• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xã Hội: Người bản Hốc giữ rừng

HMO

Administrator
Staff member
Người đẻ mà đất rừng ngày một thu hẹp, để giữ rừng không biết tự bao giờ, hai dòng họ người Thái bản Hốc thuộc Diên Lãm - xã vùng sâu, vùng xa huyện Quỳ Châu - đã có một một hương ước bất thành văn, với những quy định để bảo vệ rừng và được mọi người trong bản truyền giữ nhiều đời nay. Hương ước truyền đời. Từ Tân Lạc - thị trấn huyện Quỳ Châu - theo hướng nam đi gần 40km xuyên sâu qua những cánh rừng đại ngàn, chúng tôi đến với 54 nóc hộ với hơn 240 khẩu người Thái bản Hốc, xã vùng sâu Diên Lãm. Con đường dù quanh co, khúc khuỷu, nhưng đối với người dân các xã vùng sâu, vùng xa Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm là một sự đổi thay kỳ diệu, bởi hơn 5 năm trước, cách duy nhất để ra huyện mua các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt là lội bộ gùi cõng.
slide.jpg
Các phụ huynh bản Pu Hốc đưa trẻ đến trường

Gần đây, con đường về các vùng bản xa này đã được đầu tư mở rộng, trải thảm nhựa, ôtô, xe máy vượt Pù Sen ngon lành. Anh tài xế - người Thái, ở Kẻ Bọn, huyện Quỳ Châu, người cầm lái đưa chúng tôi đi - cho biết, đến bản Hốc vẫn là bản gần, xa nhất là bản Cướm cách trung tâm xã 7km mới đi được bằng xe máy, nhưng rất khó khăn.

Không chỉ riêng Diên Lãm, nhiều vùng bản người Thái, tên bản, tên mường đều gắn liền với tên khe, suối, tên núi, hay một đặc điểm địa hình, di tích nào đó ở địa phương. Chẳng hạn: Bản Na Lạnh, ‘lạnh” nghĩa là khô hạn, tức là bản “ruộng khô” thiếu nước. Bản Cướm, bắt nguồn từ sự tích ngày xưa trong bản có một cây trám rất to, tiếng Thái gọi cây trám là “cò cướm” và nơi suối nước chảy qua gọi là “Huổi Cướm”...

Riêng bản Hốc được giải nghĩa: “Hốc” là loại cây cùng họ với mét, lùng, có măng ăn rất ngọt và thơm. Hốc được gọi theo tên con suối bắt nguồn từ núi Pù Hốc chảy qua bản. Bản Hốc lọt thỏm giữa thung lũng nhỏ, bao quanh là những dãy núi cao.

Theo các già bản, ngày trước khi vùng đất này còn rất rậm rạp hoang vu và nhiều thú dữ, hai đàn ông người Thái họ Quang và Lương dẫn gia đình cùng bà con anh em cùng họ đi tìm vùng đất mới làm ăn. Đến thung núi này thấy đất đai tốt tươi, màu mỡ, hai dòng họ Quang và Lương đã dừng chân, cùng nhau lập bản dựng mường khai phá đất đai trồng lúa, trồng ngô, sắn...

Trải qua bao đời nay, hai họ đoàn kết chung lưng đấu cật xây dựng bản mường. Rồi trải qua nhiều đời, hai họ sinh sôi nảy nở. Nhưng trước nguy cơ rừng bị cạn kiệt, người đẻ mà rừng thì ngày một thu hẹp, rồi không biết tự bao giờ, bản Hốc đã có một một hương ước bất thành văn, với những quy định để bảo vệ rừng được người bản Hốc truyền giữ.

Hương ước quy định: “Các gia đình khai thác gỗ chỉ khi có nhu cầu tối thiểu là làm nhà, nhưng với điều kiện phải được bà con trong bản đồng ý. Gỗ khai thác không được trao đổi, mua bán ra khỏi phạm vi của bản, mà chỉ đủ làm một nếp nhà sàn hay kê đất... tùy khả năng kinh tế mỗi gia đình đó”.

Hương ước không thành văn, nhưng được lưu truyền và được dân bản thực hiện nghiêm túc nhiều đời nay. Gặp anh Lương Văn Thân - người vừa xin phép vào rừng của bản khai thác gỗ về sửa chữa lại ngôi nhà đã cũ nát. Anh cho biết: “Trước khi chuẩn bị sửa chữa thay thế một số đồ gỗ ngôi nhà cũ đã bị mối mọt, gia đình phải xin phép trưởng bản, rồi đưa ra họp, được cả dân bản nhất trí cho mới được vào rừng chặt gỗ. Rừng của bản bây giờ gọi là “rừng cộng đồng”.

“Rừng cộng đồng” được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ cho phép những ai thực sự có nhu cầu làm nhà ở và chỉ được phép chặt những loại gỗ đã quy định, khi chặt không gây đổ, gãy hư hỏng các cây con... Tuy gần Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, nhưng không ai vi phạm khai thác lâm sản trái phép. Nếu ai cố tình vi phạm luật lệ của bản sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí đuổi khỏi bản”.

Trưởng bản Lương Văn Thuận cho biết: Khu “rừng cộng đồng” có tổng diện tích hơn 100ha, phạm vi giới hạn được tính ở khu vực xung quanh hai ngọn núi Pù Hốc, Pù Toóng và hai khe Huôi Tán, Huôi Mạ - vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Theo chân trưởng bản Lương Văn Thuận vào tham quan rừng. Đi sâu vào rừng thấy vẫn còn những gốc sến, táu, de, giổi... cổ thụ to ba, bốn người ôm không xuể. Xen lẫn rừng gỗ quý là ngút ngát rừng nứa, cọ...


