• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Văn Hóa: Xót xa phế tích Mộng Thương thư trai

HMO

Administrator
Staff member
Đổ nát, hoang tàn…là những gì người ta chứng kiến khi đến thăm khu di tích lịch sử Mộng Thương thư trai – từng vang bóng một thời, là thư viện lớn nhất nhì của đất học xứ Nghệ Tĩnh vào cuối thế kỷ XIX.

Nhìn từ xa người ta chỉ nghĩ đây là một ngôi nhà bỏ hoang

chứ không phải là một di tích lịch sử cấp tỉnh
Thư viện bậc nhất xứ Nghệ
Mộng Thương thư trai nằm trong quần thể khu di tích "Chi Gia Trang” tọa lạc tại thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Vào khoảng thế kỷ XIX, cùng với Long Cương tàng thư của Cao Xuân Dục ở Diễn Châu, Mộng Thương thư trai của dòng họ Nguyễn Đức lục chi được xem là 1 trong 2 thư viện gia đình lớn bậc nhất xứ Nghệ lúc này. Sự ra đời của Mộng Thương thư trai gắn liền với nhà yêu nước Nguyễn Hiệt Chi còn gọi là Nguyễn Đức Thuận, hiệu Mộng Thương (1870 – 1936).
Mộng Thương thư trai là nơi tập hợp nhiều loại sách quý hiếm nên thu hút nhiều bậc hiền nhân từ khắp nơi đến đọc và nghiên cứu. Trong đó có PGS Vũ Ngọc Khánh người Nghi Xuân, đã ở trong nhà hàng tháng để đọc, hay như ông Đặng Giá, sau này là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ và ông Nguyễn Chung Anh, sau này là Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Bộ Ngoại thương, đều là những độc giả thường xuyên của thư viện.
Đặc biệt đây còn là nơi từng lưu giữ những bộ sách quý như toàn bộ di cảo của Nguyễn Trường Tộ, toàn bộ di cảo của Nguyễn Du, "Giới hiên thi tập” của Nguyễn Trung Ngạn... Mục đích của những người sáng lập ra thư viện này là để mở mang dân trí trong vùng, một điều mà lúc đó thực dân Pháp cấm đoán. Với những ý nghĩa như vậy tháng 1/2005 Mộng Thương thư trai, cùng với nhà thờ của dòng họ Nguyễn Đức lục chi, được cấp giấy chứng nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.

Ngậm ngùi phế tích…
Nhưng giờ đây, đến Mộng Thương thư trai ít ai có thể tưởng tượng được đây từng là một di tích lịch sử. Nếu không có sự chỉ dẫn của anh Nguyễn Đức Dũng – người trông coi quần thể di tích Chi Gia Trang thì có lẽ chúng tôi chỉ nghĩ đó là một ngôi nhà đã bị bỏ hoang hàng chục năm.
Sát bên khu nhà thờ của dòng họ Nguyễn Đức được xây dựng kiên cố, Mộng Thương thư trai đứng lạc lõng, mục nát, xiêu vẹo. Ngay phía lối đi vào, chỉ là 2 bức tường rời rạc dựng lên đã hư hỏng nặng, phía bên trái còn bị sụp một góc lớn… Lối ra vào cũng không còn bậc thang nào được vẹn nguyên, ngay cổng chính là một ổ voi khá lớn nằm chềnh ềnh… 4 phía xung quanh nơi nào cũng là dấu vết của sự xuống cấp. Có chăng còn lại là dòng chữ ghi niên hiệu Bảo Đại và con số 1930 ( năm xây dựng Mộng Thương thư trai) là còn nguyên vẹn. Bên trong ngôi nhà lại càng mục nát hơn. Mạng nhện, rễ cây đan xen chằng chịt khắp nơi. Phía gian phòng sau cùng, được người dân trưng dụng làm nơi để rơm rạ.
Theo ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Ích Hậu, giá trị lịch sử của "Mộng Thương thư trai” là rất lớn. Khu di tích này không chỉ xứng đáng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh mà có thể ở mức cấp Quốc gia.Vậy mà giờ đây khu di tích đang bị bỏ quên và xuống cấp trầm trọng. Xã đã nhiều lần đề xuất lên cơ quan cấp huyện, sở ban ngành để cho trùng tu lại. Năm 2010, sở VHTT&DL có hỗ trợ 30 triệu để trùng tu khu di tích nhưng vì kinh phí quá ít ỏi so với tổng kinh phí phải bỏ ra để tu sửa hoàn thiện nên xã đã trả lại. "Kinh phí của xã hàng năm chỉ gói gọn trong 400 triệu nên không đủ khả năng để có thể trùng tu…”- ông Bắc bảo vậy.
Hiện tại, di tích Mộng Thương thư trai đang đứng trước nguy cơ đổ sụp bất kỳ lúc nào. Nếu không được "cứu” kịp thời, e trong tương lai không xa Mộng Thương thư trai cũng sẽ không còn ai biết đến.
Theo ĐĐK.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top