quy hoạch rừng (ngày 23/3/2001) thì được bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Thậm chí, diện tích đất sử dụng sau ngày 23/3/2001, đến trước ngày 19/6/2003 vẫn được bồi thường, nhưng theo tiêu chí của đất lâm nghiệp. Cùng một địa bàn, hai dự án thủy điện được triển khai cùng một thời điểm, song Dự án Thủy điện Bản Vẽ được bồi thường, hỗ trợ về đất lâm nghiệp, nhưng với Dự án Thủy điện Khe Bố, UBND huyện Tương Dương không có bất cứ văn bản nào để xin ý kiến đền bù cho người dân. Được biết, năm 2005 triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL7A, đất cộng đồng cũng đã được đưa vào áp giá, đền bù cho nhân dân.

Để nắm rõ những vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với Sở Xây dựng Nghệ An để hỏi về việc có được áp dụng Hệ số K trong đền bù đối với các hộ dân ảnh hưởng của dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.

10 vấn đề còn tồn tại bao giờ được giải quyết?
Theo ông Vang Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, liên quan đến Thủy điện Khe Bố, hiện xã Xá Lượng còn 10 vấn đề tồn tại, trong đó có những vấn đề nhân dân hết sức bức xúc như: Dự án đường tránh ngập QL7A đoạn qua xã Thạch Giám thi công dở dang, một số nhà văn hóa ở các bản TĐC như bản Mác, Cây Me có dấu hiệu xuống cấp, nhà vệ sinh của các cháu tại các trường học hư hỏng rất nhiều. Hiện còn 9 hộ dân ở bản Lau chưa được nhận tiền hỗ trợ…

Cũng theo ông Chuyên, trên địa bàn xã hiện nay đang còn 273 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ, đã được phản ánh rất nhiều lần trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhưng chưa được giải quyết.

Về nguyên tắc, người dân đã nhường đất để làm dự án thì chủ đầu tư phải đi làm sổ đỏ cho nhân dân. Người dân di dời đến nơi ở mới mong muốn có được sổ đỏ để thế chấp vay vốn sản xuất kinh doanh, nhưng đợi mãi đến nay vẫn chưa có. Đối với những hộ có nhu cầu lớn thì phải bỏ ra từ 3 - 5 triệu đồng để thuê các đơn vị đến trích đo, làm thủ tục.

Một số nội dung liên quan đến nước sinh hoạt tại điểm TĐC mới chưa được giải quyết. Đến nay, một số hạng mục như bồi thường đất cho các hộ dân tại thị trấn Hòa Bình vẫn chưa dứt điểm, hiện còn 63 hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù với tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng. Chưa thỏa thuận với các hộ dân trong quá trình cắm mốc ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu, vật kiến trúc với tổng kinh phí phải đền bù gần 1,8 tỉ đồng. Một số hạng mục như kinh phí hỗ trợ xây dựng bể nước cho 68 hộ dân bản Đình Phong (Tam Đình). Kinh phí di dời đúng tiến độ (đợt 2) cho 137 hộ dân thuộc diện di dời, hỗ trợ tổ dân quân giúp dân tháo dỡ nhà di dời, hỗ trợ cho các hộ dân tự san nền chủ đầu tư không phê duyệt.

Ngoài ra, với cam kết hỗ trợ chi phí vượt qua hộ nghèo cho 1.885 nhân khẩu với tổng kinh phí hơn 10,85 tỉ đồng; với mức cấp một lần cho hộ nghèo tại nông thôn là 5,7 triệu đồng/khẩu; 3,6 triệu đồng với hộ nghèo tại đô thị phía chủ đầu tư không thực hiện. Thậm chí còn có đề nghị tỉnh Nghệ An bãi bỏ chi phí này. Ngày 8/12/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 9460 yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ vượt qua hộ nghèo theo phương án bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư đã được phê duyệt”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh thông tin về việc đền bù theo Hệ số K và đất cộng đồng của các hộ dân khi nhận được phản hồi từ Sở Xây dựng Nghệ An.

Theo Ngô Toàn (PLVN)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top