• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân: Chờ đến bao giờ dựng nhà tưởng niệm?

HMO

Administrator
Staff member
Điều khiến chúng tôi băn khoăn là một chí sỹ yêu nước nổi tiếng như thế mà tận bây giờ một góc linh thiêng để thờ tự vẫn chưa có...

Tròn 140 năm ngày sinh của chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân (1873 – 2013), chúng tôi đã có một cuộc hành trình về quê hương ông tại Nghi Phong, Nghi Lộc, rồi ngược lên Nam Thanh, Nam Đàn nơi đặt mộ phần của ông. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là một chí sỹ yêu nước nổi tiếng như thế mà tận bây giờ một góc linh thiêng để thờ tự vẫn chưa có...


Mảnh đất nơi cụ Đặng Thái Thân sinh ra và lớn lên nay chỉ là một bãi hoang hóa, cỏ, cây dại mọc um tùm.

Quên mình vì nghĩa lớn

Ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở VH,TT&DL Nghệ An: Cần sự vào cuộc kịp thời

“Việc chậm trễ là cả một câu chuyện dài mà trách nhiệm thuộc về cán bộ cũ nên tôi không muốn nhắc lại. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, dịp này Nghệ An sẽ tổ chức Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Đặng Thái Thân trong đó tập trung một số nội dung: Tổ chức hội thảo làm rõ thân thế, sự nghiệp, vai trò của chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân cùng người thân trong phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời đưa ra phương án xây dựng Khu tưởng niệm; Xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích và tổ chức Lễ kỷ niệm.

Tuy nhiên cái khó khăn lớn nhất hiện nay là phục dựng ngôi nhà vì nó vướng vào quy hoạch. Sở đang đề nghị UBND huyện Nghi Lộc khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan sớm xác định được diện tích đất của họ Đặng Thái vướng trong qui hoạch như thế nào. Thời gian từ nay đến tháng 6 không còn nhiều vì vậy cần sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở ban ngàn liên quan thì việc phục dựng lại ngôi nhà cũ trên đất hương hỏa mới được tiến hành.

Còn ở phần mộ của Đặng Thái Thân tôi cũng đã trao đổi với xã Nam Thanh, Nam Đàn mở rộng đường vào khu mộ để tiện cho việc hương khói và thăm viếng”.
Nhắc đến chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân, chị Nguyễn Thị Hạnh, Phó phòng Nghiên cứu tuyên truyền phát huy giá trị di tích, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Nghệ An không khỏi chạnh lòng: “Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng việc chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân chưa có được nơi thờ tự khiến chúng tôi cũng vô cùng xót xa”. Nỗi day dứt của chị Hạnh đưa chúng tôi về Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, nơi “chôn rau cắt rốn” của cụ Đặng để tìm hiểu sự tình.

Theo sử sách ghi chép lại, cụ Đặng Thái Thân (hiệu Ngư Hải), sinh năm 1873 tại quê làng Hải Côn (nay là xóm Phong Cảnh) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà Nho làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Cụ thi đỗ đầu xứ nên gọi là “đầu xứ Đặng”, là học trò và đồng chí của chí sỹ Phan Bội Châu.

Năm 1904, Đặng Thái Thân cùng với Phan Bội Châu và một số nhà yêu nước khác lập ra Hội Duy Tân, xướng xuất phong trào Đông Du. Cụ là cánh tay đắc lực của cụ Phan Bội Châu, lo công việc của Hội Duy Tân từ Huế trở ra.

Trong Hội Duy Tân, Đặng Thái Thân đóng vai trò trọng yếu. Khi cụ Phan Bội Châu đưa du học sinh sang Nhật, cụ là người trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Cụ vào Nam ra Bắc tuyên truyền nhân dân hưởng ứng công cuộc Duy Tân, vận động thanh niên du học; gặp gỡ vận động các sỹ phu, các nhà Nho yêu nước tham gia hoạt động và giúp đỡ phong trào; gây dựng ngân quỹ, tích trữ kho lương, mua sắm vũ khí, chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến giải phóng quê hương đất nước. Phong trào ngày càng lên cao và lan rộng ra khắp cả nước. Đông đảo các tầng lớp nhân dân và sỹ phu yêu nước nhiệt liệt hưởng ứng. Thực dân Pháp điên cuồng cấu kết với chính quyền bù nhìn tay sai tăng cường đàn áp, bắt bớ, tra tấn, sát hại nhằm dập tắt phong trào.

Năm Mậu Thân 1908, cụ rút vào núi tạm lánh. Một đêm, cụ về làng Phan Thôn, nay là xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thăm nhà thì có kẻ chỉ điểm nên đã bị giặc Pháp bao vây. Trước tình thế nguy biến, để bảo vệ tài liệu mật và kiên quyết không để giặc bắt, cụ trở súng tự sát sau khi bắn chết 2 tên tay sai. Lúc này, Đặng Thái Thân mới tròn 37 tuổi. Thực dân Pháp đã cho kéo lê thi thể cụ từ huyện Nghi Lộc về TP Vinh.

Cái chết oanh liệt của Đặng Thái Thân là một tổn thất to lớn cho tổ chức, cho phong trào, để lại lòng xót thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. Khâm phục ý chí kiên cường và đức hy sinh cao cả của Đặng Thái Thân nên nhân dân đã bí mật chôn cụ ở TP Vinh, sau này cụ Phan Bội Châu đã đưa hài cốt của cụ Đặng Thái Thân về chôn cất ở quê vợ tại cánh đồng Bầu Nón, làng Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn).

