• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

VKSND Tối cao chỉ đạo kiểm tra làm rõ…

HMO

Administrator
Staff member
Sau bao nhiêu sự chờ đợi của nguyên đơn cũng như sự quan tâm của công luận, ngày 26-4-2013, TAND huyện Quỳnh Lưu đã đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản” ra xử lại.


Nhưng chưa đầy 10 phút, phiên tòa đã được HĐXX thông báo hoãn…

Vụ án được tóm tắt như sau: Năm 2009, ông Trần Xuân Lập, 75 tuổi, trú tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu làm đơn khởi kiện ông Lê Duy Nguyên (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Nghệ An, GĐ doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên) ra TAND huyện Quỳnh Lưu để đòi lại 36,5ha rừng ông Lập đứng tên trong sổ Lâm bạ bị ông Nguyên chiếm dụng. Vì tuổi cao sức yếu, lại bị điếc 2 tai nên ông Lập ủy quyền cho con trai là anh Trần Xuân Nam tham gia tố tụng.

HĐXX TAND huyện Quỳnh Lưu đã quyết định hoãn xét xử phiên tòa ngày 26-4-2013 bởi việc thay đổi Hội thẩm nhân dân không đúng luật định.

Ngày 28-12-2011, TAND huyện Quỳnh Lưu đưa vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản" ra xét xử. Trước HĐXX, ông Lê Duy Nguyên thừa nhận đã tự ký chữ Lập và nhận sổ Lâm bạ số 02 của ông Trần Xuân Lập. Bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng, sản xuất kinh doanh đất trồng rừng có chữ ký của ông Lập do ông Nguyên đưa ra đã được Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng kết luận: Chữ ký đó so với chữ ký mẫu của ông Lập không phải của cùng một người. Với những chứng cứ rõ ràng về việc giả mạo chữ ký, giả mạo giấy tờ của ông Nguyên nhưng sau đó, TAND huyện Quỳnh Lưu lại hoãn phiên xét xử.

Ngày 26-3-2012, vụ án được đưa ra xét xử trở lại. Tất cả những người tham dự phiên tòa đều ngỡ ngàng khi chủ tọa - thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp tuyên bố đình chỉ vụ án sau hơn 2 năm thụ lý. Nhận được kháng cáo của nguyên đơn, TAND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 01/2012/QĐKDTM-PT ngày 25-7-2012 khẳng định: "Quyết định đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật tố tụng dân sự", và quyết định: "Hủy toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 03/2012/QĐST ngày 27-3-2012 của TAND huyện Quỳnh Lưu, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết theo quy định". Theo đó, TAND huyện Quỳnh Lưu ấn định ngày xét xử vụ án vào 26-4-2013.

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, anh Trần Xuân Nam phát hiện trong Quyết định số 66/2013/QĐXX-DS của TAND huyện, thấy ông Hồ Hữu Thỏa, hội thẩm của HĐXX cũ tại phiên tòa ngày 26-3-2012 vẫn tiếp tục tham gia HĐXX lần này nên đã có đơn yêu cầu thay đổi hội thẩm vì vi phạm khoản 3 Điều 47 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ngày 22-4-2013, Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 01/2013/QĐ-CA thay đổi ông Hồ Hữu Thỏa bằng bà Lê Thị Thường làm hội thẩm. Tuy nhiên, trong phiên xử ngày 26-4, ông Nguyễn Anh Sơn - chủ tọa phiên tòa - lại tuyên bố do bà Thường có việc đột xuất vắng mặt nên quyết định thay bằng bà Phạm Thị Lan.

Về việc thay đổi Hội thẩm nhân nhân của TAND huyện Quỳnh Lưu, Luật sư Lương Quang Tuấn (bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn) khẳng định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì Hội thẩm tham gia xét xử phải được đọc, được nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. “Ở đây, bà Phạm Thị Lan vừa mới được thay trong buổi sáng thì hiểu được gì để ngồi vào ghế hội thẩm?", người bảo vệ quyền hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị hoãn phiên tòa.

Sau ít phút hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào thời gian khác. Ngay sau khi phiên tòa bị tạm hoãn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Ngọc Tiếp, Phó Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu. Với những câu hỏi chúng tôi đặt ra như: Một vụ án với nhiều tình tiết không quá phức tạp nhưng tại sao lại kéo dài quá lâu, gây những tổn thất về tinh thần không nhỏ cho cả nguyên đơn lẫn bị đơn và gây nhiều bức xúc trong dư luận? Khi TAND tỉnh Nghệ An ra quyết định hủy toàn bộ quyết định trái pháp luật của HĐXX mà ông Tiếp là chủ tọa, bản thân ông có suy nghĩ gì? TAND huyện Quỳnh Lưu đã có những rút kinh nghiệm ra sao về mặt nghiệp vụ…?, ông Hồ Ngọc Tiếp xin… khất và “hẹn trả lời vào một dịp khác”.

