• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Đối thoại, hợp tác và tôn trọng vì lợi ích cộng đồng

Admin

HoangMaiOnline
Staff member
Như Báo đã đề cập, để đảm bảo tiến độ thi công Quốc lộ 1A - công trình trọng điểm Quốc gia, ngày 7/11/2014, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có Công văn số 2621/UBND-NV gửi Linh mục Nguyễn Văn Đính - Quản hạt Giáo xứ Thuận Nghĩa đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động những hộ giáo dân còn chưa thấu suốt ủng hộ, thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, ngày 12/11/2014, Linh mục Nguyễn Văn Đính đã gửi văn thư trả lời “sẽ không hợp tác với UBND huyện Quỳnh Lưu để giải quyết vấn đề này”…


Văn Thư tương đối dài nhưng tựu trung lại, Linh mục Nguyễn Văn Đính “đề nghị UBND huyện giải thích về nội dung “Biên bản xác định diện tích bị lấy đất để mở rộng Quốc lộ 1A theo chủ trương của tỉnh Nghệ An” đã được lập giữa Đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu, Hội đồng bồi thường huyện Quỳnh Lưu, đại diện UBND cấp xã và chủ hộ có đất, trong đó ghi rõ “UBND huyện chứng nhận diện tích đất bị lấy chưa đền bù là đúng” và “chứng minh đất của các hộ đang khiếu kiện là đã được thu hồi, đền bù qua các thời kỳ nay do các hộ này tái lấn chiếm...”.


Công văn Linh mục Nguyễn Văn Đính gửi UBND huyện Quỳnh Lưu và Biên bản xác định hiện trạng phạm vi đất bị ảnh hưởng hộ ông Nguyễn Ngọc Sung, ở xóm 11, xã Quỳnh Giang.
Thứ nhất, không biết Linh mục Nguyễn Văn Đính căn cứ vào biên bản xác định diện tích của hộ dân nào để khẳng định trong đó có ghi “UBND huyện chứng nhận diện tích đất bị lấy chưa đền bù là đúng” còn theo những hồ sơ, tài liệu mà chúng tôi thu thập được, như Biên bản xác định phần diện tích đất thi công để thực hiện Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A tại huyện Quỳnh Lưu được xác lập với sự xác nhận của đại diện Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Quỳnh Lưu, đại diện UBND xã Quỳnh Giang, và đại diện chủ hộ là gia đình ông Nguyễn Ngọc Sung, bà Nguyễn Thị Khang, xóm 11, xã Quỳnh Giang ngày 30/6/2013 ghi cụ thể như sau: “Phần diện tích đất trong phạm vi 13,5m là 134,4m2, trong đó phần đất bị ảnh hưởng tính từ mép đường nhựa đến vị trí cắm mốc thực tế là 101,6m2 (theo biên bản kiểm kê hiện trạng ngày 3/42014) là chưa được bồi thường, hỗ trợ đợt này (theo Quyết định số 2797/QĐ-BGTVT ngày 12/9/2013 của Bộ Giao thông - Vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Thị trấn Cầu Giát và Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An)”.

Ở đây, cần phải hiểu rằng, việc chứng nhận “chưa được bồi thường hỗ trợ đợt này” hay “diện tích đất bị lấy chưa được đền bù” (nếu có) là sự xác nhận làm căn cứ để thực hiện Thông báo 147/TB.UBND-GT ngày 3/4/2014 của UBND tỉnh, áp dụng cho trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định trong phạm vi 13,5m. Theo đó, sau khi bàn giao mặt bằng, nếu có đầy đủ quyết định và hóa đơn chứng từ về việc các hộ dân nộp tiền mua đất trước đây thì hoàn trả lại số tiền và tính lãi suất từ thời điểm nộp tiền.

Còn việc Linh mục Đính yêu cầu UBND huyện Quỳnh Lưu chứng minh “đất của các hộ đang khiếu kiện là đã được thu hồi, đền bù qua các thời kỳ nay do các hộ này tái lấn chiếm” là thể hiện sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình không chịu hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật. Bởi thực tế, quy định về chỉ giới hành lang ATGT Quốc lộ 1A, cũng như việc giải tỏa hành lang ATGT đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và đã được các cấp, các ngành và nhân dân triển khai thực hiện. Cụ thể, năm 1993, khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, do Ban Quản lý PMU1 của Bộ GTVT làm chủ đầu tư, trên toàn tuyến, đơn vị này đã định mốc hành lang ATGT từ chân đường ra mỗi bên 7m, tương đương từ tim đường ra mỗi bên 13,5 m.

