• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xã Hội: Số phận cuộc đời mong manh

HMO

Administrator
Staff member

Đã sáu lần chị Lê Tính (Đô Lương) mang thai, nhưng ước mơ thiêng liêng nhất của đời người phụ nữ vẫn mãi chưa thành hiện thực. Giữa bốn bề tủi nhục và đau đớn, giờ đây, điều cuối cùng chị có thể mong mỏi chỉ là một công việc, để tự nuôi sống bản thân. Tổ ấm hay ngục tù? Chúng tôi tìm về căn nhà nằm bên triền núi của chị Tính vào một chiều mưa, sau khi biết tin chị mới trở về từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), sau hơn hai tháng trời điều trị.
Bà con trong làng đến thăm hỏi, động viên nhộn nhịp, đến cuối giờ chiều chị mới có thời gian tâm sự về thân phận mình. Xòe tay che nửa khuôn mặt bị biến dạng, đờ đẫn, vẫn còn phải dùng tấm băng che vết mổ, chị mở lời: "Chị lại về ăn bám gia đình rồi đây. Chẳng biết bố mẹ cho ở bao lâu...". Mẹ chị lườm yêu, đôi mắt bà hằn lên những nỗi niềm.

slide.jpg
Mấy hôm về nhà, đêm nào chị cũng cầm tấm ảnh ngày còn là một cô gái đang tuổi xuân thì đứng bên mẹ, lầm rầm nói: "Con là đứa con ngoan, đời con sẽ khác, mẹ à!"...
Là chị cả của ba đứa em trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ Tính đã sớm phải làm lụng vất vả. Học xong lớp tám, vì gia cảnh khó khăn nên chị bỏ học giữa chừng để cùng bố mẹ làm lụng, "cho các em được đi học". Năm 2000, thấy nhiều thanh niên trong làng vào miền nam làm công nhân, mưu sinh, chị cũng nhập cuộc.

Năm năm trời tha phương đất khách là những tháng ngày đầy lo toan, thiếu thốn, nhưng chị vẫn gắng sức chắt chiu, dành tiền gửi về đỡ đần bố mẹ. Tại đó, chị gặp một chàng trai. Đúng ngày nhận lời yêu thì "người thứ ba" xuất hiện. Hóa ra đó là vợ của chàng trai kia. Đời công nhân trôi đi chóng vánh. Vừa mong có chỗ dựa tinh thần, vừa muốn kiếm một tấm chồng để yên bề làm ăn, ai ngờ lần thứ hai, chị cũng bị một gã "Sở Khanh" lừa tình, lừa tiền rồi... mất hút! Năm 2005, trong một lần về quê, chị tình cờ quen được một chàng trai ở xã bên. Họ nên vợ, nên chồng sau mấy tháng trời tìm hiểu.

Những tưởng cuộc hôn nhân chóng vánh ấy sẽ mang đến cho chị một tổ ấm, nào ngờ... Chị chia sẻ: "Chị đâu biết người đàn ông mình chọn để gửi gắm cuộc đời lại là một người chồng gia trưởng, tính tình chẳng ra gì. Đau xót hơn, cả sáu lần chị mang thai thì cả sáu lần bị sẩy. Sáu lần sẩy là sáu lần phải đi hút ra, đau như đứt từng khúc ruột. Các em biết không, chị cũng là phụ nữ, chị thèm con lắm! Vì thế, chị sốt sắng để có, rồi thấp thỏm đợi chờ, vừa chờ vừa hy vọng, nhưng chẳng được đứa nào. Mỗi lần bác sĩ nói "lại hỏng" là mỗi lần chị muốn chết đi. Nghe lời khuyên của mọi người, chị đã đi xét nghiệm và phát hiện mình bị bệnh tiểu đường...".

Cũng từ đó, chị bị chồng và gia đình chồng ghẻ lạnh, hắt hủi, coi chẳng khác nào người ở.

Dù vậy, chị vẫn cắn răng chịu đựng để giữ cái gọi là "mái ấm" của mình, vì chị nghĩ dẫu sao mình cũng là gái đã có chồng, bây giờ bệnh tật thì càng phải gắng gượng nhiều hơn. Nhưng, đời không đơn giản thế! Bảy năm trời làm dâu, làm vợ, chưa bao giờ chị được cầm đồng tiền của chồng. Con bò, con lợn chị nuôi, lúc chị nằm viện thì chồng và em chồng cũng tự đem bán đút túi riêng, mà chẳng mảy may đoái hoài đến người vợ bệnh tật. Chỉ những lúc khỏe mạnh, chị mới có thể tự làm ruộng, trồng dưa leo kiếm chút tiền chi tiêu. Chưa dừng lại ở đó, không ít lần chị bị người chồng vũ phu hành hạ, đánh đập dã man vì không làm tròn bổn phận của người vợ, khi không thể giữ và sinh con ra. Nói đến đây, chị lại xòe tay che mặt, khóc nấc: "Đó là bệnh, chứ đâu chị muốn thế! Nhưng họ không hiểu, đổ hết lỗi lên đầu chị".

