• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kỳ Sơn Chới với bên dòng sông “tử thần”

HMO

Administrator
Staff member
Dòng sông Nậm Mộ chảy từ Lào về qua bao ghềnh thác, đến thị trấn Mường Xén và xã Hữu Kiệm của huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn còn nguyên sự hung hãn. Đã có hàng trăm ngôi nhà của người dân bản nghèo khó bị cuốn theo dòng lũ. Dẫu vậy, do quỹ đất hiếm hoi, bản làng hình thành từ bạt núi lấp sông nên người dân vẫn phải cố bám víu cuộc mưu sinh bên bờ sông lở với bao lo âu, thấp thỏm, hiểm nguy.

Ngôi nhà của gia đình chị Vân được dựng lại sau trận lũ năm 2011 nằm chới với bên dòng Nậm Mộ. Ảnh: TRẦN TUẤN
“An cư” bên miệng tử thần
Những ngày đầu tháng tư này, lang thang ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tôi chợt nhận thấy thị trấn bé nhỏ Mường Xén và liền kề là xã Hữu Kiệm sao quá nhiều ngôi nhà mọc chênh vênh, chới với bên dòng sông Nậm Mộ vậy. Lang thang một vòng, gặp chị Vi Thị Vân (30 tuổi, trú bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, dân tộc Thái) ngồi xoài trước cửa gian nhà gỗ nhỏ xíu chênh vênh bên sông. Chị hồi tưởng lại trận lũ lịch sử năm 2011 đã “cướp” đi 3 gian nhà gỗ to đẹp của gia đình, giọng xót xa: “Bữa đó mưa suốt từ chiều đến đêm. Sáng ra, nước lũ dâng cao, chảy xiết xẻ dần từng khối đất sau nhà xuống sông. Mọi người chỉ kịp di chuyển đồ đạc đưa ra đường rồi bất lực nhìn dòng nước lật ngôi nhà xuống sông cuốn đi...”.

Sau trận lũ đó, do nền đất cũ đã bị xóa gần hết, trở thành sông nên bố mẹ chồng chị Vân đã bỏ xứ vào dựng nhà ở triền núi sinh sống. Không ở chung với bố mẹ chồng lâu được vì đông người sinh hoạt bất tiện, vài năm nay, vợ chồng chị Vân đã ra riêng, liều dựng lại ngôi nhà mới ngay trên nền đất cũ để ở. “Bố mẹ chồng khuyên can đừng làm nhà ở đây nữa, lũ về lại trôi mất nhà nữa đó. Biết rứa nhưng không ở đây thì biết ở mô” - chị Vân tâm sự. Thở dài, với vẻ thoáng buồn, chị tiếp tục nói: “Không biết lý do chi mà ở thị trấn Mường Xén nhà nước đã kè bờ sông còn ở đoạn qua nhà chị không được kè. Chừng mô chưa được kè chống sạt lở thì gia đình còn lo lắng, bất an lắm”.

Liền ngay nhà chị Vân, nhà anh Vi Văn Dần cũng chung cảnh ngộ. Cơn lũ năm 2011 đã cuốn đi gian nhà ngang của gia đình. “Bữa đó nước lũ lên nhanh, mọi người chỉ kịp dùng đà đẩy được ngôi nhà lớn ra sát đường nên còn giữ lại được. Còn ngôi nhà bếp nhỏ hơn thì bị lũ cuốn đi luôn” - anh Dần nhớ lại. Chỉ tay về dải đất hẹp ven sông không có dân sinh sống ngay bên cạnh nhà mình, anh Dần nói tiếp “Cơn lũ năm đó đã cuốn trôi nhiều nhà lắm. Mà không chỉ trôi nhà, trôi luôn nền đất không thể dựng lại nhà được nữa nên hộ ông Phon, anh Núi, anh Cợt, anh Vương... đều bỏ đi nơi khác sống rồi”.

So với những hộ phải bỏ xứ thì gia đình anh Dần còn may mắn hơn khi nền đất cũ vẫn còn đủ để dựng lại nhà tiếp tục sinh sống dẫu từ đó đến nay, gia đình anh luôn sống trong lo lắng, bất an mỗi mùa mưa lũ về. Nối liền bản Khe Tỳ, ngược theo dòng Nậm Mộ là thị trấn Mường Xén nhỏ bé chiều dài chưa đầy 3km bám theo bờ sông và quốc lộ 7 cũng từng bị trận lũ năm 2011 tàn phá, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà. Anh Kha Văn Tạo (42 tuổi, trú khối 5, thị trấn Mường Xén) xót xa kể, trận lũ năm đó đã cuốn trôi ngôi nhà gỗ 3 gian của gia đình mới dựng được vài năm đẹp mộng mơ mà gần nửa đời người vợ chồng tích góp dốc vào. “Không chỉ trôi nhà lớn mà nhà bếp, chuồng lợn, công trình phụ cũng bị trôi hết luôn. Sau trận lũ đó, nền đất cũ của gia đình bị cuốn gần hết. Nhưng không biết ở đâu nên gia đình tôi phải đổ trụ làm lại nhà mới tiếp tục sống ở đây” - anh Tạo kể.

