• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đôi tay ấy còn lớn hơn khát vọng

Admin

HoangMaiOnline
Staff member

Đã nhiều năm nay, trai tráng ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh thuộc huyện vùng cao Tương Dương lần lượt kéo nhau "đi" cả. Chỉ vì ma-túy mà người chết, kẻ vào tù. Lần mò khắp nẻo bản, tôi chỉ thấy người già và trẻ nhỏ. Và thật buồn khi biết được nhiều bậc làm cha làm mẹ ở đây đã trở thành gương xấu cho con cái. May thay, nghị lực của cậu bé tật nguyền Lương Văn Mậu đi học bằng tay, vượt khó học giỏi, dường như đang thắp sáng lại khoảng rừng heo hút này.

slide.jpg
Tình bạn đẹp của Chôm và Mậu cũng trở thành tấm gương cho các bạn noi theo
Hai bà cháu

Nghe tiếng xe máy, lũ trẻ bản chạy ùa ra bờ rào lấm lét nhìn khách lạ, những người đàn bà tựa cửa, ánh mắt mệt mỏi đợi chờ... Anh Binh, người bản Nạ đã tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi tìm đến nhà cậu bé tật nguyền Lương Văn Mậu. Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh ngay đầu dốc, sát bờ sông Nậm Nơn, trước mặt là núi đá dựng đứng.

Tôi thắc mắc về chiếc xe đẩy còn khá mới nằm chỏng chơ ở đầu nhà, anh Binh giải thích: "Xe ni có người mới cho. Vì Mậu đang học lớp 9, Trường THCS xã Lượng Minh cách đây mấy cây số, lại nằm ở lưng núi, đá sỏi lởm chởm, không đi được xe lăn đến đó".

Hỏi thăm gia cảnh, bà Lô Thị Lan (bà ngoại của Mậu) gạt nước mắt, trong tiếng nấc nghẹn nhớ về những chuyện buồn như vừa diễn ra: "Khi Mậu lên ba, vì túng quẫn, một lần mẹ hấn đánh liều đi vận chuyển thuê thuốc phiện, bị bắt, phải ngồi tù 11 năm. Liền đó, bố hấn cũng bỏ đi không rõ tung tích, nghe đâu là vượt biên sang Lào, rồi cũng bị dính nghiện ma túy. Tôi ôm hấn về, cùng chồng tiếp tục chắt bóp miếng cháo, bữa rau nuôi cháu".

Sống bên ông bà ngoại chẳng được bao lâu thì em mắc chứng teo cơ. Nhà nghèo, ông bà không đủ tiền đưa đi viện, mà chỉ tìm lá lẩu trên rừng mang về sắc cho cháu uống. Mãi không thấy đỡ, bà Lan mới tá hỏa vay mượn, ôm cháu đi khắp nơi tìm thầy thuốc, nhưng đôi chân của Mậu ngày ngày cứ teo dần.

Một lần, bà bế Mậu đứng trước cổng bệnh viện, em nhìn thấy một bạn đeo cặp, vừa đi vừa đọc sách và Mậu xin bà cho bằng được để đi học. Biết cháu tật nguyền, học hành sẽ rất vất vả nhưng vì thương cháu, gạt qua lo lắng để bà quyết tâm cõng cháu đến trường, vì lo... "cháu tủi thân". Mậu lớn lên, lại tiếp tục chứng kiến cảnh người lớn ở Minh Phương cứ lần lượt ra đi, vì thuốc phiện, vì nghèo.

Mậu không mấy khi cười, nhưng giọng rắn rỏi: "Em cứ suy nghĩ về lời bà ngoại thường nhắc nhở, cháu cứ trông vào tội lỗi của bố mẹ cháu mà tránh nha, đừng làm theo". Nói đến đấy, ánh mắt trong veo của Mậu ngước lên nhìn tôi, hồn nhiên: "Bà dặn em rứa em biết rồi. Mà răng không ai dặn người lớn như rứa, hả anh?"...

Lớn hơn khát vọng

Sau bố mẹ Mậu, dần dần ba người con của bà Lan cũng lần lượt đi tù vì ma-túy, rồi chồng bà qua đời do bệnh nặng, khó khăn thêm chồng chất. Mấy năm nay, chỉ còn mình bà lặng lẽ chăm sóc một bầy năm đứa cháu cả nội lẫn ngoại.

Bà kể trong nấc nghẹn: "Ở tuổi tui, đáng ra phải được con cháu phụng dưỡng, chăm lo. Bây giờ sức khỏe mỗi ngày một yếu, lúc ốm đau chỉ lo cơm cháo cho mình còn khó, nói chi đến năm đứa vắt mũi chưa sạch, thằng Mậu lại tật nguyền...".

Nghe chuyện những ngày Mậu tập đi bằng tay với khát vọng đến trường, chúng tôi ứa nước mắt. Đang tuổi ăn tuổi chơi, chạy nhảy cười đùa cùng chúng bạn, tự dưng đôi chân Mậu yếu dần, và không cử động được nữa. Ánh mắt ngây thơ của Mậu ngước lên nhìn ông bà ngoại để tìm câu trả lời, nhưng tất cả đều im lặng. Nói chuyện, hầu như Mậu không cười, nhưng trong sâu thẳm đôi mắt em thấy ánh lên một nghị lực, một nỗi chịu đựng lớn.