Tại Công văn số 1993/PMU1 ngày 14/7/1995 của Bộ GTVT về đền bù đất ở phạm vi hành lang giải tỏa gửi Ban GPMB QL1A các tỉnh, thành phố từ Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ cũng ghi rõ: “Phần đất trong phạm vi hành lang giải tỏa không được đền bù (trừ phần mở rộng đường). Công văn này cũng khẳng định “Các văn bản trước đây hướng dẫn đền bù đất đai trong phạm vi hành lang giải tỏa làm vỉa hè trái với quy định trong văn bản này đều không được áp dụng”. Điều này thể hiện rằng, ngay cả trong giai đoạn triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án do PMU1 làm chủ đầu tư cũng không có chủ trương thực hiện đền bù về đất, mà chỉ đền bù cây cối hoa màu trên đất.

Tại Công văn số 1268/PMU1-QLDA2 của Ban Quản lý Dự án 1 - Bộ Giao thông Vận tải ngày 28/7/2010 gửi Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An một lần nữa xác nhận “Sau khi xem xét và kiểm tra các hồ sơ tài liệu lưu trữ tại Ban QLDA1 về công tác GPMB QL1A của Dự án WB1 từ Km 212+000 - km 463+000 (Cầu Giẽ - TP. Vinh) trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ban QLDA1 quản lý, thực hiện vào những năm 1993-1998, Ban QLDA1 xin có ý kiến như sau: 1. Diện tích đã xây dựng công trình giao thông thuộc Dự án WB1: Đã làm thủ tục thu hồi đất vĩnh viễn đến chân công trình; 2. Diện tích từ chân công trình đến cọc GPMB của Dự án WB1: Các đoạn, tuyến đi qua khu vực đô thị tính từ mép ngoài rãnh dọc đường ra mỗi bên là 3m, các đoạn, tuyến đi qua khu vực nông thôn tính từ chân ta luy nền đường đắp và đỉnh ta-luy nền đường đào ra mỗi bên là 7m, các đoạn có đường sắt liền kề đi qua chỉ cắm cọc GPMB về một phía.

Trong phạm vi này, dự án đã đền bù toàn bộ công trình, vật kiến trúc trên đất và cây cối hoa màu”. Như vậy, việc UBND huyện Quỳnh Lưu khẳng định đất của các hộ dân đang khiếu kiện đã được giải tỏa qua các thời kỳ nên không được bồi thường về đất áp dụng theo Khoản 3, Điều 5 Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh Nghệ An là hoàn toàn có cơ sở. Đối với phần diện tích đất của một số hộ dân ở xóm 11,12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát đã được giải tỏa qua các thời kỳ và hiện nay đương nhiên là phần diện tích 13,5m thuộc chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường bộ do Nhà nước quản lý và việc triển khai bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ công trình trọng điểm quốc gia (sau khi đã kiên trì tiến hành mọi biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục) là cần thiết ở mọi lúc, mọi nơi và đúng quy định của pháp luật, hoàn toàn không thể gọi là “cưỡng chế một cách độc đoán” như Linh mục Đính đã quy chụp.

Thứ hai, trong Văn thư, Linh mục Đính còn đề cập việc UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng “một số hộ giáo dân bị xúi dục, kích động, đưa ra các yêu sách không đúng với chính sách Nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng là một sự quy kết thiếu căn cứ”. Vậy không biết ai là người có quyền chỉ đạo việc rung chuông các nhà thờ, tập hợp hàng nghìn giáo dân ra Quốc lộ 1A để ngăn cản thi công vào chiều 14/8/2014, sáng 7/9/2014 và sáng 9/10/2014? “Bề trên” nào là người đã rao giảng về việc “đất của các con thì các con phải giữ”…?

