• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quế Phong Vịt trời đã “bay” về nhà

HMO

Administrator
Staff member
Sau 5 tháng chăm bẵm, đàn vịt trời ngót một nghìn con của anh Thái Văn Diệu ở bản Đan, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong đã “đủ lông đủ cánh”. Theo cách ví von đầy chất thơ của chị Hoa - vợ anh - là “vịt trời đã bay về nhà”.

Mỗi con vịt trời được bán với giá 280.000 đồng, theo anh Diệu đó là mức giá vừa phải.
Con vịt xe duyên…
Ngay cửa ngõ huyện Quế Phong, dưới chân cầu Châu Tiến, bên dòng Nậm Việc có một cơ ngơi rất khang trang, ai ngang qua cũng phải trầm trồ “ngước nhìn”. Đó là “dinh” của gia đình anh Thái Văn Diệu. Anh Diệu người dưới xuôi, lên Quế Phong lập nghiệp từ năm 1993. Cái duyên để anh gắn bó với mảnh đất này thật tình cờ, nhưng lại không dứt ra được. “Do con vịt xe duyên nên tôi chọn vùng đất này để mưu sinh” - anh Diệu mở đầu câu chuyện.
Sinh ra lớn lên ở vùng chiêm trũng Yên Thành, anh Diệu đã sớm gắn bó với nghề chăn vịt. Anh nuôi vịt chạy đồng, hàng nghìn con, nổi tiếng đến mức, hễ nhắc đến tên Diệu “vịt” là ai cũng biết. Từ những năm 1988, anh Diệu đã chễm chệ trên “con” Simson đỏ chót, sau xe được gắn hai chiếc sọt, lượn khắp huyện Yên Thành, sáng ra đi, chiều về đầy ắp trứng. Vịt của anh Diệu nhiều đến nỗi không tính bằng số con mà tính bằng sức ăn, mỗi ngày ăn hết hơn nửa tấn thóc. Bước sang những năm 1990, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo mạnh, giá thóc tăng vụt. Đàn vịt hàng nghìn con của anh Diệu do thiếu thức ăn nên đã vơi dần rồi tan tác. Cái giống vịt đẻ, khi đã thiếu ăn thì cũng nghỉ đẻ luôn. Những con vịt giống cuối cùng anh cố giữ để chờ thời cũng phải đem bán nốt vì không thể kham nổi.
Trắng tay, ông chủ Diệu làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Trước khi xuất ngoại, chàng rể ngược huyện Quế Phong để chào từ biệt bố mẹ vợ. Vài ngày ở lại Quế Phong, anh đã phát hiện ra vùng đất này có những “quả trứng vàng” mà không phải ai cũng biết. Ngay lập tức, anh Diệu có một quyết định mà ngay cả vợ anh cũng không tin là sự thật: Huỷ xuất ngoại, chuyển nhà lên Quế Phong sinh sống!
