• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳ Châu Đìu hiu “Lãnh địa máu”

HMO

Administrator
Staff member
Đầu thập niên 1990, hàng vạn người tứ xứ đã đổ xô về xã Châu Bình (Quỳ Châu) đào đá đỏ để mong đổi đời. Hàng trăm người phải đánh đổi giấc mơ đá đỏ bằng những nấm mồ chôn chặt dưới lòng đất.

Đồi Tỉ, ngôi mộ chung của hàng trăm phu đá đỏ bị chết vì sập hầm - Ảnh: Nguyên Linh
Ngược lên miền tây xứ Nghệ, chạy dọc quốc lộ 48, chúng tôi tìm đến “thủ phủ đá đỏ” Châu Bình - nơi từng là “lãnh địa máu”. Hỏi chuyện “giấc mơ đá đỏ”, một cụ cao niên sống ở dưới chân đồi Tỉ nói rằng: “Sau gần 20 năm bình lặng, mới đây Châu Bình lại xôn xao bởi có người đào ao tìm được đá đỏ, bán được nhiều tỉ đồng. Người Châu Bình lại lục tục kéo nhau vào rừng tìm vận may, nuôi giấc mơ đá đỏ...”.


“Lãnh địa máu”
Đồi Tỉ - quả đồi có trữ lượng đá đỏ nhiều nhất tại đất Châu Bình, hiện nằm trơ trọi cách quốc lộ 48 chừng một cây số. Sau những vụ sập hầm, nhiều năm nay đồi Tỉ là khu vực cấm người dân ra vào khai thác. Lối vào đồi Tỉ ngoằn ngoèo, heo hút, vắng bóng người.


Anh Nguyễn Văn Thắng - phu đá đỏ một thời - dẫn đường cho chúng tôi chỉ tay về hướng quả đồi trọc đỏ au, bên dưới có một hồ nước sâu hoắm - nói: “Dấu tích ở đồi Tỉ giờ vẫn còn hàng trăm hố to, hố nhỏ san sát nhau, khoét sâu vào lòng núi. Ngày trước cả đồi Tỉ đen kín người”. Dẫn chúng tôi đến bên một hố sâu hút, anh Thắng kể mình từng bị chôn vùi ở dưới hố này nhưng may mắn được cứu sống.


“Mồng năm Tết Quý Dậu (1993), tôi với năm anh em trong xóm mang cuốc xẻng lên đồi Tỉ tìm vận may. 12g, nhóm chúng tôi rút ra khỏi hầm để ăn cơm trưa thì tai họa ập đến. Tôi với anh Hương đang ở trong hầm thì bỗng nhiên đất lở, miệng hầm đổ ập xuống. Anh Hương chết tại chỗ. Tôi bị đất đè bất tỉnh đến ngày hôm sau mới hồi tỉnh, nhiều tháng sau mới phục hồi trí nhớ. Sau này anh em kể lại khi thấy nhiều khối đất đổ ập xuống hầm, dường như không còn chút hi vọng cứu sống, mọi người chỉ cố gắng đào bới để đưa xác hai chúng tôi về. Khi đưa tôi lên khỏi mặt đất thì người đã cứng đờ, tím tái, ngưng thở nhưng mạch vẫn còn đập, họ chở tôi đi bệnh viện cấp cứu nên thoát chết” - anh Thắng hồi tưởng.

"Tôi từng là phu đá, cũng kiếm được chút ít nhưng rồi tiêu pha hết"
ông Kim Văn Duyên (chủ tịch xã Châu Bình)

Khi nhắc đến địa danh đồi Tỉ, người dân Châu Bình đến nay vẫn còn thấy ớn lạnh, tang thương. Đó là một ngày mưa giữa tháng 6-1991. Hàng ngàn người ùn ùn kéo về đồi Tỉ tìm cách chui vào lòng đất để đào hồng ngọc.


Những đường hầm được đào sâu, nối nhau chằng chịt. Đồi Tỉ ngổn ngang như chiến trường.


“Những bì đất liên tục được chuyền lên từ hầm sâu, sau đó mang ra suối để đãi. Mọi người đang mải mê kiếm tìm đá đỏ thì bỗng nghe tiếng động thất kinh, rồi những tiếng la thét thất thanh. Sập hầm! Nhiều hầm cạnh nhau liên tiếp sụp. Đồi Tỉ rung chuyển. Mọi người hốt hoảng, giẫm đạp lên nhau vùng chạy thoát thân. Vụ sập hầm hôm đó chết cả trăm người, 10 ngày đào bới mà tìm chưa hết xác. Xác chết đắp chiếu nằm la liệt dọc quốc lộ 48, chờ người nhà đến nhận đưa về mai táng” - ông Kim Văn Duyên, chủ tịch UBND xã Châu Bình, nhớ lại.


