• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Bỏ biên chế giáo viên, chưa xem xét thí điểm với giáo viên vùng khó

HMO

Administrator
Staff member
Để “xoa dịu” những bức xúc của dư luận xung quanh dự kiến thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên, Bộ trường Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết, Bộ chưa xem xét áp dụng thí điểm triển khai ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Theo đó, ông Nhạ cho biết, vì chất lượng đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nên việc xóa bỏ biên chế để tạo tính cạnh tranh, khiến giáo viên không thụ động là rất cần thiết.

“Xóa bỏ quan niệm về “biên chế” với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải là việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh” – ông Nhạ nói.


Bộ GD-ĐT chưa xem xét thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên vùng khó khăn (Ảnh minh họa: IT)
Ông Nhạ cũng khẳng định việc xóa bỏ biên chế mới chỉ là đề xuất còn Chính phủ đồng ý thì mới thực hiện được. Hơn nữa, việc thực hiện là trách nhiệm của Bộ Nội vụ chứ không phải Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT chỉ đề xuất và phối hợp thực hiện với các chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế xáo trộn.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm, trước mắt, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và trường THPT có đủ điều kiện.

“Bộ chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” - ông Nhạ khẳng định.

Trước đó, phát ngôn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc tiến tới xóa bỏ biên chế giáo viên để tăng tính cạnh tranh, triệt tiêu tiêu cực chạy biên chế đã khiến cho dư luận “dậy sóng”. Đa số giáo viên đều cho rằng, xóa bỏ biên chế không thể thay đổi được những tiêu cực trong giáo dục.

Chia sẻ với báo Dân Việt, thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, nhiều người đã rất mất công để có suất biên chế: Bước đầu tiên giáo viên sẽ phải “chạy... thử việc”, bước tiếp theo là “chạy hợp đồng”, sau một thời gian công tác lại thêm công đoạn cuối cùng là “chạy biên chế”.

“Xóa bỏ biên chế không thể xóa tiêu cực “chạy chỗ dạy” trong ngành giáo dục mà có thể chỉ chuyển từ vấn nạn chạy biên chế sang... chạy hợp đồng. Chạy biên chế xong thì thôi, nhưng chạy hợp đồng có thể phải mất nhiều công sức hơn và khả năng mỗi năm hết hợp đồng lại phải... chạy. Chính vì vậy, muốn xóa tiêu cực phải siết chặt quy trình tuyển dụng, luân chuyển giáo viên chứ không phải cái gì không kiểm soát được thì xóa” - thầy Hiếu nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu muốn xóa bỏ biên chế cần làm đồng bộ từ trên xuống, mà đầu tiên là thực hiện từ cơ quan của Bộ GD-ĐT để đảm bảo công bằng chứ không chỉ “đổ đầu” mỗi giáo viên được.

Theo Tùng Anh (Dân Việt)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top