Những “quả trứng vàng” mà anh Diệu phát hiện chính là giống vịt bầu Quỳ, nức tiếng cả nước. Bấy giờ, giống vịt quý này đang bị mai một, nếu bảo tồn, nhân giống thành công thì đúng là quý hơn vàng. Sau khi quyết định ở lại bản Đan, anh Diệu đã khăn gói đi hết bản này đến làng khác tìm mua giống vịt bầu Quỳ, bất kể là trứng hay vịt. Tầm hết hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu mà số vịt cũng chẳng được bao nhiêu, anh sang cả Lào để tìm bằng được vịt quý. Anh cho biết: “Số lượng vịt bầu trong dân không còn đáng là bao, phải mất hơn một năm trời tôi mới gom được đàn vịt gần 100 con, rồi nhiều dần lên”. Đàn vịt của anh chẳng mấy chốc đã lên đến con số nghìn, vài nghìn... Thấy nuôi vịt hiệu quả, bà con thi nhau mua giống, lò ấp của anh Diệu vì thế mà phải liên tục tăng công suất. Giờ thì tiếng vịt bầu Quỳ của anh đã “quàng quạc” khắp các huyện miền Tây Nghệ An.
“Rước” vịt trời về nhà
Ngoài vịt bầu Quỳ, hiện anh Diệu còn có gần 1.000 con... vịt trời đã đến kỳ xuất chuồng. Vịt trời của anh Diệu được phân biệt trống, mái rõ ràng, con trống có mỏ màu xanh, con mái màu hồng. Sau 5 tháng, trọng lượng bình quân mỗi con là 1,5kg. Anh Diệu cho biết, vịt trời còn dạn hơn cả vịt nhà, rất thân thiện với con người. “Chuyện bắt đầu từ giữa năm 2013 - anh Diệu kể về cơ duyên mình đến với mấy con vịt trời - Lúc đó xem tivi, nghe bảo một thanh niên ở Bắc Giang là anh Tô Quang Dần (ở thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Ngạn), là người đầu tiên ở Việt Nam mình thuần dưỡng thành công giống vịt trời và hiện đang là tỉ phú nhờ vịt trời, máu nghề nghiệp trong người tui sôi lên. Lúc đó tui chưa biết kỹ thuật thuần dưỡng vịt trời ra răng, nhưng tui nghĩ, với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi vịt, mình có thể nuôi được vịt trời, đã có người làm được thì mình cũng làm được”.
Nói là làm, anh Diệu nhờ bạn hàng ngoài đó mua luôn 1.000 con giống với giá 50.000 đồng/con, mới một ngày tuổi. Và để “rước” được vịt về, kể ra cũng lắm công phu. Tháng 11 năm 2013, trời rét căm căm, vùng núi Quế Phong có hôm nhiệt độ xuống dưới 7 độ C, thế mà anh vẫn quyết định “rước” vịt về. Chị Hoa - vợ anh - đã hết lời can ngăn, rằng không thể bỏ ra cả đống tiền để nuôi vịt trời trong lúc chưa biết được thua thế nào. Nhưng đó là chuyện của năm cũ. Giờ gặp tôi, chị Hoa mặt tươi như hoa: “Chuyện cứ như mơ. Nên bỏ ra cả trăm triệu cùng bao nhiêu công sức mà đôi khi tui cứ ngỡ như là vịt trời tự nhiên bay về nhà mình vậy”. Anh Diệu thì hài hước: “Mình phải đưa bảo bối cuối cùng là uy tín hơn 30 năm nuôi vịt để thế chấp với vợ mới đón được vịt về đấy”.