Mậu tâm sự: "Hồi đầu biết chân bị liệt, em gào khóc đòi bà ngoại cho đi chơi. Bà cõng đi loanh quanh, mệt quá lại về đặt em ở giường. Những lúc ấy, bạn Chôm ở cuối bản thường hay sang chơi với em cho khuây khỏa".

Một lần, vì muốn rủ Mậu đi chơi, Chôm đến sát bên giường nói: "Chân cậu đau thì cậu cố gắng bò bằng tay ra đây, bám lưng tớ cõng". Mậu cố nhoài ra mép giường vừa vịn vào vai Chôm để đu lên thì cả hai cùng ngã đau.

"Không biết bao lần bổ đau lắm, rồi Chôm đứng vững hơn. Thế là hắn cõng em đến trường. Cả hai đứa đều thích đi học lắm, nhưng Chôm cũng hay làm em bổ. Có lần trời mưa, leo gần đến cổng trường thì Chôm trượt chân, hai đứa cùng lăn mấy vòng xuống dưới. Vì đau, em tức quá bảo để tau tự đi. Và em cứ tập dần, tập dần rồi cũng tự đi được"-Mậu kể.


Bố mẹ đã mỗi người một nơi, Mậu chỉ còn bà ngoại là chỗ dựa lớn nhất giúp em vượt qua mọi khó khăn để tới trường.
Từ đó, đôi tay Mậu đã gánh thêm việc của đôi chân. Thời gian đầu Mậu chống tay lết đi, quét đầu gối xuống đất làm nó bật máu. Khi tay vững dần, Mậu nhấc hẳn chân lên đi theo kiểu "trồng cây chuối". "Thấy em đi kiểu lạ, nhiều bạn mới đầu trêu, thử bắt chước em nhưng không làm được nên không dám trêu nữa", giọng Mậu hóm hỉnh. Vậy mà, không chỉ tự lo được sinh hoạt cá nhân, ngoài giờ học, Mậu còn kèm các em học, và cùng giúp ngoại việc nhà: quét sân, thái rau cho lợn...

Cứ thế, suốt tuổi thơ đầy vất vả là một tình bạn hồn nhiên và quý báu của Mậu và Chôm. Lên học cấp hai, hôm thì Chôm, khi thì ngoại, lúc thì các thầy cô giáo hoặc bạn bè thay nhau giúp cõng Mậu đi học. Nhưng phần lớn là em tự đi bằng chính đôi tay của mình.

Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp của Mậu, tâm sự: "Nhìn cậu học trò khuyết tật chăm chỉ đến trường bằng cách chống hai tay xuống đất mà đi, đôi chân tật nguyền cứ lắc lẻo trên không, có ai mà không xa xót. Em Mậu thông minh, hăng hái phát biểu lắm. Các thầy, cô giáo và cả các bạn đều yêu quý và khâm phục nghị lực vượt khó, năm học nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Tình bạn đẹp của Chôm và Mậu cũng trở thành tấm gương cho các bạn noi theo".

Đã gần chín năm, kể từ khi học lớp 1 đến giờ, đôi tay Mậu đã thay đôi chân vượt đường đá sỏi, mưa lạnh bùn trơn, tránh xa những "gương xấu", để tới trường và dần nuôi dưỡng giấc mơ đẹp - "trở thành thầy giáo dạy kỹ năng cho trẻ khuyết tật".

Thấy bà khóc, Mậu nhoài người đến bên xoa lưng ngoại. Tôi nén lòng lại, nhìn kỹ vào đôi bàn tay của em như muốn kiếm tìm ở đôi lòng tay dầy đầy vết chai sần mầu bánh mật với những ngón thô khỏe khoắn ấy một điều gì thật giản dị mà như còn lớn hơn khát vọng. Vậy mà sao tôi không khỏi chạnh buồn. Bởi không biết rồi đây, chỉ với đôi tay liệu em sẽ học lên trung học phổ thông thế nào, rồi học nghề, vào đại học ra sao? Nhọc nhằn, khó khăn còn dằng dặc phía trước, có thể em chưa thể lường hết. Nhưng tôi tin, với nghị lực phi thường, nhất định em sẽ đạt được những điều mà mình mơ ước. Cầu mong cho em!...

Mậu vẫn nhớ mãi một ngày đầu thu năm ngoái, mẹ em được tại ngoại, hạnh phúc như vỡ òa khi nghe thấy tiếng ngoại reo lên "mẹ cu Mậu về!". Em sà vào lòng mẹ, hai mẹ con ôm nhau nức nở. Đêm đó, lần đầu tiên Mậu được ngon giấc trong vòng tay mẹ sau 11 năm xa cách, sau hàng ngàn đêm chập chờn, giật mình thảng thốt. Nhưng rồi, như một giấc mơ lành qua nhanh, sáng hôm sau trở dậy thì mẹ đã rời đi lúc nào không biết. Giọng bà ngoại như mếu: "Mẹ con dặn, cu Mậu ở nhà học giỏi, mẹ phải đi thật xa...".

HMO nguồn Nhân Dân.
 
Last edited by a moderator:

Ads HMO

Ads HMO

Top