• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kỳ Sơn Xóa đói nghèo cho đồng bào vùng sâu

HMO

Administrator
Staff member
"Nắng đến đầu, mưa đến gối" là câu nói quen thuộc của người dân huyện miền núi Kỳ Sơn, nghĩa là khi nắng thì rát đỉnh đầu, gió tây nóng hầm hập, còn khi mưa xuống, bùn ngập đến đầu gối, không thể đi lại được. Lên thăm điểm trường dân tộc bán trú do Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) hỗ trợ đầu tư, chúng tôi càng thấu hiểu Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Vùng đất nghèo đã từng bước "thay da đổi thịt" với sự cam kết của doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Lễ khánh thành nhà nội trú Trường phổ thông dân tộc - THCS Nậm Típ.
Ðất nghèo khắc nghiệt
Từ trung tâm huyện Kỳ Sơn vào đến điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ khoảng 32 km, xe ô-tô của chúng tôi phải rất vất vả mới bò qua được những đoạn cua tay áo dốc ngược, bụi mù, mất hơn hai giờ đồng hồ mới vào tới nơi. Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Mùa Nỏ Xử chia sẻ, đường giao thông ở đây chỉ có thể đi lại vào mùa khô, may thời tiết mấy hôm nay đẹp, chứ mưa xuống là không thể đi được. Chính vì vậy, riêng việc xây dựng nhà nội trú cho điểm Trường Nậm Típ phải mất tới bốn tháng do không thể vận chuyển được nguyên vật liệu khi mùa mưa, mặt bằng chật hẹp, việc xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Thực tế, chỉ riêng công trình này đã phải thay đến vài tốp thợ. Bù lại, thành quả hôm nay với căn nhà hai tầng khang trang, gồm 14 phòng, 84 giường thép, nhà nội trú đã góp phần tạo cảnh quan đẹp cho xã Nậm Típ, đáp ứng nguyện vọng của người dân, giúp đồng bào yên tâm sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hút học sinh đến trường, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện.

Chúng tôi gặp em Lầu Bá Minh tại điểm Trường Nậm Típ. Mặc dù đang học lớp 9, nhưng dáng người của Minh đen sạm, nhỏ thó như học sinh tiểu học. Khi chúng tôi hỏi, em nở nụ cười tươi rói, hồn nhiên: Trước đây, bọn cháu phải ở trong các khu nhà tranh tre tạm bợ trên sườn đồi hoặc ở gần bờ suối, hầu như không có điện, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Nay được ở trong khu nhà nội trú mới rất đẹp, khoảng 16 - 20 người/phòng, chúng cháu cảm thấy rất sung sướng, học hành, sinh hoạt đều rất thuận tiện. Trước đây, để đến trường, hằng ngày Minh cùng các bạn phải đi bộ khoảng 10 km đường núi, thậm chí có bạn còn phải đi bộ gần 20 km mới đến được trường học.

Khó khăn lớn nhất và cũng là điển hình nhất tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các xã nghèo 30A là giao thông đi lại rất khó khăn. Thầy giáo Bùi Cương, giáo viên Trường Nậm Típ cho biết, trước đây các thầy giáo, cô giáo cũng phải đi bộ khoảng 20 km mới vào đến điểm trường. Hôm nào trời mưa to coi như "tắc". Kỳ Sơn là vùng đệm, giáp biên giới và được coi là vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất nước ta. Những lúc thời tiết khắc nghiệt, đi lại khó khăn, các thầy giáo, cô giáo hầu như chỉ còn cách trông cậy vào người dân chung quanh để cầm cự. Một khó khăn nữa của các thầy cô ở Nậm Típ là phải tìm cách giữ chân học sinh. Có bản cách xa điểm trường hàng chục km, người dân làm còn không đủ ăn, cho nên việc tạo điều kiện cho con đi học không phải dễ dàng. Vận động phụ huynh cho con đi học đã khó, để giữ chân được các em còn khó hơn. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cho nên đến nay, Trường Nậm Típ vẫn duy trì được hơn 300 học sinh theo học thường xuyên. Tuy nhiên, các thầy giáo, cô giáo vẫn phải thường xuyên vận động, giúp đỡ học sinh, nhất là một số em nhà ở xa điểm trường.