Thứ ba, Linh mục Đính tuyên bố “Từ nay, tôi sẽ không hợp tác với UBND huyện Quỳnh Lưu để giải quyết vấn đề này nữa”. Về vấn đề này, thì ai cũng có thể biết rằng, nếu như Giáo hội không nhìn cùng một hướng với chính quyền thì quả là một điều đáng tiếc, vì suy cho cùng, dù đạo hay đời cũng hướng tới một mục tiêu là đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, cho cộng đồng. Nếu việc Linh mục Nguyễn Văn Đính, với vai trò là linh mục quản hạt, liên tục có đơn thư kiến nghị gửi UBND huyện Quỳnh Lưu như ông bày tỏ là vì “mong muốn có được sự bình ổn trên địa bàn và vì lợi ích chính đáng của nhân dân”, thì Công văn số 2621/UBND-NV của UBND huyện Quỳnh Lưu gửi Linh mục Đính đề nghị phối hợp trong công tác vận động, tuyên truyền để đảm bảo tiến độ thi công Quốc lộ 1A cũng không nằm ngoài mục đích đó. Bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia phục vụ dân sinh, mà chính nhân dân sinh sống bám Quốc lộ 1A là những hộ đầu tiên được hưởng lợi, vì đa phần trong số họ là những hộ có nhà hàng kinh doanh, buôn bán bám mặt đường. Vậy tại sao hai bên lại không hợp tác, thống nhất để gặp nhau cùng một điểm là vì lợi ích của nhân dân, đem lại cho người dân cuộc sống “phần hồn thong dong, phần xác ấm no”?

Quay lại với những hành động của Linh mục Nguyễn Văn Đính, chúng tôi đặt ra thắc mắc: Linh mục Đính có thực sự vì sự yên bình và quyền lợi của các con chiên do mình được giao trọng trách chăm lo phần hồn hay không, khi mà linh mục không những không nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định của pháp luật để hỗ trợ, giải thích cho các con chiên của mình hiểu đúng và chấp hành đúng chủ trương của Nhà nước Việt Nam, mà là người chủ động có đơn, thư trình bày, kiến nghị gửi đến chính quyền yêu cầu xem xét, giải quyết quyền lợi cho các giáo dân một cách thiếu căn cứ.

Chưa hết, khi UBND huyện Quỳnh Lưu gửi công văn đề nghị Linh mục Đính phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ giáo dân ủng hộ, thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A để đảm bảo tiến độ thi công công trình trọng điểm quốc gia, thì Linh mục Đính từ chối hợp tác với chính quyền, phó mặc mọi chuyện cho chính quyền cũng đồng nghĩa với việc từ chối thực hiện trách nhiệm và bổn phận của vị chủ chăn trong việc giúp đỡ con chiên của giáo xứ, giáo hạt mình quản lý. Như vậy có thực sự đúng với những điều Linh mục Đính đã bày tỏ rằng “mong muốn có được sự bình ổn trong địa bàn và vì quyền lợi chính đáng của nhân dân”, “vì quyền lợi thiết thực của người dân, vì uy tín của chính quyền Nhà nước”? Hay chỉ vì những tự ái, hơn thua của chính bản thân ông, hay vì một mục đích khác nữa mà để mặc con chiên của mình “sống trong sợ hãi”, “nguy cấp và khốn khổ”, “bất bình và hoang mang” như họ từng bày tỏ trong Thư ngỏ ngày 22/10/2014?

Điều đáng nói ở đây là, một khi sự việc một số hộ giáo dân ngăn cản thi công Quốc lộ 1A không sớm được giải quyết, gây khó khăn cho tiến độ công trình trọng điểm quốc gia, thì không chỉ có uy tín của chính quyền bị ảnh hưởng mà chính uy tín của Linh mục Nguyễn Văn Đính, của Giáo hội cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chính quyền cũng là của dân, do dân bầu ra, không có chính quyền nào, luật pháp nào không vì quyền lợi của nhân dân. Bất cứ trường hợp nào cũng phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng lên trên hết, phải chấp nhận hy sinh cái riêng vì cái chung. Còn nhớ, để có được những công trình lớn phục vụ dân sinh, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc như xây dựng Nhà máy Thủy Điện Bản Vẽ, Thủy Điện Hủa Na, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã phải rời bỏ quê hương, rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn với những phong tục tập quán gắn bó lâu đời, chấp nhận tái định cư về nơi ở mới để quê hương có dòng điện sáng.

Nếu những người dân này cũng so đo tính toán thiệt hơn cho riêng mình, thì đất nước lấy đâu nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh như hiện nay? Đối với Dự án, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, công trình trọng điểm quốc gia cũng vậy. Hơn 4.000 hộ dân trên chiều dài 73,8km từ Thị xã Hoàng Mai đến Thành phố Vinh đều đã thực hiện tinh thần chấp nhận hy sinh qua hoạt động thực tế để ủng hộ chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Lẽ nào chỉ có 31 hộ dân ở xóm 11,12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) là ngoại lệ?