Sau nhiều lần làm hòa, chị bàn với chồng xin con nuôi. Chồng đồng ý, một hôm chị phấp phỏng đi nhận một bé gái do người trong vùng giới thiệu. Chị vui mừng mang bé về, được vài tiếng sau mẹ nó lại đến... đòi. Chị lại bị chồng đánh. Quá đau đớn, tủi nhục và xót xa cho bản thân mình, chị bỏ về nhà mẹ đẻ. Mệt mỏi về thể xác do bệnh tiểu đường hành hạ đã đành, nhưng nỗi đau và "vết thương lòng" của chị còn nhức nhối gấp bội.

Quyết tâm thoát khỏi cảnh đó, chị đấu tranh. Nhất quyết thoát khỏi người chồng cùng những ánh mắt ghẻ lạnh của gia đình chồng, chị ngồi nắn nót viết đơn ly dị, nhưng bị anh ta xé nát. "Lúc đó, chị không bình tĩnh nổi, nên chỉ thẳng vào mặt anh ta: Không cần ly dị, tui sẽ đi. Chị đi thật các em ạ, làm sao sống mãi ở nơi như ngục tù" - chị Tính nhớ lại.

Còn hai bàn tay

Tính lặng lẽ quay trở lại Bình Dương tiếp tục cuộc đời công nhân, sống với quá khứ lo lắng, với nỗi đau đớn tột cùng. Nhưng may mắn vẫn chưa đến với người phụ nữ vốn đã chịu nhiều bất hạnh ấy. Vào nam được chừng bốn tháng thì tai họa lại ập xuống. Chị bị viêm xoang, khi phát hiện thì chỉ bốn ngày sau, bệnh biến chứng khiến khuôn mặt chị biến dạng. Lúc vào viện thì bác sĩ kết luận đây là bệnh lần đầu tiên thấy, phải phẫu thuật vùng má trái và bỏ mắt trái, nếu không bệnh lan sang mắt phải và não thì khó lòng cứu chữa.

Tin khác nào sét đánh ngang tai. Khi ấy, người em trai thứ ba đang chờ việc làm cũng đành phải vào chăm sóc chị. Để dồn tiền cho chị, cậu em trai út đang học năm cuối một trường trung cấp nghề cũng nghỉ học. Ở nhà bố mẹ già yếu phải lo "cắm" sổ đỏ, vay mượn ngân hàng cho con gái phẫu thuật.

Biết tin chị bị bệnh phải nằm viện thời gian dài, công ty nơi chị làm việc đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. May sao, ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có một số người thương hoàn cảnh đã hằng ngày mang cơm cho hai chị em. Nhờ đó, họ cuối cùng cũng vượt qua hơn hai tháng trời ở viện. Ca phẫu thuật cũng thành công, nhưng khuôn mặt Tính bắt buộc phải biến dạng, hỏng một mắt. Ngày ra viện, chị cùng em trai quay về chỗ trọ nhưng bị đuổi đi vì... sợ lây bệnh. Không còn cách nào khác, chị lại về quê.

Ngồi bên cánh cửa nhìn xa xăm, Tính nức nở: "Chị bây giờ chỉ như thân cây bị sâu đục, khô héo từng ngày rồi". Tôi hỏi: "Thời gian tới chị định làm gì?". Như chợt tỉnh, chị bảo: "Ờ, chắc vẫn phải sống, sống chứ các em! Chị sẽ đan đồ thủ công, mai bố chị sẽ đi mua tre, nứa. Chắc chị sẽ làm được thôi, còn tay mà.

Chị còn hai bàn tay. Chắc ông trời sẽ thương...".

Bà Đông, mẹ chị Tính nói: Con gái bà tuy bất hạnh, nhưng vẫn tin rồi trời sẽ thương, ban cho cuộc sống an lành. Tôi cũng chỉ biết cầu xin cho nó sớm vượt qua đận khó khăn này!

Nguồn Nhân Dân.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top