Theo anh Diệu, bí quyết thuần dưỡng vịt trời nằm ở hai yếu tố, thức ăn và ánh sáng. Vịt được ăn thức ăn riêng ngay từ nhỏ nên không trở về môi trường hoang dã nữa. Và cũng ngay từ nhỏ, nó luôn sống trong môi trường có ánh sáng, do vậy mà cứ chiều đến, đèn điện sáng lên là chúng lại lũ lượt kéo nhau về chuồng. “Nuôi vịt trời không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng lại rất cần người có đức tính chịu khó, khát khao thoát nghèo. Nếu được tập huấn, chăm chỉ, kiên trì thì ai cũng nuôi được” - anh Diệu khẳng định.

Anh Diệu lại quay về với tháng 11.2013, khi anh “rước” đàn vịt trời từ Bắc Giang về nhà mình: Vịt giống mới một ngày tuổi, lại di chuyển quãng đường xa trong điều kiện giá lạnh, vả lại đợt đó một mình chưa có kinh nghiệm nên bị chết mất vài chục con. Để đón vịt trời, phải chuẩn bị công phu lắm, như chuẩn bị cho em bé chào đời vậy. Những đêm đầu không ngủ được đâu, phần vì phấn khích, phần phải chăm bẵm, theo dõi nó. Vịt chưa về đến nơi nhưng than củi đã chuẩn bị sẵn sàng, nhiệt độ trong chuồng phải luôn luôn ở mức 37 - 38 độ. Nửa đêm, nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp thì phải trùm thêm chăn lên chuồng để giữ ấm cho vịt. Nghe tiếng kêu là phải biết vịt đói hay là rét để mà tăng lượng thức ăn hoặc đốt thêm than... Ba ngày tuổi là phải tiêm phòng cúm cho vịt, một tháng tuổi lại tiêm phòng tụ huyết trùng. Vất vả nhất là giai đoạn khoảng 20 ngày đầu tiên, cho vịt ăn chẳng khác nào bón cháo cho trẻ, giai đoạn này vịt ăn thức ăn công nghiệp, sau đó mới cho ăn thóc, ngô...!
Nghe đến đây, chị Hoa lại dỗi chồng: “Anh ấy chăm vịt mà tôi phát ghen. Hễ vịt kêu là dậy, có đêm dậy 3 lần, hết đổ thức ăn, cho thêm nước rồi ủ thêm than. Đấy, cái chăn kia đang còn tốt thế mà anh nỡ lấy để trùm cho vịt...”. Anh Diệu chỉ cười, tiếp: “Không thể ngờ là vịt trời lớn nhanh như thổi, thân thiện hơn vịt nhà, đặc biệt là không có biểu hiện nào của bệnh tật, chẳng mấy nữa là xuất chuồng. Vịt trời không bán theo trọng lượng mà bán theo con. Mỗi con 280.000 đồng. Cả đàn vịt này có giá khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được kha khá...”.
Tôi hỏi về kế hoạch tiếp theo, anh Diệu không chút đắn đo: “Tôi sẽ ấp nở thành công giống vịt trời ngay tại đây!”.

“Huyện rất cảm ơn anh Diệu”
Ông Trịnh Xuân Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong - chia sẻ: “Huyện rất cảm ơn anh Diệu, đã tự mày mò tìm tòi, du nhập các mô hình chăn nuôi mới, không chỉ làm lợi cho gia đình anh mà còn làm lợi cho huyện, cho bà con. Trước đây, anh Diệu đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển giống vịt bầu Quỳ, nay anh lại thành công về dự án vịt trời. Tôi đã đến trang trại nhà anh Diệu để xem vịt trời, mê ly luôn. Từ thành công này của anh Diệu, năm nay chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi vịt trời ở xã Tiền Phong và tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng ra các xã khác. Theo tôi được biết, mỗi con vịt trời có giá 280.000 đồng, cao gấp 1,5 lần vịt bầu Quỳ, trong khi chi phí là tương đương”.

Lời bình:
Thái Văn Diệu - nhân vật ở phóng sự này từng khá giả nhờ nghề nuôi vịt đồng và cũng trắng tay bởi nghề nuôi truyền thống. Kịch tính của câu chuyện là vào thời khắc sắp sửa phải bỏ đồng để qua xứ người trong thân phận làm thuê, anh nông dân xứ Nghệ bỗng phát hiện ra giống vịt bầu Quỳ quý hiếm vẫn còn được nuôi rải rác ở một số vùng quê lân cận. Vậy là thay vì cuộc "đào tẩu", Thái Văn Diệu quyết định ở lại, chọn nghề nhân giống vịt bầu Quỳ làm kế thoát nghèo. Và không chỉ dừng lại với con vịt bầu Quỳ, nhân vật trong câu chuyện tiếp tục khai thông một nghề mới - nghề thuần dưỡng vịt trời - ở mảng nào, người nông dân biết liều với cái đầu chịu nghĩ đều toại chí. Tôi thích lối viết mộc mạc nhưng rất giàu hình ảnh của Phạm Việt Thắng: "Giờ thì tiếng vịt bầu Quỳ của anh đã quàng quạc khắp các huyện miền Tây Nghệ An"... Hóa ra, những lối thoát nghèo chẳng ở đâu xa lạ, nó nằm ngay dưới chân ta.
Nhà báo Ngô Mai Phong
Theo Lao Động.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top