Ông Duyên kể rằng ngày còn đá đỏ, thi thoảng lại nghe tin có người chết. Ở đây có nhiều lý do để chết: người chết vì hầm sập, người chết vì tranh giành lãnh địa, có người lại chết do sốt rét ác tính. Dọc đường lúc nào cũng nghi ngút khói hương...


Hạnh phúc mong manh
Hôm về Châu Bình, khi đi ngang qua ngã ba Trại Bò, chúng tôi tình cờ gặp người đàn ông trung niên đang hóng tai nghe bản nhạc xẩm réo rắt: “Anh đi đào đá đỏ, ở vùng mỏ Quỳ Châu/Anh biết tìm đâu tìm đâu ra đá đỏ/Trời cho ai thì người đó có, muốn có mà được đâu/Anh ơi chờ mong cầu niềm hạnh phúc mong manh, mạng sống chẳng yên lành...”.


Hỏi chuyện mới biết người đàn ông đó tên Tân, từng là phu đá đỏ, có em trai chết vì sập hầm. Tân kể: “Thời đó, mạng người rẻ rúng lắm. Người chết vì sập hầm, phu đá đào bới lên bỏ bên lề đường, đắp chiếu lại, rồi người thân lặng lẽ thuê xe đưa về quê. Tuyệt nhiên không có một ai trình báo công an hay chính quyền, người đến người đi đều lặng lẽ”.


Chúng tôi ngược về huyện Nghĩa Đàn, tìm đến xã Nghĩa Lộc - nơi có nhiều phu đá sập hầm chết trong năm 1991, cả làng làm giỗ chung. Ông Hồ Trọng Hiển, trưởng xóm Bình Minh (xã Nghĩa Lộc), từng là phu đá đỏ một thời. Ông Hiển nói thời đó đói khổ, toàn bộ trai tráng trong làng, kể cả cán bộ thôn xã, đều kéo nhau lên Quỳ Châu đào đá đỏ. “Tháng 2-1991, tôi và 50 người dân trong xóm Bình Minh lập thành một hội kéo nhau đi đào đá đỏ. Lên vùng mỏ Quỳ Châu, thấy quân chúng tôi đông, lại nghe tiếng dân Nghĩa Đàn đầu gấu nên một số nhóm hoảng sợ vứt hầm bỏ chạy. Nhóm chúng tôi tiếp quản hầm để đào, mới đào được một ngày thì xảy ra tai họa. Hầm sập vùi chết bảy người, trong đó có hai anh em. Ba người khác được đưa đi cấp cứu kịp nên may mắn thoát chết” - ông Hiển kể lại. Đang ngồi nhặt rau, bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Hiển, góp chuyện: “Khi ôtô chuyển bảy xác chết xuống tập kết ở nhà văn hóa thôn để người thân đến nhận, tôi đã thót tim bởi trong đống xác có một người quấn chiếc chăn của chồng tôi. Tôi lăn ra khóc, mọi người cũng nghĩ chồng tôi đã chết. Nhưng khi giở chiếc chăn ra thì không phải mặt chồng. Gia đình tôi lóe lên hi vọng anh Hiển còn sống. Hai ngày sau chồng tôi đi bộ thất thểu về đến nhà”.


Bà Cao Thị Thư (xóm Bình Minh), có chồng chết trong vụ sập hầm ngày 17-2-1991. Bà Thư năm nay 51 tuổi nhưng trông khắc khổ, già nua rất nhiều so với độ tuổi. Chồng chết, bỏ lại ba đứa con thơ, đứa út mới tám tháng tuổi, bà Thư một tay nuôi. “Chồng chết, nhà không có tiền mua nổi cái quan tài, phải giật mấy tấm ván cửa mục nát đóng lại để tiễn ông đi. Mẹ con rau cháo bám víu vào nhau sống qua ngày. Chồng mất được ba năm thì đứa con gái út lại chết đuối. Tôi suy sụp rồi đổ bệnh, đứa con trai đầu phải bỏ học đi làm để kiếm miếng ăn”- bà Thư thẫn thờ nhìn di ảnh của chồng con, nước mắt lưng tròng. Ở xóm Bình Minh có thêm sáu gia đình phu đá cũng làm giỗ vào ngày 17-2; xã Nghĩa Lộc thì có hàng trăm phu đá “ra đi, đi mãi không về”, để lại những quả phụ tuổi đôi mươi...