Ðồng hành xóa nghèo
Phó Tổng Giám đốc Vicem Ðinh Quang Dũng cho biết, mặc dù vài năm gần đây, Vicem còn gặp nhiều khó khăn do tác động khủng hoảng kinh tế, song cán bộ, nhân viên đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra ở tất cả các chỉ tiêu. Năm 2014, tổng sản phẩm tiêu thụ (clanh-ke và xi-măng) của Vicem ước đạt khoảng 21,85 triệu tấn, vượt 5,8% kế hoạch năm, tăng 2,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 3,35 triệu tấn với kim ngạch 144,4 triệu USD; tổng doanh thu ước đạt 31.591 tỷ đồng, tăng 4,38%; lợi nhuận trước thuế khoảng 775 tỷ đồng, tăng 33,23%; nộp ngân sách 1.082 tỷ đồng, tăng 9,86% so kế hoạch năm. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ luôn được coi là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội hàng đầu của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, tổng công ty và các đơn vị thành viên bằng các nguồn vốn của mình và huy động sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị tham gia ủng hộ, hỗ trợ nhiều chương trình, như nhận phụng dưỡng 128 Mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ đóng tàu tuần tra cao tốc, xây dựng nhà chỉ huy cho bộ đội đảo Trường Sa, chương trình biên giới - biển đảo quê hương,... Từ năm 2009 đến nay, Vicem đã hỗ trợ cho sáu huyện nghèo theo Chương trình 30A gần 117 tỷ đồng, riêng trong năm 2014, hỗ trợ 12 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà tranh tre, dột nát cho gần 4.100 hộ nghèo với số tiền gần 36 tỷ đồng; xây dựng các công trình y tế, giáo dục, an sinh xã hội hơn 69 tỷ đồng. Năm 2015, tổng công ty cam kết sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực, hỗ trợ các huyện nghèo theo đúng tinh thần của Nghị quyết 30A. Tại huyện Kỳ Sơn, tổng công ty đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá cho 205 hộ, xây dựng Trường mầm non bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý và nhà nội trú Trường Nậm Típ. Ðây đều là những công trình cấp thiết, giúp người dân an cư, các thầy giáo, cô giáo và học sinh có môi trường dạy và học tập tốt hơn, yên tâm học hành.

Trên chuyến xe vào Trường Nậm Típ, cô giáo Thoan, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Mỹ Lý, một trong những ngôi trường được Vicem hỗ trợ khoảng bảy tỷ đồng kinh phí xây dựng, tự hào cho biết, Trường mầm non Mỹ Lý có thể được coi là trường mầm non thuộc loại đẹp nhất huyện, cơ sở vật chất tốt. Hiện nay, trường có hơn 170 cháu, hầu hết là con em của các đồng bào dân tộc thiểu số sống chung quanh. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng cái được lớn nhất là thu hút được con em các dân tộc, từng bước thay đổi thói quen tập quán của đồng bào. Cô Thoan nhoẻn miệng cười: Trước đây, các cháu phải theo cha mẹ, ông bà lên nương làm rẫy, nhưng nay đã được gửi nuôi dạy tại trường, có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Ở trường, các cô giáo phải uốn nắn từ nếp ăn, ở đến sinh hoạt cho trẻ, nhiều lúc rất vất vả, nhưng mỗi lúc nghe tiếng bi bô học tiếng Kinh xen lẫn tiếng dân tộc, các cô giáo coi đó là niềm vui, nguồn động viên, để cố gắng nuôi dạy các cháu tốt hơn.
Theo Báo Nhân Dân
 

Ads HMO

Ads HMO

Top