Trưởng bản Hốc Lương Văn Thuận đi kiểm tra "rừng cộng đồng"

Chưa thoát khỏi tốp “bốn không”
Nói về Diên Lãm, Bí thư Đảng ủy xã Lương Ngọc Thanh cho biết: Trước năm 1945, Diên Lãm thuộc xã Hùng Chân, tổng Tuyền Nham, phủ Quỳ Châu. Năm 1961, xã Diên Lãm thuộc xã Châu Hoàn. Do địa bàn xã Châu Hoàn quá rộng, lại bị dãy núi Pù Hốc ngăn cách thành hai vùng cách biệt, gây khó khăn rất lớn cho công tác tổ chức, quản lý, nên năm 1969 được chia thành hai xã Châu Hoàn và Diên Lãm cho đến tận bây giờ.

Tên gọi Diên Lãm được người dân bản địa giải thích rằng: Thuở xưa, khi vùng đất “thâm sơn cùng cốc” này đang còn là rừng rậm hoang vu, có một cặp vợ chồng từ miền tây Thanh Hóa tìm vào đây khai phá đất đai, lập thành làng bản; người chồng tên Diên, người vợ tên là Lãm. Để ghi nhớ công ơn của hai người, dân bản đã lấy tên của họ đặt cho vùng đất này là Diên Lãm.

Hiện nay Diên Lãm có 12 bản, là địa phương còn một diện tích rừng khá lớn, chiếm trên 86% diện tích tự nhiên, với nhiều loài gỗ quý như: Hoàn linh, kiền kiền, giổi, lim, sến, táu... và nhiều loại cây dược liệu có giá trị: Sa nhân, thiên niên kiện, hoài sơn, quế...

Ở đây còn có các loài thú quý hiếm như: Voi, hổ, nai, chim công, chim trĩ... Năm 2009, các nhà khoa học thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên khảo sát vùng rừng thuộc địa phận Diên Lãm, đã phát hiện được hai đàn vượn đen má trắng và một đàn voọc xám. Đây là hai loài động vật rừng quý hiếm, lần đầu tiên được phát hiện tại khu bảo tồn này, hiện có nguy cơ tuyệt chủng.

Đất ruộng lúa nước ít, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi, nên mọi hoạt động kinh tế ở Diên Lãm gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính của người dân dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, khai thác lâm sản, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Do vậy, rừng là một trong số ngành kinh tế mũi nhọn của Diên Lãm, vì thế rất được coi trọng và có kế hoạch cụ thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc, trồng mới cũng như khai thác lâm sản.

Trong tổng số hơn 12.000ha rừng và đất rừng ở Diên Lãm, hơn 9.000ha do lâm trường Hùng Chân quản lý; gần 3.000ha do các hộ gia đình ở địa phương quản lý. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ở Diên Lãm còn gặp trở ngại, đó là việc một số hộ dân cư người địa phương còn có tập tục phát rừng làm rẫy, săn bắt trái phép...

Do vậy, mô hình “rừng cộng đồng” ở bản Hốc đã có tác dụng giáo dục rất lớn đối với đời sống nhân dân. Huyện Quỳ Châu đã lấy mô hình này làm mô hình “dân vận khéo” về công tác tuyên truyền đoàn kết bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, góp phần đưa nghị quyết của Đảng các cấp vào cuộc sống.

Bên chum rượu cần, Bí thư Chi bộ bản Hốc Quang Văn Đồng kể cho chúng tôi nghe chuyện 11 đảng viên trong chi bộ là những hạt nhân tiên phong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bằng khai hoang ruộng lúa nước, xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Rồi chi bộ phân công đảng viên khá giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo. Điển hình trong năm 2013, đảng viên Lương Văn Phúc đã giúp hộ ông Quang Văn Hùng thoát nghèo bằng việc cụ thể là hướng dẫn gia đình ông Hùng khai hoang làm ruộng nước, cho thu hoạch 1 tấn lúa/vụ, cùng với đó kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt...

Chi bộ cũng đã chỉ đạo tuyên truyền nhân dân trong bản xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bản Hốc là bản đầu tiên trong các bản thuộc 3 xã vùng trong của huyện Quỳ Châu được công nhận Làng văn hóa. Từ bản Hốc, xã Diên Lãm đã xây dựng thành công 6 làng văn hóa trong thời gian qua.

Chia tay bản Hốc trong buổi hoàng hôn, các nóc hộ đã bắt đầu lên đèn. Nhìn những ánh đèn dầu leo lét giữa đại ngàn, lại nhớ lời Bí thư Đảng ủy xã Lương Ngọc Thanh: “Từ ngày đất nước đổi mới đến nay, đời sống của người dân Diên Lãm đã có rất nhiều khởi sắc, tuy nhiên khó khăn vẫn còn rất lớn. Đến nay, Diên Lãm vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa phủ sóng truyền hình và điện thoại. Như vậy, xã vẫn chưa thoát khỏi tốp “xã bốn không”. Chúng tôi thầm mong cho bản Hốc và tất cả các vùng bản thuộc 3 xã vùng sâu, vùng xa này của huyện Quỳ Châu sớm xóa được tên gọi không mấy vui đó.

Theo Lao Động.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top