Anh Tạo cũng nói rằng ở thị trấn Mường Xén mấy năm trước đã có dự án kè bờ sông chống sạt lở. Thế nhưng chỉ kè được đoạn từ khối 1 đến khối 4 rồi bỏ dở, còn đoạn qua nhà anh chưa được kè. “Chúng tôi muốn phía sau nhà mình cũng được kè để đảm bảo an toàn hơn, yên tâm hơn, chứ không mưa lũ về lo lắng lắm” - anh Tạo tha thiết.


Cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân bản Khe Tỳ bên dòng sông Nậm Mộ.

Bất công
Đi dọc bờ sông Nậm Mộ từ đầu thị trấn Mường Xén về đến trụ sở xã Hữu Kiệm, đúng là bờ sông qua thị trấn Mường Xén đã được kè gần hết. Trong khi đời sống của dân thị trấn tốt hơn, nhà cửa xây hiện đại, đổ trụ chắc chắn hơn. Còn khu vực xã Hữu Kiệm chủ yếu người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, nhà nhỏ hơn lại chưa được kè bờ sông nên người dân rất bất an, thậm chí thắc mắc cho rằng bất công.

Ông Lô Mạnh Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm thừa nhận việc người dân đã thắc mắc trong nhiều cuộc họp về việc ở thị trấn nhà nước kè bờ sông mà đoạn qua xã chưa được kè. “Xã từng có ý kiến với huyện nhưng đến nay mới thấy đơn vị thi công đổ được mấy ống chắn rồi bỏ dở” - ông Quân nói. Ông nói thêm, do đặc thù địa hình đồi núi, bạt núi lấp sông hình thành làng bản nên hiện ở xã không còn quỹ đất ở bố trí cho dân. Sau trận lũ năm 2011, nhiều hộ dân bị trôi nhà vẫn phải bám trụ làm lại nhà khác ngay trên nền cũ bên sông. Xã đã khuyến cáo một số hộ dân bản Khe Tỳ không nên sinh sống dọc sông vì đoạn đó nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm. Nhưng do không có quỹ đất nên họ vẫn phải bám trụ. Xã Hữu Kiệm có chiều dài khoảng 10km dọc theo sông Nậm Mộ. Toàn xã có 9 bản, với hơn 1.000 hộ dân, hơn 4.700 nhân khẩu.

Ông Phan Sỹ Thắng - Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn vẫn còn nhớ như in trận lũ lịch sử năm 2011, đọc một loạt: Xã Hữu Kiệm có 22 hộ dân bị trôi nhà hoàn toàn, 5 hộ trôi không hoàn toàn, 2 hộ sập nhà hoàn toàn, 13 hộ sập nhà không hoàn toàn, 11 hộ phải tháo dỡ nhà di dời, 43 hộ nhà bị ngập. Thị trấn Mường Xén có 11 hộ nhà bị trôi hoàn toàn, 21 hộ nhà trôi không hoàn toàn, 32 hộ nhà bị sập hoàn toàn, 41 hộ nhà sập không hoàn toàn, 133 hộ nhà bị ngập.

Sau đó, huyện đã trình tỉnh xin Trung ương cấp vốn triển khai dự án xây kè bờ sông, chống sạt lở. Đến năm 2013 dự án kè sông Nậm Mộ đoạn qua thị trấn Mường Xén được triển khai với nguồn vốn hơn 140 tỉ đồng. Thế nhưng từ đó đến nay mới cấp được 70 tỉ đồng nên dự án đang còn dang dở. Ở xã Hữu Kiệm cũng có dự án kè sông chống sạt lở nhưng cũng thiếu vốn nên còn dang dở. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh, trung ương cấp vốn nhưng do chủ trương thắt chặt đầu tư công nên nay vẫn chưa được tiếp tục cấp vốn để hoàn thành dự án. Không có nguồn thì đành chịu” - ông Thắng nói.

Ông Trần Văn Hòa - GĐ Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn cho hay, hiện có 3 gói dự án kè sông Nậm Mộ đoạn qua thị trấn Mường Xén và xã Hữu Kiệm. Gói lớn nhất tổng vốn 147 tỉ đồng, mới cấp được 70 tỉ đồng nên dự án đã dừng triển khai từ năm 2016 đến nay. Gói thứ hai kè chống sạt lở đoạn thuộc khối 4, thị trấn Mường Xén trị giá hơn 29 tỉ đồng, được triển khai thi công từ tháng 9.2011, kế hoạch hoàn thành sau 18 tháng. Do đến nay mới cấp được 8 tỉ đồng nên dự án đang còn dang dở. Gói thứ ba là kè chống sạt lở hữu sông Nậm Mộ đoạn qua bản Khe Tỳ xã Hữu Kiệm trị giá hơn 47 tỉ đồng, thi công tháng 6.2015, hoàn thành sau gần 2 năm. Thế nhưng, do đến nay mới cấp được 7,5 tỉ đồng nên nhà thầu đã ngừng thi công từ tháng 4.2016.

“Toàn bộ nguồn vốn cho 3 gói dự án kè chống sạt lở sông Nậm Mộ nói trên đều do Trung ương cấp từ nguồn khắc phục lũ lụt, phòng chống sạt lở. Giờ thực sự chúng tôi cũng chưa biết đến bao giờ mới được cấp đủ vốn để tiếp tục dự án. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân còn tiếp tục phải chờ, còn phải thắc thỏm, âu lo mỗi khi mưa lũ về” - ông Hòa chia sẻ.

Theo Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top