Diễn biến mới nhất của vụ án là ngày 29-4-2013, VKSND Tối cao đã có chỉ đạo, yêu cầu VKSND tỉnh Nghệ An kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách và Vụ 12, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi, về nội dung báo chí phản ánh: “Tháng 1-1993, ông Trần Xuân Lập, trú tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được cấp 36,5ha đất rừng, đã có sổ Lâm bạ cấp ngày 10-1-1993, con trai của ông Lập là anh Trần Xuân Nam được giao 84,5ha. Đến ngày 10-2-1993, ông Lê Duy Nguyên đã có hành vi làm giả nhiều tài liệu, giấy tờ với nội dung: Bố con ông Lập tự nguyện giao số đất này cho ông Nguyên, ký giả chữ ký của ông Lập. Tuy vậy, chính quyền xã, huyện đều ký xác nhận vào văn bản giả mạo này và giao đất cho ông Nguyên, khiến bố con ông Lập bị mất toàn bộ số đất được giao.

Ông Nguyên cũng đã thừa nhận hành vi giả mạo này. Vụ việc này rõ ràng đã cấu thành tội làm giả hồ sơ tài liệu để chiếm đoạt đất rừng của công dân nhưng CA huyện Quỳnh Lưu không khởi tố vụ án hình sự”.
Trao đổi với PV, ông Hồ Ngọc Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết đã nhận được phản ánh của báo chí về vụ việc trên. Theo đó, UBND huyện đã giao cho Phòng TN&MT huyện kiểm tra, báo cáo và đang chờ phán quyết của tòa, nếu có cán bộ sai phạm sẽ kiên quyết xử lý. Ông Dũng cho biết: “Ngày 22-4-2013 Phòng TN&MT có báo cáo số 241/TNMT khẳng định ngày 10-1-1993, UBND huyện Quỳnh Lưu có cấp Lâm bạ số 02 cho ông Trần Xuân Lập tại xã Quỳnh Lập, thuộc TK 340A, diện tích 36,5ha. Hiện nay, sổ Lâm bạ mang tên ông Lập đang lưu trữ tại Phòng TN&MT, sổ có màu trắng nhưng do thời gian sổ Lâm bạ trên đã bị hoen ố”.
ĐA nguồn PL & XH.
 

HMO

Administrator
Staff member
Theo nhận định của kháng nghị, bản án của TAND huyện Quỳnh Lưu đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung của vụ án.
Liên quan đến vụ án này, Báo đã có loạt bài phản ánh về việc ông Lê Duy Nguyên (chủ một doanh nghiệp địa phương) đã giả mạo chữ ký để chiếm đoạt 36,5 ha rừng của gia đình ông Trần Xuân Lập (75 tuổi, trú tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu). Bất bình về việc này, ông Lập đã khởi kiện ra tòa. Trong quá trình xét xử, nhiều nhân chứng khẳng định diện tích 36,5 ha rừng được Nhà nước cấp cho gia đình ông Lập theo đúng các trình tự của pháp luật. Thậm chí, bản thân ông Nguyên cũng thừa nhận đã tự đến các cơ quan chức năng ký và giữ sổ Lâm bạ số 02 mang tên ông Lập nhiều năm qua. Thế nhưng, bất chấp sự thật được phơi bày, tại phiên xét xử, TAND huyện Quỳnh Lưu vẫn bác đơn khởi kiện của ông Lập.

Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định kháng nghị số 1063/QĐ/VKS-P5 đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm Số 11/2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu. Bản kháng nghị nhận định, Tòa đã vi phạm quy định về người tiến hành tố tụng; xác định bị đơn chưa thống nhất; không đưa người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; vi phạm trong việc giải quyết án phí; bản án sơ thẩm đã áp dụng không đúng điều luật khi xét xử vụ án này.
Bản kháng nghị cũng chỉ rõ: “TAND huyện Quỳnh Lưu đã giải quyết vụ án không căn cứ vào những tình tiết khách quan có trong vụ án và không phù hợp với quy định của pháp luật. Bản án chỉ dựa vào việc ông Nguyên đi nhận sổ Lâm bạ và ký tên ông Lập vào sổ Lâm bạ trong khi không thu thập được hồ sơ xin cấp đất của ông Lập để xác định Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu giao đất rừng cho gia đình ông Lập đã vi phạm về trình tự thủ tục giao đất, cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 30-HĐBT ngày 23/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng là chưa phù hợp”.
Sau khi chỉ ra hàng loạt những sai phạm trên, Bản kháng nghị khẳng định: Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên đã vi phạm pháp luật dân sự cả về nội dung và thủ tục tố tụng. Những vi phạm này là nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần áp dụng khoản 3 Điều 275, Điều 277 BLTTDS để hủy bản án sơ thẩm”.
Hy vọng với bản kháng nghị trên, ông Trần Xuân Lập sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top