• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Cần thêm nguồn lực để trẻ em Việt Nam được chăm sóc tốt hơn

HMO

Administrator
Staff member
Ở vùng xa xôi hẻo lánh nào đó trên đất nước, các bạn nhỏ cần lắm những hộp sữa học đường trong bữa ăn để có thêm sức khỏe tới trường.

Đó là một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp đặt chân đến Quỳ Hợp, một huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, nơi mà chương trình Sữa Học đường – Vì Tầm vóc Việt đã phát huy hết vai trò, là cứu cánh về dinh dưỡng cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thêm chất cho những bữa cơm nghèo
Trời Quỳ Hợp mưa rả rích, không khí xung quanh ẩm ướt và đượm mùi của rừng núi. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Trường mầm non xã Châu Cường, điểm trường xóm Hạ Đông.

Ngôi trường bên ngoài được xây dựng khá khang trang với khuôn viên rộng rãi và nhiều trò chơi vận động cho các bé. Điều đặc biệt, những đồ chơi này đều được giáo viên trong trường đặt làm tại các xưởng cơ khí trong thị trấn.

Ấn tượng với chúng tôi là khoảng sân tầm 30 m2 đất được phủ kín bởi rau xanh do chính các cô và các bé trồng. Đó là một phần tăng gia, giúp giảm bớt chi phí mua thực phẩm vốn đã hạn hẹp tại ngôi trường miền núi này.

3h15 chiều là lúc các em uống sữa học đường, vẻ mặt của em nào cũng rạng rỡ.

Lẫn trong những đứa trẻ cùng trang lứa đang háo hức với hộp sữa trên tay và cũng đầy tò mò khi thấy có người lạ đến thăm, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cậu bé nước da ngăm đen, chiếc áo ba lỗ cáu bẩn và chiếc quần đùi sờn màu. Ánh mắt em lấp lánh và nụ cười khiến người khác có cảm giác gần gũi, xua đi cái ảm đạm của của một ngày mưa gió.

Em tên Sầm Đình Chiêu, 4 tuổi, một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau khi nói chuyện với cô giáo phụ trách, đoàn chúng tôi được đưa Chiêu về nhà sớm hơn thường lệ, để có thời gian nói chuyện và tìm hiểu về gia đình em.


Bé Sầm Đình Chiêu tới lớp với bạn bè nhờ được hỗ trợ trong các chương trình dinh dưỡng.
Căn nhà của gia đình Chiêu bé xíu nằm lọt thỏm trong một miếng đất khá rộng, với nhiều cây cối bao quanh, có cả những cây hoang dại. Quanh nhà có thêm vài luống rau thưa. Căn bếp nhỏ được dựng lên tạm bợ bằng vải bạt xanh, với ngổn ngang củi khô, chai lọ linh tinh và 1 cái rá nhỏ với khoảng chục miếng măng tươi còn trắng. Bên cạnh đó là chiếc nồi… với dăm ba miếng thịt bé bằng 2 ngón tay.

Chị Linh - mẹ Chiêu phân bua nhà có khách nên mới mua chút thịt cho con ăn, bình thường chỉ có rau.

Bất giác tất cả chúng tôi đều nhìn nhau, một cảm giác nghèn nghẹn ứ lên tận cổ và làm cay đôi mắt. Đây là bữa ăn hàng ngày của gia đình em. So với những no đủ chốn thành thị, chúng tôi không biết có nên gọi đó là bữa ăn hay không.

Nhiều người trong đoàn chúng tôi tự hỏi, liệu với ngần ấy thức ăn cho bao con người có đủ để một đứa trẻ đang ở độ tuổi cần đủ chất dinh dưỡng như Chiêu phát triển? Câu trả lời ai cũng đã rõ. Nhưng nhìn em xem, cậu bé vẫn chắc chắn, khỏe mạnh so với tuổi lên 4.

Trao đổi với nhà trường, chúng tôi được biết em cao lên được 3cm và nặng thêm 4kg từ lúc được nhà trường vận động đi học, đến giờ là 6 tháng. Nhớ lại hộp sữa lúc chiều em cầm trên tay uống đầy ngon lành, chúng tôi nghĩ một phần lý do có lẽ là từ đó.



Niềm vui thơ trẻ của các bé trường mầm non Châu Cường khi được uống sữa tại trường.
Trao đổi thêm với cô Sầm Thị Lý – Giáo viên phụ trách em Chiêu, chúng tôi được biết, từ khi chương trình Sữa học đường – Vì tầm vóc Việt được thực hiện tại trường, cô và các cô giáo khác cũng vất vả hơn nhưng vui hơn khi thấy các cháu có thêm sữa để uống.

Trước khi vào năm học mới (tháng 9/2016), trường có 8 em ở dạng suy dinh dưỡng, nay chỉ còn 1 em. Bố mẹ các em khi biết về chương trình lúc đầu cũng phản đối vì cho rằng gia đình đã khó khăn giờ lại phải gồng gánh thêm tiền sữa cho con, mà chưa biết kết quả thế nào. Nhưng đến giờ thì đa phần đều ủng hộ vì thấy được hiệu quả thực tế của chương trình.

“Chương trình luôn hỗ trợ giá sữa cho các cháu cơ mà, như Chiêu là miễn phí 100% đấy. Chỉ mong chương trình này được duy trì mãi”, cô Lý tâm sự.

