• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Tìm lời giải cho “thừa” và “thiếu” giáo viên

HMO

Administrator
Staff member
Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình) là hình thành nhân cách và phát triển các năng lực cá nhân cho người học. Song nghịch lý ở chỗ, vẫn chưa có giải pháp cho việc “quy hoạch” và “đào tạo lại” đội ngũ giáo viên (GV) đáp ứng mục tiêu đó...

Giáo viên dạy học sinh phổ thông không dễ chuyển sang dạy mầm non.
“Nhức đầu” với bài toán phân bổ giáo viên
Hiện tại, cả nước có khoảng 1,2 triệu GV, trong đó số GV công lập dôi dư khoảng 26.750 người. Làm sao để giải được bài toán mất cân bằng trong phân bổ GV giữa các vùng miền, giữa các cấp học đã tồn tại trong nhiều năm là một câu hỏi khó giải, và điều đó hẳn nhiên trở thành một trong những thách thức cho việc đẩy mạnh đề án giáo dục phổ thông mới. Về vấn đề này, Th.s Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, tôi không biết sắp tới việc bố trí GV theo chương trình mới thế nào, nhưng việc chuyển GV dôi dư ở bậc THPT, THCS sang dạy tiểu học, mầm non có vẻ không ổn. Bởi lẽ, đào tạo ra một GV mầm non phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có hun đúc niềm yêu trẻ cho các cô giáo. Giờ chuyển GV bậc THCS, THPT vốn đã quen giảng dạy đối với các em đã bắt đầu trưởng thành, tâm lý cũng phát triển khá rõ ràng sang dạy mầm non thì liệu có đáp ứng yêu cầu?

Đồng quan điểm, thầy giáo Hoàng Nghĩa Dinh, Trường THCS Chu Văn An (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cũng chia sẻ, với những GV kỳ cựu có bề dày kinh nghiệm thì được ưu tiên giữ lại các trường phục vụ công tác giảng dạy theo chương trình phổ thông mới. Với các GV còn lại, việc chuyển sang dạy ở bậc tiểu học, mầm non khá khó khăn.

Tuy nhiên, ở góc độ các trường đào tạo giáo viên, bài toán đào tạo lại GV không phải không khả thi. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp, việc phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV phù hợp với sự đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình các ngành đào tạo GV dạy môn tích hợp là không khó. “Có thể bước đầu, các trường sư phạm cũng sẽ gặp một số khó khăn như sức ỳ trong nhận thức của một bộ phận giảng viên, nguồn lực vật chất và tài chính còn hạn hẹp, chưa tuyển được những người có năng lực phù hợp... Tuy nhiên, nếu chúng ta đã xác định GV là nòng cốt của đổi mới giáo dục thì chắc chắn phải làm nhanh, làm quyết liệt”, ông Đệ nói thêm.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Là ngôi trường đào tạo GV khá nổi tiếng khu vực phía nam, ĐH Đồng Nai cũng khá quyết liệt trong đào tạo GV đáp ứng chương trình phổ thông mới. Theo TS Đinh Quang Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thời điểm này ĐH Đồng Nai đang ráo riết thực hiện các nhiệm vụ chính như: Tiến hành đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người GV. Cụ thể là đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng GV và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện trong đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục phổ thông.

Để khắc phục dần những nghịch lý thừa và thiếu, TS Minh cho rằng: “Bản thân các trường sư phạm phải chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng, phương pháp học, nghiên cứu, tư duy, áp dụng kiến thức đã học vào công việc cụ thể; Rèn luyện các kỹ năng nghề, kỹ năng sống, đạo đức nghề nghiệp cho người học. Những điều này phải được cụ thể hóa ở chuẩn đầu ra các ngành đào tạo. Bên cạnh đó, các trường cũng cần đưa vào nội dung đào tạo các kiến thức thực tiễn từ các cơ sở giáo dục; các ngành đào tạo GV gắn kết chặt chẽ với chương trình phổ thông, nhằm chủ động trước một bước đối với nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng GV từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn”.

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Bách Việt nêu quan điểm: Công cuộc đổi mới lần này liên quan đến cả hệ thống giáo dục quốc dân. Riêng các trường sư phạm, nơi đào tạo đội ngũ nhà giáo thì cuộc đổi mới lần này lại mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, là giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của đổi mới giáo dục. Tất nhiên, để thực hiện tốt điều đó thì phía các cơ quan quản lý cần có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ. Chẳng hạn, cần nới rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường sư phạm; cho phép liên kết vùng trong đào tạo để tận dụng và phát huy thế mạnh của các trường. Tuy nhiên, quan trọng nhất Nhà nước cần có chính sách mới nhằm thu hút người giỏi vào học các ngành sư phạm, tập trung quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo sư phạm, cải thiện hơn nữa chế độ đối với GV, tạo cơ chế để tăng cơ hội việc làm đối với sinh viên sư phạm.

Nhiều tỉnh, thành có lượng dôi dư giáo viên THCS và THPT cao như: Thanh Hóa (2.188), Nghệ An (1.742), Quảng Nam (1.096), Thái Bình (1.224), Phú Thọ (1.191),... Và nhiều tỉnh còn thiếu GV mầm non như: TP Hồ Chí Minh (1.195), Thái Bình (1.500), Thanh Hóa (1.405), Nghệ An (3.328), Sơn La: (1.040), Bắc Giang (1.921),... Đối với tiểu học, một số tỉnh thiếu nhiều như TP Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196).

Theo Nhân Dân
 

Ads HMO

Ads HMO

Top