Là linh mục quản xứ, hơn ai hết, hẳn bản thân Linh mục Nguyễn Văn Đính cũng hiểu rõ: thực tế từ xưa đến nay, không có tôn giáo nào tách rời khỏi lợi ích dân tộc, vì suy cho cùng lợi ích quốc gia, dân tộc cũng chính là lợi ích của mỗi người dân, trong đó bao gồm cả đồng bào giáo dân trong khối đại đoàn kết dân tộc. Huấn từ của Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã nhấn mạnh “Một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được… Giáo hội không hề muốn thay thế chính quyền, chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại, hợp tác và tôn trọng, Giáo hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân’’.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A là công trình trọng điểm quốc gia phục vụ dân sinh. Nếu Linh mục Nguyễn Văn Đính thật sự nhận thức được rằng “Việc mở rộng đường Quốc lộ là việc quan trọng, người dân hoàn toàn ủng hộ vì trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển xã hội”, “tôi hoàn toàn có thiện chí giúp UBND huyện giải quyết vấn đề khúc mắc để Dự án mở rộng Quốc lộ 1A được hoàn thành đúng tiến độ, đồng thời an ninh trật tự trên địa bàn cũng được ổn định” thì tại sao ông từ chối phối hợp với chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động các hộ giáo dân thể hiện tinh thần “bác ái, liêm chính, quý trọng lợi ích chung” ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm chứng tỏ “một tín hữu công giáo tốt cũng là một công dân tốt”?

Sự việc này khiến chúng tôi nhớ đến một câu chuyện xưa: Chuyện kể rằng, có hai người đàn bà giành nhau một đứa trẻ. Người nào cũng nhận mình là mẹ của nó. Hai bà đem nhau ra tòa để nhờ quan tòa phân xử đúng sai. Sau khi phân tích, giảng giải hết nhẽ, hết cách mà hai người mẹ vẫn khăng khăng, ai cũng khẳng định mình là mẹ đẻ của đứa bé. Quan tòa liền phán rằng: Thôi bây giờ hai người không ai chịu ai thì mỗi người cầm một tay đứa trẻ và kéo về phía mình, ai khỏe hơn kéo được đứa bé thì sẽ được quyền nhận con. Lập tức một bà mẹ run rẩy, vừa khóc, vừa nói với quan tòa rằng: “Tôi không muốn con tôi phải chịu đau đớn. Thôi thì tôi nhường cho bà kia được quyền nuôi đứa con của tôi đó. Ít nhất nó còn được sống…”.

Quan tòa nghe xong phán: Phàm là bậc cha mẹ, từ cổ chí kim, từ con người đến loài cầm thú, ai cũng có lòng thương con, lo lắng, đùm bọc cho con cái mình. Ta nói đem đứa trẻ này ra để các người giằng xé cũng là căn cứ vào lẽ thường tình của người mẹ thương con để phân xử mà thôi. Ngươi đã cho ta thấy lòng người mẹ thương con, thà để cho người khác nuôi còn hơn khiến cho nó bị đau đớn. Ngươi mới chính là người mẹ của đứa trẻ. Còn người đàn bà kia thà đứa trẻ bị đau đớn còn hơn để nó được sống với người khác, không có lòng thương yêu đứa trẻ mà chỉ có lòng thù hận, hiếu thắng, ăn thua, ích kỷ chỉ vì mục đích của riêng mình…

Liên hệ với việc thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, lợi ích đưa lại cho người dân và toàn xã hội đã thấy rõ, nhất là các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường được hưởng lợi trực tiếp từ mở mang dịch vụ sôi động, đi lại thuận lợi, không phải lo lắng nhiều về ách tắc, mất an toàn giao thông như trước…; trong đó, có các hộ dân đang cản trở thi công (và có bản thân Linh mục Đính). Vậy thì việc đưa người dân vào cái vòng đã đến lúc khẳng định là “luẩn quẩn”, bị “giằng xé” với hành vi sai trái cưỡng lại một thực tế cuộc sống tốt đẹp hơn, cưỡng lại lợi ích sát sườn và của cả tương lai con cháu nhờ con đường mới đem lại, chẳng lẽ không đáng để Linh mục Đính suy ngẫm hay sao? Hay ông vẫn chỉ vì sự vị kỷ, tự ái hơn thua hay vì mục đích nào khác nữa nếu có, mà không chịu hợp tác với chính quyền sớm vận động người dân chấp hành chủ trương của Nhà nước, chấm dứt sự “sống trong sợ hãi”, “bất bình và hoang mang” mà họ không đáng phải chịu như thế?
Theo Báo Nghệ An
 

Ads HMO

Ads HMO

Top