• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ "Tiếng trống" Văn Như Cương

HMO

Administrator
Staff member
PGS, TS Văn Như Cương là hình ảnh mẫu mực của một “ông đồ xứ Nghệ”. Thầy sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - nơi có truyền thống hiếu học, đã sản sinh ra nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng của đất nước.

Được đào tạo chuyên ngành về Toán học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã từng nhiều năm giảng dạy Toán học tại Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), đã viết tới khoảng 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Cuộc đời thầy Văn Như Cương dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo về Toán học của Việt Nam.

Nhưng nói đến thầy Văn Như Cương là nói đến một tư duy làm giáo dục. Thầy đã sáng lập ra Trường THPT Lương Thế Vinh - trường phổ thông dân lập đầu tiên. Ngôi trường dân lập ấy được thành lập vào năm 1989, khi mà tư duy trong ngành giáo dục hết sức cũ kỹ, giáo viên sống chật vật với đồng lương ít ỏi nên khó có thể tận tâm, tận lực cho các bài giảng. Lúc ấy, rất cần một luồng gió mới để nâng cao chất lượng dạy và học. Trường THPT Lương Thế Vinh là một "cơn gió mát" như vậy.


PGS, TS Văn Như Cương đánh trống khai giảng năm học mới.
Ý tưởng mở trường dân lập chẳng khác nào dấu hiệu của một “cuộc cách mạng” trong ngành giáo dục vào thời điểm đó. Tháng 8-1988, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hẳn một cuộc hội thảo để thầy Văn Như Cương lên thuyết trình về kế hoạch thành lập trường dân lập. Ngày 1-6-1989, sau nhiều khó khăn về quy chế, thuê mướn cơ sở vật chất, hợp đồng với các thầy cô giáo, về cả tư duy cũ của không ít lãnh đạo, UBND TP Hà Nội cũng đã ra quyết định cho phép thành lập Trường THPT Lương Thế Vinh. Thầy Cương chỉ mong có hơn 100 học sinh cho năm học đầu tiên. Ấy vậy mà khi trường vừa ra thông báo đã có tới 1.000 học sinh đăng ký. Trường phải tổ chức hẳn một đợt thi tuyển để chọn ra 800 em. Điều này chứng tỏ sự khát khao một mô hình giáo dục mới trong xã hội.

Ai đã từng đến Trường THPT Lương Thế Vinh đều cảm nhận được một không gian giáo dục kết hợp hài hòa giữa đạo học truyền thống và tư duy hiện đại. Việc tiên phong thành lập trường dân lập chứng tỏ thầy Văn Như Cương là người rất thức thời, hiểu rõ những quy luật của cuộc sống. Thế nhưng, sự thức thời ấy không gây ảnh hưởng tới cách sống đầy nguyên tắc của “ông đồ xứ Nghệ”. Với trường dân lập, ai cũng nghĩ số lượng học sinh là yếu tố quan trọng đầu tiên. Nhưng với thầy Cương, chất lượng giáo dục mới là yêu cầu tiên quyết.

Cứ đến mùa tuyển sinh, điện thoại của thầy Văn Như Cương lại trong tình trạng tắt máy. Thầy không muốn bất cứ mối quan hệ quen biết nào có thể tác động tới kỳ thi tuyển sinh, hay trong quá trình học tập, để kỳ thi luôn diễn ra nghiêm túc và công bằng nhất, những học sinh thi đỗ là những học sinh tốt nhất trong kỳ thi, việc đánh giá học sinh là đúng nhất.


PGS, TS Văn Như Cương và các học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, TP Hà Nội.
Tôi có người em họ, là đồng hương, hàng xóm ngay gần nhà thầy Văn Như Cương, từng theo học lớp tạo nguồn để thi vào Trường THPT Lương Thế Vinh. Sau mấy tháng dùi mài đèn sách ngày đêm, quên ăn, quên ngủ, em tôi vẫn thi trượt và không một tác động nào có thể giúp em vào được trường. Bởi thầy Cương luôn quan niệm, con người nên được đặt đúng chỗ, tùy theo năng lực của bản thân, khổ sở nhất là những em học sinh bị "đặt nhầm chỗ". Sự kỳ vọng thái quá của gia đình sẽ gây sức ép tiêu cực lên các em, khiến các em dễ rơi vào khủng hoảng, thất vọng với bản thân, sinh ra chán nản.

Bởi thế, tư tưởng giáo dục của thầy Văn Như Cương là đào tạo ra những học sinh tốt nhất. Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh luôn nổi tiếng học giỏi. Kỳ tuyển sinh đại học vừa rồi, 100% học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đỗ đại học. Thế nhưng với thầy Cương, học giỏi chưa phải là tất cả. Thầy không muốn tạo ra những học sinh có bộ óc siêu việt nhưng tâm hồn vô cảm, ích kỷ, lơ ngơ trước cuộc sống, ảo tưởng về bản thân, coi thường người lao động. Với thầy, học sinh trước hết phải học tập, rèn luyện để trở thành những công dân tốt, chăm chỉ, yêu thương gia đình, trân trọng giá trị của lao động, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có đóng góp cho xã hội... Đó mới là những giá trị để tạo ra nền tảng vững chắc cho xã hội.

Mỗi năm học mới, thầy Văn Như Cương lại đánh trống khai trường và dành thời gian nói chuyện với các em học sinh. Mỗi bài nói chuyện của thầy đều có chủ đề riêng, khi thì về tình yêu đất nước, về Trường Sa, Hoàng Sa, khi thì về tình yêu gia đình, khi thì về cách sống. Mỗi bài nói chuyện ấy đều là những bài học làm người, đều xuất phát từ một trái tim người thầy tràn ngập tình yêu thương, mong cho những học sinh của mình sẽ có cuộc sống tốt, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Những bài nói chuyện ấy luôn thổi bùng ngọn lửa trách nhiệm trong mỗi giáo viên và học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh.

Biết thầy Văn Như Cương bệnh nặng, hàng nghìn học sinh và giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh qua các thế hệ đã dấy lên phong trào gấp hạc trắng để chúc thầy bình an. Tin thầy Văn Như Cương mất vào sáng 9-10-2017 khiến biết bao người bàng hoàng, tiếc nuối. Giờ này, thầy Văn Như Cương đã cưỡi hạc trắng nhẹ bay về trời, nhưng hình ảnh thầy với bộ râu dài bạc trắng như một ông tiên và tiếng trống trường của thầy sẽ mãi còn trong tâm trí của mọi người.

Theo Hồ Quang Phương (qdnd.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top