• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đời Sống: Trở lại nơi hơn 10 vạn dân từng chìm trong lũ

HMO

Administrator
Staff member
Cơn lũ kinh hoàng vào đúng ngày đầu tháng 10 năm ngoái đã lùi vào quá khứ, con sông Hoàng Mai êm đềm trở lại sau khi để lại cho hàng nghìn hộ dân nơi đây… hai bàn tay trắng. Cái Tết khó khăn qua đi, người dân rốn lũ lại đứng lên làm lại như bao đời nay vẫn vậy . Chúng tôi trở lại vùng rốn lũ Hoàng Mai sau gần 5 tháng kể từ ngày cơn lũ dữ đã nhấn chìm và cuốn trôi nhiều tài sản ra biển lớn. Triền đê bắt đầu từ quốc lộ 1A ngược về thượng nguồn sông Hoàng Mai dẫn chúng tôi đến xã Quỳnh Trang, nơi xa nhất, cách trung tâm thị xã Hoàng Mai gần 10 km, địa bàn hứng chịu toàn bộ và đầu tiên lượng nước từ 5 cái cửa xả đập Vực Mấu dội trực tiếp vào khu dân cư.
Sau đêm kinh hoàng ấy là cảnh tan hoang tiêu điều, xác xơ, nhiều người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Không còn cảnh vùng quê tiêu điều, đường liên thôn sình lầy bởi bùn đất, đá gồ ghề bong tróc bởi nước lũ như trước đây, đường làng đã được đổ bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà đã được dựng lại. Các xóm 4, 5, 10 của xã Quỳnh Trang nằm trải đều ở miệng đập đã từng phải hứng chịu nặng nề khi lũ ập đến. Bây giờ, khó có thể nhận ra cảnh tượng tan hoang trước đó khi những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi, ruộng vườn lại xanh tốt bởi những luống rau đã được trồng và chăm bón trở lại.
Căn nhà nhỏ tiêu điều sau lũ của chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 10 nằm ở mé đường cái đã được sửa sang. Đến bây giờ, chị vẫn không tin rằng mọi của cải nhà chị bỗng chốc tan thành mây khói. “Sau lũ, đã có những lúc phải đi xin ăn, nhưng được trợ giúp của mọi người nên chúng tôi đã vượt qua được khó khăn”, chị nói.
Cái đêm kinh hoàng ấy, lũ đến, cha mẹ con cái vội vã trong đêm thoát ra khỏi nhà tìm lên đồi cao. Thậm chí chị Hoa không kịp khóa cửa. Lũ rút đi rồi còn cái nhà trống không. Hơn tấn lúa mới thu hoạch về phần nhiều trôi theo nước, phần còn lại sắp nảy mầm. Trong chuồng nuôi 3 con lợn, gần trăm con vịt cũng biến mất theo lũ…
Tất cả đã là quá khứ. Hơi ấm mùa xuân như xua tan những cơn gió đông lạnh giá ở nơi được coi là rốn lũ. Có được sắc diện tươi mới hôm nay, mỗi người dân vùng lũ đã trải qua những ngày tháng cơ cực, vượt khó từ cái nghèo. Cùng với đó là sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng.

slide.jpg
Sự sống lại nảy mầm trên cánh đồng phường Quỳnh Dị. Ảnh: H.P
Nghĩ cách sống chung với lũ
Gần 5 tháng về trước, người dân Hoàng Mai đã bị tổn thất vô cùng nặng nề, khi chỉ trong vòng 27 tiếng rưỡi (19h30 ngày 30/9 đến 23h ngày 1/10), trận lũ gây thiệt hại khoảng 800 tỉ đồng, 2 người chết. Hơn 20.000 nhà dân bị ngập, 100.000 người dân có lúa, rau, trang trại gà, đầm tôm... trôi hết. Chưa kể những hộ gia đình bị thiệt hại tiền tỉ, riêng những hộ bị mất trên 100 triệu đồng không thể thống kê hết.
Hiện nay, người Hoàng Mai đã có phương án đối phó với lũ. Trong cái khó ló cái khôn, anh Nguyễn Quốc Lưu - ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, một anh thợ cơ khí vô danh ở cái nơi được coi là vùng sâu hẻo lánh - đã nghĩ ra giải pháp làm chiếc thuyền bằng sắt với rất nhiều ưu việt giúp bà con đồng bào vùng lũ tránh nạn.
Kể từ khi anh Lưu làm được chiếc thuyền cứu nạn đầu tiên, người dân ùn ùn kéo đến đặt mua. Giờ đây bà con vùng đất “trời hành” có thể tạm yên tâm khi lũ đến mà không bị cuốn theo đồ dùng của cải trong nhà. Quả thật, thuyền sắt của xưởng cơ khí anh Lưu đã khắc phục được rất nhiều điểm yếu của thuyền gỗ như: không bị sóng đánh vỡ, không bị nước thấm vào, chèo rất nhẹ và nhanh.
Anh Lưu tâm sự: “Trước đây tôi nghe kể về những chuyến đò ngang định mệnh làm chết người. Càng ngày, mật độ vụ lật đò, đắm thuyền càng dày hơn, nào là ở Hà Tĩnh, ở Quảng Bình, bây giờ là Nam Trung Bộ… Ở đâu cũng thấy người chết vì lũ.
Không kể đâu xa, người thân mình, là bà con làng xóm cũng đang phải chịu mất mát, khổ sở vì lũ. Chiếc thuyền sắt có thể cùng một lúc chở được cả người, lợn, gà, thóc gạo đi trú ẩn mà không sợ bị sóng đánh tan”.
Trở lại vùng lũ những ngày đầu năm mới thấy hết tinh thần vượt khó của bà con nơi đây. Ruộng đồng đang phủ một màu xanh với những thửa rau cải mơn mởn chờ ngày thu hoạch. Khắp thôn xóm, những vườn ngô xanh ngút ngàn... Vừa ngơi tay trên thửa rau cải xanh mơn mởn, anh Hồ Hữu Trung, ở xóm 11, hồ hởi: “Chỗ ruộng này vụ trước vớt vát được vài kg lúa úng nước.
Ngay sau khi nước rút chúng tôi đã được hỗ trợ gạo, giống làm vụ đông nên Tết đến không bị đói, vụ xuân hè năm nay đã gieo cấy đúng tiến độ, phần nào cơn đói từ lũ đã qua”.

Không riêng gì vùng rốn lũ Quỳnh Trang, những địa bàn lân cận cũng nô nức ra quân làm vụ xuân hè khi những ngày Tết đã qua đi. Đến nay, hàng chục bãi ngô, khoai lang, rau bầu lấy ngọn đã phủ kín khắp cánh đồng ngập phù sa do nước lũ bồi đắp. Trong nhà dân, những chú lợn béo tròn nhờ ăn cám ngô đã được tắm rửa sạch sẽ, chờ ngày xuất chuồng.
Nơi rốn lũ những ngày đầu năm mới, chẳng mấy ai muốn nhắc lại chuyện buồn năm cũ. Những cánh đồng xanh tươi đang thay họ nói về tương lai.

Theo Gia Đình.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top