Cần lắm những nguồn lực hỗ trợ
Ông Đặng Thái Hường – Chuyên viên Phòng GD ĐT huyện Quỳ Hợp, phụ trách mảng sữa học đường cho biết: "Huyện Quỳ Hợp có 20 xã, 1 thị trấn thì có tới 14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng 135). Toàn huyện có 23 trường mầm non và 26 trường tiểu học.

Năm học 2016 – 2017, khi triển khai Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt, toàn huyện đã có 14.942 trên tổng số 17.916 học sinh khối tiểu học, mầm non được uống sữa học đường, chiếm tỷ lệ 83.4%. Trong đó, khối mầm non đạt 88,5% trẻ được uống, khối tiểu học đạt 79,5% trẻ được uống. Số lượng trẻ trong diện hộ nghèo được uống sữa miễn phí là 4.533 em (chiếm 25%)".

Thực tế cho thấy Chương trình được ủng hộ mạnh mẽ ở các vùng khó khăn, đơn giản là vì tỷ lệ học sinh nghèo được hỗ trợ rất lớn, như ở Quỳ Hợp thì có tới 25% học sinh được uống sữa miễn phí.

“Nhưng Chương trình cần được mở rộng hơn và đến với mọi học sinh, không chỉ học sinh nghèo và cận nghèo để đảm bảo mọi học sinh đều được thụ hưởng nguồn dinh dưỡng học đường này” - ông Hường nói.


Bữa uống sữa lúc 3h15-3h30 chiều hàng ngày, các bé được học các bài học về dinh dưỡng, bỏ rác đúng chỗ.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình Sữa học đường, ông Hường cho biết, Sữa học đường Vì Tầm vóc Việt là một chương trình hết sức nhân văn.

“Nhờ có chương trình này, trẻ em nghèo ở những vùng sâu, vùng xa như Quỳ Hợp mới có điều kiện uống sữa hàng ngày. Một hộp sữa đối với học sinh ở thành phố, miền xuôi không là gì, nhưng đối với những gia đình nghèo ở đây nó có giá trị rất lớn.

Giá trị không nằm ở tiền mà việc duy trì uống sữa đều đặn hàng ngày giúp con họ có điều kiện phát triển về thể lực trí lực – điều mà những ông bố, bà mẹ nghèo cố gắng nhưng vẫn chưa có đủ điều kiện đáp ứng cho con”, ông Hường cho biết.

Thực tế tại Quỳ Hợp, tỷ lệ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi ở các lớp nhà trẻ, mẫu giáo đầu năm học thường ở mức từ 11 – 13% tuy nhiên, sau 1 năm học được ăn bán trú và uống sữa tại trường tỷ lệ này đã giảm xuống còn từ 2,5 – 4,9%. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ này giảm từ 8,6% xuống còn 4,9%.


Ở vùng xa xôi hẻo lánh nào đó trên đất nước này, các bạn nhỏ nơi ấy lại cần lắm những hộp sữa học đường trong bữa ăn để có thêm sức khỏe tới trường.
Đồng hành cùng UBND tỉnh Nghệ An triển khai chương trình Sữa học đường là Tập đoàn TH. Bà Thái Hương - Chủ tịch tập đoàn từng chia sẻ: “Các nghiên cứu khoa học của quốc tế và trong nước đã chỉ ra rằng trẻ em từ 0 tuổi tới 12 tuổi là giai đoạn phát triển tới 86% thể lực và trí lực của mỗi con người. Thế nhưng, vì nhiều lý do khiến hầu hết các bà mẹ chưa thể chăm sóc dinh dưỡng cho con mình một cách chu đáo, trong đó có việc uống sữa. Nhất là đối với trẻ em từ 2 tuổi, sau khi rời dòng sữa mẹ”.

"Chúng tôi tin rằng, các bà mẹ sẽ hiểu rõ lợi ích của việc cho con uống sữa để không bỏ lỡ cơ hội phát triển của con cái mình ngay trong giai đoạn lứa tuổi vàng này. Mỗi ngày chậm trễ triển khai Sữa học đường là một ngày cơ hội lớn của trẻ đang trôi qua” - bà Thái Hương nói.

Thương những bé thơ nghèo, Tập đoàn TH - thông qua Quỹ Vì Tầm vóc Việt đã triển khai mô hình “bà mẹ xã hội” hỗ trợ các mẹ nghèo cho con uống sữa để phát triển tầm vóc, thể lực. Ở huyện miền núi xa xôi này, Tập đoàn TH đã thực hiện cam kết của mình mạnh mẽ nhất.

Chào tạm biệt Chiêu và gia đình, tạm biệt Trường Mầm non Châu Cường và các thầy cô giáo, chúng tôi lại tiếp tục với hành trình của mình, đến thăm các gia đình khác. Ước mơ nhỏ bé của cô giáo vùng sơn cước cứ vẳng lại bên tai những người trong đoàn chúng tôi: “Chỉ mong chương trình Sữa học đường được duy trì mãi, duy trì mãi"…

Ở vùng xa xôi hẻo lánh nào đó trên đất nước, các bạn nhỏ nơi ấy lại cần lắm những hộp sữa học đường trong bữa ăn để có thêm sức khỏe tới trường.

Có nhiều sự lựa chọn trong đời, song sự lựa chọn cho chính mình nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng thì đáng lắm, cần lắm.

Chúng tôi trở về khi lòng còn nhiều trăn trở, ngổn ngang…

Theo Huy Quân (Khám Phá)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top