Khu vực đãi đá đỏ của ông Thanh, cách đồi Tỉ khoảng 500m. Ông Thanh vừa đào ao trúng đá đỏ bán tiền tỉ, sau đó ông thuê thêm hàng chục người, đưa cả máy xúc vào đào bới tìm kiếm hồng ngọc. Tại đây, máy hút nước nổ rền suốt đêm ngày, cả một vùng rộng nhiều hecta bị bới tung đất đỏ au, khô khốc - Ảnh: Nguyên Linh
Vẫn nuôi giấc mơ đá đỏ
Ông Kim Văn Duyên bảo rằng đá đỏ có sức hút ghê gớm. Không chỉ người dân mà cả giáo viên, cán bộ ngân hàng, cán bộ xã cũng đổ xô tràn lên đồi tìm vận may đổi đời.


“Người dân cứ nghĩ đá đỏ là vô tận, còn nhiều dưới đất. Thế nên đào được bao nhiêu là chi tiêu, chơi thoải mái là hết luôn. Tiền kiếm được dễ dàng nên họ ném vào đề đóm, cờ bạc, tài sản mất hết. Tôi từng là phu đá, cũng kiếm được chút ít nhưng rồi tiêu pha hết” - ông Duyên chia sẻ.


Ông Duyên nói rằng quê ông rất ít người giàu lên nhờ đá đỏ, mà bỏ mạng thì nhiều. Cơn lốc đá đỏ quét qua làm cuộc sống người dân Châu Bình quay cuồng trong bệnh tật, tệ nạn, chết chóc bi thương nhưng giấc mơ đá đỏ vẫn chưa từ bỏ được.


“Mới đây có người đào ao tìm được một viên đá đỏ bán mấy tỉ đồng, sau đó lái buôn trong xã đem đi bán lãi được mấy chục tỉ đồng. Thế là một số người đua nhau đào vườn, tháo nhà lấy đất đãi đá, có người kéo nhau vào khe suối tìm vận may”- ông Duyên nói rồi đưa chiếc điện thoại cho chúng tôi xem bức ảnh chụp viên đá đỏ quý giá người dân mới tìm được.


Thủ phủ đá đỏ” Quỳ Châu
Đến bây giờ, chẳng ai có thể nhớ chính xác người tìm thấy viên đá đỏ đầu tiên trên mảnh đất Châu Bình là ai. Ông chủ tịch xã Châu Bình kể rằng năm 1989, trong lần đi thăm dò khoáng sản ở khu vực đồi Tỉ, có đoàn kỹ sư tình cờ tìm thấy một viên đá lạ có màu tiết bồ câu to bằng đầu ngón tay cái.


Sau này viên đá đó đưa về Hà Nội, các chuyên gia xác nhận đó là viên đá hồng ngọc có tên ruby (thường gọi là đá đỏ), bán được hàng chục triệu đồng. Những kỹ sư địa chất này âm thầm quay lại Châu Bình, thuê người dân bản địa đào đá đỏ với thù lao rất cao. Một đồn mười, mười đồn một trăm. Cứ thế, dòng người tứ xứ đổ xô về Quỳ Châu mong đổi đời, khung cảnh hỗn loạn.


Vùng đất Châu Bình đang yên bình bỗng dưng trở thành “lãnh địa máu” với những trận chém giết kinh hoàng để tranh giành lãnh địa. Đầu năm 1991 là đỉnh điểm Quỳ Châu lên cơn sốt đá đỏ, thường xuyên xảy ra những vụ thanh toán đẫm máu. “Thủ phủ đá đỏ” xuất hiện băng nhóm của những tay giang hồ cộm cán, chém người không ghê tay như Phong “trọc”, Đường “rộ”, Sơn “cụt”, Tượng “lợn”...


Công an tỉnh Nghệ An thành lập Trạm cảnh sát vùng kinh tế đặc biệt (thường gọi Trạm 34), đồng thời huy động tới cả trăm chiến sĩ tăng cường cho vùng Quỳ Châu vẫn không kiểm soát được tình hình. Công an chặn chỗ này, phu đá lại lẻn chỗ kia. Đẩy đuổi khỏi đồi này, người dân lại trốn sang đồi khác. Đến cuối những năm 1990, cơn sốt đá đỏ ở Bình Châu mới tạm lắng xuống. Ông Duyên nói rằng không có một con số thống kê chính xác bao nhiêu người đã đổ về Châu Bình đào đá đỏ, cũng không có tài liệu nào ghi lại số người bỏ mạng khi kiếm tìm giấc mơ đổi đời ở vùng đất này. Người ta chỉ ví von rằng những ngọn đèn dầu thắp sáng hằng đêm trong các lán của phu đào đá đỏ tại Châu Bình còn nhiều hơn cả sao trên trời.

Theo TTO.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top