Nối tiếp gương cha với lời thề “nợ nước, thù nhà”, năm 1924 người con trai duy nhất của cụ là Đặng Thái Thuyến đã cùng một số thanh niên yêu nước xuất dương sang hoạt động tại Trại Cày (bản Thấm – Thái Lan). Năm 1926, ông gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đến năm 1929, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết BCH Tổng bộ Thanh niên đồng chí Hội, đặc trách công tác tại Xiêm, đồng thời tham dự “Hội nghị trù bị tổ chức cộng sản”.

Sau Hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập sang Hương Cảng để giao nhiệm vụ mới, nhưng vừa sang đến Thái Lan thì bị nhà cầm quyền bắt và giao cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1931, ông bị kết án tù chung thân, bị đày giam ở ngục Kon Tum. Tại đây ông đã cùng 300 tù chính trị kịch liệt phản đối chế độ giam cầm, lao dịch hà khắc của nhà tù và bị thực dân Pháp bắn chết vào ngày 31/12/1931.

Vợ của cụ Đặng Thái Thân là cụ Trần Thị Út, sau khi chồng hy sinh ở vậy thờ chồng, nuôi con nên người để tiếp nối chí hướng chồng. Khi cả chồng và người con trai độc nhất hy sinh, cụ vẫn ở vậy một mình. Ngày 24/10/2003, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho cụ Trần Thị Út.

Trong đại gia đình cụ Đặng Thái Thân ở Mỹ Chiêm (nay là xã Nghi Phong, Nghi Lộc) còn có cụ Đặng Tử Kính (chú ruột); Đặng Minh Chương (em ruột) đều tham gia tích cực và đã hy sinh trong phong trào Đông Du. Liệt sỹ Đặng Hợp, Đặng Phương, Đặng Côn (là cháu) tham gia trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị địch bắt và xử bắn trong cùng một ngày.

Phần mộ vợ chồng cụ Đặng Thái Thân trơ trọi giữa cánh đồng.
Bao giờ mới có nhà tưởng niệm?

Trải qua nhiều biến cố, mảnh đất nơi cụ Đặng Thái Thân sinh ra và lớn lên nay chỉ là một bãi hoang hóa, cỏ, cây dại mọc um tùm. Điều duy nhất để người khác nhận ra đây là phần đất của gia đình chí sỹ nổi tiếng này có chăng chỉ là những phần mộ 7 đời của gia tộc họ Đặng được con cháu đời sau quy tập về đây cho tiện bề hương khói.

Ông Đặng Thái Khiêm, cháu họ của cụ Đặng Thái Thân vẫn nhớ như in: Năm 1960, cụ thân sinh của ông là cụ Đặng Thái Bá lặn lội đường xa ra Hà Nội để gửi đơn cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xin được xây dựng nhà tưởng niệm Đặng Thái Thân cho xứng với công trạng của cụ lúc sinh thời. Nhưng thời đó do chiến tranh nên mọi việc cũng bẵng đi.

Mãi đến năm 2010, con cháu trong gia tộc lại một lần nữa làm đơn gửi Bộ VH,TT&DL, Tỉnh ủy Nghệ An và các cấp có thẩm quyền đề nghị xây dựng di tích lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Sau đó, Bộ VH,TT&DL đã có công văn số 3432/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Trần Chiến Thắng ký gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An về việc xây dựng khu lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo Sở VH,TT&DL phối hợp với các cơ quan nghiên cứu lịch sử của Trung ương và địa phương cùng gia tộc họ Đặng thực hiện một số công việc: Tổ chức hội thảo khoa học tại địa phương để đánh giá thân thế, sự nghiệp của nhân vật, các di tích, di vật liên quan đến nhân vật, qua đó đề xuất các phương án lưu niệm, tưởng niệm. Trên cơ sở kết luận khoa học, nghiên cứu, xếp hạng di tích đối với mộ cụ Đặng Thái Thân phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đề xuất phương án xây dựng, tôn tạo khu di tích trở thành khu lưu niệm. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, chủ trương này sau gần 2 năm vẫn nằm trên giấy. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương tổ chức kỷ niệm 140 năm ngày sinh Đặng Thái Thân thì câu chuyện về nhà tưởng niệm mới được đưa ra bàn thảo.

Ông Đặng Thuyết, đại diện cho dòng họ Đặng Thái cho biết: “Sau khi tìm kiếm để chuộc lại ngôi nhà xưa của gia đình cụ, dòng họ chúng tôi có tâm nguyện xây dựng một nhà thờ nhỏ trên mảnh đất xưa nên mới báo cáo lên UBND xã. Không ngờ, một phần diện tích đất hương hỏa của gia đình cụ Đặng Thái Thân lại nằm trong quy hoạch mở rộng đường quốc lộ nối Nghi Lộc xuống thị xã Cửa Lò trong đề án quy hoạch tầm nhìn Nghệ An đến năm 2030”.

Ông Nguyễn Hồng Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Hiện xã đang cùng với gia đình hoàn thiện hồ sơ và đo đạc lại diện tích đất. Tuy nhiên, khó khăn nhất là đất nằm trong quy hoạch đường cao tốc nên vượt quá thẩm quyền xã giải quyết.

Rời mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của nhà chí sỹ, chúng tôi ngược lên Nam Thanh, Nam Đàn nơi đặt mộ phần của cụ và càng trăn trở xót xa khi chứng kiến phần mộ của vợ chồng cụ Đặng Thái Thân nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh...
ĐA nguồn ST.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top